Ngày đăng 15/09/2022 | 10:15 AM

Nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành xây dựng các chương trình, đề án phát triển thành phố xanh, thông minh, hiện đại

Lượt xem: 760  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành xây dựng các chương trình, đề án phát triển thành phố xanh, thông minh, hiện đại

NÂNG CAO NĂNG LỰC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH XÂY DỰNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ XANH,

THÔNG MINH, HIỆN ĐẠI

 

Nguyên Hương

 

Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Hiện nay, đối với nước ta, đô thị tăng trưởng xanh là đô thị đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua các chính sách và hoạt động đô thị nhằm giảm những tác động có ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đô thị thông minh (Việt Nam) là đô thị ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp, tin cậy, có tính đổi mới sáng tạo và các phương thức khác nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phân tích, dự báo, cung cấp các dịch vụ, quản lý các nguồn lực của đô thị có sự tham gia của người dân; nâng cao chất lượng cuộc sống và làm việc của cộng đồng; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phát triển kinh tế; đồng thời bảo vệ môi trường trên cơ sở tăng cường liên thông, chia sẻ dữ liệu, an toàn, an ninh thông tin giữa các hệ thống và dịch vụ.

Hà Nội sẽ phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, việc triển khai đô thị thông minh đòi hỏi áp dụng nhiều công nghệ mới, tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), Internet vạn vật (IoT)..., trên phạm vi rộng ở nhiều ngành, lĩnh vực đã đặt ra không ít thách thức cho các cơ quan quản lý ở Trung ương, địa phương trong quá trình thực hiện. Hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng cho phát triển đô thị thông minh phải bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu đề ra, tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm tính tương thích, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, khả năng mở rộng linh hoạt trong tương lai, đặc biệt là phải bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong suốt quá trình triển khai, vận hành.

Khóa bồi dưỡng Nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành xây dựng các chương trình, đề án phát triển thành phố xanh, thông minh, hiện đại

Vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị tổ chức các khóa bồi dưỡng Nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành xây dựng các chương trình, đề án phát triển thành phố xanh, thông minh, hiện đại. Học viên là Phó Chủ tịch UNBD các quận, huyện, thị xã, Phó Giám đốc các Sở, Ngành và cán bộ thuộc diện quy hoạch chức danh trên thuộc Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý. Tạp chí Xây dựng và Đô thị xin gửi tới độc giả những ý kiến tiêu biểu sau khóa học ý nghĩa này.

 

TS. Trần Hữu Hà – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị: Các khóa Bồi dưỡng dành cho cán bộ Thủ đô đã được UBND TP. Hà Nội đánh giá cao

Giám đốc Trần Hữu Hà

Nhằm nâng cao kiến thức tổng quan, bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao; xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược trong tham mưu hoạch định chính sách đối với đội ngũ lãnh đạo  các Sở và cơ quan tương đương Sở, Chủ tịch, Phó Chủ tịch quận, huyện, thị xã để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 “Phát triển Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao” được xác định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII – Đảng bộ Thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2020 – 2025), UBND TP Hà Nội giao Sở Nội vụ Thành phố phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Bộ Xây dựng thiết lập Chương trình bồi dưỡng về quản lý và phát triển đô thị cho cán bộ Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý, bao gồm 02 chương trình:

Chương trình 1: Xây dựng tầm nhìn, tư duy chiến lược phát triển Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại có sức cạnh tranh cao (dành cho Giám đốc các Sở và tương đương; Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và đội ngũ cán bộ quy hoạch các chức danh trên).

Chương trình 2: Nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành xây dựng các chương trình, đề án phát triển thành phố xanh, thông minh, hiện đại (dành cho Phó Giám đốc các Sở  và tương đương; Phó Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và đội ngũ cán bộ quy hoạch các chức danh trên).

Học viên tham dự khóa học nhận được nhiều kiến thức quý báu về xây dựng, phát triển thành phố xanh, thông minh, hiện đại. Các khóa học có nhiều nội dung trao đổi, thảo luận những vấn đề thực tiễn ở địa phương và thực hành thực tế trên phần mềm mô hình mô phỏng phát triển đô thị. Các khóa đào tạo đã tổ chức được UBND TP. Hà Nội đánh giá cao.

 

Bà Vũ Thu Hà – Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội: Các học viên khóa bồi dưỡng phải xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng

Bà Vũ Thu Hà

Để Thủ đô tiếp tục phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ về quản lý xây dựng và đô thị đóng vai trò cấp thiết. Các học viện tham gia khóa bồi dưỡng cần coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc nội quy, quy định của lớp học để khóa bồi dưỡng đạt hiệu quả cao nhất. Theo tinh thần chỉ đạo chung của TP. Hà Nội, sau khi các khóa học trong nước kết thúc sẽ chọn lọc những học viên tiêu biểu có kết quả học tập tốt đưa đi học tập thực tế tại nước ngoài. Vì vậy, các học viên phải học tập với tinh thần và thái độ nghiêm túc nhất.

Nội dung chương trình khóa học gồm các chuyên đề: Khái niệm về đô thị xanh, thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao; Các định hướng chiến lược, quy định của pháp luật về phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao; Khái quát chung về chương trình, đề án phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh theo quy định của pháp luật; Các yếu tố tạo thành năng lực cạnh tranh, tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá sức cạnh tranh đô thị; Vai trò của đầu tư đối với gia tăng sức cạnh tranh đô thị; Các định hướng chính sách và giải pháp huy động vốn cho đầu tư phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại; Phương pháp tiếp thị, đánh giá lợi thế, xây dựng chiến lược cạnh tranh đô thị; Quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; Một số vấn đề trong quá trình nghiên cứu quy hoạch đô thị trên địa bàn cấp huyện theo định hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao; Cách tiếp cận và quy trình tham gia của cấp Huyện trong xây dựng chương trình phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh và thực hành mô phỏng phát triển đô thị trên máy tính. Tham gia giảng dạy cho khóa học là các chuyên gia về quy hoạch, phát triển đô thị… của Bộ Xây dựng, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Ban Chỉ đạo TW về quy hoạch vùng thủ đô và các chuyên gia đến từ quốc tế.

 

TS. Phạm Văn Bộ - Giảng viên cao cấp, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị: Phương pháp tiếp thị, đánh giá lợi thế, xây dựng chiến lược cạnh tranh đô thị.

TS. Phạm Văn Bộ - Giảng viên cao cấp, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị

Cạnh tranh đô thị được thể hiện bằng tính vượt trội ở những đô thị về
việc làm, sự thành công của doanh nghiệp, sự thịnh vượng của đô thị,
tính ưu việt của các sản phẩm, năng suất ở mức độ cao và có được thị
phần về sản phẩm, dịch vụ với bên ngoài.

Năng lực cạnh tranh đô thị thường được hiểu là: Năng lực cạnh tranh về sức mạnh kinh tế; ở bình diện quốc gia hoặc quốc tế giữa các đô thị và các vùng đô thị trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Cần tập trung vào xây dựng kịch bản phát triển cạnh tranh để đích đạt được theo con đường bền vững. Lợi thế cạnh tranh bền vững dựa trên cơ sở những nguồn lực đặc biệt độc đáo hoặc năng lực cốt lõi cao hơn những đối thủ cạnh tranh và các đối thủ đó cũng khó bắt chước được. Thu hút các doanh nghiệp, người có khả năng và người giàu về với đô thị của mình.

Năng lực cạnh tranh đô thị thể hiện ở sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư: Chính sách khuyến khích đầu tư của chính quyền đô thị như sự nhanh gọn trong thực hiện thủ tục hành chính, minh bạch trong cung cấp thông tin… Sức cuốn hút đối với khách du lịch: Các chính sách khuyến khích du lịch như: Giá cả phù hợp với các đối tượng, sự đổi mới các sản phẩm du lịch, sự thân thiện của người dân, sự chuyên nghiệp của những người làm du lịch… Mức độ sống tốt của đô thị: Đảm bảo an ninh, y tế, giáo dục, hạ tầng kỹ thuật, môi trường… cho mọi người dân sống trong đô thị. Bảo tồn và phát huy những bản sắc nổi trội: Bản sắc độc đáo nhất về cảnh quan tự nhiên cũng như văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy phù hợp với thời đại. Mức độ tham gia của người dân: Thể hiện ở trong mọi khâu của quá trình xây dựng thương hiệu đô thị, từ lúc nhận diện phân tích, đến lúc triển khai quảng bá.

 

TS. Trương Văn Quảng – Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam: Cạnh tranh đô thị - quy luật của kinh tế thị trường

TS. Trương Văn Quảng – Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam

Đô thị là một hệ thống của tiến trình xã hội, kinh tế, văn hoá rất đặc thù... Đô thị hiện đại không phải biểu đạt ở những tòa nhà chọc trời. Đô thị hiện đại đơn giản chỉ là một không gian sống vị nhân sinh – một đô thị vì con người... Trong quy hoạch và chiến lược phát triển đô thị, cần chú trọng hơn đến công tác cải tạo, nâng cấp, xen cấy trong các đô thị hiện hữu. Việc cải tạo, nâng cấp các khu đô thị hiện hữu sẽ mang lại lợi ích và cơ hội cho nhiều thành phần dân cư hơn so với các khu đô thị mới. Đồng thời cần kết nối với khu vực phát triển về hạ tầng và cảnh quan.

Sau chiến tranh thế giới I (1914 – 1918) mọi người đổ về đô thị tạo nên một làn sóng đô thị hóa ồ ạt. Giao thông đô thị trở thành vấn đề hết sức căng thẳng, những lý luận không tưởng trước đây muốn thoát ly khỏi đô thị đã không còn chỗ đứng trước thực tế đô thị cứ tiếp tục phình to ra mãi... Bối cảnh này đã đặt nền móng cho một kiểu hoạt động xây dựng đô thị hoàn toàn mới.

Cạnh tranh là quy luật của kinh tế thị trường. Cạnh tranh không những là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, điều tiết hệ thống thị trường, mà còn là yếu tố quan trọng làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Cạnh tranh đô thị chủ yếu là sự cạnh tranh về sức mạnh kinh tế ở bình diện quốc gia hoặc quốc tế... là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực đô thị. Cạnh tranh đô thị cũng có thể cạnh tranh ở một số lĩnh vực khác nhau như điều kiện chất lượng môi trường, hạ tầng kỹ thuật... hay quản trị đô thị...

10 thành phần được sử dụng làm thước đo đánh giá chỉ số PCI: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng – Chỉ số thành phần mới; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý.

 

TS. Nguyễn Anh Dũng – Nguyên Phó Giám đốc Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị: Nguyên tắc đầu tư phát triển đô thị

TS. Nguyễn Anh Dũng – Nguyên Phó Giám đốc Học viện cán bộ quản lý

 xây dựng và đô thị

Dự án đầu tư phát triển đô thị là dự án đầu tư xây dựng một công trình hoặc một tổ hợp công trình trong khu vực phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền quyết định và công bố. Do vậy, đầu tư phát triển đô thị phải đảm bảo các nguyên tắc như:

1. Bảo đảm phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia, tuân thủ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, kế hoạch triển khai khu vực phát triển đô thị, pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan.

2. Bảo đảm phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan trong đô thị, gắn với an ninh quốc phòng.

3. Bảo đảm khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

4. Tạo ra môi trường sống tốt cho cư dân đô thị; bảo đảm lợi ích của cộng đồng hài hoà với lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư.

5. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử hiện có.

 

Ông Hà Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Quận Đống Đa, UBND TP Hà Nội: Vai trò của lãnh đạo chính quyền đô thị trong phát triển Thành phố xanh, thông minh, hiện đại

Vai trò của lãnh đạo các cấp ở quận, huyện đã được phát huy trong các công tác tiêu biểu như: Tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch chuyên đề để cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển Thành phố xanh, thông minh, hiện đại; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức đến mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, người dân để cùng tham gia, thực hiện các chương trình, kế hoạch của chính quyền địa phương; Huy động nguồn lực tối đa nhất phục vụ đề án, chương trình đã đề ra; Tổ chức thực hiện thường xuyên, kiểm tra, đánh giá, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thực tế.

Khóa học Nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành xây dựng các chương trình, đề án phát triển thành phố xanh, thông minh, hiện đại đã cung cấp hệ thống các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước, các cấp về phát triển Thành phố xanh, thông minh, hiện đại. Cung cấp, phân tích các phương pháp, giải pháp xây dựng các chương trình, đề án quản lý của các mô hình, ví dụ điển hình từ nhiều thành phố trên thế giới và các tỉnh thành trong nước. Qua khóa học, học viên của các quận, huyện thuộc Thủ đô Hà Nội đã giao lưu, học hỏi chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng đề án, chương trình phục vụ mục tiêu quản lý phát triển thành phố xanh, thông minh, hiện đại.

 

Bà Đinh Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch Quận Long Biên, UBND TP Hà Nội: Khóa học giúp cho học viên làm chủ được kiến thức, có những biện pháp khả thi áp dụng vào công việc

Khóa học được các PGS, TS, chuyên gia truyền tải những kiến thức cơ bản, phong phú, hữu ích và những thông tin quý báu về xây dựng các chương trình, đề án phát triển Thành phố xanh, thông minh, hiện đại. Qua 10 chuyên đề được nghiên cứu, tôi đã hiểu và nắm rõ hơn về đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, các chỉ tiêu, tiêu chí, yếu tố tạo thành năng lực cạnh tranh, các giải pháp huy động nguồn vốn, cách thức quản lý và sử dụng vốn như thế nào? Chúng tôi nắm được cách tiếp cận, quy trình tham gia của cấp Huyện trong xây dựng chương trình phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh. Đặc hiệt, mỗi chuyên đề ngoài việc tiếp thu những kiến thức từ diễn giả, lớp học tạo điều kiện cho học viên có những câu hỏi vướng mắc từ thực tế, những vấn đề còn khó khăn của việc thực hiện nhiệm vụ và đã nhận được sự chia sẻ, trao đổi của các chuyên gia, giúp cho học viên làm chủ được kiến thức, có những biện pháp khả thi áp dụng vào công việc.

Khóa đào tạo còn phong phú hơn bởi các học viên được thảo luận, cùng nhau đưa ra những ý tưởng, kế hoạch để giải quyết vấn đề từ bài tập thực hành qua mô phỏng phần mềm để lập trình tạo ra một bức tranh tổng thể từ dân số - kinh tế - giao thông - môi trường - hạ tầng đô thị… Đây là những nội dung rất thiết thực đối với chúng tôi.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng học viên tại khóa bồi dưỡng

 

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 760  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...