Ngày đăng 27/05/2021 | 11:33 AM

Quản trị nước thông minh, nhu cầu cấp thiết tại Việt Nam

Lượt xem: 302  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Quản trị nước thông minh, nhu cầu cấp thiết tại Việt Nam


 

QUẢN TRỊ NƯỚC THÔNG MINH, NHU CẦU CẤP

 THIẾT TẠI VIỆT NAM

 


Diệu Thúy*

 

Mặc dù hệ thống Quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên nước của Việt Nam đã tương đối hoàn thiện và đồng bộ với nhiều văn bản pháp luật được ban hành. Dẫu vậy, để "hồi sinh các dòng sông" bảo đảm an ninh cũng như quản trị tốt nguồn tài nguyên nước, việc thực thi quy định pháp lý, triển khai các giải pháp để quản trị nước thông minh cần được thực thi mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.

THỰC TRẠNG TÀI NGUYÊN NƯỚC CỦA VIỆT NAM

Có thể thấy những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm tại các dòng sông đã diễn ra ở phạm vi rộng, tại hầu hết các địa phương, nhiều dòng sông đã trở thành “dòng sông chết”, nước mặt không có giá trị sử dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cũng như sản xuất của hàng vạn hộ gia đình sống ở khu vực gần đó.

Ô nhiễm sông, vấn đề nan giải

Việt Nam hiện có hơn 2.360 con sông, suối dài hơn 10km và hàng nghìn hồ, ao. Nguồn nước này là nơi cư trú và nguồn sống của các loài động, thực vật và hàng chục triệu con người. Tuy nhiên, những nguồn nước này đã và đang bị suy thoái và phá hủy nghiêm trọng do khai thác quá mức và bị ô nhiễm với mức độ khác nhau. Cụ thể, tình trạng ô nhiễm nước mặt các lưu vực sông diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là các sông: Nhuệ - Đáy, Bắc Hưng Hải, Cầu, Vu Gia - Thu Bồn, Đồng Nai - Sài Gòn diễn ra nghiêm trọng và tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu.

Nhiều nguồn nước mặt tại không ít dòng sông đã hết khả năng tiếp nhận chất thải, trong khi hàng ngày đang phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải từ sản xuất công nghiệp, nước thải sinh hoạt. Hệ quả là nhiều dòng sông không còn khả năng tự làm sạch và bị biến thành nơi dẫn, tiêu thoát và chứa nước thải.

Hiện nay, tại một số con sông chảy qua địa bàn Hà Nội như sông Tô Lịch, Sét, Lừ, Nhuệ, Kim Ngưu cho thấy, tại nhiều đoạn các sông này đều có màu nước đặc trưng là màu đen và có mùi hôi. Cụ thể, tại đoạn sông Nhuệ chảy qua làng Vạn Phúc, việc nước thải trong các cơ sở sản xuất không qua xử lý được thải ra đã gây ô nhiễm nguồn nước nặng nề. Không chỉ vậy, rác thải chất đống hai bên bờ sông và trôi nổi khắp trên mặt nước. Theo phản ánh của người dân các khu vực: Phú Diễn, Đại Mỗ, Vạn Phúc... từ nhiều năm nay, nguồn nước chảy theo dòng sông Nhuệ đã bị ô nhiễm nặng, khả năng tự làm sạch gần như không có, dẫn đến việc nước từ sông không còn đủ điều kiện cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân dọc theo hai bên bờ sông khu vực này.

Theo số liệu mới đây của Bộ Y tế, cứ trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người chết vì nguồn nước bẩn và vệ sinh kém chất lượng; số ca mắc ung thư tới 100.000 người. Trong đó, nguyên nhân tìm ra là do nguồn nước ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh và độ an toàn cho người sử dụng.

Từ nhiều năm nay, nguồn nước chảy theo dòng sông Nhuệ đã bị ô nhiễm nặng, khả năng tự làm sạch gần như không có

Dẫn đến nhiều hệ lụy

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm tại các dòng sông nói chung là do sự phát triển nóng về dân số, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng nhanh trong thời gian qua đã và đang gây sức ép đến môi trường nước trong các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi. Đặc biệt, quá trình phát triển sản xuất kinh tế, phát triển công nghiệp với sự gia tăng của hàng loạt nhà máy, xí nghiệp. Trong khi đó, tại hầu hết các địa phương, hoạt động sản xuất có những bước phát triển đáng kể, song công tác xử lý nguồn nước thải từ quá trình sản xuất còn nhiều hạn chế nên đã trở thành tác nhân gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tầng nước mặt trầm trọng.

Đối với các cơ sở sản xuất, do chạy theo lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp, nhà máy, làng nghề truyền thống… đã ngang nhiên xả thẳng nước thải sản xuất ra sông ngòi. Việc xả thải này diễn ra trong thời gian dài đã biến nước sông thành màu đen nghịt, bốc mùi hôi thối. Nhiều chất độc hại cản trở sự sống của các sinh vật và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, khiến cho nhiều dòng sông bị “bức tử”. Đó là chưa kể, lượng phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất sử dụng trong canh tác nông nghiệp quay lại chảy vào nguồn nước cũng được coi là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm các sông nghiêm trọng.

Tại nhiều diễn đàn về quản trị và bảo đảm an ninh nguồn nước, các chuyên gia về y tế và môi trường đều cho rằng, việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm tổn hại lớn đến sức khỏe con người bởi nước ô nhiễm, nước bẩn là tác nhân chính của hàng loạt bệnh dịch truyền nhiễm. Không chỉ vậy, sức khỏe cũng như chất lượng sống của người dân sống xung quanh khu vực sông có nguồn nước ô nhiễm luôn trong tình trạng đáng báo động, ngày càng có nhiều người mắc bệnh. Một trong những ví dụ điển hình phải kể đến về việc ảnh hưởng bệnh tật là tại địa bàn xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên - nơi có dòng Bắc Hưng Hải chảy qua, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư những năm gần đây khá cao, có xóm chiếm tỷ lệ 80/100 nóc nhà có người mắc ung thư...

Từ kết quả điều tra nghiên cứu về kiểm soát bệnh tật của cơ quan chức năng trong những năm qua tại một số địa phương trong cả nước cũng cho thấy, những ca mắc bệnh ung thư hay viêm nhiễm, tiêu hóa hay các bệnh về da thường cao hơn so với những nơi có nguồn nước sạch. Tỷ lệ người mắc bệnh thường chiếm tới 40 - 50% - một con số cực kỳ cao, đáng báo động khi nguồn nước sử dụng đang bị ô nhiễm. Một điều đáng lo ngại hiện nay là tỷ lệ người mắc các loại bệnh ung thư cao. Theo như nhiều nghiên cứu khoa học, người sử dụng nguồn nước có chứa lượng asen trong đó sẽ dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh ung thư rất lớn, thường gặp nhất là ung thư da.

MÔ HÌNH QUẢN TRỊ NƯỚC THÔNG MINH – NHU CẦU CẤP THIẾT

Trước thực trạng chất lượng nước mặt của các sông ngòi, kênh, rạch, đặc biệt tại các đô thị, khu công nghiệp bị suy thoái, gần như biến chất, ô nhiễm đã và đang diễn ra trên diện rộng; cùng với nó là tình trạng nhiễm mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Việc hướng tới hệ thống nước có tính thích ứng, sạch, an toàn, giải pháp quản trị nước thông minh cần được nghiên cứu, lựa chọn.

Việc hướng tới hệ thống nước có tính thích ứng, sạch, an toàn, giải pháp quản trị nước thông minh cần được nghiên cứu, lựa chọn

Ban hành hệ thống pháp luật đầy đủ

Từ năm 2013 đến nay, pháp luật bảo vệ môi trường nước bao gồm Hiến pháp năm 2013, Luật Tài nguyên nước năm 2012; Luật Tài nguyên nước năm 2017; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Bộ luật Hình sự năm 2015, nhiều văn bản hướng dẫn bảo vệ tài nguyên nước. Chẳng hạn, chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã ban hành 4 Nghị định, 19 Thông tư và quyết định của Bộ trưởng.

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa góp phần giảm lũ cho hạ du, cấp nước cho mùa cạn; kịp thời ban hành chính sách hạn chế khai thác nước dưới đất, từng bước đã giúp phục hồi nguồn nước; đưa ra phương pháp tính mức thu tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Châu Trần Vĩnh cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước là tương đối hoàn thiện và đồng bộ. Trong đó, quy định khá thống nhất về các hoạt động khuyến khích và hoạt động bị cấm trong bảo vệ tài nguyên nước, các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong việc bảo vệ tài nguyên nước cũng như hoạt động quản lý trong lĩnh này.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự ô nhiễm các dòng sông, kênh, rạch đã và đang diễn ra trầm trọng, thậm chí phổ biến trên diện rộng; mặt khác, xâm nhập mặn, hạn hán trong thời gian qua diễn ra tại một số khu vực đã khiến nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam ngày càng cạn kiệt và thiếu hụt nghiêm trọng. Theo PGS,TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) kiêm Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam: Với nhiều đô thị, những dòng sông đã trở thành linh hồn, là mạch nguồn sự sống nhưng quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa đã “bức tử” những con sông tự nhiên này.

Các chuyên gia về môi trường nhận định, ngoài nguyên nhân về biến đổi khí hậu, do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, việc xả thải thẳng trực tiếp nước một cách vô tội vạ, thiếu ý thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp... một trong những nguyên nhân khác là do một số nội dung pháp luật về bảo vệ môi trường nước còn chồng chéo, mâu thuẫn với nhiều Luật hiện hành liên quan. Cụ thể, về việc phân định thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong bảo vệ môi trường nước còn nhiều bất cập.

Một số nội dung pháp luật về bảo vệ môi trường nước còn chồng chéo, mâu thuẫn với nhiều Luật hiện hành liên quan

Quản trị nước thông minh

Để thực hiện mô hình quản trị nước thông minh, cơ quan quản lý cần xây dựng quy định thiết lập hệ thống giám sát online về chỉ số cấp nước và chất lượng nước của hệ thống cấp nước chia sẻ dữ liệu giữa Bộ Xây dựng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cấp nước. Đối với doanh nghiệp cấp nước cần tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng: Chuyển từ đồng hồ cơ sang đồng hồ điện tử; lắp đặt các thiết bị đo có tính năng truyền dữ liệu, lắp đặt các van giảm áp thông minh; số hóa công tác chi thu, hóa đơn điện tử, kết nối với khách hàng qua internet, đồng hồ thông minh, kết nối với trung tâm chi phí...

Tại buổi Tọa đàm khoa học “Ô nhiễm nguồn nước mặt” do Viện Nghiên cứu truyền thông và Phát triển (RED) phối hợp với Cơ quan truyền thông Đại sứ quán Pháp (CFI) tổ chức mới đây, TS Lê Thu Thủy - chuyên gia môi trường nước, giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong thời gian tới, giải pháp quản trị nước thông minh tại Việt Nam cần được nghiên cứu, lựa chọn. Mô hình này đang được triển khai nghiên cứu áp dụng ngày càng rộng rãi tại nhiều quốc gia. Theo đó, mô hình cho phép mô phỏng toàn hệ thống, quản lý tích hợp và hiệu quả, giảm chi phí nhân công, giảm điện năng tiêu thụ, tăng tuổi thọ thiết bị và công trình, giúp sớm phát hiện sự cố, ngăn chặn rò rỉ, thất thoát nước và chủ động có giải pháp sửa chữa, khắc phục, lên lịch bảo trì đường ống và chuẩn bị nguồn lực phù hợp. “Việc ứng dụng quản lý nước thông minh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn, từ góc độ đơn vị sản xuất, cấp nước, quản lý vận hành, chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh đến người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là công cụ hiệu quả để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, giám sát, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống cấp nước, triển khai giải pháp điều tiết nước phù hợp, tạo hành lang pháp lý phát triển quản trị nước thông minh”.

Công tác áp dụng quản trị nước thông minh góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước của khu vực và quốc gia, giúp điều tiết, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an toàn và an sinh xã hội. Những lợi ích do ứng dụng quản trị nước thông minh mang lại không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng. Do vậy, Nhà nước cần xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp, hướng dẫn thực hiện; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng quản trị nước thông minh, như có thể điều tiết trong khung giá nước, khuyến khích hỗ trợ giá khi nâng cao chất lượng dịch vụ...

Cơ chế này sẽ khuyến khích các đơn vị cấp nước chủ động, sáng tạo, ứng dụng các mô hình quản trị thông minh phù hợp trong thời gian tới, các giải pháp cấp thoát nước thông minh, ứng dụng thành quả của Cách mạng Công nghiệp 4.0 cho phép nâng cao chất lượng dịch vụ cấp thoát nước với chi phí hợp lý và giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Áp dụng quản trị nước thông minh góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước của khu vực và quốc gia, giúp điều tiết, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ sức khỏe cộng đồng


Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 302  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...