Ngày đăng 15/09/2021 | 04:52 PM

Nghiên cứu giải pháp chống thấm cho công trình nhà ở gia đình

Lượt xem: 347  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Nghiên cứu giải pháp chống thấm cho công trình nhà ở gia đình

Nghiên cứu giải pháp chống thấm cho công trình nhà ở gia đình

Ths. Trần Văn Bình*

TS. Nguyễn Sỹ Minh*

* Đại học Hà Tĩnh

TÓM TẮT

Trong bài báo này, nhóm tác giả nghiên cứu thực trạng chống thấm cho công trình nhà ở gia đình trên địa bàn Hà Tĩnh, từ đó đề xuất được các giải pháp chống thấm cho từng bộ phận công trình, thỏa mãn các yêu cầu về chọc thủng, độ thấm nước theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Từ khóa: Chống thấm, thấm dột, sơn chống thấm, hóa chất chống thấm, màng chống thấm.

ABSTRACT

  In this paper, the authors study the current situation of waterproofing for family houses in Ha Tinh province, thereby proposing waterproofing solutions for each part of the building, satisfying the requirements of waterproofing. perforation, water permeability according to Vietnamese standards.

  Key words: Waterproofing, leak-proofing, waterproofing paint, chemical-repellent, waterproof membrane.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Đồng hành với việc xây dựng, sử dụng các công trình, việc bảo vệ công trình tránh sự xâm thực của môi trường như: Nước mưa, nước sinh hoạt, hơi ẩm, nhiệt độ, hóa chất ăn mòn cũng rất quan trọng. Sự xâm thực làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu của công trình, gây xuống cấp rất nhanh và làm giảm tuổi thọ các công trình. Không chỉ  ảnh hưởng tới mỹ quan ngôi nhà, mà còn gây thiệt hại về kinh tế, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Chính vì vậy, chống thấm là yêu cầu bức thiết cần đặt ra của bất kỳ công trình thi công nào.

Ở trong nước đã nghiên cứu lựa chọn vật liệu và công nghệ để sản xuất sơn chống thấm thẩm thấu kết tinh gốc xi măng [6]. Sơn được chế tạo có độ bám dính với bề mặt bê tông và độ chống thấm cao, chất lượng có thể so sánh với sơn cùng loại nhập khẩu. Các nghiên cứu trong nước về vật liệu chống thấm còn ít. Trong khi các nghiên cứu ngoài nước về vật liệu chống thấm ít được công bố hoặc công bố hạn chế, do họ giữ bí mật bản quyền công nghệ để khai thác thương mại. Bài báo này nghiên cứu về thực trạng, yêu cầu chống thấm các bộ phận của công trình nhà ở gia đình; ưu điểm và nhược điểm các loại vật liệu chống thấm để đưa ra giải pháp phù hợp cho từng bộ phận của công trình. Nghiên cứu này tạo ra sự phù hợp của vật liệu chống thấm cho từng bộ phận làm giảm giá thành và tăng khả năng chống thấm của công trình, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thi công.

 

 Chống thấm là yêu cầu bức thiết cần đặt ra của bất kỳ công trình thi công nào

 THỰC TRẠNG VỀ CHỐNG THẤM CÔNG TRÌNH

Khái niệm về chống thấm

Chống thấm là việc ngăn chặn nước dưới dạng lỏng thâm nhập xuyên qua hay tràn vào trong một vật dụng nào đó bằng cách sử dụng vật liệu màng và lớp phủ hay tấm lợp để phủ lên trên, sơn quét, dán bọc ra ngoài, lót dưới đáy để bảo vệ công trình xây dựng khỏi tác hại của nước mưa và nước ngầm, hay nước mặt bao quanh đối với công trình thủy nằm sâu trong nước.

Thực trạng về chống thấm công trình (khảo sát tại Hà Tĩnh)

Khi xây dựng nhà ở gia đình việc chống thấm không được chú trọng, không đúng quy trình, biện pháp sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của gia đình, ảnh hưởng đến tính ổn định của công trình. Trong các công trình nhà ở gia đình hiện có tại Hà Tĩnh nhiều bộ phận công trình không sửa dụng biện pháp chống thấm hoặc không chú trọng chống thấm dẫn đến sự thấm dột, hư hỏng kết cấu ngoài ý muốn, đặc biệt là các công trình ở nông thôn.

Để làm rõ vấn đề này, tác giả đã phát 300 phiếu tìm hiểu về tỷ lệ chống thấm các bộ phận thường xuyên có nước trong nhà ở của người dân; Tỷ lệ chống thấm của người dân theo từng vùng; Tỷ lệ nhà bị thấm dột của người dân có chống thấm, có chống thấm sơ sài, không chống thấm; Mỗi lần 100 phiếu khảo sát cho các công trình nhà ở gia đình tại Hà Tĩnh như sau: 33 phiếu tại thành phố Hà Tĩnh, 33 phiếu tại huyện Hương Sơn, 34 phiếu tại huyện Nghi Xuân, kết quả cho thấy còn nhiều bất cập.

Bảng 1. Tỷ lệ chống thấm các bộ phận thường xuyên có nước của người dân

Các bộ phận khảo sát

Có chống

thấm

Có chống thấm nhưng sơ sài

Không chống thấm

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Sàn mái (đối với sàn không lợp mái)

45

45

30

30

25

25

Sàn vệ sinh

30

30

35

35

35

35

Sàn sân giặt phơi

28

28

30

30

62

62

Sàn ban công

30

30

30

30

40

40

Sàn hành lang ngoài trời

15

15

20

20

65

65

Tường tiếp xúc trực tiếp với nước

5

5

25

25

70

75

Sàn phòng khách, sàn phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung, hành lang trong nhà, sàn phòng thờ,… các phòng không có nước chảy qua, đọng lại.

0

0

0

0

100

100

Nguồn: Số liệu khảo sát

Qua điều tra cho thấy tỷ lệ không chống thấm các bộ phận thường xuyên thấm nước của nhà ở rất lớn, đây là một trong những nguyên nhân chính gây ảnh hưởng xấu đến công trình.

Bảng 2. Tỷ lệ chống thấm của người dân theo từng vùng

Địa điểm khảo sát

Có chống thấm

Có chống thấm nhưng sơ sài

Không chống thấm

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Thành phố Hà Tĩnh

23

69,69

7

21,21

3

9,09

Hương Sơn

10

30,30

5

15,15

18

54,54

Nghi Xuân

12

36,36

6

18,18

16

48,48

Nguồn: Số liệu khảo sát

Từ bảng 2 cho ta tỷ lệ công trình có chống thấm của thành phố Hà Tĩnh cao hơn hai huyện Hương Sơn và Nghi Xuân, từ định tính ta nhận thấy điều này phù hợp với thực tiễn.

 

Bảng 3. Tỷ lệ nhà bị thấm dột của người dân có chống thấm, có chống thấm sơ sài, không chống thấm

Địa điểm khảo sát

Có chống thấm

Có chống thấm nhưng bị thấm dột

%

Có chống thấm nhưng sơ sài

Có chống thấm sơ sài bị thấm dột

%

Không chống thấm

Không chống thấm bị thấm dột

%

Thành phố Hà Tĩnh

23

8

34,78

7

5

71,43

3

3

100

Hương Sơn

10

5

50

5

4

80

18

18

100

Nghi Xuân

12

5

41,67

6

5

83,33

16

16

100

Nguồn: Điều tra của tác giả, tháng 10 năm 2020

Từ bảng 3 cho thấy, công trình được chống thấm thì tỷ lệ bị thấm dột sẽ ít hơn, tuy nhiên số liệu cho thấy vẫn còn khá cao, cho thấy rằng các chủ đầu tư lựa chọn vật tư chống thấm chưa thực sự hoàn hảo cho các bộ phận hoặc chưa có biện pháp thi công phù hợp của công trình.

Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường vật liệu chống thấm khá đa dạng, chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành cao làm tăng chi phí chống thấm, cũng là nguyên nhân khiến các chủ nhà không lựa chọn chống thấm để giảm giá thành công trình.

NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP CHỐNG THẤM CHO CÔNG TRÌNH NHÀ Ở GIA ĐÌNH

Các loại vật liệu chống thấm

Các loại vật liệu chống thấm đạt tiêu chuẩn Việt Nam về độ chọc thủng, nhiệt độ, độ chống thấm nước, độ dày theo [1,2,3,4,5].

 Hóa chất chống thấm

Hóa chất chống thấm là những hoạt chất ở dưới dạng lỏng hay bột. Hóa chất chống thấm gồm các loại.

+ Sơn chống thấm

Sơn chống thấm có tác dụng ngăn chặn sự thấm nước từ trên xuống dưới cho các bề mặt nằm ngang và chống thấm từ phía được thi công cho các bề mặt thẳng đứng.

Thường sử dụng để sơn trên tường lớp ngoài cùng, trên bề mặt tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước. Ngoài tính năng chống thấm, cần đảm bảo cả chức năng trang trí và làm tín hiệu.

Hiện nay, trên thị trường có các loại Sơn chống thấm chất lượng cao như: Sơn chống thấm KOVA, Sơn chống thấm Dulux, Sơn chống thấm Mykolor, Sơn chống thấm Jotun, Sơn chống thấm SiKa.

+ Chất chống thấm

- Chất chống thấm dạng lỏng: Chính là những hoạt chất polymer tổng hợp được điều chế dưới dạng nhũ tương hay huyền phù. Nó có công dụng giúp làm dẻo, nâng cao độ bám dính cho xi măng. Chất chống thấm dạng lỏng có thể sử dụng để phun hoặc quét lên bề mặt cần chống thấm nhằm có tác dụng tạo ra lớp áo bảo vệ bên ngoài trước khi bắt đầu thi công công trình.

Ưu điểm của chất chống thấm dạng lỏng: Ngăn chặn nước thấm từ ngoài vào công trình tốt, hiệu quả, với thời gian có thể lên tới 15 năm; Mang khả năng chịu mòn, mài cao, chịu được khi có tác động của nước mặn; Có thể kháng nồng độ kiềm; Sở hữu độ đàn hồi tốt, khả năng chống nứt, rạn cao; Hoàn toàn không chứa những chất hóa học độc hại, thân thiện với sức khỏe con người và môi trường; Chất chống thấm dạng lỏng Kova dễ thấm vào trong bê tông, có thể sử dụng trên nhiều dạng kết cấu mặt bằng khác nhau; Cách dùng đơn giản, hiệu quả chống thấm cao, tiết kiệm chi phí tối đa.

Một số chất chống thấm dạng lỏng có tại Việt Nam: Chất phụ gia chống thấm dạng lỏng CT-11B, nhựa đường lỏng chống thấm, Silicone lỏng chống thấm, chất chống thấm dạng lỏng KOVA, hóa chất Sika.

- Chất chống thấm dạng bột: Bột chống thấm hay chất chống thấm, được làm từ các thành phần có chất chứa gốc kỵ nước. Có vai trò liên kết và bám chặt vào sâu bên trong, lấp đầy được các lỗ trống li ti trên bề mặt vật liệu. Chất chống thấm dạng bột có: Bột Sika chống thấm, bột chống thấm co dãn CT-14, bột chống thấm SUNHA 905H,…

Màng chống thấm

Màng chống thấm với ưu điểm chống thấm tốt, độ bền cao, hiệu quả cho sàn bê tông, mái bê tông. Loại vật liệu chống thấm này được thi công cùng với thi công công trình. Một số loại màng chống thấm như màng chống thấm bitum khò nóng cần gia nhiệt khi thi công, màng bitum chống thấm tự dính, màng lót HDPE chống thấm, màng chống thấm dạng dung dịch đàn hồi cải tiến,…

  Màng chống thấm với ưu điểm chống thấm tốt, độ bền cao, hiệu quả cho sàn bê tông, mái bê tông

Quy trình chống thấm

Hóa chất chống thấm

+ Vệ sinh bề mặt

Bề mặt hạng mục, vị trí thi công cần được làm sạch mảng bám, xịt rửa sạch bằng nước sạch. Cần đảm bảo bề mặt bê tông cần được ngậm đủ bão hòa nước trước khi bắt đầu thi công.

+ Xử lý đối với ống xuyên sàn

Dùng băng trương nở quấn quanh ống xuyên sàn, cổ ống, khớp mí nối cẩn thận kín quanh cổ ống, sau đó dùng bay trét vữa đồ bù không co ngót đổ đầy vị trí hổng cổ ống. Tô phủ lớp vữa chống thấm lên bề mặt bêtông 2 lớp và mỗi lớp dày khoảng 2mm, lớp thứ 2 thi công ngay khi lớp thứ 1 khô, chờ khi lớp vữa chống thấm vừa ráo mặt, phủ nhẹ nhàng lớp vữa bảo vệ dày khoảng 10mm lên trên.

+ Đối với vách bê tông

Thi công phủ lớp 2 lớp vữa chống thấm lên bề mặt và mỗi lớp dày khoảng 2mm, lớp thứ 2 thi công ngay khi lớp thứ 1 khô, chờ khi lớp vữa chống thấm vừa ráo mặt, phủ nhẹ nhàng lớp vữa bảo vệ dày khoảng 10mm lên trên.

+ Đối với sàn bê tông

Thi công phủ lớp vữa chống thấm lên bề mặt bê tông 2 lớp và mỗi lớp dày khoảng 2mm, lớp thứ 2 thi công ngay khi lớp thứ 1 khô, ngay sau đó phủ nhẹ nhàng lớp vữa bảo vệ thật nhão dày khoảng 10mm lên trên. Thi công giật lùi để tránh giẫm đạp lên bề mặt còn ướt.

+ Đối với mạch ngừng tiếp giáp giữa tường và mặt sàn

Tiến hành quét một lớp vữa loãng chống thấm rồi gấp vuông góc lưới thủy tinh cao 20cm và phủ rộng khắp mặt sàn. Dùng chổi cụ quét thêm 2 lớp chống thấm. Lớp thứ 2 thi công ngay khi lớp thứ 1 khô, ngay sau đó phủ nhẹ nhàng lớp vữa bảo vệ thật nhão dày khoảng 10mm lên trên. Thi công giật lùi để tránh giẫm đạp lên bề mặt còn ướt. Đối với các hạng mục trong nhà, có thể phủ lớp vữa bảo vệ dày khoảng từ 03mm đến 10mm tùy theo sau khi thi công chống thấm. Sau khoảng 12 giờ cần bảo dưỡng bằng nước. Nên cán vữa tạo dốc (vữa hoàn thiện) trong vòng từ 1 đến 5 ngày sau đó.

Chống thấm bằng màng bitum (khò nóng)

+ Chuẩn bị bề mặt chống thấm

Ở khâu này phải đảm bảo bề mặt sạch sẽ, làm sạch cát, bụi, đá, dầu mỡ… không còn các lớp vảy bê tông. Có thể dùng bằng chổi, cọ quét hay máy thổi cầm tay. Bề mặt chống thấm phải tương đối bằng phẳng, đục bỏ những phần thừa và trám vá lại những phần lõm.

Với trường hợp các sàn bê tông là sàn lệch như khu WC, sênô,… ngoài phần gờ hông bê tông giật cấp, phần gờ hông chân tường bao xây gạch tô vữa ngay bên trên sẽ được xử lý gia cố chống thấm cao thêm tối thiểu 200mm. Điều này để tránh nước thấm loang chân tường sử dụng thực tế sau này.

Phơi khô tự nhiên mặt bê tông hoặc dùng dụng cụ thổi khô khi cần thiết. Khâu chuẩn bị bề mặt tốt giúp cho công việc dán màng chống thấm đạt hiệu quả và an tàn cao.

+ Đo, cắt màng chống thấm

Khi tiến hành xong vệ sinh sạch sẽ bề mặt khu vực cần chống thấm, tiến hành đo bề mặt kết cấu, đo cắt và trải màng chống thấm. Khi đo cắt cần chú ý: Quá trình đo cắt đảm bảo các mép nối chồng lấn lên nhau từ 50mm đến 60mm. Tại các chân tường xung quanh khu vực chống thấm cần được cắt dán màng lên cao từ 200 - 250mm. Tại các khu vực xung yếu  như góc tường, cổ ống xả, ống thoát, hộp kỹ thuật… phải có thêm các miếng màng gia cố.

+ Sơn lót bề mặt

Tiến hành quét lớp lót Primer gốc bitum lên bề mặt sàn một lớp mỏng để tăng cường độ bám dính cho tấm trải trước khi dán. Quá trình sơn lót bề mặt nên tiến hành sau khi đo, cắt màng chống thấm giúp quá trình đo cắt được thuận lợi mà không ảnh hưởng bởi lớp sơn lót. 

+  Khò màng

Sử dụng đèn khò gas, khò phần dưới của màng đến khi bề mặt bitum có độ nóng và bắt đầu chảy mềm. Lúc đó màng đạt khả năng bám dính tốt nhất để thi công dán. Công đoạn khò yêu cầu thợ phải thật kinh nghiệm, tránh trường hợp khò quá nóng dẫn đến màng nóng chảy, thủng màng.

Các bước tiến hành như sau:

Đặt các tấm màng vào vị trí cần chống thấm để chuẩn bị dán và chuẩn bị các dụng cụ đèn khò thổi lên các tấm trải. Kiểm tra toàn bộ lớp màng trước khi khò dán. Bảo đảm bề mặt khò của màng phải được úp xuống dưới.

Sau đó dùng đèn khò khò nóng bề mặt bê tông và bề mặt màng chống thấm làm cho chất bitum trên bề mặt màng tan chảy dính vào bề mặt kết cấu đã được vệ sinh.

Quá trình thi công cần sử dụng lực cơ học ép phần màng ở khu vực đã khò. Để tạo một bề mặt phẳng khi hoàn thiện, tránh hiện tượng nhốt bọt khí.

Khi dán cần điều chỉnh lửa đèn khò cho phù hợp. Sao cho đủ để làm tan chảy lớp hợp chất bitum trên bề mặt màng để dán. Tránh dùng lửa quá lớn đặc biệt là trong thời gian dài, ở các khu vực gần các đường ống, hộp kỹ thuật, đường điện…

+ Chồng mép, hàn kín và gia cường

Tại vị trí chồng lấn dùng đèn khò đốt nóng chảy mép màng. Dùng bay thi công miết mạnh để làm kín phần tiếp giáp. Tổ chức thi công từ vị trí thấp nhất và đi về hướng cao dần (nếu bề mặt có độ dốc).

Tại các vị trí yếu như góc tường, khe co giãn. Cổ ống cần phải hàn gia cố thêm nhiều lớp màng. Thao tác tại các khu vực này cần đặc biệt cẩn thận. Vì nó có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng bám dính của màng và tuổi thọ của công trình chống thấm.

+ Kiểm tra và nghiệm thu chống thấm

Để đảm bảo công trình chống thấm thành công, kiểm tra bằng cách - phần chống thấm sau khi hoàn thành sẽ phải quây lại. Bơm nước vào đó ít nhất 24h trước khi bàn giao công trình để có thể đảm bảo khu vực vừa thi công xong không còn bị thấm nước nữa.

Sau khi kiểm tra thi công hệ thống màng chống thấm, lập tức phải làm lớp bảo vệ, tránh làm rách, hỏng màng do vận chuyển dụng cụ, thiết bị, đặt thép,… Nếu để lâu, màng sẽ bị bong rộp khỏi bề mặt dán do sự co giãn dưới tác động thay đổi nhiệt độ. Nên thi công lớp bảo vệ trong thời gian sớm nhất có thể.

 

Chủ đầu tư cần xem xét những bộ phận nào của công trình cần phải chống thấm, mức độ có nước chảy qua 

của các bộ phận, sự cần thiết phải chống thấm

Giải pháp chống thấm cho từng bộ phận của công trình

Bảng 4. Mức độ thường xuyên có nước của các bộ phận trong công trình

Mức độ có nước

 

Các bộ phận

Luôn luôn có nước

Thường xuyên có nước chảy qua

Có nước chảy qua nhưng không thường xuyên

Không có nước chảy qua

Bể nước

ü   

 

 

 

Sàn mái (đối với sàn không lợp mái)

 

 

ü   

 

Sàn vệ sinh

 

ü   

 

 

Sàn sân giặt phơi

 

ü   

 

 

Sàn ban công

 

 

ü   

 

Sàn hành lang ngoài trời

 

 

ü   

 

Tường tiếp xúc trực tiếp với nước

 

 

ü   

 

Các bộ phận còn lại của công trình

 

 

 

ü   

Kết quả từ bảng 4 cho thấy, chỉ có một bộ phận luôn luôn có nước, hai bộ phận thường xuyên có nước chảy qua, bốn bộ phận có nước chảy qua nhưng không thường xuyên, còn các bộ phận còn lại không có nước chảy qua.

Từ ưu nhược điểm, quy trình thi công của các loại vật liệu chống thấm trong xây dựng và kết quả từ bảng 4, tác giả có đề xuất phương án chống thấm cho từng bộ phận của công trình trong bảng 5.

Bảng 5. Đề xuất phương án chống thấm cho từng bộ phận của công trình

nhà ở gia đình tại Hà Tĩnh

Các bộ phận của công trình

Giải pháp chống thấm

Bể nước

Chống thấm bằng Sơn Epoxy hoặc chống thấm bằng Sika Seal 107

Sàn mái (đối với sàn không lợp mái)

Chống thấm bằng sika hoặc màng bitum

Sàn vệ sinh

Chống thấm bằng sơn hoặc bằng màng bitum

Sàn sân giặt phơi

Chống thấm bằng sơn hoặc bằng màng bitum

Sàn ban công

Chống thấm bằng sơn hoặc bằng màng bitum

Sàn hành lang ngoài trời

Chống thấm bằng sơn hoặc bằng màng bitum

Tường tiếp xúc trực tiếp với nước

Chống thấm bằng Sơn

Các bộ phận còn lại của công trình

Không chống thấm

Trên đây là giải pháp chống thấm cho từng bộ phận của công trình, áp dụng cho nhà ở gia đình tại Hà Tĩnh.

KẾT LUẬN

Nhóm tác giả đã nghiên cứu thực trạng về chống thấm cho công trình nhà ở gia đình, các loại vật liệu chống thấm trên thị trường hiện nay, mức độ nước ảnh hưởng đến từng bộ phận của công trình, đưa ra một số kết luận như sau:

Việc chống thấm các công trình nhà ở gia đình trên địa bàn Tỉnh đang còn hạn chế, còn nhiều chủ đầu tư chưa hiểu về ý nghĩa của việc chống thấm, xử lý chống thấm khi nhà bị dột.

Ngoài các vật liệu chống thấm nhập khẩu từ nước ngoài còn có các vật liệu được sản xuất trong nước với giá thành hợp lý, chất lượng, đạt tiêu chuẩn Việt Nam.

Chủ đầu tư cần xem xét những bộ phận nào của công trình cần phải chống thấm, mức độ có nước chảy qua của các bộ phận, sự cần thiết phải chống thấm.

Để việc chống thấm đạt hiệu quả cao, chủ đầu tư cần lựa chọn loại vật liệu phù hợp với từng bộ phận của công trình, đảm bảo kinh tế, thấm dột, thẩm mỹ, tính ổn định lâu dài của ngôi nhà.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Xây dựng (2012), TCVN 9067-1:2012. Tấm trải chống thấm trên cơ sở bitum biến tính - phương pháp thử - phần 1: Xác định tải trọng kéo đứt và độ dãn dài khi đứt.

[2] Bộ Xây dựng (2012), TCVN 9067-2:2012. Tấm trải chống thấm trên cơ sở bitum biến tính - phương pháp thử - phần 2: Xác định độ bền chọc thủng động.

[3] Bộ Xây dựng (2012), TCVN 9067-3:2012. Tấm trải chống thấm trên cơ sở bitum biến tính - phương pháp thử - phần 3: Xác định độ bền nhiệt.

[4] Bộ Xây dựng (2012), TCVN 9067-4:2012. Tấm trải chống thấm trên cơ sở bitum biến tính - phương pháp thử - phần 4: Xác định độ thấm nước dưới áp lực thủy tĩnh.

[5]. Bộ Xây dựng (2006), TCXDVN 367:2006. Vật liệu chống thấm trong xây dựng - Phân loại.

[6] Nguyễn Quang Phú, Phạm Văn Chiến (2013), Nghiên cứu chế tạo sơn chống thấm thẩm thấu kết tinh gốc xi măng trong phòng thí nghiệm và ứng dụng trong công trình thủy lợi, Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Admin
Lượt xem: 347  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...