Ngày đăng 16/08/2023 | 11:05 AM

Sử dụng công nghệ để nâng cao kỹ năng thuyết trình bằng tiếng anh cho sinh viên

Lượt xem: 634  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Sử dụng công nghệ để nâng cao kỹ năng thuyết trình bằng tiếng anh cho sinh viên

SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ ĐỂ NÂNG CAO KỸ NĂNG THUYẾT TRÌNH BẰNG TIẾNG ANH CHO SINH VIÊN

Ths. Nguyễn Thị Hòa*

*Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội

Email: nguyenhoa031785@gmail.com

Tóm tắt: Bài báo trình bày cở sở lý luận của bài thuyết trình và việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy để nâng cao kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh cho sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Từ khóa: Cơ sở lý luận, bài thuyết trình, nâng cao, kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh.

Abstract: The article presents the literature review of presentations as well as improving students’ presentation skills in English at Hanoi Architectural University

Key words: Literature review, presentations, improving, presentation skill in English.

1. Đặt vấn đề

Kỹ năng thuyết trình là một trong những kỹ năng thiết yếu trong môi trường làm việc hiện nay. Nhân viên làm việc tại các doanh nghiệp thường có nhiệm vụ thực hiện các hình thức thuyết trình khác nhau tùy thuộc vào vị trí công việc như trình bày ý tưởng kinh doanh, trình bày về dự án, hoặc giới thiệu sản phẩm … Nếu không có kỹ năng thuyết trình tốt, khó có thể truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng và khó thuyết phục được đối tác hay khách hàng tiềm năng. Kỹ năng thuyết trình không chỉ chuẩn bị cho sinh viên trong công việc tương lai mà còn là một công cụ hiệu quả giúp sinh viên thực hành tiếng Anh nhiều hơn và tốt hơn.

Với trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, sinh viên thường không nắm chắc nội dung trình bày hay còn phụ thuộc vào các tài liệu như bản in, slide hoặc điện thoại. Đặc biệt, nội dung bài thường không có điểm nhấn và phong cách trình bày chưa có sức cuốn hút, do nhịp điệu giọng nói không thay đổi, hoặc việc sử dụng các ngôn ngữ cơ thể chưa phù hợp. Bên cạnh những điểm yếu về khâu chuẩn bị, mặt nội dung và hình thức, sự liên kết giữa các thành viên trong nhóm chưa thực sự chặt chẽ. Vì vậy, cần có những nghiên cứu để nâng cao kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh cho sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Nhiều phương pháp giảng dạy tiếng Anh đã được nghiên cứu và áp dụng, trong đó phương pháp sử dụng công nghệ thông tin ngày càng chiếm ưu thế do sự phát triển vũ bão của các phương tiện này. Công nghệ, nếu được dùng hợp lý, sẽ giúp cho việc giảng dạy hiệu quả hơn. Các công cụ trình chiếu không chỉ giúp bài học sống động hơn mà còn tạo môi trường tiếng thực tế qua các video hoặc đoạn ghi âm của người bản xứ. 

2. Một số vấn đề lý luận về nghiên cứu

            2.1. Cơ sở lý luận về bài thuyết trình

Comfort (1995), Gupta (2008) và các học giả khác đều cho rằng bài tập thuyết trình là một công cụ thiết yếu cho học sinh trình bày suy nghĩ và quan điểm của mình một cách hiệu quả, thú vị với những công cụ và phương tiện đa dạng. Bên cạnh đó, Gupta (2008) cũng nhấn mạnh vai trò của kỹ năng thuyết trình trong quá trình tuyển dụng và khi làm việc, vì thuyết trình là một kỹ năng quản lý mà một nhà quản trị phải có. Quản trị là nghệ thuật làm cho công việc được thực hiện. Bài thuyết trình là một phương pháp nhanh chóng và hiệu quả để làm điều này. Thuyết trình được dùng như một phương pháp trang trọng để tập hợp mọi nhân viên cùng lập kế hoạch, giám sát và đánh giá quá trình thực hiện công việc. Sử dụng bài tập thuyết trình đã trở thành một cách phát triển năng lực truyền đạt ý tưởng một cách đa dạng và hiệu quả.

Thuyết trình được coi là một phương tiện cho phương pháp học tập chủ động, lấy người học làm trung tâm

Bài thuyết trình có hai chức năng chính: (1) là một hoạt động tương tác để học sinh áp dụng các kỹ năng học, và (2) là hoạt động cho học sinh trình bày sự tiếp thu của cá nhân về một văn bản trước khán giả một cách trang trọng. Bài tập thuyết trình thường được tiến hành theo cùng một cách thức. Học sinh hoặc giáo viên chọn chủ đề (hoặc giáo viên chọn một bài khóa cho học sinh đọc), sau đó học sinh tìm kiếm thông tin, đọc hiểu thông tin và thuyết trình trước lớp.

Thuyết trình được coi là một phương tiện cho phương pháp học tập chủ động, lấy người học làm trung tâm hay học bằng cách thực hành (“learner-centered learning”/“learning by doing”), vì học sinh phải đầu tư nhiều thời gian để đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ hơn và phải tự đưa ra quyết định nhiều hơn khi thực hiện hoạt động này. Học sinh phải vượt qua những khó khăn trong quá trình chuẩn bị (thu thập, tìm hiểu, phân tích, tổng hợp, viết bài và thuyết trình).

Thời gian nói của giáo viên giảm đi và thời gian nói tiếng Anh của học sinh tăng lên sẽ giúp học sinh phát triển các kỹ năng tiếng Anh. Bài thuyết trình đồng thời là cơ hội luyện nghe cho các học sinh khác. Học sinh cảm thấy việc đặt câu hỏi cho nhóm học sinh thuyết trình bớt căng thẳng hơn đặt câu hỏi cho giáo viên. Việc sinh viên có thể tự đặt những câu hỏi và những nhận xét phù hợp sẽ giúp sinh viên có được môi trường thực hành tiếng Anh thực tế hơn.

Như vậy, đối với sinh viên các trường đại học, kỹ năng thuyết trình là một trong những kỹ năng giúp sinh viên luyện tập sử dụng tiếng Anh, cũng như luyện cách thuyết phục, mà rất cần đến cho công việc tương lai.

            2.2. Định nghĩa về thuyết trình

Gupta (2008, tr. 258) định nghĩa thuyết trình là một quá trình trình bày thông tin cho người nghe, có thể được làm tăng thêm hiệu quả nhờ các tài liệu nghe nhìn (“the process of presenting information to an audience, possibly enhanced with visual or audio material” (tr.258)). Trong trường học, thuyết trình coi là một thể loại bài diễn thuyết mà học sinh thực hiện về một chủ đề đã chọn được. Bài thuyết trình tập trung vào mục đích trình bày một chủ đề của học phần học theo phong cách trang trọng, chứ không phải là một hội thoại xuồng xã và có tính tức thì. Do đã được chuẩn bị trước, bài nói có khuynh hướng giống văn viết (writing like”) (Comfort, 1995).

            2.3. Cấu trúc của bài thuyết trình

         Whatley (2001) đã phân biệt một số loại thuyết trình cơ bản như thuyết trình cung cấp thông tin (“informative”), thuyết trình hướng dẫn, chỉ thị (“instructional”), thuyết trình dùng để nhận được sự đồng tình về quan điểm (“arousing”), thuyết trình để thuyết phục (“persuasive”) và thuyết trình thúc đẩy người nghe thực hiện hành động (“decision-making”). Thuyết trình trong các cơ sở giáo dục đối với học sinh có trình độ tiếng Anh kém thường là dạng “informative”, trong khi đó học sinh có trình độ tiếng Anh khá hơn thường phải làm bài thuyết trình dạng “arousing” và “persuasive”.

Các yếu tố phi ngôn ngữ cũng không kém phần quan trọng so với nội dung

            2.4. Các tiêu chí đánh giá bài thuyết trình

Tuy bài thuyết trình được giáo viên và người nghe đánh giá bằng nhiều tiêu chí khác nhau, thông thường học sinh thuyết trình chỉ quan tâm đến nội dung, học thuộc nội dung bài và bỏ qua các tiêu chí quan trọng khác. Gupta (2008) khẳng định rằng nếu như ý tưởng hay quan trọng cho thành công của bài thuyết trình, thì khả năng diễn đạt ý tưởng một cách hiệu quả cũng quan trọng như nội dung của nó (tr. 258).

Với nội dung, yếu tố cần đánh giá là sắp xếp ý và tính liên kết các ý (Gupta, 2008). Theo Reinhart (2002), cách sắp xếp ý phụ thuộc nhiều vào việc sử dụng các từ nối và các cụm dẫn nhập hay ngôn ngữ chỉ dẫn. Các từ nối là các từ dùng để nối kết thông tin, tạo ra sự trôi chảy và tính mạch lạc cho lời nói (tr3). Các yếu tố phi ngôn ngữ cũng không kém phần quan trọng so với nội dung cần được đánh giá là cử chỉ, tư thế, chuyển động cơ thể, ánh mắt và giọng nói.

Trong nghiên cứu Preparing EFL Learners for Oral Presentations”, Jane King (2002) đưa ra 5 tiêu chí cụ thể để đánh giá một bài thuyết trình (tr. 417-418): sự chuẩn bị, cấu trúc bài, nội dung, kỹ năng trình bày, và kỹ năng nói.

Khi xem xét kỹ các yếu tố này, ta có thể thấy tác giả đã đưa ra từng khía cạnh cụ thể của bài thuyết trình, tuy nhiên có thể sắp xếp lại thành 3 phần chính là chuẩn bị, thuyết trình và nội dung vì thực chất tiêu chí “cấu trúc bài” liên quan đến tính mạch lạc và tính liên kết của nội dung, “kỹ năng nói” có thể xếp vào mục “kỹ năng trình bày”.

3. Sử dụng công nghệ trong giảng dạy

3.1. Tác dụng của việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy

Công nghệ, cụ thể là video đã được sử dụng trong giảng dạy từ đầu những năm 1960 trong các nghiên cứu ngôn ngữ ứng dụng và đào tạo giáo viên (Tochon, 2008). Rất nhiều nghiên cứu về sử dụng video trong việc nâng cao kỹ năng giao tiếp; những nghiên cứu này đã nhận định rằng việc sử dụng video (học sinh quay video bài thuyết trình ở nhà và tải lên mạng) giúp sinh viên tự đánh giá bài thuyết trình, biết được điểm yếu của mình để luyện tập tốt hơn, giảm căng thẳng khi nói và nâng cao kỹ năng thuyết trình (Ball & Lampert, 1999; Guo, 2008; Walker, 2014).

            3.2. Sử dụng công nghệ trong phát triển kỹ năng thuyết trình

            Lợi ích lớn nhất của việc sử dụng video là sự tự đánh giá của học sinh về bài thuyết trình và đánh giá của các bạn khác với bài thuyết trình. Đánh giá video thuyết trình có tác dụng vượt trội so với đánh giá bài viết chuẩn bị cho thuyết trình hay đoạn ghi âm bài thuyết trình vì video cung cấp cho học sinh chứng cứ hiển minh về các khía cạnh khác nhau của bài thuyết trình (Richards & Farrell, 2005). Có cùng quan điểm này, Jordan (2012) cho rằng trí nhớ con người không phải lúc nào cũng đáng tin và đoạn video sẽ làm cho việc tự đánh giá bài thuyết trình của bản thân người thuyết trình dễ dàng hơn.

         Ngoài ra, một lợi ích nữa của việc sử dụng video để thuyết trình là bài thuyết trình qua video làm tăng thời gian học tập, do đó nâng cao kỹ năng thuyết trình và tính tự chủ trong học tập. Miles (2014) biện luận rằng những sinh viên Nhật Bản tự đánh giá về bài thuyết trình được quay video của mình có thể phát triển khả năng học tự chủ nhiều hơn.

Lợi ích lớn nhất của việc sử dụng video là sự tự đánh giá của học sinh về bài thuyết trình và đánh giá của các bạn khác với bài thuyết trình

         4. Kết luận

            Sử dụng công nghệ, cụ thể là hình thức thuyết trình qua video giúp sinh viên có thể nâng cao kỹ năng thuyết trình trên tất cả các phương diện đặc biệt là kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng trình bày và thiết kế nội dung.  Ngoài tác dụng với kỹ năng thuyết trình, khi thực hiện bài thuyết trình qua video, sinh viên còn củng cố những kỹ năng khác như kỹ năng sắp xếp thời gian, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và nâng cao hứng thú, sự sáng tạo, sự tự tin trong việc tryền tải thông điệp nội dung, cũng như tính chủ động trong học tập. Thuyết trình qua video cũng làm cho bài nói sâu sắc hơn và dễ hiểu hơn với khán giả vì khán giả được xem video quay ở địa điểm phù hợp và hội thoại gần với thực tế cuộc sống hơn.

         Để phương pháp này đạt được hiệu quả tối ưu, giáo viên cần đưa ra yêu cầu và hướng dẫn ngay từ buổi học đầu tiên và sinh viên cần chủ động và tích cực trong việc học nhóm. Cụ thể:

         Về phía sinh viên: Khi lựa chọn thành viên nhóm, sinh viên cần chọn thành viên thời gian biểu tương tự nhau để việc họp nhóm không gặp khó khăn. Sinh viên cần các buổi họp nhóm gặp mặt trực tiếp để thực hiện quay video. Mỗi thành viên cần có sự chuẩn bị kĩ càng trước khi họp nhóm, chuẩn bị tốt phần nội dung được phân công, học cách sử dụng thành thạo ngôn ngữ chỉ dẫn. Sinh viên cần biết và sử dụng các phần mềm phát âm (Lingorado) và phần mềm kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp (Office Word) và tự sửa lỗi. 
         Về phía giáo viên: Giáo viên nên hướng dẫn và cung cấp cho sinh viên các chủ đề ngữ pháp, và ngôn ngữ chức năng hay ngôn ngữ chỉ dẫn cần thiết; cách phát âm và tự sửa phát âm, và cách xử lý tài liệu. Giáo viên giới thiệu các công cụ, phần mềm và kỹ thuật quay cần thiết để có sản phẩm video chất lượng tốt. Để khuyến khích làm việc theo nhóm, giáo viên yêu cầu sinh viên không làm video bằng cách ghép từng đoạn video quay riêng lẻ của từng thành viên, mà chỉ ghép các đoạn video quay ở những địa điểm khác nhau. Giáo viên cần hướng dẫn và theo dõi sinh viên trong suốt quá trình làm ra sản phẩm cuối cùng. 
 
Tài liệu tham khảo

1.  Ball, D. L., & Lampert, M. (1999). Multiples evidence, time, and perspective. In Lagemann, E. C. Editor, & Shulman, L. S. Editor (Eds.), Education research: Problems and possibilities (pp. 371–398). San Francisco: Jossey-Bass.

2.  Comfort.J.(1995). Effective presentation. Oxford: Oxford University Press

3.  Gupta, S. (2008). Communication skills and functional grammar. New Dehli: University Science Press.

4.  King, J. (2002). Preparing EFL Learners for Oral Presentations. The Internet TESL Journal, Vol. VIII, No. 3, March 2002. Retrieved on June 10th 2010 from http://iteslj.org/Lessons/King-PublicSpeaking.html)

5.    Miles, R. (2014). The learner’s perspective on assessing and evaluating their oral presentations. Proceedings of clasic 2014: The sixth international conference, 337–352. http://www.fas.nus.edu.sg/cls/clasic/ clasic2014/Proceedings/miles_richard. pdf

6.  Reinhart, S.M. (2002). Giving Academic Presentation. The University of Michigan Press.

7.    Richards, J. C., & Farrell, T. S. C. (2005). Professional development for language teachers: Strategies for teacher learning. New York, NY: Cambridge University Press.

8.  Tochon, F. (2008). A brief history of video feedback and its role in foreign language education. Calico Journal, 25(3), 420–435. UNESCO (2012). Turning on mobile learning: Global themes. http://unesdoc. unesco.org/images/0021/002164/216451E.pdf

9.    Whatley, R.P. (2001). Types of Presentations. http://www.salesvantage.com/article/560/Types-of-Presentations     

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 634  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...