Ngày đăng 29/07/2022 | 08:47 AM

Nhận diện các vấn đề thực tiễn của thành phố Hà Nội về phát triển đô thị xanh, thông minh - định hướng phát triển và một số giải pháp

Lượt xem: 442  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Nhận diện các vấn đề thực tiễn của thành phố Hà Nội về phát triển đô thị xanh, thông minh - định hướng phát triển và một số giải pháp

 

Nhận diện các vấn đề thực tiễn của thành phố Hà Nội về phát triển đô thị xanh, thông minh – Định hướng phát triển và một số giải pháp

 

 

                                                                   KTS. Trần Ngọc Chính*

                                                               * Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng

                                                        Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị VN

 

(Tiếp theo kỳ trước)

Nhận diện các vấn đề thực tiễn của thành phố Hà Nội trong phát triển đô thị xanh, thông minh

Những thuận lợi, khó khăn và thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị, bảo đảm tính bền vững của Hà Nội

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng vừa là điều kiện thuận lợi, vừa là thách thức lớn cho công tác phát triển đô thị xanh- thông minh giai đoạn hiện nay. Để hiểu rõ Điểm mạnh (Strengths), Điểm yếu (Weaknesses), Cơ hội (Opportunities) và Thách thức (Threats) của hiệu quả phát triển đô thị xanh- thông minh ở Hà Nội thì việc sử dụng mô hình phân tích SWOT là một công cụ hữu dụng. Trong khuôn khổ bài giảng này, nội dung phân tích chỉ tập trung vào một số điểm nhấn của thực trạng phát triển đô thị xanh- thông minh, chỉ ra những mặt tồn tại, điểm yếu để đưa ra các giải pháp.

Điểm mạnh (Strengths )

Điểm yếu   (Weaknesses)

 

S1. Hà Nội có vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước; giao thông huyết mạch, thuận lợi cho phát triển kinh tế của Vùng Thủ đô nói riêng và của cả nước nói chung, nguồn tài nguyên rất phong phú, đặc biệt là tài nguyên đất, đây là nguồn lực rất lớn đối với một đô thị có sức phát triển mạnh, có mật độ dân số cao.

S3. Có lợi thế giá trị cảnh quan tự nhiên, nhiều tiềm năng về cây xanh và mặt nước. Hành lang xanh; Vành đai xanh; Nệm xanh?

S4. Là đô thị có nhiều giá trị nhân văn, giá trị di sản đô thị- là cơ sở tạo nên sự khác biệt/ bản sắc của HN.

S5. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) đứng thứ hai trong cả nước (sau thành phố Hồ Chí Minh).

S6. cấu kinh tế đã đang chuyển   đổi sang hướng công nghiệp - dịch vụ.

S7. Tốc độ đô thị hóa nhanh. Đặc biệt   đầu đô thị sinh thái, đô thị thông  minh, đô thị xanh.

S8. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Giao thông xanh; hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, môi trường đô thị ngày càng tốt.

S9. Ứng dụng công nghệ thông tin phát triển mạnh và đều. Tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào phát triển đô thị xanh, thông minh ngày càng cải thiện rệt.

W1. Phát sinh các vấn đề đô thị: Phát triển các khu đô thị sinh thái, đô thị xanh - thông minh tăng nhanh nên sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ và theo kịp với sự phát triển đô thị.

W2. Hiện tượng phân hóa giầu nghèo nhanh, mất cân bằng thu nhập giữa nông thôn thành thị.

W3. Hạ tầng kỹ thuật, vừa thiếu vừa yếu, kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị còn yếu làm gia tăng chi phí logictics.

W4. Ô nhiễm môi trường đô thị do thải nước từ các sông, từ không khí, do ngập úng, chất thải rắn.

W4. Cơ cấu công nghiệp giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là các ngành công nghiệp cơ bản và các ngành công nghiệp tập trung sức lao động.

W5. Thiếu cơ sở vui chơi, giải trí, các công viên, mặt nước, cây xanh.

W6. Công tác quản lý đô thị xanh còn mới mẻ nên chưa hiệu quả, chưa công cụ hiện đại hóa. Thu hút công   nghệ cao không dễ, năng lực quản lý chưa đáp ứng với yêu cầu đề ra.

W7.  Mô hình tăng trưởng chưa đa dạng, có nguy cơ rơi vào thiếu bền vững…

W8. Vấn đề quản lý nội đô, quản lý mở rộng tràn lan, thiếu tính toán; thiếu kết nối vùng của các đô thị;

W9.  Đô thị trung tâm có xu hướng phát triển gây quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng.

W10. Các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái chưa phát triển, không thu hút được dân số để giảm áp lực cho nội đô.

Cơ hội  (Opportunities)

 

Thách thức(Threats)

 

O1. Có nhiều tiềm năng để thu hút đầu nước ngoài.

O2. Nhận thức về môi trường đô thị ngày càng cao tạo ra nhu cầu đảm bảo môi trường, đảm bảo phát triển đô thị xanh, bền vững trở nên cấp thiết.

O3. Hà Nội đang phát triển đô thị xanh ngày càng tăng nên làm cho nhu cầu đầu tư phát triển đô thị xanh ngày càng nhiều.

O4. Xu thế hội nhập quốc tế ngày càng lớn, chủ động hội nhập, liên kết quốc tế đa phương: APPF, RCEP, EVFTA, CPTPP… sẽ tạo ra một cơ hội để đẩy mạnh phát triển công nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

O5. Có cơ sở nền tảng công nghệ thông tin, được kết nối với các nhà cung cấp có thể mạnh như VNPT, FPT…

O6. Sự phát triển khoa học công nghệ tạo ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, thay đổi công tác quản lý đầu tư một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

O7. Chính sách quản lý đầu tư phát triển đô thị xanh bình đẳng với mọi thành phần kinh tế đã khuyến khích đầu tư phát triển đô thị xanh- thông minh.

T1. Thủ đô Hà Nội cần trở thành một đô thị hoạt động có hiệu quả, bền vững, có tính cạnh tranh cao trong Vùng Thủ đô và Quốc gia.

T2. Hà Nội cần phải giữ gìn hình ảnh của một đô thị lịch sử, giàu văn hóa truyền thống.

T3. Phát triển công nghiệp nếu không cẩn thận sẽ trở thành tiếp nhận rác thải công nghệ, công nghệ bẩn mà hậu quả của nó sẽ là khôn lường.

T4. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, Chính phủ phải giảm bội chi, ngân sách chi cho đầu tư phát triển đô thị xanh- thông minh chưa được chú trọng.

T5. Biến đổi khí hậu tác động mạnh đến đầu tư phát triển đô thị xanh, cũng như môi trường sống của cư  dân đô thị.

T6. Hội nhập quốc tế kéo theo mức độ cạnh tranh trong đầu tư phát triển đô thị xanh- thông minh ngày càng cao.

T7. Nguồn lực tự nhiên và xã hội khan hiếm cho nên việc thu hút nguồn lực trong công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị xanh là rất khó.

T8. Các vấn đề về xã hội, môi trường ngày gay gắt do sự phát triển đô thị tăng nhanh nên thiếu hệ thống phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững.

T9. Mô hình tổ chức chính quyền đô thị phải chuyển đổi dịch vụ công và phân quyền cho các đô thị trực thuộc nhằm thúc đẩy công tác quản lý đô thị và thu hút đầu tư.

T10. Khả năng gây sự bất bình đẳng trong việc thụ hưởng các dịch vụ công và các lợi ích mà phát triển đô thị thông minh đem lại.

T11. Sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường bất động sản, gây ra nhiều biến đổi về diện mạo và cảnh quan kiến trúc và gây ra áp lực lên đất đai và hạ tầng.

 

Từ các phân tích đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và rủi ro ở trên, có thể thấy thách thức đặt ra cho thành phố Hà Nội là rất lớn. Nhưng trong thời gian tới, có thể đạt được mục tiêu phát triển đột phá và lộ trình cần được thực hiện từng bước một cách đúng đắn, phù hợp với tiềm năng và thực tế của thành phố. Từ cơ hội và điểm mạnh, Hà Nội cần  xây dựng các ứng dụng thông minh để phát triển đô thị xanh, cung cấp các dịch vụ thông minh trong các lĩnh vực quản lý đô thị xanh như giao thông xanh, hạ tầng kỹ thuật xanh, môi trường đô thị xanh, an toàn, y tế xanh, giáo dục xanh cho cư dân sống tại các khu đô thị xanh, cung cấp thông tin có chiều sâu, chiều rộng cho lãnh đạo ra quyết định thông minh hơn… Có chiến lược phát triển công nghiệp xanh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, môi trường khí và chất thải rắn để xây dựng đô thị xanh - thông minh - hiện đại - bền vững. Xây dựng và quản lý đô thị xanh bằng công nghệ thông minh sẽ làm tăng hiệu quả, giảm chi phí trong công tác quản lý đô thị xanh. Để phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, Hà Nội cần có sự lựa chọn mô hình và bước đi thích hợp và có một lộ trình cụ thể để trở thành một thành phố xanh, thành phố thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế, hiện đại và văn minh, có sức cạnh tranh cao.

Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại

Nhận diện một số vấn đề của Hà Nội trong quá trình phát triển đô thị xanh, thông minh

Trong thời gian qua, Hà Nội nỗ lực từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố thông minh, hiện đại, xứng tầm là Thủ đô có vị trí trong khu vực và thế giới. Theo đó, diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại hơn, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, công tác xây dựng quy hoạch quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, giữ gìn kỷ cương xã hội được tăng cường, nếp sống, văn minh đô thị có chuyển biến tương đối tích cực. Mục tiêu xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp đang dần được cụ thể hóa hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó Hà Nội cũng đang đối mặt với một số hạn chế sau:

- Xây dựng đô thị xanh mới dừng lại ở mức độ ý tưởng, nhận thức, định hướng chung mà chưa trở thành hệ thống văn bản pháp luật quy định rõ ràng, đầy đủ, chặt chẽ và đồng bộ về khái niệm, định nghĩa cũng như các tiêu chí, nguyên tắc, chỉ tiêu và phương pháp cho việc lập quy hoạch xây dựng một đô thị xanh;

- Nhận thức về đô thị xanh mới chủ yếu nhấn mạnh đến “phần cứng” (cây xanh, mặt nước, xử lý chất thải, nước thải,…) mà còn ít chú ý đến một hệ thống toàn diện (bao gồm cả sản xuất xanh, năng lượng xanh, lối sống xanh…).

- Nguồn lực đầu tư phát triển theo quy hoạch, thực hiện quy hoạch không theo kịp nhu cầu thực tiễn, việc quản lý thực hiện theo quy hoạch chưa tốt đã gây ra một loạt các vấn đề ở đô thị như: Quá tải khu vực trung tâm đô thị, tắc nghẽn giao thông, thiếu nước sạch, hạ tầng xã hội, tỉ lệ xử lý nước thải, rác thải thấp… tạo ra sức ép về suy giảm chất lượng môi trường sống.

-  Mâu thuẫn giữa đô thị hóa, công nghiệp hóa và bảo vệ môi trường; Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển đô thị; Mâu thuẫn giữa chỉnh trang làng xóm, khu dân cư hiện hữu và khu vực phát triển đô thị mới.

- Công tác quản lý chưa theo kịp nhu cầu phát triển dẫn đến tình trạng phát triển thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, thiếu tập trung, mất cân đối giữa dân cư và cơ sở hạ tầng, giữa các thành phần của cơ sở hạ tầng, giữa các khu vực trong đô thị, khó khăn trong chuyển đổi ngành nghề, lối sống của dân cư khi chuyển đổi đất nông nghiệp sang xây dựng đô thị, hiệu quả sử dụng đất đai và các nguồn lực xây dựng phát triển đô thị chưa cao…

- Ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường chưa cao, nhận thức về tầm quan trọng của môi trường, của phát triển bền vững chưa thống nhất ngay trong hệ thống quản lý, giữa hệ thống quản lý với các nhà đầu tư, đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đứng trước nhiều rào cản trong xây dựng đô thị thông minh. Đó là: (1) Bài toán về phát triển bền vững. Diện tích sau khi mở rộng địa giới hành chính lên tới hơn 3.300 km2 và tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học nhanh chóng khiến Hà Nội đối mặt với nhiều vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Vì thế, vấn đề đặt ra đối với Hà Nội hiện nay là làm sao bảo đảm sự phát triển bền vững, tạo ra một đô thị xanh thích ứng với xu thế toàn cầu hóa và những biến đổi của môi trường, khí hậu. Hệ thống giao thông Hà Nội giống như một mạng lưới dày ken đặc với hệ thống các phương tiện giao thông, đang là “điểm nghẽn” khó tháo gỡ đối với Hà Nội trước thách thức phát triển bền vững; (2) Theo đánh giá của chuyên gia, hiện nay hình hài các đô thị vệ tinh vẫn không rõ ràng, không có sức hút đối với cư dân, khiến dân số nội đô vẫn phát triển một cách không kiểm soát được; (3) Ứng dụng công nghệ  thông tin trên toàn bộ không gian của khu đô thị còn hạn chế. Do vậy, vấn đề quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với điều kiện, bối cảnh tình hình để từ đó có lộ trình cụ thể, đúng hướng, nhằm tạo ra sự đồng bộ trong phát triển đô thị.

Một vấn đề khác là Luật Thủ đô chỉ có phạm vi điều chỉnh trong thẩm quyền riêng của thành phố, nên chưa thực sự tạo ra sức mạnh chung của cả nước và những tác động tích cực để phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô còn thiếu những quy định nhằm bảo đảm việc xây dựng chính quyền đô thị, quản lý các đô thị vệ tinh...

Nhận diện được những vấn đề trong quá trình phát triển Hà Nội theo hướng xanh- thông minh cũng là cơ sở để rà soát đánh giá cụ thể để nhận diện các vấn đề tồn tại thực sự của bản Quy hoạch chung năm 2011, từ đó lựa chọn cách thức điều chỉnh quy hoạch phù hợp với yêu cầu thực tế. Cần giới hạn nội dung quy hoạch chung ở các chiến lược phát triển, không quá cụ thể, vì khi đó sẽ gây khó khăn cho bước triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Cần có những quy hoạch và giải pháp thực hiện riêng như cho quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng; cải thiện môi trường cảnh quan các tuyến sông; cải tạo các khu tập thể cũ, di dời các cơ sở gây ô nhiễm; bảo tồn phố cổ, bảo tồn phố cũ, bảo tồn làng nghề, xây dựng đô thị vệ tinh… Khi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cần gắn với chương trình phát triển đô thị, phù hợp với luật Thủ đô (điều chỉnh) và các cơ chế, chính sách để gắn quy hoạch với thực hiện quy hoạch, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và mục tiêu phát triển bền vững.

Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành Thành phố “xanh – thông minh – hiện đại”

Cơ sở pháp lý và thực tiễn thực hiện phát triển đô thị xanh, thông minh của Hà Nội

Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh của Hà Nội

1.      Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

2.      Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017;

3.      Luật Quy hoạch đô thị. 2009.

4.      Quyết định số 153/2004/QĐ/TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ: “Về việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam).

5.       Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

6.      Quyết định số 432/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020

7.      Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục chương trình, dự án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020

8.      Quyết định số 403/QĐ- CP ngày 20 tháng 3 năm 2014 về Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 

9.      Quyết định 965/QĐ-BTNMT ngày 23/4/2015 Chương trình hành động Chiến lược tăng trưởng xanh 2020 đến 2030

10.   Quyết định 419/QĐ-BXD ngày 11 tháng 5 năm 2017 Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

11.   Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững;

12.   Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 ;

13.   Thông tư 01/2018/TT-BXD ngày 05/01/2018 của Bộ xây dựng về việc quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

14.   Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030

15.   Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT

16.   Thông tư số 01/2018/TT- BXD về việc Quy định các chỉ tiêu về xây dựng đô thị tăng tưởng xanh.

17.   Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 tầm nhìn 2030

18.   Công văn số 3098/BTTTT-KHCN ngày 13/9/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025

19.   Nghị quyết 06/NQ-TW ngày 24/01/2022  về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045

20.   QCVN 01: 2019/BXD- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng

21.   QCVN 07:2010/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Cùng nhiều văn bản khác của TP Hà Nội.

Đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững

Trong các văn bản nêu trên, Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 vừa được Bộ Chính trị ban hành vào tháng đầu năm 2022 là cơ sở có tính pháp lý cao nhất để thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn trong quy hoạch và quản lý, phát triển đô thị.

Nghị quyết cũng đã xác định đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị. Trong công tác quy hoạch phải đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; cần kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới... Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.

Nghị quyết cũng chỉ rõ, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả.

Trong quá trình phát triển đô thị, phải bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hoà giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới, bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng.

Phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; chú trọng tổ chức lại đời sống dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị.

Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một Nghị quyết riêng về công tác quy hoạch và quản lý, phát triển đô thị. Hà Nội cần nắm bắt cơ hội để huy động mọi nguồn lực đưa thành phố phát triển theo hướng "xanh, thông minh, hiện đại", hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững của Hà Nội.

 

Admin
Lượt xem: 442  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...