Ngày đăng 17/11/2022 | 09:41 AM

Đô thị số và chiến lược xây dựng chuyển đổi số

Lượt xem: 392  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Đô thị số và chiến lược xây dựng chuyển đổi số

 

ĐÔ THỊ SỐ & CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG CHUYỂN ĐỔI SỐ

PGS.TS Vũ Hải Quân (biên dịch)

(tiếp theo kỳ TC 84)

 

3.  Thiết kế chương trình chuyển đổi số

Sau khi đã xác định mục tiêu và bộ chỉ số đánh giá hiệu quả của chương trình chuyển đổi số thì tiếp theo sẽ là bước thiết kế chương trình. Phần này giới thiệu 8 bước thiết kế chương trình chuyển đổi số cho các đô thị và kinh nghiệm thực tiễn từ một số thành phố trên thế giới.

3.1. Các bước xây dựng chương trình chuyển đổi số

Có 8 bước để xây dựng chương trình chuyển đổi số cho một đô thị.

Bước 1. Đánh giá hiện trạng

Bao gồm hạ tầng, hệ thống phần mềm, phần  cứng, an ninh mạng, đội ngũ công chức, mức độ rủi ro khi thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên phần quan trọng nhất là phải có đủ thông tin về cách mà người dân và doanh nghiệp tương tác và sử dụng các dịch vụ số do chính quyền cung cấp. Liệu có những dịch vụ số nào được xây dựng mà người dân không sử dụng?

Bước 2. Xác định tầm nhìn dài hạn và các mục tiêu cho chương trình chuyển đổi số

Những lĩnh vực nào là trọng tâm mà thành phố cần thay đổi và vai trò của công cụ chuyển đổi số trong việc thực hiện những thay đổi này? Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; bài học từ tầm nhìn và mục tiêu của các thành phố khác trên thế giới; bối cảnh, yêu cầu thực tiễn xuất phát từ nội tại… là những căn cứ để lãnh đạo chính quyền xây dựng tầm nhìn và xác định các mục tiêu cho chương trình chuyển đổi số của thành phố.

Bước 3, 4, 5. Xây dựng các chương trình, dự án cụ thể để thực hiện các mục tiêu của chương trình chuyển đổi số, hướng tới tầm nhìn dài hạn

Ví dụ  để  đạt được các mục tiêu về dịch vụ số, chính quyền số và hạ tầng số hướng đến tầm nhìn dài hạn, chúng ta phải xây dựng các chương trình, dự án, giải pháp khác nhau theo ba hướng này. Các ý tưởng có thể đến từ cộng đồng, từ chuyên gia, từ doanh nghiệp, từ nhà quản lý thông qua các kênh thông tin, các hội nghị, hội thảo, các hoạt động đối thoại.

Bước 6, 7. Mô tả mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể của chương trình chuyển đổi số thông qua bộ chỉ số đánh giá hiệu quả (KPI)

Bước này bao gồm việc thiết kế các bộ chỉ số liên quan đến việc đánh giá hiệu quả của hệ thống dịch vụ số, chính quyền số, hạ tầng số cũng như mối quan hệ liên kết giữa các bộ chỉ số này. Nó cũng có thể được trình bày ở dạng ma trận như trong Hình 10. Khi có đủ những số liệu này, chúng ta có thể đánh giá hiệu quả chiến lược của chương trình chuyển đổi số và truyền thông tới các bên liên quan, bao gồm người dân, doanh nghiệp và công chức của chính quyền.

Hình 10. Ma trận đánh giá các mục tiêu của chương trình

Bước 8. Xác định nguồn lực và cơ chế vận hành, quản lý cho chương trình chuyển đổi số

Vấn đề đặt ra ở đây là tìm nguồn lực đầu tư công của chính quyền thành phố, nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp; lĩnh vực nào có thể huy động nguồn lực từ các dự án công – tư; cơ chế quản lý điều hành và giám sát các dịch vụ số của chính quyền.

Một khía cạnh rất quan trọng của quá trình chuyển đổi số là thay đổi quy trình xử lý liên quan đến thủ tục hành chính, đến cách thức chia sẻ dữ liệu, đến cách tiếp nhận và phản hồi thông tin. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, thông thường đóng góp cho sự thành công của chương trình chuyển đổi số thì phần CNTT là rất thấp, chỉ khoảng từ 30-40%. Phần còn lại là nhận thức và là việc chấp nhận thay đổi của người dân, của doanh nghiệp, của công chức và của lãnh đạo. Phần này chiếm tỷ trọng lớn hơn 50%. Điều quan trọng là các bên liên quan phải hiểu và nhận thức được những gì sẽ được thay đổi trong công việc của họ, trong quá trình chuyển đổi số. Và tất nhiên, không chỉ quy trình nghiệp vụ và thủ tục hành chính phải thay đổi so với cách làm truyền thống, các quy định về pháp luật thậm chí cũng phải thay đổi.

Một khía cạnh rất quan trọng của quá trình chuyển đổi số là thay đổi quy trình xử lý liên quan đến thủ tục hành chính

3.2. Bài học với thành phố New York (Hoa Kỳ)

Năm 2020, chính quyền thành phố New York công bố kế hoạch chiến lược có tên gọi OneNYC2050, xác định tầm nhìn đến năm 2050. Đây được xem là chiến lược được thiết kế cho những công dân của thành phố này. Kế hoạch chiến lược phát triển thành phố New York bao gồm cả tầm nhìn, các giá trị cốt lõi, mục tiêu dài hạn, hệ thống KPI, các chương trình, giải pháp phát triển thành phố đến năm 2050.

                                     

9 triệu dân

 

Không sử dụng năng lượng hóa thạch

 

Đảm bảo an ninh

 

Thành phố không sử dụng xe hơi

 

Hình 11. Tầm nhìn đến 2050 của New York

 

Về tầm nhìn đến năm 2050, như mình họa trong Hình 11, New York sẽ là thành phố:

-            Có khoảng 9 triệu dân,

-            Không sử dụng năng lượng hóa thạch,

-            An ninh, an toàn được đảm bảo cho từng hộ gia đình, từng khu phố,

-            Không sử dụng xe hơi.

Từ tầm nhìn tổng quát này, các mục tiêu, chương trình giải pháp, hệ thống chỉ số KPI của chương trình chuyển đổi số cho thành phố cũng đã được xây dựng. Ví dụ như về hạ tầng, New York không chỉ định hướng phát triển hạ tầng giao thông mà còn đặt ra các mục tiêu cụ thể cho phát triển hạ tầng số.

Nếu như năm 2017, chỉ có 70% hộ dân của thành phố này có Internet băng thông rộng thì đến năm 2050, con số này phải là 100%; Đến năm 2050 toàn bộ thành phố sẽ được phủ sóng WiFi miễn so với chỉ 42% trong năm 2019.

Tương tự như vậy về an ninh, đặc biệt là an ninh mạng cũng được chính quyền thành phố quan tâm đầu tư. Một ứng dụng về bảo mật cho người sử dụng dịch vụ công được thành phố phát triển. Năm 2019 chỉ có 57.000 người sử dụng ứng dụng này và mục tiêu đến năm 2050 thì số người sử dụng ứng dụng này phải gia tăng và các dịch vụ công đều phải được bảo mật.

Ở các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, các mục tiêu và chương trình chuyển đổi số cũng đã được xây dựng. Đến năm 2050 hồ sơ sức khỏe số sẽ được áp dụng cho toàn bộ người dân của thành phố. Tương tự như vậy là việc số hóa dữ liệu cư dân, căn hộ, tòa nhà… để phục vụ cho nhu cầu nhà ở và đảm bảo an ninh cho người dân.

3.2. Bài học với thành phố Mát-xcơ-va (Nga)

Thành phố Mát-xcơ-va cũng bắt đầu chương trình chuyển đổi số vào năm 2012. Có hơn 50 sở - ban - ngành và cấp tương đương của thành phố này đã tham gia chương trình chuyển đổi số. Chương trình này được đầu tư từ nguồn ngân sách của nhà nước (chiếm 63%) và từ nguồn tư nhân (chiếm 37%).

Mục tiêu chính của chương trình là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hiệu quả cho doanh nghiệp và minh bạch cho chính quyền. Cần phải nhận thức rằng đây là những mục tiêu quan trọng nhất đối với mọi chương trình chuyển đổi số của thành phố. Khi xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi số, chính quyền thành phố đã khuyến nghị cần lưu ý đến 3 yếu tố: (1) Hiệu ứng xã hội, (2) Hiệu quả kinh tế và (3) Hiệu quả công nghệ.

a)   Về hiệu ứng xã hội

Việc xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi số với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân đồng nghĩa với việc mang lại nhiều thời gian rảnh hơn cho họ. Trước đây, theo cách thức cung cấp dịch vụ công truyền thống, người dân phải đến các phòng ban, địa điểm khác nhau và họ sẽ tốn rất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục này. Khi thực hiện chuyển đổi số, bằng việc cung cấp các dịch vụ số, chính quyền sẽ giải phóng thời gian đi đến và đợi chờ ở công sở, giúp cho người dân có thêm thời gian dành cho gia đình và các mối quan hệ khác trong xã hội. Hiệu ứng xã hội - đó là mang lại sự thoải mái hơn, hạnh phúc hơn cho người dân.

b)   Về hiệu quả kinh tế

Chuyển đổi công nghệ là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thành phố nhờ những hiệu quả mà nó mang lại. Trước tiên là việc số hóa các dịch vụ công sẽ là một bước đột phá về cải cách hành chính, là công cụ để chính quyền thực hiện việc giảm biên chế, giảm chi cho đội ngũ công chức, viên chức.

Thứ hai, chuyển đổi số sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển bằng cách gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực của thành phố. Ví dụ như người dân và chính quyền có thể giảm mức sử dụng điện, nước và các nguồn năng lượng khác thông qua hệ thống các thiết bị giám sát tự động.

Chuyển đổi số cũng có thể làm gia tăng các nguồn thu cho chính quyền thông qua các loại dịch vụ mới. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là sẽ gia tăng tính minh bạch đối với các nguồn thu.

c)   Về hiệu quả công nghệ

Hiệu quả về công nghệ trước tiên là sự phát triển hạ tầng CNTT-TT cho toàn thành phố thông qua các nguồn vốn đầu tư từ nhà nước và nguồn vốn hợp tác với doanh nghiệp. Hợp tác với doanh nghiệp trong việc phát triển hạ tầng không chỉ giúp cho chính quyền có thể đầu tư thêm nhiều hạng mục mà còn giúp quá trình vận hành, khai thác và bảo trì tốt hơn. Ví dụ như việc đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát, nhà nước có thể dùng ngân sách công để đầu tư toàn bộ hệ thống này, nhưng nhà nước cũng có thể mua lại dịch vụ là hình ảnh từ hệ thống camera giám sát của các công ty tư nhân. Rõ ràng, cách làm thứ 2 sẽ hiệu quả hơn nếu xét về góc độ kinh tế.

d) Các kết quả chính

Mát-xcơ-va bắt đầu thực hiện chương trình chuyển đổi số năm 2012. Đến thời  điểm 2020, thành phố này đã đạt được những kết quả chính như sau:

Số người sử dụng dịch vụ công số tăng: Năm 2011, chỉ có 53.000 người sử dụng các dịch vụ số, đến năm 2020 đã có 6,6 triệu người dùng.

Hệ thống camera giám sát tăng: năm 2011 chỉ có 36% tổng số điểm công cộng của thành phố được gắn hệ thống camera giám sát, đến năm 2019 con số này là gần 90%.

Tỷ lệ người dân đặt lịch khám bác sĩ trực tuyến tăng: Năm 2011 là 23%; năm 2019 là 100%.

Tỷ lệ các hộ gia đình có kết nối Internet băng thông rộng, các điểm truy cập WIFI miễn phí đều tăng nhanh.

Năm 2011 chỉ có khoảng 10% hộ gia đình có kết nối Internet băng thông rộng thì đến năm 2019, con số này 85.6%. đến hơn 18.1 điểm cung cấp Wifi miễn phí tính đến đầu năm 2019. Số lượng trường học, bệnh viện, các trung tâm dịch vụ hành chính công được lắp đặt Internet băng thông rộng cũng gia tăng nhanh.

Số lượng máy tính và các thiết bị CNTT đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ công tăng. Ví dụ, hơn 50.000 máy tính xách tay đã được thành phố trang bị cho giáo viên.

Các khóa đào tạo kiến thức cơ bản về CNTT, về hướng dẫn truy cập và sử dụng Internet an toàn tăng. Chỉ tính riêng năm 2018 đã thu hút gần 60.000 học viên tham gia.

Chuyển đổi số ngành xây dựng giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn

4.  Quản lý chương trình chuyển đổi số

Sau khi đã xây dựng chương trình chuyển đổi số, việc vận hành, khai thác, cập nhật và phát triển cần được đặt trong một mô hình quản lý. Câu hỏi đặt ra là có những mô hình quản lý nào cho chương trình chuyển đổi số và đâu là mô hình hiệu quả? Phần này giới thiệu 3 mô hình quản lý chuyển đổi số, bao gồm mô hình tập trung, mô hình phân tán và mô hình lai, phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng mô hình.

4.1. Mô hình tập trung

Mô hình tập trung, như minh họa trong Hình 12, có nghĩa là chính quyền thành phố sẽ chỉ có một cơ quan đưa ra quyết định đối với tất cả các dự án, chương trình chuyển đổi số và đứng đầu cơ quan này thường được gọi là Giám đốc văn phòng chương trình chuyển đổi số (CIO), thông thường trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông. Theo mô hình này, các sở ban ngành của thành phố, ví dụ, như Sở Giáo dục, Sở Y tế sẽ không xây dựng chương trình chuyển đổi số riêng. Theo đó, các sở này sẽ gửi các yêu cầu chức năng đến Văn phòng chuyển đổi số và Văn phòng này sẽ chịu trách nhiệm phát triển hệ thống. Văn phòng chuyển đổi số chịu trách nhiệm về dự toán ngân sách, đấu thầu, ký hợp đồng, xây dựng, quản lý, vận hành và bảo trì các thành phần trong hệ thống chuyển đổi số của các sở ban ngành.

Hình 12. Mô hình tập trung cho chương trình chuyển đổi số

Điều rất quan trọng là Văn phòng này phải giao tiếp với các bộ phận chức năng của các sở - ban - ngành một cách hợp lý và hiệu quả vì đây là yếu tố quan trọng quyết định thành công cho chương trình chuyển đổi số. Các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản thường áp dụng mô hình tập trung trong khi Hoa Kỳ hoặc một số nước Châu Âu lại chọn mô hình phân tán.

4.2. Mô hình phân tán

Mô hình phân tán có nghĩa là các sở - ban - ngành đều có chương trình chuyển đổi số riêng và có văn phòng quản lý và vận hành các chương trình này. Thành phố Berlin, thành phố New York là những thành phố vận hành theo mô hình này. Ở cấp độ quốc gia thì có Hoa Kỳ và Nga vận hành theo mô hình phân tán. Ví dụ ở Hoa Kỳ, ở cấp độ Liên bang, có 01 Giám đốc chương trình chuyển đổi số do Tổng thống bổ nhiệm và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tổng thống. Tuy nhiên các bộ và cơ quan ngang bộ của chính phủ Hoa Kỳ đều có Giám đốc chương trình chuyển đổi số riêng và cơ quan này sẽ quyết định mục tiêu và ngân sách cho bộ của mình. Chính phủ cũng thành lập một hội đồng bao gồm những người đứng đầu các chương trình chuyển đổi số để điều phối và xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, các mô hình cho chương trình chuyển đổi số quốc gia. Nga có cùng một hệ thống phân tán.

Hình 13. Mô hình phân tán cho chương trình chuyển đổi số

Như thể hiện trong Hình 13, ở cấp cao nhất, các chương trình chuyển đổi số của nhà nước sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện. Tuy nhiên, mỗi bộ thuộc chính phủ như Bộ Giáo dục, Bộ Y tế đều có Giám đốc chương trình chuyển đổi số riêng, chịu trách nhiệm về dự toán ngân sách, xây dựng chương trình dự án và đánh giá hiệu quả hoạt động cho chương trình chuyển đổi số của mình. Tất nhiên các chương trình chuyển đổi số của các bộ sẽ được Chính phủ điều phối chung, thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông.

4.3. Mô hình lai

Mô hình lai là sự pha trộn giữa mô hình tập trung và mô hình phi tập trung. Ví dụ: Văn phòng chuyển đổi số của Thành phố sẽ chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược, ban hành tiêu chuẩn, đề xuất các chương trình, dự án, xây dựng hạ tầng dùng chung như trung tâm dữ liệu, hệ thống an ninh mạng, v.v… Các sở, ban, ngành khác, ví dụ như Sở Giáo dục, sẽ xây dựng chương trình chuyển đổi số của mình dựa trên các tiêu chuẩn của Văn phòng chuyển đổi số. Tương tự, Sở Y tế xây dựng chương trình chuyển đổi số cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của thành phố dựa trên các yêu cầu và tiêu chuẩn do Văn phòng chuyển đổi số ban hành. Ở mô hình này, Văn phòng chuyển đổi số sẽ đề xuất xây dựng các tiêu chuẩn và chiến lược chuyển đổi số, đồng thời cũng thực hiện chức năng điều phối các dự án nhất là các dự án cần phải được tích hợp với nhau. Singapore là một ví dụ điển hình cho mô hình hỗn hợp.

Phân tích ưu điểm và hạn chế của các mô hình

Ưu điểm lớn nhất của mô hình tập trung là tính hiệu quả của việc sử dụng ngân sách. Khi việc đầu tư mua sắm, ví dụ, máy tính cho tất cả các sở, ban, ngành trong thành phố với số lượng rất lớn, Văn phòng chuyển đổi số có thể thương lượng với các nhà cung cấp để có được giá mua tốt nhất. Mô hình tập trung cũng sẽ tiết kiệm hơn về nhân sự, về các chi phí xây dựng, quản lý, vận hành và bảo trì vì tất cả các công việc đó sẽ chỉ do Văn phòng chuyển đổi số chịu trách nhiệm. Tính liên thông, liên kết cũng mạnh hơn vì với mô hình tập trung, sẽ chỉ cần tạo một tài khoản đăng nhập và không cần thiết phải tạo cơ chế ủy quyền, xác thực. Tương tự như vậy, các thành phần trong hệ thống chuyển đổi số cũng chỉ cần tạo một lần và có thể nhân bản để sử dụng cho các sở, ban, ngành khác nhau. Hạn chế lớn nhất của mô hình tập trung là việc xây dựng hệ thống chuyển đổi số sẽ tốn nhiều thời gian hơn; tốc độ truy cập và xử lý yêu cầu dịch vụ có thể chậm hơn; mức độ rủi ro sai sót của các bộ phận thành phần trong hệ thống sẽ cao hơn; sự ổn định và an ninh mạng cũng là những câu hỏi rất quan trọng đối với mô hình này.

Trong mô hình phi tập trung, ưu điểm lớn nhất là tốc độ thực hiện các dự án thành phần của hệ thống chuyển đổi số sẽ nhanh hơn. Việc phân tán theo lĩnh vực quản lý sẽ làm cho phạm vi của chương trình chuyển đổi số nhỏ hơn, nguồn lực đầu tư tập trung hơn, con người tham gia phát triển cũng hiểu rõ hơn về yêu cầu và chức năng của hệ thống. Tuy nhiên, hạn chế của mô hình này là chi phí ngân sách cao hơn vì không thể chia sẻ các thành phần giống nhau trong quá trình xây dựng hệ thống. Sẽ cần thêm hệ thống an ninh mạng, trung tâm dữ liệu; sẽ cần thêm nhân sự để vận hành các hệ thống này.

Về mặt lý thuyết, mô hình lai kết hợp ưu điểm của cả hai mô hình tập trung và phi tập trung. Nó hướng đến việc tiết kiệm ngân sách đồng thời đẩy nhanh tốc độ phát triển các dự án trong chương trình chuyển đổi số. Tuy nhiên thực tế triển khai mô hình này cũng không đơn giản. Hay nói cách khác câu hỏi về mô hình quản lý chuyển đổi số nào là tốt nhất sẽ không có câu trả lời cụ thể. Nó phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau, vào hệ thống quản lý của thành phố, chiến lược của quốc gia, v.v…

Thông thường, mô hình tập trung sẽ tốt hơn cho giai đoạn bắt đầu của chương trình chuyển đổi số. Khi hệ thống đã tồn tại và đủ lớn, đòi hỏi nhiều nhân sự hơn, đòi hỏi tốc độ cập nhật và xây dựng những thành phần mới nhanh hơn thì có thể mô hình phi tập trung là cần thiết.

 

Tốc độ chuyển đổi số tại các khu vực và quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và tốc độ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp

5.   Nguồn lực cho chương trình chuyển đổi số

5.1. Nguồn lực đầu

Một vấn đề quan trọng trong quá trình xây dựng chương trình chuyển đổi số đó là tìm đủ nguồn lực. Hay nói cách khác, cần phải trả lời câu hỏi làm thế nào có đủ vốn để xây dựng cho chương trình này?

Thông thường tài chính cho các dự án công có thể được huy động chủ yếu từ 4 nguồn sau đây:

-       Nguồn ngân sách của nhà nước, bao gồm của cả trung ương và địa phương.

-       Nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp.

-       Nguồn vốn của các dự án hợp tác công – tư.

-       Nguồn huy động từ sự đóng góp của cộng đồng.

5.2. Các dạng hợp đồng đầu

Khi đã có đủ nguồn vốn thì bước quan trọng tiếp theo là chiến lược đầu tư và quản  lý dòng tiền này một cách hiệu quả. Theo đó, có 4 loại hợp đồng thường được áp dụng cho các dự án trong chương trình chuyển đổi số:

- Hợp đồng kiểu truyền thống: Đối với loại hợp đồng này, mỗi nhà thầu sẽ được chọn theo từng giai đoạn của dự án. Ví dụ như nhà thầu thiết kế, nhà thầu thi công, nhà thầu bảo trì hệ thống.

- Hợp đồng theo vòng đời của dự án: Một nhà thầu duy nhất sẽ được chọn cho dự án, từ bước thiết kế, thi công đến bảo hành, bảo trì.

- Hợp đồng dịch vụ: Là dạng hợp đồng đối với các dự án hợp tác công - tư (PPP). Theo đó nhà nước hoặc tư nhân sẽ thỏa thuận mua/bán các dịch vụ dựa trên nền tảng hạ tầng đã được tư nhân hoặc nhà nước đầu tư.

- Hợp đồng nhượng quyền: Cũng là dạng hợp đồng đối với các dự án hợp tác công - tư (PPP). Nhà nước hoặc tư nhân sẽ nhượng quyền cho bên còn lại để khai thác các dịch vụ có tính phí.

5.3. Nguồn thu từ chương trình chuyển đổi số

Khi chương trình chuyển đổi số đã đi vào hoạt động, chính quyền có thể có thêm các nguồn thu từ chương trình này như:

- Tạo thêm các nguồn thu mới sử dụng công nghệ chuyển đổi số, ví dụ phí đậu xe, phí kinh doanh ở các khu công cộng, phí chứng nhận kinh doanh của các mặt hàng đặc biệt như rượu bia thuốc lá; thu từ các bảng quảng cáo điện tử; thuế từ các giao dịch mua bán, cho thuê bất động sản…

- Thu từ việc phạt nguội những người không tuân thủ luật giao thông như vượt tốc độ, vượt đèn đỏ, không chấp hành quy định nơi công cộng.

III. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Bài báo này đã trình bày về đô thị số, các bước để xây dựng chuyển đổi số cho các đô thị cho các nhà lãnh đạo của các địa phương. Nội dung trọng tâm của báo cáo bao gồm:

(1)     Mô hình đô thị số

(2)     Vai trò của các đô thị số trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững

(3)     Chiến lược xây dựng chuyển đổi số cho các đô thị

(4)     Huy động nguồn lực để phát triển đô thị số

(5)     Quản lý và vận hành đô thị số

(6)     Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thực hiện chuyển đổi số

(7)     Hệ thống tiêu chí đánh giá mức độ thành công của đô thị số

Bài báo cũng đưa ra khuyến cáo trong việc xây dựng và vận hành chiến lược chuyển đổi số cho các địa phương. Các khuyến nghị bao gồm:

(1) Đóng góp của hạ tầng Công nghệ thông tin và các hệ thống phần mềm chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ và là điều kiện quyết định đó là sự nhận thức và mức độ sẵn sàng của các bên liên quan. Đó người dân, doanh nghiệp, công chức, nhà quản lý; là sự chấp nhận phải thay đổi: Thay đổi về quy trình làm việc, phương thức làm việc thậm chí cả là những thay đổi về quy định pháp lý.

(2) Cần có một cơ quan độc lập để tư vấn và thẩm định chiến lược chuyển đổi số cho các địa phương. Các nội dung tư vấn và thẩm định liên quan đến mục tiêu, đến việc thiết kế và xây dựng các chương trình, dự án chuyển đổi số. Nhưng quan trọng nhất vẫn phải là tính hiệu quả mà chiến lược chuyển đổi số sẽ mang lại cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền; các mô hình hợp tác công tư và tìm kiếm nguồn vốn; các chuẩn mực của dữ liệu; tính liên thông liên kết, tính bảo mật và an toàn của dữ liệu; đánh giá mức độ rủi ro khi bị tấn công mạng, mất dữ liệu người dùng…

(3) Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tiên phong nghiên cứu về chuyển đổi số và có thể tư vấn cho các địa phương chiến lược xây dựng chuyển đổi số, tham gia đào tạo và bồi dưỡng nhân lực để thực hiện chuyển đổi số.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]   https://www.coursera.org/learn/digital-transformations

[2]   https://www.coursera.org/learn/digital-transformation-impact

[3]   https://www.coursera.org/learn/digital-transformation-of-megapolises/home/welcome

[4]   https://learning.edx.org/course/course-v1:UniversityofCambridge+2021EDX005+2T2021/home

 


Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 392  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...