Ngày đăng 28/01/2022 | 10:13 AM

Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường - dư địa cải cách còn lớn

Lượt xem: 591  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường – dư địa cải cách còn lớn


 

Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư – Đất đai – Xây dựng – 

Môi Trường – Dư địa cải cách còn lớn

 

Kim Liên

 

Hoạt động cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong những năm gần đây đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực, từng bước giúp giảm thời gian và chi phí tuân thủ pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy vậy, những thành tựu từ cải cách không đồng đều trong tất cả các lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những trở ngại trong việc thực hiện các TTHC liên ngành, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư có công trình xây dựng. Trong khi những thủ tục này có vai trò rất quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường và chính thức hoạt động sản xuất kinh doanh một cách ổn định.

Nhằm góp phần nhận diện những TTHC doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc khi thực hiện các dự án đầu tư có công trình xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp cùng Bộ Xây dựng với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Chương trình Aus4Reform) xây dựng Báo cáo “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường: Một số kết quả từ khảo sát doanh nghiệp năm 2020”.

KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Trong hơn một thập niên qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động cải cách TTHC, coi đây là một trong những khâu đột phá quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2020. Hoạt động cải cách TTHC đã được thực hiện rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, với sự nỗ lực của các Bộ ngành và chính quyền địa phương. Hoạt động cải cách TTHC đã đem lại nhiều thay đổi tích cực, giúp giảm bớt gánh nặng tuân thủ pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều sáng kiến khác nhau cũng đã được các địa phương triển khai trong thời kỳ này như mô hình trung tâm hành chính công, bộ phận một cửa, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC.

Trong hơn một thập niên qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động cải cách thủ tục hành chính

Cải cách TTHC ở Việt Nam có những tiến bộ đáng ghi nhận, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra dư địa cho cải thiện vẫn còn rất lớn. Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh cần giải quyết những tồn tại, hạn chế như tình trạng một số lĩnh vực TTHC còn phức tạp, chậm đổi mới; việc giải quyết TTHC còn phiền hà; tính liên thông trong giải quyết TTHC còn chưa cao. Những vấn đề trên có thể thấy rõ qua phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho tới các điều tra, khảo sát doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai trong những năm gần đây, đặc biệt liên quan tới các TTHC liên ngành về đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường.

Trong bối cảnh ấy, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) và những đóng góp chuyên môn từ đại diện Bộ Xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành một nghiên cứu nhận diện các thủ tục nào mà doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện triển khai các dự án có công trình xây dựng trong hai năm gần đây, trọng tâm là trong các lĩnh vực đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường. Nghiên cứu hướng đến việc cung cấp những thông tin hữu ích phục vụ công tác rà soát và đơn giản hóa quy trình TTHC về đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường, cũng như hỗ trợ quá trình cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu của 10.197 doanh nghiệp tham gia khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, trong đó có 8.663 doanh nghiệp tư nhân và 1.564 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong số này, 1.823 doanh nghiệp báo cáo có công trình xây dựng trong vòng 2 năm gần nhất – dữ liệu từ các đơn vị này được sử dụng để tổng hợp các đánh giá trong nghiên cứu. Trong số 10 nhóm thủ tục được đánh giá, hai thủ tục dễ thực hiện nhất với các doanh nghiệp là kết nối cấp, thoát nước và kết nối, cấp điện khi tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn với hai thủ tục này thấp nhất, lần lượt là 24,3% và 27,6%. Doanh nghiệp còn gặp khó khăn nhất định khi tiến hành các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với hai nhóm thủ tục kể trên lần lượt là 50% và 48%, cao nhất trong các thủ được đánh giá. Các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục đơn giản những nhóm thủ tục liên quan đến thẩm định, thẩm duyệt, bao gồm thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện 3 nhóm thủ tục này lần lượt là 43,7%, 42,9% và 41,4%.

Các nhóm doanh nghiệp quy mô lớn gặp ít khó khăn khi tuân thủ các

 thủ tục hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trải nghiệm của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các thủ tục đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường nhìn chung tích cực hơn đáng kể so với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường cao hơn doanh nghiệp FDI ở 6/10 nhóm thủ tục được đánh giá. Khi so sánh trải nghiệm của doanh nghiệp ở các mức quy mô khác nhau, các nhóm doanh nghiệp quy mô lớn gặp ít khó khăn khi tuân thủ các thủ tục hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt ở các thủ tục “quyết định chủ trương đầu tư” và “thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường”. Doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung nhìn chung thuận lợi hơn khi thực hiện TTHC đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường. Trong khi đó, Đông Nam Bộ là khu vực mà doanh nghiệp ít thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục. Tỷ lệ doanh nghiệp khu vực này phản ánh gặp khó khăn cao hơn các khu vực còn lại tại 5/10 nhóm thủ tục được điều tra. Ở 8/10 nhóm TTHC được đánh giá, tỷ lệ các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ gặp khó khăn khi thực hiện cao hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Mức độ chênh lệch cao nhất là ở các nhóm thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, quyết định chủ trương đầu tư, các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và cấp thoát nước.

So với kết quả khảo sát năm 2019, 4/10 nhóm thủ tục được doanh nghiệp phản ánh dễ dàng hơn so với năm trước đó bao gồm “quyết định chủ trương đầu tư”, “các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng”, “các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị” và “Kết nối cấp điện”. Trong khi đó, 6 nhóm thủ tục còn lại có mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục giảm so với năm 2019. Một vài thủ tục thậm chí có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuân thủ cao hơn đáng kể như “thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy”, “thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường” và “thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng”.

          Một doanh nghiệp điển hình cần khoảng 3 lượt đến cơ quan nhà nước để hoàn tất xin cấp phép xây dựng trong năm 2020. So sánh với kết quả khảo sát năm trước (năm 2019) thì số lần đi lại để hoàn tất hồ sơ của doanh nghiệp không có thay đổi đáng kể. Tuy vậy, số ngày từ lúc doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng đến khi nhận giấy phép trong năm 2020 có cải thiện so với năm 2019. Thời gian trung bình giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng giảm khoảng 1 ngày, từ trung bình 24,81 ngày năm 2019 xuống còn 23,93 ngày năm 2020. Kết quả còn tích cực hơn nếu xem xét giá trị trung vị khi một doanh nghiệp điển hình chỉ mất khoảng 15 ngày để nhận giấy phép xây dựng, trong khi giá trị này của năm 2019 đạt 20 ngày.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một bộ chỉ số ban đầu gồm 13 chỉ tiêu đánh giá mức độ thuận lợi khi thực hiện các thủ tục liên ngành về đầu tư đất đai xây dựng môi trường ở cấp tỉnh. Bộ chỉ số này được thiết kế theo quy trình 3 bước kế thừa từ phương pháp của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) gồm: (1) thu thập dữ liệu điều tra doanh nghiệp bằng phiếu hỏi; (2) Chuẩn hóa kết quả các điểm chỉ tiêu theo thang điểm 10; và (3) Tổng hợp điểm số trung bình và xếp hạng. Việc chỉ rõ địa phương nào doanh nghiệp gặp thuận lợi, hay khó khăn trong quá trình thực hiện nhóm thủ tục này sẽ giúp cho chính quyền các tỉnh có thông tin để lựa chọn giải pháp cải cách phù hợp. Đánh giá này cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thông tin hữu ích để dự liệu cho quá trình thực hiện thủ tục tại mỗi địa phương, cũng như cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư những chỉ báo quan trọng trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư.

Một doanh nghiệp điển hình cần khoảng 3 lượt đến cơ quan nhà nước để

hoàn tất xin cấp phép xây dựng

SỰ QUAN TÂM CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM TRONG CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Cải cách hành chính được Việt Nam xác định là một trong những khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2011 – 2020. Để thực hiện đột phá này, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, đặt trọng tâm vào nỗ lực rà soát và cắt giảm TTHC. Góp phần triển khai chương trình này, kể từ năm 2014, Chính phủ định kỳ hàng năm đã ban hành và thực thi các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (loạt Nghị quyết 19/NQ-CP từ năm 2014 và từ 2019 là Nghị quyết 02/NQ-CP), cùng nhiều văn bản chính sách quan trọng khác để tập trung cải cách TTHC và hướng tới tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành và chính quyền các tỉnh/thành phố đã triển khai nhiều hoạt động thực hiện các chủ trương lớn nói trên. Nhiều sáng kiến cải cách TTHC đã được đưa ra, như áp dụng mô hình trung tâm hành chính công, bộ phận một cửa, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC.

Dù cải cách TTHC ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhưng dư địa cho cải thiện vẫn còn rất lớn. Loạt Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) xây dựng và công bố thường niên đã chỉ ra những lĩnh vực TTHC doanh nghiệp còn gặp nhiều phiền hà như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, đầu tư, phòng cháy… Báo cáo PCI 2019 từng phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc trong thực hiện TTHC đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường khi triển khai các dự án đầu tư. Tương tự, “Nghiên cứu về chi phí tuân thủ năm 2020” (APCI 2020) của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những phiền hà còn tồn tại trong việc thực hiện các TTHC đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường, như tình trạng doanh nghiệp phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ nhiều lần thường xuyên diễn ra. Báo cáo Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2020 do Bộ Nội vụ thực hiện đã cho thấy trong số 8 lĩnh vực được đánh giá, người dân và tổ chức ít hài lòng nhất về tiếp cận dịch vụ công ở lĩnh vực đất đai, môi trường.

ĐẶC ĐIỂM DOANH NGHIỆP PHẢN HỒI

Điều tra PCI 2020 có sự tham gia của 10.197 doanh nghiệp, trong đó có 8.633 doanh nghiệp tư nhân và 1.564 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong số này, 1.823 doanh nghiệp báo cáo có công trình xây dựng trong 2 năm gần nhất. Dữ liệu do các doanh nghiệp này cung cấp được sử dụng cho các phân tích ở phần 2 của báo cáo.

Theo các tiêu chí phân loại doanh nghiệp hiện hành, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, công nghiệp và xây dựng có số động bình quân năm không quá 200 người và tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng được xếp vào nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ hoặc vừa. Với cách phân loại này, phần lớn doanh nghiệp có công trình xây dựng trả lời khảo sát là doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tỷ trọng doanh nghiệp có quy mô dưới 200 lao động chiếm khoảng 87% và chỉ khoảng 8% doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 200 tỷ đồng. Các đặc điểm về quy mô vốn và quy mô lao động khá tương đồng với đặc điểm tổng thể các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay.

Doanh nghiệp còn gặp những khó khăn nhất định khi thực hiện các thủ tục liên quan 

đến đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục liên quan đến 

quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị

Những doanh nghiệp tư nhân có công trình xây dựng chủ yếu tập trung ở vùng Duyên hải miền Trung, Đồng bằng Sông Hồng và Miền núi phía Bắc. Những doanh nghiệp FDI có công trình xây dựng tập trung phần lớn ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng. Khoảng 21% doanh nghiệp từ khu vực kinh tế tư nhân có công trình xây dựng 2 năm vừa qua là nhóm do phụ nữ làm chủ. Với doanh nghiệp FDI, khoảng 6% doanh nghiệp có công trình xây dựng có lãnh đạo là nữ. Các giá trị này hầu như ổn định so với kết quả khảo sát PCI 2019. Dữ liệu từ khảo sát PCI 2019 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân có công trình xây dựng do phụ nữ làm chủ cũng xấp xỉ 21%. Đối với doanh nghiệp FDI, tỷ lệ này là khoảng 7%.

Đối với những doanh nghiệp có cung cấp thông tin về giá trị công trình, trung bình chi phí xây dựng công trình là khoảng 5,5 tỷ đồng. Chi phí xây dựng công trình của các doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghiệp là cao nhất (trung bình khoảng 14,2 tỷ). Giá trị công trình xây dựng của những doanh nghiệp thời gian hoạt động lâu hơn có xu hướng cao hơn. Tương tự, xu hướng đó cũng có thể quan sát được theo quy mô vốn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ở vùng Đồng bằng Sông Hồng và ở vùng Đông Nam Bộ có giá trị xây dựng công trình trung bình cao hơn các vùng còn lại. Các doanh nghiệp FDI có giá trị công trình xây dựng cao hơn rõ rệt so với các doanh nghiệp tư nhân. Cuối cùng, những doanh nghiệp do nữ làm chủ có giá trị công trình thấp hơn đáng kể các doanh nghiệp do nam làm chủ.

Số quan sát chung là 857 doanh nghiệp. Đây là các doanh nghiệp có công trình xây dựng (với giấy phép xây dựng) trong 2 năm gần nhất và đã đồng ý cung cấp thông tin về chi phí công trình xây dựng.

ĐÁNH GIÁ CỦA DOANH NGHIỆP VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC ĐẦU TƯ – ĐẤT ĐAI – XÂY DỰNG – MÔI TRƯỜNG

Mức độ thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính

Các doanh nghiệp trải nghiệm mức độ thuận lợi/khó khăn khác nhau đối với các thủ tục về đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường. Cụ thể, doanh nghiệp ít gặp khó khăn nhất với hai thủ tục kết nối cấp thoát nước (làm việc với doanh nghiệp cấp nước) và kết nối, cấp điện (làm việc với các công ty điện lực). Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiến hành hai thủ tục này lần lượt là 24,3% và 27,6%. Tỷ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với các thủ tục còn lại. Với các thủ tục còn lại, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn cao hơn đáng kể, dao động từ 35,8% đến 50,0%.

          Doanh nghiệp còn gặp những khó khăn nhất định khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với hai nhóm thủ tục này lần lượt là 50,0% và 48,0%, cao nhất trong số các thủ tục được đánh giá. Trên thực tế, các vấn đề chủ yếu diễn ra trong giai đoạn đền bù đất đai và giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn. Tình trạng doanh nghiệp và người sử dụng đất không thể tiến tới hình thức chuyển dịch đất đai tự nguyện qua thỏa thuận là rủi ro lớn cho các doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư. Nếu chính quyền các địa phương không có phương án giải phóng mặt bằng và đền bù thỏa đáng, dự án có thể bị đình trệ kéo dài bởi các tranh chấp và khiếu kiện. Trong khi đó, đối với các vấn đề liên quan đến quy hoạch, việc bãi bỏ các thủ tục cấp chứng chỉ quy hoạch, cấp giấy phép quy hoạch xây dựng theo quy định 12 sẽ góp phần khắc phục các vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải quá trình thực hiện thủ tục đầu tư – đất đai – xây dựng.

Các cơ quan Nhà nước có liên quan cần tiếp tục đơn giản hóa nhóm thủ tục liên quan đến thẩm định, thẩm duyệt, bao gồm thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện 3 nhóm thủ tục này lần lượt là 43,7%, 42,9%, 41,4%. Đây là những nhóm thủ tục liên quan đến việc phối hợp giữa các cơ quan liên ngành trong công tác thẩm định, thẩm duyệt. Để làm rõ quy trình phối hợp, Bộ Công an và Bộ Xây dựng đã soạn thảo Quy chế phối hợp số 01/QCPH- BCA-BXD ngày 13/02/2018 về công tác quản lý đầu tư xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với dự án, công trình. Điều 6 của Quy chế này đưa ra các nguyên tắc về tham vấn chuyên môn, về kiểm tra sự phù hợp, phối hợp trong đánh giá giải pháp phòng cháy và thẩm định thiết kế kỹ thuật. Điều 6 cũng ghi rõ “cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng và cơ quan thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy chủ động cắt giảm từ 20% đến 30% thời gian so với quy định của pháp luật hiện hành trong việc thực hiện các thủ tục về thẩm định dự án, thiết kế xây dựng, thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng.” Dù vậy, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn với các thủ tục này còn tương đối cao và ít cải thiện so với kết quả khảo sát tiến hành trong năm 2020. Khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn với ba nhóm thủ tục kể trên lần lượt là 39,9%, 36% và 38,3%. Nhằm cải thiện tình trạng này, ngày 16/4/2021, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) đã làm việc với các đơn vị của Bộ Xây dựng gồm Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản và Cục Hạ tầng kỹ thuật để ban hành Kế hoạch số 74/KH-PCCC-XD thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực trong phòng cháy, chữa cháy và xây dựng giai đoạn 2021-2025. Cơ chế phối hợp này được kỳ vọng sẽ từng bước khắc phục các vấn đề doanh nghiệp thường gặp khi thực hiện các thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy.

Trải nghiệm của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các thủ tục đầu tư – đất đai - xây dựng – môi trường nhìn chung tích cực hơn đáng kể so với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư - đất đai - xây dựng – môi trường cao hơn doanh nghiệp FDI ở 6/10 nhóm thủ tục được đánh giá. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước ít gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện các thủ tục thẩm định, thẩm duyệt, kế hoạch liên quan đến phòng cháy chữa cháy và môi trường. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI dễ dàng hơn trong các thủ tục liên quan đến chủ trương đầu tư, đất đai, quy hoạch và cơ sở hạ tầng (kết nối điện, cấp thoát nước). Chênh lệch này đáng kể ở các nhóm thủ tục về “quyết định chủ trương đầu tư”, “các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng”, “các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị”. Điều này phản ánh những chuyển động chính sách trên thực tế khi hầu hết các địa phương trên cả nước đều có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như thu hút những doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước với tiềm năng tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, đặc biệt trên khía cạnh tạo việc làm và nâng cấp các chuỗi giá trị tại địa phương. Một số địa phương chủ động chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, mặt bằng kinh doanh (ví dụ như xây dựng các khu công nghiệp với hạ tầng đường xá, điện, nước, viễn thông hoàn thiện) và đơn giản hóa thủ tục đăng ký đầu tư để mời gọi các doanh nghiệp.

Nhóm doanh nghiệp quy mô lớn gặp ít khó khăn khi tuân thủ các thủ tục hơn

so với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng trải nghiệm rõ nhất sự phức tạp của hệ thống thủ tục hành chính về đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường. Ở tất cả các thủ tục được khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp ngành Xây dựng gặp khó khăn đều cao hơn đáng kể các nhóm doanh nghiệp ở những ngành nghề khác. Chẳng hạn, tỷ lệ doanh nghiệp gặp vướng mắc với các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng là khoảng 60%, cao hơn đáng kể tỷ lệ tương ứng của nhóm doanh nghiệp ngành thương mại/dịch vụ xếp ở vị trí thứ hai (với khoảng 52% doanh nghiệp gặp khó khăn). Tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo còn gặp vướng mắc với các thủ tục liên quan đến các nhóm thủ tục quy hoạch xây dựng/quy hoạch đô thị, thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy lần lượt là khoảng 58%, 53% và 51%. Điều này có thể hiểu được bởi các doanh nghiệp này thường xuyên tham gia vào hầu hết tất cả các khâu trong chuỗi TTHC liên ngành khi họ trực tiếp thực hiện các dự án xây dựng công trình mới.

Khi so sánh trải nghiệm của doanh nghiệp ở các mức quy mô khác nhau, kết quả cho thấy các nhóm doanh nghiệp quy mô lớn gặp ít khó khăn khi tuân thủ các thủ tục hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn trên 200 tỷ đồng báo cáo việc tuân thủ thủ tục thuận lợi hơn các nhóm doanh nghiệp còn lại ở 8/10 nhóm thủ tục. Tỷ lệ này cao hơn so với doanh nghiệp ở các quy mô khác đặc biệt ở các thủ tục “quyết định chủ trương đầu tư”, “thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường” và “cấp, thoát nước”. Các kết quả này có thể được giải thích bởi doanh nghiệp quy mô lớn thường có nhiều nguồn lực hơn, chẳng hạn như có bộ phận nhân sự riêng giải quyết các vấn đề pháp lý, có sự chuyên nghiệp trong quản lý dự án và có chuyên môn sâu hơn về các vấn đề kỹ thuật, nghiệp vụ liên quan đến công trình xây dựng. Do đó, khả năng đáp ứng các yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật ở những doanh nghiệp này nhìn chung tốt hơn so với doanh nghiệp ở các nhóm còn lại. Các kết quả này cũng gợi ý rằng nếu chính quyền các địa phương có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vướng mắc trong thực hiện TTHC thì đối tượng nên tập trung là các nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Hình thức hỗ trợ có thể là các chương trình tập huấn định kỳ cho doanh nghiệp hoặc xây dựng các kênh hỗ trợ, giải đáp thắc mắc về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp dưới hình thức chuyên trang điện tử công khai các vấn đề thường gặp và giải pháp thực tế.

(Còn tiếp kỳ sau)

TLTK : Báo cáo Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư đất đai – xây dựng – môi trường - Một số kết quả từ Khảo sát doanh nghiệp năm 2020 (VCCI)

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 591  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...