Ngày đăng 15/08/2023 | 10:36 AM

Đẩy mạnh triển khai phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030

Lượt xem: 590  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Đẩy mạnh triển khai phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030

 

ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Ths. Nguyễn Trọng Nam

 

Trong nhiều năm vừa qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể nói, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã giúp cho trong đó có hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở ổn định, an toàn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: Việc quy hoạch bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bố trí nguồn vốn ưu đãi cho vay để phát triển nhà ở xã hội; Sự quan tâm của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp…

Ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” (sau đây gọi là Đề án), trong đó, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giám sát việc triển khai thực hiện Đề án nhằm đảm bảo mục tiêu đã đề ra.

Tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng tích cực, chủ động chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1608/BXD-QLN ngày 24/4/2023 đôn đốc các địa phương triển khai các nhiệm vụ đã được giao tại Đề án.

Những kết quả nổi bật

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18/5/2023, trong giai đoạn 2021-2025, đã hoàn thành hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn, cụ thể:

Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: hoàn thành đầu tư xây dựng 7 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 5.314 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô xây dựng khoảng 127.272 căn hộ.

Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị: hoàn thành việc đầu tư xây dựng 34 dự án, quy mô xây dựng khoảng 14.202 căn hộ. Đang tiếp tục triển khai 201 dự án, quy mô xây dựng khoảng 161.227 căn hộ.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và đã được Chính phủ thông qua, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép các chính sách về nhà ở xã hội (quy định tại chương VI dự thảo Luật) có hiệu lực sớm sau khi Luật nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (dự kiến từ 01/01/2024), bao gồm nhóm chính sách về: đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển.

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BXD ngày 28/4/2023 sửa đổi Thông tư 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021, theo đó cho phép các dự án chưa có quy hoạch chi tiết được sử dụng quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung tại những khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án. Chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội và Bộ, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ, trong đó có 02 gói hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội: (i) gói hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng chính sách xã hội với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng (đến nay đã giải ngân 4.381/15.000 tỷ đồng cho khoảng 12.200 khách hàng); (ii) hỗ trợ lãi suất 2% cho Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư thông qua các ngân hàng thương mại theo quy định của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Phối hợp triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này, theo đó để giảm bớt thủ tục, đầu mối, khẩn trương triển khai Nghị quyết, Bộ Xây dựng đã ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp), cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các Ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.

Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 trong việc triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 01/4/2023 hướng dẫn triển khai Chương trình, trong đó có các nội dung: về nguyên tắc, thời gian triển khai, thời gian ưu đãi, lãi suất…

Ngân hàng Chính sách xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 486/QĐ-TTg ngày 10/5/2023 quy định mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở, theo đó lãi suất là 4,8%/năm trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2024.

Giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị

Xác định phát triển nhà ở xã hội là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp nhằm cải thiện thứ bậc của Việt Nam về nhà ở trong bảng xếp hạng của quốc tế. Có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh, xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp.

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, “không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương phải được lồng ghép vào quy hoạch đô thị, quy hoạch công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà công nhân là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm; trong đó cấp ủy, chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà công nhân. Huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế bất động sản lớn; có cơ chế, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.

Hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn

Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn 2021-2025, hiện đã hoàn thành 19.516 căn, đang tiếp tục triển khai khoảng 288.500 căn. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu ngắn hạn đến 2025, bên cạnh việc hoàn thành đầu tư xây dựng 288.500 căn hộ đang triển khai, thì phải mở mới và hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 120.000 căn.

Các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản pháp luật

Các bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, để hoàn thiện, ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), pháp luật về Thuế, trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách về nhà ở xã hội, trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển.

Tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Bộ, ngành cần chỉ đạo, phối hợp hướng dẫn các địa phương, các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên danh mục cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo công tác an sinh, xã hội. 

Phát triển nhà ở xã hội là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Quyết liệt triển khai tại các địa phương

Đối với những dự án đang triển khai đầu tư xây dựng

- Đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp Chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các Chủ đầu tư khác.

- Đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương thực hiện các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư (đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 và Thông tư số 03/2023/TT-BXD ngày ngày 28/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng) để triển khai thực hiện.

- Rà soát các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng nhà nước lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp), cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các Ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo gói 120.000 tỷ đồng.

Đối với những dự án trong giai đoạn tiếp theo

- Khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội.

- Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu số lượng căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành cụ thể cho từng địa phương trong từng giai đoạn 2021-2025 và 2025-2030 (tại Phụ lục V của Đề án); căn cứ chỉ tiêu được giao, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải triển khai lập, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu của địa phương.

- Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng... Sớm lập, phê duyệt và công bố công khai Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.

- Thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở. Yêu cầu các Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất này theo đúng tiến độ đã được phê duyệt. Có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng...  

- Rà soát, phối hợp với các Bộ ngành liên quan giải quyết các dự án còn gặp vướng mắc về pháp lý trong giai đoạn vừa qua nhằm giải phóng các nguồn lực này, đặc biệt là các dự án đã có đất sạch, có thể chuyển sang giai đoạn xây dựng được ngay, tạo nguồn cung cho thị trường. Chỉ đạo các chủ đầu tư dự án trên địa bàn nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, đảm bảo chất lượng tương đương với nhà ở thương mại, cơ cấu sản phẩm, giá thành hợp lý để đáp ứng cho người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở; bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án.

Khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương

 

Các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội

Các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương nhằm đảm bảo công tác an sinh, xã hội và đạt mục tiêu đề ra của Đề án thực hiện nghiêm túc trách nhiệm đầu tư nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với UBND cấp tỉnh để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng hoặc gói tín dụng hỗ trợ theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Thời gian tới, cần tăng cường giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp; việc sử dụng quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án phát triển đô thị của địa phương, đảm bảo triển khai các dự án đúng kế hoạch, tiến độ và đảm bảo chất lượng. Các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước, nhất là các đối tượng khó khăn về nhà ở, công nhân khu công nghiệp, người lao động nghèo.

 

Tài liệu tham khảo: Báo cáo về việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” – Bộ Xây dựng.

 

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 590  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...