Ngày đăng 01/06/2023 | 02:35 PM

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới - Cần tạo nhiều giá trị gia tăng

Lượt xem: 672  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Quy hoạch xây dựng nông thôn mới - Cần tạo nhiều giá trị gia tăng

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới – cần tạo nhiều giá trị gia tăng

 

Nguyên Hương

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng, là chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, là cuộc vận động lớn, có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Quy hoạch được xác định là tiêu chí quan trọng nhằm mục đích hình thành hình thái làng xã NTM, bền vững trong xây dựng, nâng cao đời sống nhân dân. Chương trình MTQG xây dựng NTM mới giai đoạn 2021-2025 được xây dựng có nhiều nội dung liên quan đến xây dựng NTM gắn với với quá trình đô thị hóa. Công tác quy hoạch xây dựng nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa là định hướng xuyên suốt trong việc xây dựng và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, đến năm 2030 theo mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vừa qua, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan đã nghiêm túc thực hiện và triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo được sự chuyển biến rõ nét và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập, quản lý quy hoạch NTM, xây dựng NTM đã đạt được thành tựu to lớn trong những năm qua làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn.

Ngày 17/2/2023, tại Hải Phòng, Hội nghị toàn quốc về Quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hoá giai đoạn 2021-2025 đã được tổ chức. Tham dự Hội nghị có Đ/c Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG; Đ/c Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG; Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng cùng các đại biểu đến từ các Bộ, Ngành, các cơ quan Trung ương và địa phương.

Hội nghị toàn quốc về Quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hoá giai đoạn 2021-2025

Trong giai đoạn vừa qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã đạt được những kết quả nổi bật, cả nước có 93,6% số xã đạt tiêu chí quy hoạch, là một trong những tiêu chí có kết quả khá cao trong Bộ tiêu chí NTM và có khoảng 1/3 số huyện đã có quy hoạch xây dựng vùng huyện. Kéo theo những kết quả này, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được thực hiện theo quy hoạch đã có những đổi thay vượt bậc, hiện đại hóa một bước theo hướng đồng bộ, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, từng bước thu hẹp dần khoảng cách với khu vực đô thị. Vấn đề quy hoạch nông thôn mới trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề, là cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác quy hoạch nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa giai đoạn vừa qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về cách sản xuất, các vấn đề xã hội như lao động, việc làm, văn hoá, lối sống ở nông thôn, các áp lực về môi trường, an ninh trật tự… trong khi chưa có quy định đặc thù trong xây dựng nông thôn mới ở các khu vực ven đô, khu vực quy hoạch phát triển thành đô thị. Bên cạnh đó, hạ tầng kết nối giữa khu vực đô thị - nông thôn còn nhiều bất cập, chưa tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ; hạ tầng dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp ít được quan tâm và bố trí quỹ đất để xây dựng.... Để khắc phục những hạn chế trên, một trong những giải pháp được nhiều địa phương triển khai là nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước về quy hoạch nông thôn cấp huyện xã, đáp ứng mục tiêu xây dựng NTM bởi đội ngũ CBCC huyện, xã có vai trò quan trọng trong tổ chức thực hiện những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nói chung và thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch nông thôn cấp huyện, xã nói riêng.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: Xây dựng nông thôn mới cần phát triển chiều sâu văn hóa chứ đừng “đồng phục hóa” làng quê

Chúng ta cần nhìn lại cách tiếp cận nông thôn mới. Xây dựng NTM không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn. Mọi sự đổi mới bắt đầu từ sự năng động của các địa phương. Lấy sự năng động đổi mới sáng tạo ở cơ sở để làm động lực phát triển, khắc phục sự “đồng phục hóa” ở các địa phương trên khắp 63 tỉnh thành. Trong thời gian tới, cần có những cách thức tiếp cận mới hơn. Bởi nếu làm được thì dư địa, tiềm năng của chúng ta trong phát triển NTM sẽ là rất lớn.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần kết nối với nhau để giao lưu, tương tác cũng như cùng nhau chia sẻ thông tin, bài học, cách làm hay. Muốn địa phương năng động thì thủ lĩnh phải năng động. Cần nhìn lại cách tiếp cận nông thôn mới. Xây dựng NTM không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn. Nông thôn mới chính là sức sống mới mà sức sống mới ở đây là sức sống của cộng đồng, và nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới chính là phải hồi sinh sức sống của cộng đồng. Vừa qua, những mô hình như làng hạnh phúc, làng thông minh cũng là một gợi ý rất hay. Mỗi địa phương sẽ có những cách thức riêng biệt để kể câu chuyện riêng của mình, tránh bị rập khuôn, mặc đồng phục, thể hiện từ khẩu hiệu, thông điệp. Đây chính là không gian sáng tạo cho Chương trình:  Mỗi xã một sản phẩm. Có thể nhiều địa phương có cùng 1 sản phẩm (mật ong, trà hoa vàng…) nhưng mỗi nơi có một câu chuyện khác nhau. Chương trình OCOP phải tạo ra không gian kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm cho người dân nông thôn. Phải tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn nữa. Đừng tạo xung đột giữa đô thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp… tất cả đều cần hòa hợp. Bởi lẽ, tất cả chúng sẽ đều góp phần phát triển quốc gia ngày càng thịnh vượng. Xây dựng NTM là cho chính mình và cho thế hệ mai sau.

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn: Quy hoạch xây dựng nông thôn mới cần có tính kết nối, giữ gìn kiến trúc nông thôn

Công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới là cơ sở quan trọng cho xây dựng nông thôn mới, được thực hiện chủ yếu ở 2 loại hình: Quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch xây dựng vùng huyện. Quy hoạch chung xây dựng đã phủ kín hầu hết các xã trên toàn quốc, đạt tỷ lệ 99,7%. Quy hoạch xây dựng vùng huyện đang thực hiện hiện triển khai, hiện đạt tỷ lệ khoảng 35%. Quy hoạch xây dựng nông thôn chưa đạt được như kỳ vọng, mới đáp ứng được nhu cầu trước mắt cho triển khai xây dựng nông thôn mới. Nhiệm vụ quy hoạch được xác định là tiêu chí quan trọng nhằm mục đích hình thành hình thái làng xã NTM, bền vững trong xây dựng, nâng cao đời sống nhân dân. Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM mới giai đoạn 2021-2025 có nhiều nội dung liên quan đến xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa.

Đây được coi là định hướng xuyên suốt trong xây dựng và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, đến năm 2030 theo mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới cần có tính kết nối, giữ gìn kiến trúc nông thôn. Bộ Xây dựng trước đây có thiết kế điển hình, điều này rất quan trọng nhằm giữ gìn màu sắc kiến trúc và văn hóa nông thôn. Hiện nay đã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhưng việc quản lý thực hiện quy hoạch đó như thế nào? Đây là vấn đề rất lớn. Có quy chế nhưng phải có tổ chức, cá nhân thực hiện quy chế ấy. Thực tế cho thấy chính quyền đô thị quản lý còn nhiều vướng mắc, chưa nói đến chính quyền nông thôn. Bộ Xây dựng giao cho Vụ Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu, rà soát đánh giá đưa ra giải pháp hiệu quả, khả thi trong thời gian tới.

Phó chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ: Các trung tâm đô thị chưa được phát huy vai trò đầu tàu về kinh tế, chưa tạo ra hiệu ứng lan tỏa

Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư trong xây dựng NTM, Hải phòng đã hình thành các trung tâm dịch vụ, hỗ trợ sản xuất cấp huyện, phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố đề ra, Hải Phòng lựa chọn tiêu chí giao thông làm tiêu chí mẫu để triển khai, tiệm cận với các tiêu chí đô thị. Ngân sách thành phố hỗ trợ trung bình cho mỗi xã thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu khoảng 125 tỷ đồng. Song, thành phố chưa có Đồ án quy hoạch vùng huyện được nghiên cứu, phê duyệt, dẫn tới sự kết nối giữa nông thôn và đô thị còn hạn chế, các trung tâm đô thị chưa được phát huy vai trò đầu tàu về kinh tế, chưa tạo ra hiệu ứng lan tỏa.

Hải Phòng xác định sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định định hướng phát triển khu đô thị nông thôn và các khu chức năng, quy hoạch khu dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn để thực hiện tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; đối với các huyện, xã có tốc độ đô thị hóa cao, được định hướng chuyển đổi đơn vị hành chính cấp quận đến năm 2025 thì tiến hành lập quy hoạch chung bảo đảm việc kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cơ sở đồng bộ với khu đô thị

KTS. Phạm Thị Nhâm – Phó Viện trưởng, Phụ trách Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia: Nông nghiệp đô thị - nông nghiệp trong lòng đô thị

 Xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị được nhiều quốc gia áp dụng, mang lại hiệu quả về cảnh quan môi trường, về xã hội và kinh tế vùng ven đô trong thời kì quá độ từ nông thôn lên đô thị. Về mặt bản chất, đây là nhận thức cho rằng giữa con người với thiên nhiên, với nguồn lương thực thực phẩm có quan hệ chặt chẽ hơn người ta tưởng. Việc đưa nông nghiệp đến sát với người sử dụng trong đô thị sẽ tạo ra nhiều giá trị về nhận thức, xã hội. Đặc biệt khi có nhu cầu gia tăng về chất lượng nông sản, nông sản sạch thì việc người sử dụng trực tiếp quan sát, giám sát hoạt động nông nghiệp là rất quan trọng từ đầu tới khi thu hoạch, chế biến đảm bảo sạch sẽ, sinh thái, chất lượng v.v. Đồng thời, không gian nông nghiệp đô thị có thể đáp ứng nhiều yêu cầu kỹ thuật cho đô thị, nơi tập trung nhiều dân cư, như vấn đề thông gió, thoát nước tự nhiên, trữ nước, điều hoà vi khí hậu, cảnh quan, thư giãn v.v. Vì thế, thay vì tách biệt riêng đô thị và nông thôn như trước đây, phát triển những vùng nông nghiệp trong lòng đô thị là cơ hội cho một mô hình mới về việc đô thị hoá vùng ven đô hoặc vùng nông thôn chịu ảnh hưởng của đô thị hoá.

Xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu về cảnh quan môi trường. Trong giai đoạn tiếp theo của chương trình MTQG xây dựng NTM, cần tiến hành xây dựng những mô hình NTM kiểu mẫu gắn với đặc thù từng vùng, miền, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn nông thôn. Các tỉnh, huyện cần xem xét, khảo sát kỹ, lựa chọn những khu vực phù hợp để triển khai mô hình NTM kiểu mẫu. Khu dân cư và vườn NTM kiểu mẫu nên được đánh giá theo các tiêu chí:Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; bảo tồn không gian nông thôn truyền thống theo vùng, miền; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; sản phẩm từ vườn; môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp./.

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 672  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...