Ngày đăng 15/09/2021 | 04:20 PM

Giải pháp hoàn thiện văn bản pháp lý trong quản lý hệ thống giao thông công cộng đô thị tại Việt Nam

Lượt xem: 390  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Giải pháp hoàn thiện văn bản pháp lý trong quản lý hệ thống giao thông công cộng đô thị tại Việt Nam

Giải pháp hoàn thiện văn bản pháp lý trong quản lý hệ thống giao thông công cộng đô thị tại Việt Nam

TS. Lê Thị Minh Huyền

Tóm tắt: Hệ thống giao thông công cộng được rất nhiều các thành phố trên thế giới cũng như tại Việt Nam áp dụng nhằm giảm thiểu tình trạng ách tắc giao thông và ô nhiêm môi trường. Tại các đô thị ở Việt Nam, giao thông công cộng đã phát triển khoảng 30 năm trở lại đây và đã có những thành công nhất định.Các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý hệ thống giao thông công cộng cơ bản phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi, phát huy được tác dụng, góp phần bảo đảm hoạt động giao thông công cộng. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong quản lý hệ thống giao thông công cộng thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Bài báo đề xuất giải pháp hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật nhằm giúp cho các chủ thể, các nhà quản lý có công cụ quản lý hiệu quả hơn.

Từ khóa:Giao thông công cộng,quản lý, công cụ pháp lý, quy hoạch.

Abstract: The public transport system is applied by many cities around the world as well as in Vietnam to reduce traffic congestion and environmental pollution. In urban areas in Vietnam, public transport has developed for the past 30 years and has had certain successes. The legal provisions related to the management of the public transport system are basically in line with reality, feasible, effective, and contributing to ensuring public transport activities. In addition to the achieved results, the work of building and perfecting the law in the management of the public transport system in the past time still reveals some shortcomings and limitations. This article proposes solutions to complete legal documents to help entities and managers have more effective management tools.

Keywords: Public transport, management, tools, legal, planning.

Hệ thống giao thông công cộng (GTCC) là một phần của hệ thống giao thông đô thị, có khả năng vận chuyển rất cao, tốc độ lưu thông nhanh, số lượng phục vụ rất nhiều, đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận lớn hành khách.Từ đó, sẽ giảm số lượng các phương tiện lưu thông trên đường, giảm tình trạng ùn tắc giao thông, giảm diện tích đất hao tốn dành cho các phương tiện lưu thông và diện tích đậu xe, tiết kiệm chi phí đầu tư xã hội dành cho giao thông đi lại. Nếu công tác quản lý GTCC trong đô thị tốt sẽ khuyến khích mọi người sử dụng các phương tiện công cộng, tận dụng năng lực vận chuyển vốn có của chúng, đồng thời tiết kiệm thời gian, bảo vệ môi trường.

 

 Có rất nhiều loại hình GTCC tạo ra mạng lưới GTCC đa phương thức, gây tác động rất lớn đến đô thị

Quản lý hệ thống GTCC là công tác quản lý bao quát từ giai đoạn quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch đầu tư đến giai đoạn thiết kế, xây dựng và vận hành, theo dõi thu thập dữ liệu để thống kê, đánh giá kết quả hoạt động của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ GTCC, phương tiện, hệ thống quản lý và điều khiển GTCC.

Có rất nhiều loại hình GTCC tạo ra mạng lưới GTCC đa phương thức, gâytác động rất lớn đến đô thị. Một trong những công cụ chính để quản lý giao thông là công cụ pháp lý, giúp cho các nhà quản lý, công ty vận tải, nhà tư vấn (gọi chung là các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực GTCC) thực hiện công việc hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển của đô thị tại Việt Nam.Các công cụ pháp lý vừa phải đảm bảo chặt chẽ luật định, tính kỹ thuật, kinh tế vừa phải tạo ra những chính sách thu hút người dân, vừa hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của hệ thống GTCC.Trong nghiên cứu này, tác giảđã hệ thống hóa và phân tích đánh giá cácvăn bản pháp lý,các chính sách liên quan đến quản lý hệ thống GTCC, đặc biệt là đa phương thức vận tải trong thời kỳ phát triển đô thị thông minh. Từ đó, đưa ra giải pháp hoàn thiện công cụquản lý hỗ trợ cho các cấp chính quyền, các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực GTCChiệu quả hơn.

CÔNG CỤ PHÁP LÝ TRONG QUẢN LÝ HỆ THỐNG GIAO THÔNG CÔNG CỘNG

Công cụ quản lý hệ thống GTCC là các biện pháp hành động thực hiện công tác quản lý hệ thống GTCC của nhà nước, các tổ chức khoa học và sản xuất tác động lên mọi chủ thể trong hoạt động GTCC nhằm thực hiện mục tiêu quản lý [12]. Tại Việt Nam, các đô thị kiểm soát hệ thống GTCC bằng nhiều công cụ.Công cụ pháp lý là nhà nước định ra văn bản pháp luật nhưLuật, Nghị định, Thông tư, Quy chế, giấy phép…Các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng quyền hạn của mình để giám sát, kiểm soát, thanh tra và xử phạt để cưỡng chế mọi thành viên trong xã hội thực thi đúng các điều khoản trong pháp luật, quy chuẩn, quy định. Công cụ pháp lý được sử dụng rất phổ biến và chiếm ưu thế, tuy nhiên công cụ pháp lý hiện nay trong quản lý GTCC vẫn chưađủ mềm dẻo, hạn chế tính chủ động của người vận hành, ít áp dụng công nghệ nên cần nhiều nhân lực và hạn chế về mặt kinh tế, đặc biệt là tại các đô thị lớn muốn áp dụng công nghệ để phát triển giao thông thông minh.

Văn bản pháp lý liên quan đến quy hoạch hệ thống GTCC

 Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 quy định về hoạt động quy hoạch đô thị gồm lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị; tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Tuy nhiên, không đưa ra nội dung quy hoạch hệ thống giao thông công cộng đô thị [13].

Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 gồm sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng về Quy hoạch của Luật Xây dựng và luật Quy hoạch đô thị như:Làm rõ hơn các khái niệm và sửa đổi bổ sung thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Tại Luật này không bổ sung nội dung liên quan đến quy hoạch hệ thống GTCC [14]

 Thông tưsố 12/2016/TT-BXD quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù. Tại Điều 12 Mục 2 Chương II của Thông tư đưa ra quy định nội dung của hồ sơ đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tại Điều này đã nhắc đến khi thể hiện quy hoạch đô thị cần phải thể hiện nhà ga trung tâm vận chuyển hành khách; các tuyến vận tải hành khách công cộng chủ yếu, tuy nhiên chưa được làm rõ về nội dung thể hiện mạng lưới và các yếu tố tích hợp GTCC [7].

 Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng, QCVN: 01/2019/BXD. Quy định liên quan đến GTCC tại Mục 2.9.3.3 Mạng lưới giao thông vận tải hành khách công cộng(VTHKCC), với các nội dung: Tổ chức GTCC cho các đô thị loại III trở lên; Khoảng cách giữa các tuyến giao thông công cộng, mật độ, phương tiện, khoảng cách bến. Mục 2.9.3.4 Hệ thống đường sắt đô thị: Quy định giao nhau giữa đường sắt và các loại hình khác, sự kết nối từ ga đến khu vực lân cận [8].Các quy định được nhắc đến ngắn gọn, gây khó khăn khi triển khai thực hiện đặc biệt chưa có hướng dẫn kết nối các loại hình GTCC trong đô thị.

 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật mã số QCVN 07:2016/BXD. Quy chuẩn này gồm 10 phần quy định chi tiết những yêu cầu kỹ thuật phải tuân thủ khi đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và quản lý vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, trong quy chuẩn này không nhắc đến nội dung công trình GTCC đô thị [6].

Khi hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật thấy chưa đảm bảo tính hợp pháp và tính hợp lý, rất ít nhắc đến việc hướng dẫn thực hiện lập quy hoạch hệ thống GTCC, đặc biệt là quy hoạch hệ thống GTCC đa phương thức. Do đó, việc quản lý gặp khó khăn khi tiến hành lập và phê duyệt quy hoạch, hay không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật khi phát triển thêm các loại hình GTCC khác như xe buýt nhanh, đường sắt đô thị, dẫn đến sự không đồng bộ và giảm tính hiệu quả của các dự án GTCC.

Chính sách khuyến khích giao thông công cộng phát triển

Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, tại Điều 5 quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Điều 12 quy định thiết bị giám sát hành trình của xe. Điều 13 quy định điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. Chương 5quy định về cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu; công bố bến xe; đăng ký khai thác, ngừng hoạt động, đình chỉ khai thác tuyến vận tải hành khách cố định [11].

 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Tại Mục 5 Chương 2 quy định xử phạt vi phạm quy định vận tải đường bộ; Điều 31 quy định xử phạt nhân viên phục vụ trên xe buýt, xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông [10].

 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Tại Mục 3 quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định [5].

 Thông tư số 65/2014/TT-BGTVT về định mức khung kinh tế - kỹ thuật áp dụng cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Định mức khung kinh tế - kỹ thuật vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt [4].

  Các cơ chế chính sách hiện nay chủ yếu tập trung vào loại hình GTCC là xe buýt

Văn bản hợp nhất 14/VBHN-BGTVT năm 2015: Thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành. Nội dung quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Tại Mục 3 của Chương 2 quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt[2].

 Thông tư số 90/2015/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô khách thành phố. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật và việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô khách thành phố từ 17 chỗ trở lên[1].

 Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Quyết định nêu những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đầu tư phương tiện vận tải[17].

 Quyết định số 62/2009/QĐ-TTg về miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng;Quyết định 55/2012/QĐ-TTg sửa đổi việc miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). [15], [16].

Quyết định số 3446/QĐ-BGTVT năm 2016phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt đến năm 2020; Đề án đề ra mục tiêu và quan điểm để nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt đến năm 2020[3].

Từ các văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu hệ thống hóa những cơ chế chính sách như:Cơ chế chính sách miễn thuế giá trị gia tăng trong hoạt động VTHKCC bằng xe buýt là đối tượng được miễn thuế giá trị gia tăng; Chính sách giảm giá vé và miễn phí cho một số đối tượng sử dụng GTCC như học sinh, sinh viên, người khuyết tật, người lao động khu công nhân; Chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với phụ tùng, linh kiện để sản xuất lắp ráp xe buýt nếu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được; Miễn lệ phí trước bạ đối với phương tiện VTHKCC bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch; Chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng: Miễn tiền thuê đất xây dựng, trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe, cụ thể: Doanh nghiệp được nhà nước cho thuê đất để kinh doanh VTHKCC tại các quận, thành phố, thị xã thuộc các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê đất đối với diện tích để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa bãi đỗ xe phục vụ cho hoạt động VTHKCC. Đây là giải pháp kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, tuy nhiên khi triển khai áp dụng còn nhiều bất cập như việc miễn tiền thuê đất chỉ được áp dụng khi thuê đất của nhà nước, không được hỗ trợ khi thuê đất của tổ chức, cá nhân.

Về hình thức trợ giá: Trên địa bàn cả nước có 12 tỉnh, thành phố có hình thức trợ giá và hỗ trợ cho VTHKCC bằng xe buýt. Tổng số tuyến được trợ giá và hỗ trợ là 220 tuyến với tổng kinh phí khoảng 1.914 tỷ đồng [18], là các tuyến được khai thác bởi các doanh nghiệp nhà nước. Những tuyến được hỗ trợ giá vé có mức giá khá hợp lý, phù hợp với thu nhập người lao động (5.000-10.000VND/lượt), còn những tuyến không được trợ giá có giá vé cao, giá vé lượt trung bình tại các tỉnh có đô thị loại I là 19.122 VND/lượt, các tỉnh còn lại là 28.022/ lượt.

Sau khi phân tích tác giả thấy các cơ chế chính sách hiện nay chủ yếu tập trung vào loại hình GTCC là xe buýt, chưa có sự công bằng đối với các công ty VTHKCC tư nhân, chưa khuyến khích phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.

 Đề xuất ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, quy hoạch liên quan đến đường sắt đô thị, xe buýt nhanh

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Hoàn thiện, bổ sung nội dung liên quan đến quy hoạch hệ thống GTCC

a. Đề xuất bổ sung nội dung hướng dẫn lập và tổ chức quy hoạch hệ thống GTCC

Đề xuất các nội dung liên quan đến quy hoạch hệ thống GTCC trong văn bản Luật đối với các loại đô thị, cụ thể: Đối với đô thị loại III trở lên cần nghiên cứu lập quy hoạch hệ thống GTCC; Đối với đô thị loại I trở lên hướng nghiên cứu có tính đến tích hợp sử dụng đất và giao thông công cộng; Tích hợp đa phương thức.

Văn bản dưới Luật với mục tiêu là làm rõ các nội dung liên quan đến quy hoạch hệ thống GTCC và trình tự thực hiện như:

 Hiện trạng hệ thống GTCC đô thị, bao gồm các nội dung về đánh giá hiện trạng hệ thống GTCC: Mạng lưới tuyến, cơ sở hạ tầng, phương tiện, khối lượng vận tải công cộng và khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân. Các nội dung này được thể hiện bằng thuyết minh và bản vẽ, tỉ lệ bản vẽ theo đồ án quy hoạch.

 Quy hoạch hệ thống GTCC đô thị, bao gồm các nội dung:Định hướng tuyến trên bản đồ quy hoạch hệ thống giao thông; Căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất và định hướng phát triển không gian xác định các điểm thu hút và nơi có mật độ xây dựng cao.Dự báo nhu cầu vận tải GTCC của đô thị.Xác định các loại hình GTCC đô thị và các loại hình này tích hợp hay không tích hợp. Nếu tích hợp thì thực hiện theo khung hướng dẫn thực hiện.Thiết kế mạng lưới tuyến GTCC, xác định điểm tích hợp, điểm đầu và điểm cuối, điểm sửa chữa... Các nội dung này được thể hiện bằng thuyết minh và bản vẽ, tỉ lệ bản vẽ theo đồ án quy hoạch.

Đề xuất ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, quy hoạch liên quan đến đường sắt đô thị, xe buýt nhanh. Trong quy chuẩn, tiêu chuẩn cần có những quy định như: Yêu cầu kỹ thuật đối với các công trình GTCC, tuyến, làn xe hay cơ sở hạ tầng GTCC; Yêu cầu về trang thiết bị trên phương tiện; Khả năng tiếp cận GTCC của người khuyết tật.

Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn quản lý chất lượng, ban hành các tiêu chí quản lý chất lượng như: Tiêu chí về phương tiện, dịch vụ, thời gian…

Ứng dụng giao thông thông minh trong quản lý GTCC đang là một xu thế. Việt Nam khuyến khích ưu tiên thậm chí quy định áp dụng GIS trong quản lý giao thông thông minh. Tuy nhiên chưa có văn bản pháp lý nào hướng dẫn hay đưa ra các yêu cầu cụ thể. Vì vậy, cần nghiên cứu và đưa ra được các tiêu chí cần phải có khi áp dụng như: Dữ liệu GTCC (mạng lưới tuyến và đường sắt, điểm dừng, nhà ga…); Dữ liệu liên quan đến dịch vụ GTCC (phân đoạn hành trình, hành trình, tuyến, hành trình, phương tiện, dữ liệu kinh tế) và Dữ liệu phụ trợ (danh sách các nhà cung cấp dịch vụ, chế độ vận chuyển và định nghĩa loại vận chuyển...); Cho phép khách hàng được xây dựng, cập nhật theo mô-đun cho phép người dùng xem lại và chỉnh sửa dữ liệu trực tiếp trong cơ sở dữ liệu.

b. Khung hướng dẫn thực hiện tích hợp hệ thống GTCC cộng đa phương thức

Hiện nay, các đô thị thường phát triển GTCC bằng xe buýt trước, đường sắt đô thị và xe buýt nhanh phát triển sau.Với kinh nghiệm của các nước và xu hướng phát triển hiện nay, để quản lý hiệu quả cần tiến hành tích hợp hệ thống GTCC ða phýõng thức. Cần có những hướng dẫn cụ thể cho việc tích hợp ở thực trạng (còn gọi là tích hợp thực địa).

Ban hành khung tích hợp GTCC nhằm chỉ ra các bước cần thiết để khởi động quá trình tích hợp thực trạng hệ thống GTCC thành phố phù hợp với quy hoạch. Nó là một trong những công cụ hướng dẫn quan trọng giúp cho các nhà quản lý giảm khó khăn khi bắt đầu tích hợp GTCC, chi phí ở mức thấp nhất và dễ dàng nhất sau đó dần chuyển lên các giai đoạn tiếp theo và cuối cùng đạt được hệ thống GTCC tích hợp, có khả năng phục vụ rất nhiều các phương thức di chuyển khác nhau của người dân đô thị. Đề xuất thực hiện theo khung hướng dẫn không chỉ tạo ra được tích hợp hệ thống GTCC mà tạo ra được sự tích hợp trong quản lý. Khung tích hợp GTCC sẽ được xây dựng dựa trên 9 nội dung chính như: Phân tích bối cảnh liên quan: Phát triển đô thị, giao thông đô thị, giao thông công cộng đô thị; Đánh giá về kinh nghiệm tích hợp GTCC; Xem xét khung chính sách và quy hoạch cho phép tích hợp GTCC; Xác định tầm nhìn của tích hợp GTCC đô thị; Rào cản tích hợp GTCC; Mục tiêu của tích hợp GTCC; Lựa chọn hình thức tích hợp GTCC; Xây dựng kế hoạch hành động thực hiện tích hợp GTCC; Cơ chế giám sát và đánh giá.

 

 Việt Nam khuyến khích ưu tiên thậm chí quy định áp dụng GIS trong quản lý giao thông thông minh

Bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích hệ thống GTCC phát triển

Bổ sung cơ chế, chính sách nhằm đa dạng hóa việc huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế với nhiều hình thức khác nhau như: Vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn ngân sách đô thị, trái phiếu, các chương trình đầu tư phát triển GTCC đến từ quỹ đầu tư xã hội của các tập đoàn công ty lớn…hoặc trích một phần vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất và cho thuê đất tại địa phương.

Ban hành triển khai những cơ chế chính sách sau để giúp cho việc thu hút các doanh nghiệp tham gia vào vận hành khai thác hệ thống GTCC như:Cơ chế hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện GTCC; Chính sách trợ giá đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động VTHKCC thay vì chỉ trợ giá cho các doanh nghiệp nhà nước như hiện nay nhằm đảm bảo tính công bằng; Chính sách miễn, giảm tiền thuê bãi đỗ xe, trạm bảo dưỡng sửa chữa cho các doanh nghiệp kinh doanh VTHKCC; Xây dựng các phương án cho các doanh nghiệp sử dụng nguồn thu từ quảng cáo trên các phương tiện GTCC và trong các nhà chờ để hỗ trợ cho hoạt động GTCC; Tăng cường và ưu tiên đào tạo đội ngũ nhân lực quản lý, khai thác hệ thống VTHKCC, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao, có khả năng sử dụng khoa học – công nghệ mới, hiện đại trong công việc. Nâng cao năng lực bằng tổ chức các khóa đào tạo dài hạn, trung hạn, ngắn hạn về lĩnh vực GTCC ở trong và ngoài nước. Yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Các đề xuất trong bài báo góp phần hoàn thiện các văn bản pháp luật trong quản lý GTCC. Giải pháp là cơ sở để cho các cấp chính quyền, các nhà hoạch định chính sách ban hành văn bản pháp luật có tính pháp lý và tính hợp lý hơn, phù hợp thực tế và cụ thể hơn, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nâng cao hiệu quả kinh tế.Đây cũng là cách chúng ta hoàn thiện và đồng bộ dữ liệu để đưa vào hệ thống dữ liệu lớn của thành phố trong tiến trình phát triển giao thông thông minh, đô thị thông minh.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Giao thông vận tải (2015), Thông tư 90/2015/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô khách thành phố.

2. Bộ Giao thông vận tải (2015), Văn bản hợp nhất 14/VBHN-BGTVT năm 2015:  Thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

3. Bộ Giao thông vận tải (2016), Quyết định 3446/QĐ-BGTVT năm 2016 phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020.

4. Bộ Giao thông vận tải (2016), Thông tư 65/2014/TT-BGTVT về định mức khung kinh tế - kỹ thuật áp dụng cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

5. Bộ Giao thông vận tải (2020), Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

6. Bộ Xây dựng (2016), Thông tư 01/2016/TT-BXD ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật, QCVN 07:2016//BXD.

7. Bộ Xây dựng (2016), Thông tư 12/2016/TT-BXD quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù.

8. Bộ Xây dựng (2020), Thông tư 22/2019/TT-BXD ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng - QCVN 01:2019/BXD.

9. Chính phủ (2014), Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

10. Chính phủ (2019), Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

11. Chính phủ (2020), Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

  12. Nghiêm Văn Dĩnh (2003), Quản lý Nhà nước về GTVT đô thị, NXB GTVT.

13. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2009), Luật Quy hoạch đô thị số: 30/2009/QH12.

14. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2018), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14.

15. Thủ tướng Chính phủ (2009), Quyết định 62/2009/QĐ-TTg về miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng.

16. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định 55/2012/QĐ-TTg sửa đổi việc miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng tại Quyết định số 62/2009/QĐ-TTg.

17. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định 13/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

18. Viện chiến lược và phát triển GTVT (2016), Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Admin
Lượt xem: 390  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...