Ngày đăng 30/07/2022 | 02:23 PM

Tạo lập bản sắc văn hoá cho kiến trúc Việt Nam bằng các giải pháp thiết kế kiến trúc bền vững

Lượt xem: 1124  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Tạo lập bản sắc văn hoá cho kiến trúc Việt Nam bằng các giải pháp thiết kế kiến trúc bền vững

TẠO LẬP BẢN SẮC VĂN HÓA CHO KIẾN TRÚC VIỆT NAM

BẰNG CÁC GIẢI PHÁP THIẾT KẾ KIẾN TRÚC BỀN VỮNG

 

 

TS. KTS Phan Tiến Vinh*

*Khoa Kỹ thuật Xây dựng, ĐH SP Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng

 

Tóm tắt:

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tạo lập bản sắc văn hóa cho kiến trúc Việt Nam đã và đang là vấn đề cấp thiết được đặt ra. Nội dung bài báo đi vào phân tích các yếu tố tạo lập nên bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc, vấn đề tạo lập bản sắc văn hóa trong kiến trúc ở Việt Nam, xu hướng phát triển kiến trúc bền vững ở Việt Nam,... Kết quả phân tích cho thấy, thiết kế kiến trúc theo hướng bền vững là một giải pháp cơ bản và hiệu quả để tạo lập bản sắc văn hóa cho kiến trúc Việt Nam.

Từ khóa: Bản sắc, văn hóa, kiến trúc bền vững, tạo lập bản sắc, điều kiện tự nhiên.    

 

Ngày nay, hội nhập quốc tế đang tác động sâu sắc đến các mối quan hệ quốc tế và đời sống của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều thời cơ, thuận lợi và những thách thức cho sự phát triển của đất nước. Một trong những thách thức lớn chính là vấn đề duy trì, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa (BSVH) của dân tộc nói chung và giá trị BSVH dân tộc trong lĩnh vực kiến trúc nói riêng.

Đối với mỗi nền văn hóa, giao lưu văn hóa trong quá trình hội nhập là một nhân tố không thể thiếu để phát triển. Tuy nhiên, giao lưu văn hóa với sự thâm nhập của các yếu tố ngoại lai cũng là một nguy cơ có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực cho BSVH của dân tộc. Vì vậy, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là vấn đề đã được Đảng và nhà nước ta đặt ra ngay từ khi đất nước bắt đầu bước sang thời kỳ đổi mới (1986).

Trong lĩnh vực kiến trúc, quan điểm phát triển kiến trúc Việt Nam đậm đà BSVH dân tộc đã được nêu trong “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Thủ tướng chính phủ, cụ thể là: “Phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam; đồng thời quảng bá kiến trúc Việt Nam ra thế giới”. [8]

Trong bối cảnh đó, làm thế nào tạo lập BSVH dân tộc trong kiến trúc Việt Nam là vấn đề đã, đang được đặt ra cho các nhà nghiên cứu lý luận kiến trúc và các kiến trúc sư hành nghề trong thực tiễn.

Bản sắc văn hóa trong kiến trúc Việt Nam 

BSVH dân tộc là những giá trị vật chất và tinh thần tinh túy nhất, bền vững nhất, mang sắc thái cội nguồn riêng của mỗi dân tộc, là điểm khác biệt giữa cộng đồng người này và cộng đồng người khác. Yếu tố tạo nên BSVH của một dân tộc chính là các yếu tố nội sinh của nền văn hóa đó và cách tiếp nhận các yếu tố ngoại sinh từ nền văn hóa ngoại lai.

Trong kiến trúc, BSVH dân tộc bao gồm các “đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục của các dân tộc; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng, được thể hiện trong công trình kiến trúc, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam”. [5]

Bất kỳ một nền văn hóa nào, trong quá trình phát triển, luôn cần có sự giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa khác nhau để tạo động lực cho sự phát triển của chính mình. Vì vậy, BSVH dân tộc nói chung và BSVH trong kiến trúc nói riêng không bất biến mà luôn vận động, phát triển phù hợp với nhu cầu và bối cảnh của xã hội đương đại. Chính vì vậy, kế thừa, phát triển và tạo lập BSVH cho kiến trúc là vấn đề cấp thiết, song hành với nhu cầu hiện đại hóa và hội nhập với kiến trúc thế giới của kiến trúc Việt Nam. [4]

BSVH dân tộc nói chung và BSVH trong kiến trúc nói riêng không bất biến mà luôn vận động, phát triển phù hợp với nhu cầu và bối cảnh của xã hội đương đại

Các yếu tố tạo thành bản sắc văn hóa trong kiến trúc Việt Nam

BSVH trong kiến trúc được hình thành từ nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố chính là: Điều kiện tự nhiên (ĐKTN), xã hội và con người.

- ĐKTN: Mỗi một dân tộc tộc định cư trên các vùng miền khác nhau, với các ĐKTN khác nhau. Qua thời gian sinh sống trên các vùng miền khác nhau, đã hình thành nên những kinh nghiệm, những giải pháp thiết kế riêng, mang tính đặc thù của ĐKTN của vùng miền đó, như: Tận dụng những yếu tố tích cực (địa hình, ánh sáng, gió mát,…), đồng thời hạn chế tối đa ảnh hưởng của các yếu tố bất lợi (nắng hướng Tây, gió Lào, độ ẩm quá cao, mưa tạt, bão, động đất,…). Kiến trúc truyền thống Việt Nam đã thể hiện rõ những kinh nghiệm của cha ông ta trong việc khai thác địa hình, cảnh quan tự nhiên để phục vụ các nhu cầu của con người, tạo nên các công trình kiến trúc có giá trị về mặt thích dụng, thẩm mỹ và bền vững.

- Xã hội: Kiến trúc phản ánh bộ mặt chung về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của xã hội. Bất kỳ công trình kiến trúc nào cũng đều có một mục đích sử dụng cụ thể, phục vụ một nhu cầu cụ thể của con người trong xã hội. Đồng thời, kiến trúc luôn gắn liền với một thời đại, một hoàn cảnh xã hội nhất định. Vì thế, thông qua một công trình kiến trúc, chúng ta dễ dàng cảm nhận được hiện thực xã hội, trình độ văn minh,… của xã hội tại thời điểm công trình kiến trúc được ra đời. Theo đó, một số nội hàm của khái niệm BSVH trong kiến trúc (điều kiện kinh tế - xã hội. văn hóa, nghệ thuật, phong tục, kỹ thuật xây dựng, vật liệu xây dựng,…) đều có sự thay đổi cùng với sự phát triển chung của xã hội.

- Con người: Công trình kiến trúc được hình thành từ nhu cầu thực tiễn của con người trong xã hội. Chính con người, cộng đồng người, dân tộc với những phong tục tập quán riêng, truyền thống văn hóa riêng, định cư trên những vùng địa lý khác nhau,… Cho nên, trong kiến trúc sẽ hình thành nên những kinh nghiệm, những giải pháp thiết kế riêng, mang tính đặc thù của dân tộc đó. Cùng một ĐKTN và xã hội như nhau, các dân tộc khác nhau sẽ có các kinh nghiệm xây dựng, nét BSVH trong kiến trúc khác nhau điều này có thể thấy rõ qua đặc điểm kiến trúc của các dân tộc Việt Nam. [3] 

Bản sắc văn hóa Việt Nam được thể hiện rõ nét ở công trình Đình làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). [Nguồn: http://bmktcn.com]

Trong các yếu tố tạo thành BSVH trong kiến trúc Việt Nam, ĐKTN là yếu tố ít biến đổi hoặc biến đổi không đáng kể (hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu là nhiệt độ tăng, băng tan, nước biển dâng,…) theo thời gian. Trong yếu tố tự nhiên, khí hậu có vai trò đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến sự hình thành các đặc trưng của công trình kiến trúc. Chính vì vậy, kế thừa các kinh nghiệm của cha ông trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên, phát huy các giá trị bản sắc của kiến trúc truyền thống trong quá trình sáng tạo kiến trúc là yếu tố quan trọng và có tính xuyên suốt trong quá trình tạo nên các giá trị BSVH cho các công trình kiến trúc nói chung.

Vấn đề tạo lập bản sắc văn hóa trong kiến trúc Việt Nam

Bản sắc là sản phẩm văn hóa đặc trưng, bao gồm các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo nên. BSVH nói chung và BSVH trong kiến trúc nói riêng được hình thành và đúc kết qua quá trình hoạt động thực tiễn của con người (bằng các ứng xử của con người với tự nhiên và xã hội). Kế thừa và phát huy các giá trị BSVH trong kiến trúc truyền thống là yếu tố cơ bản trong việc tạo lập bản sắc cho kiến trúc. Kế thừa không phải là mô phỏng hay sao chép lại các giá trị bản sắc trong kiến trúc, mà người thiết kế cần phải hiểu một cách sâu sắc nhất những tinh thần, tinh hoa văn hóa của dân tộc để có thể phát huy. Tức là chuyển hóa những tinh thần, tinh hoa văn hóa của dân tộc đó vào trong thiết kế các tác phẩm kiến trúc.

Kenzo Tange (1913-2005), một kiến trúc sư nổi tiếng trên thế giới, cho rằng “truyền thống tuy là chuỗi hạt đeo cổ quý giá, nhưng cần đập vỡ nó ra để đắp lại theo một cách mới” hay “truyền thống giống như là chất xúc tác trong phản ứng hóa học, nó không nhất thiết phải có mặt trong sản phẩm cuối cùng” [6].

Với những đặc điểm của nền văn hóa gốc nông nghiệp điển hình, bản sắc của nền văn hóa Việt Nam gắn liền với các nét đặc trưng của ĐKTN của Việt Nam. ĐKTN cũng chính là yếu tố quan trọng nhất, tạo tiền đề cho sự hình thành nên các giá trị cho kiến trúc truyền thống, tạo nên tinh thần và đặc trưng cho kiến trúc Việt Nam. Đây là yếu tố cần được nghiên cứu, chuyển hóa và sáng tạo trong quá trình thiết kế kiến trúc nhằm tạo ra những công trình kiến trúc đặc sắc mang đậm tính dân tộc.

Như vậy, để tạo lập BSVH cho kiến trúc Việt Nam cần có xuất phát điểm là ĐKTN, thiết kế phải thích ứng, phù hợp với ĐKTN của Việt Nam. Đây cũng chính là những nguyên tắc cơ bản nhất của các giải pháp thiết kế kiến trúc bền vững (KTBV).

BSVH trong kiến trúc không phải là bất biến, mà có sự biến đổi, thích ứng và phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của con người trong xã hội đương đại. Một công trình có BSVH cần phản ánh và mang hơi thở của thời đại sản sinh ra nó. Trong bối cảnh hiện nay, khi phát triển KTBV hiện nay ở Việt Nam đã là một xu thế phát triển tất yếu, thì việc tạo lập bản sắc cho kiến trúc Việt Nam bằng các giải pháp thiết kế KTBV sẽ đáp ứng nhu cầu tất yếu của xã hội và phù hợp với xu thế của thời đại.

Khi nói về vấn đề tạo lập BSVH cho kiến trúc, giáo sư Hoàng Đạo Kính cho rằng: “Bản sắc trong kiến trúc chỉ có thể tạo lập, khi chúng ta làm chủ được những tinh hoa của văn hóa đích thực dân tộc, khi chúng ta nắm vững và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của xã hội và con người Việt Nam đương đại, khi chúng ta trang bị cho mình tri thức của nền kiến trúc thế giới, khi chúng ta không ngừng sáng tạo và đi từ “cái tôi” trong sáng tạo”. [2]

Tạo lập bản sắc cho kiến trúc Việt Nam bằng các giải pháp thiết kế KTBV sẽ đáp ứng nhu cầu tất yếu của xã hội và phù hợp với xu thế của thời đại

Tạo lập bản sắc cho kiến trúc Việt Nam bằng các giải pháp thiết kế kiến trúc bền vững

KTBV là kiến trúc hướng đến sự hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường của công trình xây dựng bằng việc sử dụng hợp lý và hiệu quả vật liệu xây dựng, năng lượng và các không gian chức năng. KTBV sử dụng cách tiếp cận có kiểm soát đối với năng lượng và bảo tồn sinh thái trong toàn bộ vòng đời của công trình kiến trúc.

Từ cuối thế kỷ XX, trên thế giới xuất hiện nhiều xu hướng kiến trúc có liên quan đến môi trường, sinh thái, như: Kiến trúc sinh thái (Ecologic architecture); kiến trúc môi trường (Environmental architecture); kiến trúc xanh (Green building); KTBV (Sustainable architecture); kiến trúc có hiệu quả năng lượng (Energy - efficient Building); … 

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề PTBV và sự nhạy cảm của môi trường Việt Nam đối với các thách thức toàn cầu, Chính phủ Việt Nam luôn tích cực tham gia và thực hiện đúng các cam kết và tuyên bố của các Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững. Theo Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam).

Trong lĩnh vực xây dựng, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy, triển khai các hoạt động hướng đến PTBV, như:

- Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2003/NĐ-CP về việc “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” (trong đó ở chương III nêu vấn đề sử dụng năng lượng trong các tòa nhà).

- Trong Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng chính phủ về việc “Phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khẳng định quan điểm phát triển kiến trúc Việt Nam theo hướng bền vững.

- Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả”.

- Bộ Xây dựng đã ban hành “Chương trình hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng” vào năm 2011; giao cho Hội môi trường xây dựng Việt Nam (VACEE) “Xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển công trình xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. [1]

Cùng với sự phát triển về cơ chế chính sách, các tổ chức nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực KTBV đã được thành lập tại Việt Nam, như:

- Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (Vietnam Green Building Council) được thành lập vào năm 2007 tại Việt Nam với nhiệm vụ nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực về phát triển công trình xanh ở Việt Nam.

- Hội đồng Xây dựng Xanh Việt Nam do Hội môi trường Xây dựng Việt Nam thành lập năm 2011.

- Hội đồng Kiến trúc Xanh Việt Nam do Hội Kiến trúc sư Việt Nam thành lập vào năm 2012. 

Hoạt động hướng đến sự bền vững trong kiến trúc thời gian qua diễn ra vô cùng sôi nổi: tập huấn nâng cao nhận thức về PTBV trong kiến trúc cho các đối tượng (nhà quản lý, người thiết kế, chủ đầu tư, người sử dụng, nhà sản xuất vật liệu xây dựng – trang thiết bị công trình, đào tạo kiến trúc sư, …); các cuộc thi và giải thưởng kiến trúc xanh (từ năm 2012 của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư các tỉnh thành,…); các chính sách của các địa phương thúc đẩy KTBV phát triển; các chương trình hành động và các nghiên cứu liên quan đến KTBV;…

Trong “Tuyên ngôn Kiến trúc xanh Việt Nam” của Hội Kiến trúc sư Việt Nam (ngày 27/4/2011) đã nhấn mạnh: “Kiến trúc xanh là con đường để tạo lập môi trường sống bền vững cho con người. Đó là hướng phát triển của Kiến trúc xanh Việt Nam vì cuộc sống tốt đẹp hôm nay, không tổn hại đến cuộc sống mai sau và vì sự phát triển trường tồn của đất nước”.

Như vậy, KTBV đã thực sự trở thành một xu thế phát triển của kiến trúc ở Việt Nam.

Bản sắc của một nền kiến trúc được tạo nên từ các giải pháp thiết kế xây dựng công trình thích ứng với ĐKTN. Và thực thi các giải pháp này một cách phù hợp chính là cách tiếp cận hợp lý trong việc tạo lập nét BSVH cho kiến trúc Việt Nam. Qua các phân tích ở trên, các giải pháp thiết kế KTBV với việc thiết kế tận dụng các ĐKTN, thích ứng và không gây tổn hại cho môi trường tự nhiên nhằm tạo ra môi trường tiện nghi cho con người là cách tiếp cận trong thiết kế có sự tương đồng với kinh nghiệm xây dựng của ông cha ta trong hàng ngàn năm qua. Vì vậy, thiết kế KTBV vừa là sự kế thừa các tinh hoa của kiến trúc truyền thống vừa là cách tiếp cận phù hợp để tạo lập BSVH cho kiến trúc Việt Nam.

Đồng thời, với việc áp dụng các thành tựu mới về khoa học công nghệ, thiết kế đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội đương đại (nhu cầu công năng của công trình) và đặc biệt là khả năng sáng tạo (và sự lĩnh hội tinh hoa văn hóa dân tộc để chuyển tải vào công trình kiến trúc) của chủ thể sáng tạo kiến trúc (các kiến trúc sư), xu hướng KTBV với các giải pháp thiết kế KTBV sẽ hướng đến sự tạo lập BSVH cho kiến trúc đương đại của Việt Nam.

Bản sắc của một nền kiến trúc được tạo nên từ các giải pháp thiết kế xây dựng công trình thích ứng với ĐKTN

Kết luận

ĐKTN - một trong ba yếu tố cơ bản cấu thành nên BSVH trong kiến trúc là xuất phát điểm, là yếu tố nền tảng cơ bản cho việc tạo nên bản sắc của nền văn hóa Việt Nam nói chung và kiến trúc Việt Nam nói riêng. Thiết kế với xuất phát điểm là ĐKTN, tôn trọng, thích ứng và không gây tổn hại cho ĐKTN là những nguyên tắc cơ bản của thiết kế kiến trúc bền vững, là cách tiếp cận có sự tương đồng với kinh nghiệm thiết kế xây dựng của cha ông ta. Như vậy, thiết kế kiến trúc theo hướng bền vững chính là sự tiếp thu cái tinh thần của kiến trúc truyền thống của dân tộc. Và, nếu được chuyển tải một cách sáng tạo và hợp lý, thiết kế kiến trúc theo hướng bền vững sẽ góp phần tạo lập nên BSVH cho kiến trúc Việt Nam đương đại.

 

Tài liệu tham khảo:

[1]   Phạm Ngọc Đăng (2012), “Khung chiến lược quốc gia về phát triển xây dựng xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Tài liệu hội thảo “Phát triển công trình xây dựng bền vững” tại Đà Nẵng (tháng 11/2012), Bộ Xây dựng.

[2]   Hoàng Đạo Kính, Văn hóa kiến trúc, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2012.

[3]   Vũ Tam Lang (1994), Những yếu tố tạo thành tính dân tộc trong kiến trúc cổ Việt Nam”, Bàn về vấn đề dân tộc và hiện đại trong kiến trúc Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc - Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, , Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1994.

[4]   Lã Thị Kim Ngân (2021), Bản sắc không bất biến mà luôn vận động, Tạp chí Kiến trúc, số 3/2021.

[5]   Quốc hội (2019), Luật Kiến trúc - Luật số 40/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019.

[6]   Lê Thanh Sơn, Kiến trúc & Hiện tượng cộng sinh văn hóa, Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 2020.

[7]   Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục.

[8]   Thủ tướng chính phủ (2021), Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2021 về việc “Phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội.

 

 

 

 

 


 

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 1124  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...