Ngày đăng 31/05/2022 | 02:49 PM

Việt Nam - 10 dấu ấn và sự kiện nổi bật năm 2021

Lượt xem: 334  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Việt Nam - 10 dấu ấn và sự kiện nổi bật năm 2021

 

VIỆT NAM - 10 DẤU ẤN VÀ SỰ KIỆN NỔI BẬT NĂM 2021

                                                                                     

 

                                                                                      Lương Thanh

 

Năm 2021 đầy biến động vừa khép lại với nhiều sự kiện và dấu ấn đáng nhớ. Trong điều kiện vô cùng khó khăn và nhiều thách thức, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đoàn kết một lòng, chung tay chung sức vững vàng vượt qua sóng gió, thực hiện thắng lợi các mục tiêu cơ bản của năm 2021, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Dưới đây là 10 dấu ấn và sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2021:

1.ĐẠI HỘI XIII VÀ KIỆN TOÀN NHÂN SỰ LÃNH ĐẠO CÁC CẤP

Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, chúng ta đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức rất thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước, góp phần ổn định chính trị-xã hội, khẳng định sự đồng bộ, tính thống nhất của cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ, tạo nền tảng vững chắc và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Diễn ra từ ngày 25/1 đến 1/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, để lại dấu ấn đậm nét về một Đại hội "Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển"; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội xác định mục tiêu phát triển đất nước cho 5 năm, 10 năm tiếp theo và đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

2. CHUYỂN HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

Đợt bùng phát dịch thứ tư với sự xuất hiện của biến chủng siêu lây nhiễm Delta đã đảo ngược các thành quả trong công tác phòng chống dịch trước đó với số ca nhiễm và ca tử vong tăng cao ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía Nam. Kể từ đầu dịch đến 25/12/2021, Việt Nam có 1.636.455 ca nhiễm, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (nếu tính tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ). Tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.229.684 ca; tổng số ca tử vong là 31.007 ca. Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 144.513.779 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 76.881.418 liều, tiêm mũi 2 là 65.354.960 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 2.277.401 liều.

3. DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG DƯƠNG, PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Khi chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh, kinh nghiệm và năng lực ứng phó dịch bệnh còn hạn chế, chúng ta buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính nghiêm ngặt để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các khía cạnh kinh tế-xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.

Đến nay, nền kinh tế  đang dần vượt qua thời điểm khó khăn và bước vào giai đoạn phục hồi. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm khởi sắc, GDP quý IV ước tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020, đưa tổng sản phẩm trong nước năm 2021 ước tính tăng 2,58%. Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đây là sự đảo chiều ấn tượng của GDP so với mức sụt giảm của quý trước, là một thành công lớn trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo về chống dịch.

Trong quý IV, sản xuất công nghiệp khởi sắc với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31.400 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205,1 nghìn lao động, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III/2021.

Thu ngân sách Nhà nước ước tính cả năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng và bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng). Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa lập kỷ lục mới, đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, xuất siêu khoảng 4 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế và là quốc gia xuất siêu liên tục 6 năm. Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ cột vững chắc của nền kinh tế với mức tăng trưởng 2,85%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục 48,6 tỷ USD.

 4. TĂNG TỐC CHUYỂN ĐỔI SỐ

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với tốc độ nhanh chóng, tạo nên một làn sóng chuyển đổi số trên khắp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước.

Đặc biệt, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư lần đầu tiên được đưa vào hoạt động từ ngày 1/7/2021, là nền tảng quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số. Cũng trong năm 2021, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt trên 50%; chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2025 được triển khai; kết nối trực tuyến từ Chính phủ đến gần 100% xã, phường, thị trấn tại các tỉnh, thành phố.

Dịch COVID-19 được đánh giá là chất xúc tác để thúc đẩy tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam. Người Việt dùng thương mại điện tử tăng vọt, thúc đẩy chuyển đổi số, phương thức kinh doanh của mọi doanh nghiệp. Năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành thông tin và truyền thông đạt 3.462.170 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 9% so với năm 2020.

 5. DẤU ẤN NGOẠI GIAO VIỆT NAM

Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đảm nhận trong các tổ chức quốc tế, làm cho các bạn bè, đối tác quốc tế yêu mến, tin tưởng hơn vào Việt Nam, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Công tác ngoại giao kinh tế được triển khai hiệu quả, góp phần thu hút các nguồn lực từ bên ngoài. Lực lượng cán bộ làm công tác ngoại giao trưởng thành hơn về mọi mặt.

Đặc biệt là sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã cam kết giảm mức phát thải khí nhà kính về “0” vào năm 2050, cắt giảm 30% khí methane vào năm 2030 so với năm 2020. Cam kết này khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh và ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu.

Theo Báo cáo Chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong Bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu.

6. TRIỂN KHAI NHIỀU NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC CÓ Ý NGHĨA LÂU DÀI

Bên cạnh các nhiệm vụ trước mắt, cấp bách trong bối cảnh hết sức đặc biệt, Chính phủ đã nỗ lực, quyết tâm triển khai quyết liệt, bài bản nhiều công việc với tầm nhìn chiến lược, có ý nghĩa lâu dài với sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong nhiều năm tới như nỗ lực cải cách thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; gỡ vướng các nút thắt về thể chế; quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội…Trong đó, cải cách và hoàn thiện thể chế được Chính phủ quan tâm đặc biệt trong nhiệm kỳ này với nhiều quyết sách và đầu tư đúng tầm để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật.

Đặc biệt, các dự án hạ tầng chiến lược được thúc đẩy. Tính tới cuối tháng 12/2021, cả nước đang triển khai 20 dự án trọng điểm ngành giao thông, gồm: (i) 4 dự án đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư (dự án thành phân cao tốc Bắc-Nam phía đông, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo; tuyến Kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; Luồng sông Hậu giai đoạn 2; Nhà ga T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất); (ii) 13 dự án đang triển khai thực hiện gồm: 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông, Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cao tốc Bến Lức - Long Thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; (iii) 3 dự án đang hoàn tất thủ tục nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Đề án xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hoàn tất thủ tục triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

7. XUẤT NHẬP KHẨU KỶ LỤC

Theo thống kê sơ bộ 11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng hoá cả nước đạt 301,73 tỷ USD và nhập khẩu đạt 300,27 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lập đỉnh mới khi đạt 602 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm ngoái dù chưa có số liệu tháng cuối năm.

Sau gần nửa năm trầm lắng do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư, hoạt động xuất khẩu sôi động trở lại từ tháng 9. Đến nay có 34 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 7 nhóm hàng đạt trên 10 tỷ USD. Cơ cấu xuất khẩu cũng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng hàng nông, lâm, thuỷ sản.

Bộ Công Thương dự đoán kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm chạm mức 660 tỷ USD, tức có thêm 58 tỷ USD trong tháng cuối năm và xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD.

8. ĐẢNG ĐẨY MẠNH PHÒNG, CHỐNG SUY THOÁI TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ

Sau 8 năm hoạt động, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực, cuối tháng 9.

Ban gồm 18 thành viên do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, sẽ trực tiếp chỉ đạo xử lý hai loại vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương phân tích: đây là lần đầu tiên Đảng đưa việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thành một nhiệm vụ cụ thể, và giao nhiệm vụ này cho Ban chỉ đạo. "Điều này thể hiện quyết tâm mới trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng".

 

9. HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC KHƠI DẬY NGUỒN LỰC NỘI SINH, UNESCO TÔN VINH VĂN HÓA VIỆT NAM

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 6 mục tiêu cụ thể và 10 giải pháp trọng tâm, tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh; giữ gìn bản sắc dân tộc, phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới; phát huy mạnh mẽ nguồn lực nội sinh to lớn để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Sự kiện này diễn ra vào ngày 24/11/2021 sau đúng 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 15/12/2021 chính thức ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước đó, ngày 23/11, Đại hội đồng UNESCO đã quyết định vinh danh và cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sỹ Hồ Xuân Hương vào năm 2022.

10. COVID 19 THAY ĐỔI HOÀN TOÀN CÁCH THỨC DẠY VÀ HỌC

Ngành giáo dục, như đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trải qua một năm bị Covid-19 "đảo lộn và tàn phá". Phần lớn trong số 22 triệu học sinh - sinh viên chỉ đến trường khoảng hai tháng, nghỉ hè 3 tháng và học online 7 tháng còn lại.

Covid-19 thay đổi hoàn toàn cách thức dạy và học. Trẻ em từ chỗ bị cấm hoặc hạn chế dùng thiết bị điện tử nay phải sử dụng nhiều giờ mỗi ngày. Mọi nội dung giảng dạy, từ tập viết cho lớp 1 đến thực hành của sinh viên đều tiến hành online, qua livestream, video mô phỏng. Khối trẻ mầm non chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Nhưng Covid-19 cũng là cơ hội để ngành giáo dục đổi mới. Bộ nhiều lần điều chỉnh chương trình theo hướng giảm tải, chỉ giữ lại nội dung cốt lõi. Nhiều trường đổi mới cách ra đề, cách thi, linh hoạt trong đánh giá học sinh. Mặt bằng trình độ công nghệ của giáo viên cả nước được cải thiện.

Xa hơn, Bộ Giáo dục & Đào tạo tính đến việc chuyển đổi số, xây dựng nền tảng học trực tuyến tầm quốc gia với kho học liệu lớn. Bộ sẽ nghiên cứu pháp chế hóa quy định, hướng dẫn, nhằm chuẩn bị cho khả năng đa dạng hóa hình thức đào tạo, như cách thế giới đang hướng đến.

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 334  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...