Ngày đăng 31/05/2022 | 03:04 PM

Quản lý vật liệu xây dựng - đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững

Lượt xem: 354  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Quản lý vật liệu xây dựng - đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững

 

Quản lý vật liệu xây dựng – đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững

 

Nguyễn Thùy Linh

 

Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020, trên tinh thần phát triển ngành Vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội; Tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; Hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; Phát huy, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng; Phân bổ mạng lưới cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên toàn quốc phù hợp với điều kiện về tự nhiên, xã hội của từng vùng miền.

Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; Loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường...

Công tác quản lý vật liệu xây dựng năm 2021 bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường

Năm 2021, Ngành đã tập trung triển khai chương trình phát triển vật liệu xây dựng; các Chiến lược và Đề án đã được phê duyệt nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường: Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực Vật liệu xây dựng”; Đề án nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến 2025; Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 124/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ-TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu dự thảo Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ; đã ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 04/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Phát huy, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng

 Về việc lập “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”: Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 635/QĐ-BXD ngày 27/5/2021; đã ký hợp đồng tư vấn lập quy hoạch, nhà thầu đang triển khai các bước lập Quy hoạch theo tiến độ.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng vào năm 2023...; tham gia Đề án xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vật liệu Việt Nam thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn 2045 của Ban Kinh tế Trung ương.

Tập trung triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng vào trong công trình xây dựng. Tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu; rà soát, đề xuất hoàn thiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực vật liệu xây dựng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với giải pháp phát triển ổn định bền vững, sử dụng vật liệu thay thế, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; thực hiện rà soát, hiệu chỉnh các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phải kiểm tra chuyên ngành theo quy định tại Thông tư số 19/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng (QCVN 16:2019/BXD).

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển vật liệu xây không nung

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển vật liệu xây không nung, đã có 62 tỉnh xây dựng và ban hành lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và xây dựng Kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn; 25 địa phương đã xây dựng và ban hành Chỉ thị về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Triển khai một số chương trình, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ, dự án thử nghiệm trong lĩnh vực phát triển vật liệu xây dựng cho vùng ven biển, hải đảo, nghiên cứu sử dụng các phụ gia, chất thải công nghiệp để đưa vào sản xuất vật liệu xây dựng, thay thế nguyên liệu, khoáng sản truyền thống (đá, cát sỏi); thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu không nung, tái sử dụng, xử lý tro xỉ các nhà máy nhiệt điện, gang thép, phân bón để làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp, làm đường giao thông, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Hiện cả nước có 25 nhà máy nhiệt điện, phát thải ra tổng lượng tro xỉ khoảng 13 triệu tấn/năm.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển vật liệu xây không nung

Các dự án sản xuất vật liệu xây dựng được đầu tư mới theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa ngày càng cao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, sản xuất ra nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường; một số lĩnh vực như sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, kính tiết kiệm năng lượng đã đầu tư áp dụng các công nghệ sản xuất ngang tầm với nhiều nước phát triển trên thế giới. Đã xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng được gắn nhãn xanh, thân thiện môi trường, cơ bản đã loại bỏ, chuyển đổi công nghệ cũ, lạc hậu. Loại bỏ được hoàn toàn các dây chuyền sản xuất xi măng lò đứng, chuyển sang công nghệ sản xuất lò quay; cơ bản đã loại bỏ gạch thủ công sang sản xuất gạch không nung và gạch nung theo công nghệ tiên tiến, tiêu hao ít nguyên, nhiên liệu; xóa bỏ được 100% lò vôi thủ công.

Về tổng thể, sản xuất vật liệu xây dựng phát triển ổn định, tăng trưởng khá cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và mở rộng thị trường tiêu thụ ở ngoài nước. Chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm ngày càng được nâng cao. Một số sản phẩm có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.

Thị trường vật liệu xây dựng có xu hướng tăng

Do nhiều dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ thi công xây dựng nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, cung ứng, tiêu thụ vật liệu xây dựng trong những tháng đầu năm 2021; hoạt động thi công xây dựng bị đình trệ có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, cung ứng, tiêu thụ vật liệu xây dựng.

Theo kết quả phân tích, đánh giá diễn biến thị trường vật liệu xây dựng trong năm 2021, bức tranh tổng quát diễn biến giá xi măng, cát và đá trong năm 2021 theo Báo cáo diễn biến thị trường vật liệu Quý I, II, III và thông tin dữ liệu tháng 10 và 11/2021 của Viện Kinh tế xây dựng như sau: (1) giá xi măng trong năm 2021 về cơ bản có sự ổn định, không có sự biến động lớn so với năm 2020, có xu hướng tăng bình quân 4 ÷ 6%, kể từ đầu quý IV/2021 đến nay; (2) giá cát xây dựng năm 2021 so với năm 2020 có biến động tăng bình quân từ 3,63% đến 5,8% tùy khu khu vực; (3) giá đá xây dựng tăng bình quân từ 3,69% đến 6,78% tùy khu vực.

Chú trọng phát triển ngành vật liệu xây dựng thành một ngành kinh tế mạnh trong thời gian tới

Năm 2022, cần tiếp tục thực hiện việc lập “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo kế hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu hoàn thiện Đề án “Xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng vào năm 2023”.

Tổ chức triển khai “Chương trình phát phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030’’ sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai Thông tư số 04/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 hướng dẫn về xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước; nghiên cứu rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý việc đầu tư phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng khi các quy hoạch sản phẩm hiết hiệu lực. Tăng cường rà soát, quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã ban hành theo hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường

Phổ biến và triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050”; đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Hướng dẫn về thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 về đẩy mạnh xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu. Nghiên cứu đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng; phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan kiểm soát giá vật liệu xây dựng. Kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án theo quy định.

Trong giai đoạn tiếp theo, nhiệm vụ đặt ra là từng bước phát triển ngành vật liệu xây dựng thành một ngành kinh tế mạnh, trên cơ sở khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, sinh thái. Tiếp tục rà soát, đề xuất để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá liên quan đến lĩnh vực vật liệu xây dựng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với giải pháp phát triển ổn định bền vững. Ưu tiên phát triển những công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ tự động hóa cao sử dụng tối đa công nghệ số, công nghệ nano, sử dụng nhiên liệu tái chế, các loại chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, sinh hoạt để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, nhiên liệu; các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường, vật liệu không nung, sản phẩm tái chế. Chú trọng đầu tư cải tạo, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có, loại bỏ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên nhiên liệu.

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 354  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...