Ngày đăng 30/06/2022 | 03:55 PM

Ngành Xây dựng - Một số kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ năm 2021

Lượt xem: 344  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Ngành Xây dựng - Một số kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ năm 2021

 

 

NGÀNH XÂY DỰNG – MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2021

 

Đình Hà


Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ đã ban hành Kế hoạch học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, đã nghiêm túc quán triệt, ban hành đầy đủ, kịp thời các chương trình, kế hoạch hành động của Ngành thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng năm 2021; tham mưu ban hành các văn bản, đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;... các nội dung nêu trên được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, năm 2021, Bộ Xây dựng đã kịp thời tham mưu trình Chính phủ ban hành các giải pháp hỗ trợ ngành Xây dựng như: Các Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; quản lý vật liệu xây dựng; phát triển và quản lý nhà ở xã hội... Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, kinh tế Việt Nam đã có bước chuyển biến tích cực từ quý IV năm 2021, trong đó có ngành Xây dựng, cụ thể: Giá trị tăng thêm ngành Xây dựng ước quý IV/2021 tăng 33% so với quý III/2021, trong đó, hoạt động xây dựng chuyên dụng ước tăng 51%, xây dựng công trình kỹ thuật dận dụng ước tăng 39%, xây dựng nhà ở các loại ước tăng 25%. Mặc dù có sự tăng trưởng khá trong quý IV nhưng các tháng đầu năm bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên nhìn chung giá trị tăng thêm ngành Xây dựng năm 2021 ước thực hiện vẫn tương đương so với năm 2020, đây là một kết quả khá tích cực.

KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2021

            Tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh những lĩnh vực bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Thực hiện nhiệm vụ tại các Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch covid-19 của Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh; Bộ đã kiểm tra công trường xây dựng bệnh viện dã chiến, địa phương có dịch, cơ sở hỏa táng, cơ sở cách ly, thu dung, cơ sở chữa bệnh nhân covid-19 tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An...; xây dựng và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương về công tác phòng chống, dịch trên công trường xây dựng trong thời kỳ dịch bệnh. Triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Bộ đã ban hành “Hướng dẫn tạm thời hoạt động thi công xây dựng đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch covid-19”.

Riêng đối với các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của mình, Bộ đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định góp phần để giải quyết các bất cập, đẩy nhanh trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, bất động sản, hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản với mục đích cân đối cung cầu, cân đối cơ cấu sản phẩm bất động sản trên thị trường để hạn chế tình trạng đầu cơ như: Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; Nghị định số 09/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 về quản lý vật liệu xây dựng; Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;...

Quản lý tốt công tác đầu tư xây dựng

Chỉ số giá xây dựng năm 2021 tăng 4,34% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tác động chính là do giá thép xây dựng tăng 30-40%. Trước tình hình trên, nhằm thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động của giá thép đến các hoạt động xây dựng, Bộ đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan và các địa phương đề nghị: Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi, kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp; các cơ quan liên quan đánh giá tác động của Covid-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng.

Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành Xây dựng

Công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc được tăng cường

Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị so với diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước đạt khoảng 53%; trong đó, tại 02 đô thị đặc biệt (TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) và 19 đô thị loại I đạt khoảng 80-90%, tại các đô thị loại II, III, IV đạt khoảng 40-50%; 100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được duyệt. Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; Quy hoạch phân khu đạt khoảng 78%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 100%.

Về Quy hoạch xây dựng: Năm 2021, đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 07 nhiệm vụ, 03 đồ án và 06 nội dung quy hoạch; tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ 05 nhiệm vụ và 03 đồ án quy hoạch; tham gia ý kiến thẩm định theo yêu cầu của Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc nói chung.

Tiếp tục thực hiện các nội dung giải trình có liên quan sau khi thẩm định đối với các nhiệm vụ và đồ án đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét; tổ chức thẩm định theo chức năng, nhiệm vụ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các nhiệm vụ và đồ án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; cho ý kiến góp ý và tham gia thẩm định theo đề nghị địa phương đối với các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc và các nội dung khác liên quan tới quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tiếp tục nghiên cứu, thẩm định các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch theo chức năng được giao.

Công tác quy hoạch hạ tầng kỹ thuật: Nhằm đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn; người dân Thủ đô Hà Nội, Bộ đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương lập, điều chỉnh quy hoạch cấp nước TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; tổ chức thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP. Hồ Chí Minh; thẩm định đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

Về quản lý kiến trúc: Tiếp tục tổ chức thực hiện Luật Kiến trúc; đã công nhận 09 tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo đủ điều kiện thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc; đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công tác chuyển đổi số trong công tác quy hoạch: Phối hợp với địa phương trong công tác số hóa và cập nhật các đồ án quy hoạch lên Cổng thông tin. Theo đó, lũy kế số đồ án đã cập nhật 1.366 đồ án lên Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam. Tham gia ý kiến cho Chính phủ về “Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025”.

Công tác quản lý phát triển đô thị

Tập trung nghiên cứu Đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; hiện tại, Đề án đã trình Bộ Chính trị. Triển khai “Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021, Bộ đã có văn bản hướng dẫn và triển khai Kế hoạch kiểm tra công tác phân loại đô thị tại các địa phương. Tham mưu, trình và được Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030.

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có tính cấp bách cần sửa đổi, bổ sung ngay, để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch và phù hợp với tình hình thực tế như: Xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị; Nghị định thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch như: Phát triển đô thị quốc gia; nâng cấp đô thị quốc gia; phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

           Tiếp tục triển khai các hoạt động của Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN), ngày 30/8/2021 Bộ Xây dựng đã tham gia họp trực tuyến Hội nghị thường niên Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN năm 2021 với vai trò là Đại diện Quốc gia Việt Nam tham gia Mạng lưới thông minh ASEAN.

Công tác phân loại đô thị theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016, Bộ đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận 01 đô thị loại II, ban hành quyết định công nhận theo thẩm quyền 01 đô thị loại III, 04 đô thị loại IV và đang thẩm định 04 Đề án. Tính đến tháng 12/2021, hệ thống đô thị toàn quốc có 869 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 91 đô thị loại IV và 674 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa năm 2021 đạt khoảng 40.5%.

Tập trung nghiên cứu Đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật được triển khai đồng bộ

Tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn; báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc dừng xây dựng Đề án tăng cường quản lý nhà nước về cấp nước khi thực hiện chủ trương xã hội hóa.

Ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 15/2021/TT-BXD ngày 15/12/2021 hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung theo khoản 7 Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường; rà soát, đề xuất văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Nghiên cứu góp ý thẩm định dự thảo thay thế QCVN 07:2016/BXD về Quy chuẩn Quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các địa phương Báo cáo tổng kết việc thực hiện Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BXD-BCA ngày 04/10/2009 của Bộ Xây dựng - Bộ Công an hướng dẫn thực hiện cấp nước phòng cháy, chữa cháy tại đô thị và khu công nghiệp. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn và các địa phương tổng hợp báo cáo kế hoạch thực hiện và triển khai Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”.

Tiếp tục tập trung triển khai Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch, giai đoạn 2016 - 2025; định hướng phát triển cấp nước, thoát nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp với Bộ, Ngành, địa phương kiểm tra việc triển khai kế hoạch, giải pháp ứng phó với thiên tai, bão lũ gây sạt lở, khô hạn và xâm nhập mặn; đảm bảo cấp nước cho người dân, bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật tại địa phương.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở và thị trường bất động sản

Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; đồng thời tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản để đề xuất, báo cáo cơ quan có thẩm quyền có các giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Thực hiện cải cách thủ tục đầu tư, tháo bỏ các rào cản, vướng mắc, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm, Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp và nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Tình hình triển khai các Chương trình phát triển nhà ở theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Bộ đã hoàn thành báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018 - 2025.

Triển khai hiệu quả các Chương trình phát triển nhà ở theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

Công tác quản lý phát triển doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp

Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh các tháng đầu năm 2021 của các doanh nghiệp thuộc Bộ (bao gồm 07 Tổng công ty: VICEM, HUD, LILAMA, VIGLACERA, COMA, HANCORP VÀ SÔNG HỒNG): Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước do Bộ làm đại diện chủ sở hữu đều bị ảnh hưởng đáng kể do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Tổng giá trị sản xuất kinh doanh ước đạt 58.300 tỷ đồng, bằng 96% so với kế hoạch năm 2021, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu ước đạt 55.950 tỷ đồng, bằng 94% so với kế hoạch năm 2021, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.793 tỷ đồng, bằng 100,3% so với kế hoạch năm 2021, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng giá trị đầu tư (công ty mẹ) ước đạt 5.498 tỷ đồng, tương đương 82% so với kế hoạch năm 2021, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2020.

Tình hình hoạt động các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ: Bộ Xây dựng hiện có 37 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 02 đơn vị so với cuối năm 2017 do thực hiện việc giải thể, sáp nhập; trong đó có 07 đơn vị đang trong quá trình thực hiện cơ chế tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên, các đơn vị còn lại thực hiện cơ chế tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên.

Triển khai kịp thời công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng

Thanh tra Bộ đã triển khai 08 đoàn theo kế hoạch và đột xuất, cụ thể: 03 đoàn thanh tra theo kế hoạch 2021, 05 đoàn kiểm tra, xác minh giải quyết theo đơn thư khiếu nại, tố cáo và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ; cử cán bộ tham gia 04 đoàn thanh tra, rà soát giải quyết khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ thành lập. Ban hành 24 kết luận thanh tra; kiến nghị, yêu cầu xử lý về kinh tế là 385,2 tỷ đồng. Qua thanh tra cũng đã tổng hợp, bổ sung mới 23 hành vi vi phạm, đề xuất tăng mức xử phạt 300 triệu/1 hành vi vi phạm trong công tác quản lý kinh phí bảo trì chung cư vào Nghị định thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo: Lãnh đạo Bộ và Bộ phận tiếp dân của Thanh tra Bộ thực hiện tiếp 81 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý 507 lượt đơn, tiếp nhận và giải quyết 05 vụ việc khiếu nại, 02 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền (đang trong quá trình giải quyết), còn lại là các đơn thư (vụ việc) đã có quyết định giải quyết, đơn thư trùng lặp, đơn không hợp lệ.

Về phòng, chống tham nhũng: Bộ đã kịp thời ban hành chương trình hành động, kế hoạch của ngành Xây dựng để triển khai các Chương trình của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng; phòng chống khủng bố; thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ; kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2021 tại một số đơn vị trực thuộc Bộ; Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính năm 2021; xây dựng các báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu.

Công tác phát triển khoa học công nghệ được thực hiện hiệu quả

 Năm 2021, đã rà soát và trình lãnh đạo Bộ phân bổ kinh phí các nhiệm vụ khoa học công nghệ là 146,85 tỷ đồng (trong đó có 94 nhiệm vụ mở mới, các nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2020, các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, các dự án tăng cường năng lực, quản lý khoa học công nghệ).

Rà soát, nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 62/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về quy định điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành Xây dựng để phù hợp các Luật Xây dựng sửa đổi mới ban hành. Hướng dẫn các các địa phương về công tác quản lý chất lượng hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước nhằm đáp ứng quy định của Quy chuẩn QCVN 16:2019/BXD.

Hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế vẫn được duy trì

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các hoạt đối ngoại của Bộ vẫn được duy trì, đã tổ chức làm việc với 69 đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu cơ chế chính sách, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, phát triển hạ tầng, đầu tư và kinh doanh nhà ở. Kết quả, đã vận động thành công 02 dự án mới hỗ trợ kỹ thuật và ký kết 01 thỏa thuận hợp tác quốc tế. Đã tổng hợp, đánh giá tình hình hợp tác song phương với 32 quốc gia và tổ chức quốc tế; đề xuất nội dung hợp tác quốc tế ngành Xây dựng như: nâng cao năng lực, hỗ trợ xây dựng chính sách, hợp tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, xuất khẩu vật liệu xây dựng,… góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của Ngành Xây dựng giai đoạn tới.

Ngành Xây dựng quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực thực hiện phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 đã đặt ra

 

DỰ KIẾN KẾ HOẠCH NĂM 2022

Bám sát tinh thần chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 đạt 6-6,5%, với mục tiêu chính là: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội; Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập; Chủ động hội nhập quốc tế;... Ngành Xây dựng quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực, cố gắng cao độ thực hiện nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ, cụ thể phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 ngành Xây dựng đặt ra như sau: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất xây dựng ước 4,96-5,56%; Diện tích nhà ở bình quân cả nước phấn đấu đạt 25,5 m2/người; Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41,5-42% (Chỉ tiêu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 32/2021/QH15); Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 94%; Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm dưới 16,5%; Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý đạt 16%.

Định hướng chính công tác ngành Xây dựng trong chương trình phục hồi nền kinh tế bền vững năm 2022

Triển khai hiệu quả các Đề án, Chiến lược các lĩnh vực ngành Xây dựng đã được phê duyệt; tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh các Đề án, Chiến lược được Quốc hội và Chính phủ giao, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp khôi phục, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng và nguồn nhân lực cho hoạt động xây dựng.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách, nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nhà ở cho các đối tượng quy định tại các Khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật Nhà ở (bao gồm cả người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp) để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở, các Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung.

Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực xây dựng nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành xây dựng, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Một số nhiệm vụ cụ thể

Tăng cường phối hợp với các Sở Xây dựng, doanh nghiệp để tập huấn cho đội ngũ làm công tác cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng ở các cấp tỉnh, thành phố, quận, thị xã, huyện và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật cho các tầng lớp, các thành phần kinh tế về những kiến thức pháp luật về quản lý hoạt động xây dựng.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng. Nghiên cứu đề xuất lộ trình áp dụng BIM theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022. Tiếp tục, nghiên cứu và đề xuất giai đoạn 2 Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và giá xây dựng”.

Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc theo chức năng; hoàn thiện phương pháp quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo hướng quy hoạch tích hợp và nâng cao năng lực thực hiện theo hướng dẫn của Luật quy hoạch năm 2017. Nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng và công tác kiểm tra sau quy hoạch.

Công tác quản lý phát triển đô thị: Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định trong lĩnh vực phát triển đô thị như: Tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; Tổng kết, nghiên cứu và đề xuất Luật để quản lý, phát triển đô thị (Luật đô thị)...  Tiếp tục triển khai Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến 2030, Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030.

Rà soát, nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật: Xây dựng kế hoạch nghiên cứu Dự án Luật Cấp thoát nước. Triển khai Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn; Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.

Tiếp nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn

 

Tiếp tục tập trung nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành: Nghị định sửa đổi Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản; Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Tiếp nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng bộ với các chính sách, pháp luật có liên quan.

Tập trung, rà soát trình và phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (HUD, VICEM) theo Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các Quyết định có liên quan. Tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa VICEM và HUD theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác quản lý hoạt động các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ: Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các quy chế, quy định của Bộ về tiêu chuẩn chức danh và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ; Quy chế quản lý người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn Nhà nước tại các Doanh nghiệp do Bộ làm đại diện chủ sở hữu. Rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong các đơn vị hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập theo các quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức các đơn vị thuộc Bộ; thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngành Xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Công tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ: Tiếp tục triển khaiĐề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng”; xây dựng, hoàn thiện hệ thống QCVN lĩnh vực xây dựng; hoàn thành việc xây dựng, soát xét, bổ sung, chỉnh sửa và ban hành các quy chuẩn; Hoàn thiện Chiển lược phát triển khoa học công nghệ ngành xây dựng giai đoạn đến 2030; Hoàn thành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Xây dựng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương; tiếp tục vận động tài trợ ODA và vốn vay ưu đãi cho các dự án, chương trình thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Bộ và của Nhà tài trợ; hỗ trợ doanh nghiệp ngành Xây dựng tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài. Chủ động tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình cam kết của Chính phủ và của Ngành; triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực xây dựng; triển khai hoạt động hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác ngoài khối...

Năm 2022 dự kiến sẽ có nhiều thuận lợi song cũng không ít khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành Xây dựng. Do đó, toàn Ngành cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra. Các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các kế hoạch của Bộ về chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu công việc trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0. 

(TLTK: Báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 ngành Xây dựng)

                                                                            

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 344  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...