Ngày đăng 17/11/2022 | 09:19 AM

Nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị thông minh - Nhu cầu cấp thiết trong thời kỳ mới

Lượt xem: 1034  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị thông minh - Nhu cầu cấp thiết trong thời kỳ mới

 

 

NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH – NHU CẦU CẤP THIẾT TRONG THỜI KỲ MỚI

TS. Trần Hữu Hà*

TS. Lê Thị Thu Huyền**

*Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị

**Trưởng phòng QL Khoa học – Học viện CBQLXD & ĐT

 

 

Quá trình đô thị hóa trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang diễn ra nhanh chóng, dẫn đến việc hình thành và xuất hiện ngày càng nhiều các đô thị có quy mô lớn và rất lớn, gia tăng dịch cư đô thị, kéo theo đó là các thách thức về quản lý môi trường và phát triển đô thị.

NHỮNG CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH

Theo thống kê của Cục Phát triển đô thị, tính đến tháng 12 năm 2021, tổng số đô thị cả nước là 869 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, 22 đô thị loại I, 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 91 đô thị loại IV, 674 đô thị loại V. Với tỉ lệ đô thị hóa 40,4% và phân bố hệ thống đô thị hiện nay, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan thực sự là thách thức đối với công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu phê duyệt tại Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011; Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020 phê duyệt tại Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 05/10/2012. Trong lĩnh vực phát triển đô thị, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020" tại Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013. Đề án đưa ra các chương trình như xây dựng các cơ sở dữ liệu, bản đồ; điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách; điều chỉnh quy hoạch; đào tạo nâng cao năng lực và thực hiện các dự án, nghiên cứu thí điểm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tiếp theo đó là các Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 nhằm tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Luật Quy hoạch đô thị (số 30/2009/QH12) đã giao trách nhiệm quản lý quy hoạch và quản lý đô thị cho Bộ Xây dựng. Đồng thời, theo Chỉ thị số 09/2008/CT-TTg ngày 28/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng và cấp giấy phép xây dựng, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các dự án cung cấp thông tin trên nền tảng hệ thống thông tin của địa phương. Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020” cũng đã có chỉ đạo về việc xây dựng hệ thống thông tin về phát triển đô thị (có ứng dụng GIS).

Ngoài ra, nhằm đạt mục tiêu dài hạn trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020; Chính phủ cũng có Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52/NQ-TW, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và các địa phương liên quan được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững; hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; hệ thống hạ tầng dữ liệu, hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của ĐTTM; Xác định rõ lộ trình thí điểm và lựa chọn các đô thị thí điểm ĐTTM; cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai thí điểm phát triển ĐTTM bảo đảm tính hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế.

Chiến lược phát triển ĐTTM là một xu hướng tất yếu đang được nhiều quốc gia áp dụng

Đứng trước các vấn đề mang tính toàn cầu như sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, chiến lược phát triển ĐTTM là một xu hướng tất yếu đang được nhiều quốc gia áp dụng.

Tại Việt Nam, ngày 01/8/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, theo đó giai đoạn 2018-2025 ưu tiên xây dựng các nội dung cơ bản bao gồm: Quy hoạch ĐTTM; Xây dựng và quản lý ĐTTM; Cung cấp các tiện ích ĐTTM cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng ICT trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian ĐTTM được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.

Nhằm hiện thực hóa định hướng phát triển ĐTTM tại Việt Nam, Đề án đã đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 07 nhóm nhiệm vụ ưu tiên để triển khai thực hiện; trong đó nhiệm vụ số 7 đã nêu rõ yêu cầu Thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và chuyên môn đáp ứng nhu cầu phát triển, vận hành ĐTTM theo các giai đoạn.

NHU CẦU NGUỒN NHÂN LỰC PHỤC VỤ  PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH TẠI  VIỆT NAM

            Tính đến tháng 10/2021, Việt Nam có 41/63 tỉnh/thành đang triển khai xây dựng đề án về ĐTTM, trong đó có cả đề án xây dựng ĐTTM toàn tỉnh và đề án xây dựng ĐTTM cho các đô thị trực thuộc tỉnh. Song song với việc xây dựng ĐTTM thì các tỉnh/thành này cũng đang rất quan tâm đến vấn đề bồi dưỡng nhân lực quản lý và phát triển ĐTTM cho địa phương. Một số ví dụ điển hình như:

*Hà Nội: Nhằm nâng cao kiến thức tổng quan, bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao, xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược trong tham mưu hoạch định chính sách đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo các Sở và cơ quan tương đương Sở; UBND thành phố đã giao Sở Nội vụ phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) thiết lập chương trình bồi dưỡng về quản lý và phát triển đô thị cho đối tượng là cán bộ lãnh đạo các Sở, cơ quan tương đương Sở. Nội dung của khóa học bao gồm: Xây dựng tư duy và tầm nhìn chiến lược cho đội ngũ lãnh đạo nước ta hiện nay; phát triển kinh tế trong hoạch định chính sách quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai dịch bệnh; các vấn đề môi trường bền vững, an sinh xã hội; tư duy liên ngành trong hoạch định chính sách phát triển đô thị; các vấn đề thực tiễn của thành phố Hà Nội về phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao; một số kinh nghiệm quốc tế về phát triển đô thị xanh, thông minh...

Năm 2022, Sở Nội vụ và Học viện đã tổ chức bồi dưỡng cho hơn 30 cán bộ lãnh đạo, dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức các lớp khác trong thời gian tiếp theo.

* Đà Nẵng: Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Trần Ngọc Thạch, việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin là nhiệm vụ và giải pháp đột phá có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng. Chính vì vậy, thời gian vừa qua, các Sở ban ngành luôn quan tâm và tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Đà Nẵng hiện có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó 20 trường Đại học, Cao đẳng và 18 trường Trung cấp, Trung tâm đào tạo nghề và Trung tâm đào tạo phi chính quy. Số lượng sinh viên đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin chiếm 17%. Năm 2021, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố hơn 6.000 học sinh, sinh viên. Trong đó trình độ Đại học, Cao đẳng khoảng 4.500 sinh viên.

Về nguồn nhân lực có trong các doanh nghiệp công nghệ thông tin, tính đến cuối năm 2019, Đà Nẵng có 36.500 nhân lực công nghệ thông tin (chiếm 1,26% so với nhân lực công nghệ thông tin của cả nước), trong đó có khoảng 16.500 nhân lực trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số; lương bình quân đạt 17,6 triệu đồng/người/tháng. Tại các trường Đại học, Cao đẳng cũng có hơn 120 Tiến sĩ, 37 Phó Giáo sư chuyên ngành công nghệ thông tin và các chuyên ngành gần hỗ. Ngoài ra, có 892 cán bộ công viên chức thành phố chuyên trách hoặc có trình độ Đại học công nghệ thông tin trở lên.

Tuy nhiên, mặc dù thành phố đã tập trung phát triển đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế chưa thể giải quyết được. Trong kế hoạch phát triển nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2025 của Đà Nẵng, thành phố phấn đấu đưa tỷ trọng kinh tế trong ngành, lĩnh vực công nghệ thông tin đạt 10% vào năm 2025; tập trung phát triển kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP thành phố, trong đó công nghiệp ICT tối thiểu 10% GRDP thành phố vào năm 2025; đưa số lượng doanh nghiệp công nghệ đạt mức 3 doanh nghiệp/1.000 dân; tạo ra ít nhất 75.000 lao động chất lượng cao vào năm 2025; có ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/ năm hoặc nộp ngân sách trên 100 tỷ đồng vào năm 2025…(Nâng nguồn nhân lực công nghệ thông tin – Cổng TTĐT Đà Nẵng. Ngày 27.5.2022). 

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những nơi đầu tiên xây dựng đề án ĐTTM

* Thành phố Hồ Chí Minh: Là một trong những thành phố đầu tiên xây dựng đề án ĐTTM với mục tiêu đến năm 2025 “TP. HCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị.” Các nguyên tắc định hướng của xây dựng ĐTTM tại TP.HCM là: Tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; Luôn lắng nghe, nắm bắt và phục vụ kịp thời các nguyện vọng và nhu cầu của người dân; Công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển; Huy động mọi nguồn lực.

Để thực hiện thành công mô hình ĐTTM, TP. HCM xác định chiến lược phát triển nguồn nhân lực theo 3 định hướng và cấp độ như sau:

- Nguồn nhân lực công nghệ: TP. HCM cần có những đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao có chất lượng nhằm phát triển và ứng dụng công nghệ thông minh trong các lĩnh vực thiết yếu của thành phố.

- Nguồn nhân lực quản trị: TP. HCM cần có những đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực có thể xây dựng và vận hành những mô hình quản trị mới có thể thúc đẩy không chỉ sự tương tác của dân cư mà còn thúc đẩy, khai phá tiềm năng sáng tạo của mọi người nhằm mang lại nhiều giá trị gia tăng cho toàn xã hội.

- Phát triển cộng đồng dân cư thông minh: Xây dựng thành công một thành phố thông minh không chỉ dừng lại ở việc tập trung vào phát triển công nghệ thông tin tinh vi làm trung tâm cho hoạt động quản trị của chính quyền thành phố mà còn phải tạo ra “cấu trúc quản trị chủ động và cởi mở, với tất cả các chủ thể tham gia, nhằm tối đa hóa hiệu quả kinh tế xã hội và sinh thái của các thành phố.

Tuy nhiên trên thực tế, từ năm 2017 đến nay TP. HCM mới triển khai nâng cao năng lực quản lý xây dựng ĐTTM thông qua hình thức tổ chức các lớp “Bồi dưỡng kiến thức xây dựng thành phố thông minh và an ninh mạng” với các nội dung “Khái niệm, định hướng phát triển thành phố thông minh” và “Những thách thức của an ninh mạng trong cách mạng công nghiệp 4.0”. Đối tượng được bồi dưỡng là các cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức đang công tác tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Như vậy, tại 03 thành phố lớn nhất cả nước, việc bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu xây dựng đô thị thông minh được hết sức quan tâm. Tuy nhiên có thể thấy rõ những vấn đề sau:

- Đối tượng được bồi dưỡng nâng cao năng lực xây dựng đô thị thông minh ở 3 địa phương chỉ bao gồm: Cán bộ lãnh đạo các Sở, cơ quan tương đương Sở, sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin của các trường Đại học, các cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức đang công tác tại các quận, huyện.

- Nội dung bồi dưỡng nâng cao năng lực xây dựng ĐTTM ở các địa phương trên mới đề cập đến một số vấn đề về tầm nhìn chiến lược, hoạch định chính sách, công nghệ thông tin và an ninh mạng.

Trong khi đó, Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 có nêu rất rõ về đối tượng cần được đào tạo bồi dưỡng và các nội dung đào tạo, bồi dưỡng về phát triển ĐTTM bền vững. Cụ thể:

Về đối tượng: Mục tiêu đến năm 2025: 100% các Sở Xây dựng, Sở Thông tin truyền thông, các Sở ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các đô thị thí điểm được đào tạo, bồi dưỡng về phát triển ĐTTM (Điều 1, Mục II, khoản 2).

Về nội dung: Được nêu rõ ở phần nội dung, giải pháp thực hiện đề án phát triển ĐTTM, bền vững:

+ Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật và ban hành các hướng dẫn về phát triển ĐTTM bền vững;

+ Hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực ĐTTM;

+ Kết nối liên thông, duy trì và vận hành hệ thống dữ liệu không gian đô thị số hóa và cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia;

+ Áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

+ Phát triển hạ tầng ĐTTM (gồm phát triển hạ tầng kỹ thuật ĐTTM và Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông);

+ Phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị…

Đối chiếu các nội dung được nêu tại Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 với thực tế triển khai tại một số địa phương đang xây dựng ĐTTM thì công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển ĐTTM cho cán bộ lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp sẽ giúp các địa phương đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng cho các đối tượng mà Quyết định 950/QĐ-TTg đã nêu.

Khóa BD nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, xây dựng các chương trình, đề án phát triển thành phố xanh, thông minh, hiện đại được tổ chức tại Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị năm 2022

MỤC TIÊU NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH

Mục tiêu chung:

Xây dựng nội dung bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý phát triển ĐTTM để trang bị cho cán bộ lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp chính là giải pháp được nêu tại Quyết định 950/QĐ-TTg “Xây dựng, lồng ghép nội dung phát triển ĐTTM bền vững trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị, áp dụng đối với các đô thị từ loại III trở lên trong giai đoạn 2018 – 2025” nhằm góp phần thực hiện mục tiêu “Đến năm 2025: 100% các Sở Xây dựng, Sở Thông tin truyền thông, các Sở ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các đô thị thí điểm được đào tạo, bồi dưỡng về phát triển ĐTTM”.

 Mục tiêu cụ thể:

Thông qua việc nghiên cứu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để xây dựng nội dung và tổ chức các lớp Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý phát triển ĐTTM để trang bị cho cán bộ lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp:

- Các kiến thức cơ bản về quản lý phát triển ĐTTM (quy hoạch ĐTTM, quản trị ĐTTM, dịch vụ tiện ích thông minh...)

- Các kiến thức cần thiết tham mưu cho UBND tỉnh để ra các quyết định về phát triển ĐTTM.

- Các kiến thức, kinh nghiệm về phát triển ĐTTM trong và ngoài nước.

- Các kiến thức về xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, chương trình, dự án phát triển ĐTTM.

- Các kiến thức về xây dựng, quản lý, triển khai và vận hành phát triển ĐTTM trong tương lai.

Với mục tiêu biên soạn nội dung bồi dưỡng nâng cao năng lực phát triển ĐTTM cho cán bộ lãnh đạo, chuyên môn nhiệp vụ đang công tác tại Sở Xây dựng, Sở Thông tin truyền thông, các Sở ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các đô thị thí điểm xây dựng ĐTTM trên toàn quốc, thì đối tượng nhiên cứu của đề tài được xác định là cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn liên quan đến quản lý xây dựng và phát triển ĐTTM để từ đó biên soạn bộ tài liệu bồi dưỡng cho 03 nhóm theo 03 cấp sau đây:

(1) Nhóm 1: Cán bộ lãnh đạo, chuyên môn đô thị cấp tỉnh, gồm:

- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng, Phó phòng, cán bộ chuyên môn thuộc Sở Xây dựng; Sở Quy hoạch – Kiến trúc; Sở Giao thông vận tải; Sở Thông tin truyền thông;

- Công chức lãnh đạo chuyên môn trong các Ban quản lý dự án chuyên ngành xây dựng; Ban quản lý khu vực phát triển đô thị của tỉnh; Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.

(2) Nhóm 2: Cán bộ lãnh đạo, chuyên môn đô thị cấp huyện, gồm:

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố, thị xã thuộc tỉnh;

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; UBND huyện trực thuộc tỉnh;

- Lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thuộc phòng Quản lý đô thị, phòng Kinh tế hạ tầng, phòng Công thương; Ban quản lý dự án xây dựng của quận, huyện, thành phố, thị xã.

(3) Nhóm 3: Cán bộ lãnh đạo, chuyên môn đô thị cấp xã, gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, xã của các thành phố trực thuộc Trung ương và thành phố thị xã thuộc tỉnh.

Theo số liệu báo cáo tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022 tổ chức tại Hà Nội ngày 16-17/6/2022, cả nước có 41/63 tỉnh/thành phố đang xây dựng ĐTTM, trong đó bao gồm 27 địa phương xây dựng đô thị thông minh toàn tỉnh và 14 địa phương xây dựng ĐTTM trực thuộc tỉnh. Cụ thể:

Bảng 1. Các tỉnh/ thành xây dựng đô thị thông minh toàn tỉnh

Stt

Tên tỉnh/thành phố

Stt

Tên tỉnh/thành phố

1

Lào Cai

15

Bình Thuận

2

Bắc Ninh

16

Bà Rịa – Vũng Tàu

3

Quảng Ninh

17

An Giang

4

Thanh Hoá

18

Hà Nội

5

Quảng Trị

19

Hưng yên

6

Thừa Thiên Huế

20

Nghệ An

7

Đà Nẵng

21

Bình Định

8

Bình Dương

22

Ninh Thuận

9

Hồ Chí Minh

23

Bình Phước

10

Yên Bái

24

Đồng Nai

11

Hà Giang

25

Cần Thơ

12

Sơn La

26

Hậu Giang

13

Hải Dương

27

Cà Mau

14

Ninh Bình

 

 

 

Bảng 2. Các tỉnh/thành xây dựng đô thị thông minh trực thuộc tỉnh

Stt

Tinh/thành phố

Stt

Tinh/thành phố

1

Phú Thọ

8

Hoà Bình

2

Vĩnh Phúc

9

Quảng Nam

3

Gia Lai

10

Khánh Hoà

4

Lâm Đồng

11

Đắk Lắk

5

Tiền Giang

12

Đồng Tháp

6

Kiên Giang

13

Hải Phòng

7

Hà Tĩnh

14

Thái Nguyên

           

Để triển khai chiến lược phát triển ĐTTM tại các địa phương cần có cán bộ nòng cốt trong hệ thống chính quyền đô thị có đủ năng lực, trình độ và hiểu biết để trước hết là tham gia xây dựng các đề án, chương trình phát triển ĐTTM, sau là quản lý vận hành kiểm soát có hiệu quả tiến trình xây dựng ĐTTM trong tương lai.

Do vậy, công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển ĐTTM cho cán bộ lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp là nhiệm vụ hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Để triển khai chiến lược phát triển ĐTTM, tại các địa phương cần có cán bộ nòng cốt trong hệ thống chính quyền đô thị có đủ năng lực, trình độ và hiểu biết

 

Tài liệu tham khảo:

 

  1. Ban Chấp hành Trung ương/ Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 01/11/2016 của Hôi nghị Trung ương 04 khóa XII về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
  2. Ban Chấp hành Trung ương/ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
  3. Bộ Xây dựng/ Quyết định số 1351/QĐ-BXD ngày 26/12/2016 phê duyệt “Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ Xây dựng năm 2017”.
  4. Bộ Xây dựng/ Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
  5. Đào Ngọc Nghiêm/ Đô thị bền vững, đô thị thông minh: Thực trạng và thách thức/Báo điện tử Mặt trận/ Link truy cập: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/do-thi-ben-vung-do-thi-thong-minh-thuc-trang-va-thach-thuc-7056.html.
  6. Hồ Quang Huệ/ Thành phố thông minh – Xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại /Báo điện tử Lâm Đồng online/Link truy cập: http://baolamdong.vn/xahoi/201611/thanh-pho-thong-minh-xu-huong-tat-yeu-cua-do-thi-hien-dai-2758105/.

        7.    Chính phủ, 2018. đề án 950, s.l.: s.n.

  1. IDM. Smart city index. 2021.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 1034  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...