Ngày đăng 01/06/2023 | 02:56 PM

Xây dựng nông thôn hiện đại gắn với đô thị hoá

Lượt xem: 553  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Xây dựng nông thôn hiện đại gắn với đô thị hoá

XÂY DỰNG NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI GẮN VỚI ĐÔ THỊ HÓA

 

TS. Phạm Thị Thảo

Xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với đô thị hóa (ĐTH) là chủ trương lớn có ý nghĩa quan trọng của Đảng, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không xảy ra việc di cư quy mô lớn (ly nông bất ly hương). Nghị quyết số 19-NQ/TW đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 “Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá” là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện “Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân”.

Phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị

Trong những năm qua, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và những cơ quan liên quan đã nghiêm túc triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo sự chuyển biến rõ nét và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập, quản lý quy hoạch nông thôn mới (NTM), xây dựng NTM đã đạt được thành tựu to lớn trong những năm qua làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (quá trình đô thị hóa) là quá trình thay đổi tiến bộ về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và về quy mô, trình độ phát triển kinh tế; đồng thời, nó là một trong những hình thái tạo điều kiện đầu tư tập trung mang lại hiệu quả cao. Quá trình đô thị hóa sẽ thúc đẩy việc tập trung dân cư, tiết kiệm đầu tư hạ tầng; tập trung ruộng đất hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn và nâng cao chất lượng đời sống dân cư nông thôn tiệm cận đời sống người dân đô thị. Đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện, xã đóng vai trò không nhỏ trong tiến trình đô thị hóa chung của cả nước và tái cơ cấu nông nghiệp. Đặc biệt, nó tạo điều kiện thực hiện chủ trương “ly nông bất ly hương” của Đảng và Chính phủ trong xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, số lượng đô thị tùy thuộc vào mức độ phát triển và lãnh thổ của từng huyện. Các đô thị này thường phân bố theo những tiểu vùng trong huyện. Phát triển các điểm dân cư tập trung có quy mô ở các vùng có kinh tế phát triển từ mức trung bình trở lên, được xây dựng có điều kiện sống như điều kiện sống người dân đô thị. Các điểm này được gắn kết với làng nghề, điểm du lịch trong Chương trình OCOP, nhằm hỗ trợ cùng nhau phát triển và góp phần đẩy nhanh đô thị hóa khu vực nông thôn. Tuy các địa phương trên định hướng nâng cấp lên thị xã, thành phố nhưng vẫn xem xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm và khai thác thế mạnh riêng để phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng thu hút các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch…, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát triển đô thị có vai trò hỗ trợ nông thôn, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân. Đô thị, công nghiệp, dịch vụ phát triển giúp tạo nhiều việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động, giảm lao động nông thôn... tăng diện tích đất canh tác trên đầu người. Từ đó, người dân sẽ có cơ sở để phát triển sản xuất.

Đồng thời, phát triển công nghiệp giúp tăng nhanh nguồn thu, từ đó có điều kiện để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ở chiều ngược lại, phát triển nông nghiệp, các vùng sản xuất sẽ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và lao động khu vực đô thị. Không để phát triển NTM là hình thức, chỉ chú tâm các tiêu chí về điện, đường, trường, trạm... mà phải lấy phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt, đời sống nông thôn làm trung tâm. Trong đó phát huy vai trò động lực của Hợp tác xã về vốn đầu tư, phát triển lực lượng lao động, sản xuất và thị trường tiêu thụ. Mặt khác, xây dựng NTM là cơ hội định hình lại bản sắc và thế mạnh của các vùng nông thôn, có thể thúc đẩy sự cân bằng và tương tác giữa nông thôn và thành thị. Hợp tác xã đóng vai trò rất quan trọng trong liên kết kinh doanh phát triển bền vững, thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp.

Xây dựng NTM là cơ hội định hình lại bản sắc và thế mạnh của

 các vùng nông thôn

Xây dựng NTM bền vững gắn với đô thị hóa là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Xây dựng NTM bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường gắn với quá trình đô thị hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, giảm dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; xây dựng NTM bền vững gắn với quá trình đô thị hóa phải trên quan điểm đô thị hóa, phải gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ đắc lực và phục vụ có hiệu quả cho xây dựng NTM và phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển lực lượng sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh để tăng năng suất, chất lượng nông sản và nâng cao giá trị gia tăng; chú trọng bảo vệ môi trường, phòng chống, hạn chế và giảm nhẹ thiên tai; phát triển văn hóa, xã hội nông thôn bền vững.

Tuy nhiên, tại các địa phương công tác triển khai quy hoạch còn hạn chế, đặc biệt việc bảo vệ, phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích văn hóa lịch sử. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, văn hoá, lối sống ở nông thôn nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng. Để khắc phục những hạn chế trên, một trong những giải pháp được nhiều địa phương triển khai là nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức (CBCC) quản lý Nhà nước về quy hoạch nông thôn cấp huyện xã, đáp ứng mục tiêu xây dựng NTM. Bởi đội ngũ CBCC huyện, xã có vai trò quan trọng trong tổ chức thực hiện những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nói chung và thực hiện công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch nông thôn cấp huyện, xã nói riêng.

Xây dựng, phát triển nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa – cơ hội và thách thức

Nghị quyết số 19-NQ/TW đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là “Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.”, trong đó việc “Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá” là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện “Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân”, “thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền”, “Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, nhất là các khu vực ven đô thị lớn, thị trấn, thị tứ, từng bước tiệm cận về điều kiện hạ tầng, dịch vụ của đô thị” “Xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống”.

Kết quả xây dựng NTM giữa các huyện chưa đồng đều

Hiện nay, công tác chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít, tăng trưởng nông nghiệp còn thấp. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Kết quả xây dựng NTM giữa các huyện chưa đồng đều. Thu nhập và đời sống của nông dân còn thấp, chênh lệch giữa thành thị và nông thôn ngày càng cao, nhất là ở các xã thuần nông, xã dân tộc miền núi…

Xây dựng NTM phải gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền giữa nông thôn - đô thị. Xây dựng NTM phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh. Hướng đến nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn, người dân được tiếp cận chất lượng dịch vụ đời sống được tốt hơn (kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế…) Vì vậy, cần phải có các giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá

Thứ nhất, cần rà soát, điều chỉnh lập quy hoạch xây dựng vùng huyện gắn với quá trình công nghiệp hóa – đô thị hóa nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM, làm cơ sở lập quy hoạch chung các xã, đô thị, các khu chức năng thuộc huyện. Quy hoạch cảnh quan, kiến trúc nông thôn cần chú trọng đến bảo tồn, chỉnh trang các không gian làng, xã mang đặc trưng của vùng miền, bảo đảm phù hợp, tạo nên sự hài hòa và thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh gắn kết các thị trấn, thị tứ, điểm dân cư tập trung trên địa bàn huyện hoặc liên huyện với các điểm sản xuất, dịch vụ từ nông nghiệp. Tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa tại chỗ, phát triển dân cư phi nông nghiệp trên địa bàn cấp huyện, xã.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Tăng cường chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, truyền thông, năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM như: Xây dựng bản đồ số nông nghiệp, nông thôn để kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và chuyển đổi số trong công tác quản lý, giám sát, điều hành... Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số gắn với thực hiện bộ tiêu chí NTM các cấp: Tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp tỉnh, huyện, xã; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm truyền thống của địa phương...

Ưu tiên đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thu mua, kết nối, cung ứng nông sản hiện đại

Ba là, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, từng bước bắt kịp tốc độ phát triển chung của vùng, tạo kết nối đồng bộ, nhất là kết nối liên xã, liên huyện. Ưu tiên vốn đầu tư cho các hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng liên thông nông thôn - đô thị; hạ tầng về xử lý môi trường; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin… phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng kết nối nông thôn - thành thị là khâu đột phá chiến lược. Thực hiện giải pháp này cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn (giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế…), nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác công trình đảm bảo bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, từng bước bắt kịp tốc độ phát triển chung của vùng, tạo kết nối đồng bộ, nhất là kết nối liên xã, liên huyện. Ưu tiên đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thu mua, kết nối, cung ứng nông sản hiện đại, cơ sở hạ tầng chế biến, thương mại và dịch vụ gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Bốn là, xác định rõ về định hướng vai trò của nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa ở khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực ven đô để có giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp. Tăng cường phát triển đô thị ven đô theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, đưa nông nghiệp ven đô trở thành không gian sinh thái, nghỉ dưỡng, phục vụ đô thị. Ưu tiên các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản, thích ứng với cơ chế thị trường; thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị; thúc đẩy thực hiện bảo hiểm trong nông nghiệp.

Thứ năm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm chủ lực quốc gia. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn… góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Thứ sáu, đẩy mạnh đô thị hóa với nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ. Cần có cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phù hợp với cơ chế thị trường; phát triển thị trường công nghệ nông nghiệp trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

Phát triển du lịch nông thôn

Đặt mục tiêu phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa. Mỗi địa phương cần tùy vào đặc thù và thế mạnh riêng để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Xây dựng, Báo cáo Định hướng thực hiện các nội dung, giải pháp về quy hoạch nông thôn và xây dựng nông thôn mới bền vững gắn với đô thị hoá tại Hội nghị toàn quốc về Quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hoá giai đoạn 2021-2025

2. TS Nguyễn Văn Thịnh, ThS Trần Thị Thanh Bình; Xây dựng nông thôn mới bền vững gắn với đô thị hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 – Tạp chí Khoa học công nghệ Việt Nam, tháng 9/2021.

 

 

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 553  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...