Ngày đăng 17/08/2023 | 11:20 AM

Quản lý rủi ro trong các dự án công trình xây dựng

Lượt xem: 581  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Quản lý rủi ro trong các dự án công trình xây dựng

 

QUẢN LÝ RỦI RO TRONG CÁC DỰ ÁN CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Ths. Nguyễn Văn Ninh*

*Khoa Công trình – ĐH Hàng Hải Việt Nam

Email: nguyenvanninh.ctt@vimaru.edu.vn

 

Tóm tắt:

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam phát triển mạnh mẽ, yếu tố rủi ro là một trong những vấn đề được các chính phủ, doanh nghiệp rất quan tâm. Rủi ro có thể phát sinh ở tất cả các lĩnh vực đời sống hàng ngày quanh chúng ta. Đầu tư xây dựng là một trong những lĩnh vực tiềm ẩn biến động khó lường, thực tế đã chứng minh rủi ro trong lĩnh vực xây dựng đã và đang là một vấn đề lớn đối với nhiều Chính phủ cũng như doanh nghiệp. Bằng việc quan tâm tới quản lý rủi ro ngay khi bắt đầu dự án trên tất cả các khía cạnh, chúng ta có thể phát hiện ra rủi ro tiềm ẩn và có phương án quản lý, giảm thiểu rủi ro, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư và rút ngắn thời gian triển khai dự án.

Từ khóa: Rủi ro, quản lý rủi ro, dự án, công trình, xây dựng

1.    Đặt vấn đề

Trong thời đại hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam với thế giới, rủi ro trở thành phần vấn đề khó tránh khỏi trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Để phục vụ cho kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước lĩnh vực đầu tư xây dựng những năm gần đây đẩy mạnh phát triển các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, công trình dân dụng và công nghiệp… Sự biến động của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế đất nước nói riêng, giá cả vật liệu xây dựng, tình hình hình dịch bệnh và các biện pháp điều hành kinh tế của Chính phủ đã tạo nên những khó khan, thách thức trong lĩnh vực xây dựng. Thực tế đã có nhiều dự án bị chậm tiến độ, hủy bỏ hoặc phát sinh chi phí đầu tư so với dự toán ban đầu vấn đề này xảy ra không những ở các dự án đầu tư công mà các dự án vốn FDI cũng không ngoại lệ. Vấn đề đặt ra với các nhà quản lý là làm sao để có thể nhìn ra được các rủi ro từ xa và chuẩn bị phương án để đối phó hợp lý. Trong thực tế hiện nay, các dự án đầu tư xây dựng lớn trước khi triển khai đều được phân tích đánh giá rủi ro, nhưng việc này vẫn mang nặng tính hình thức để đối phó với thủ tục hành chính, hiệu quả vẫn chưa phản ánh đúng thực tế.

Khi chuẩn bị cho một dự án đầu tư xây dựng cần được phân tích các yếu tố bất ổn định có thể ảnh hưởng như thời gian, tài chính, hiệu quả đầu tư... trên cơ sở đó đưa ra một hệ thống quản lý những rủi ro đó. Nội dung bài báo tập trung vào việc tìm, phân tích, và đưa ra các biện pháp để giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra trong toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng nhằm muc tiêu nâng cao hiệu quả của việc đầu tư dự án.

 

Hình 1: Lợi ích của quản lý rủi ro trong xây dựng

2. Rủi ro trong lĩnh vực xây dựng

Xây dựng là lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro chỉ xảy ra với xác suất một lần nhưng ảnh hưởng rất lớn, có những rủi ro lặp đi lặp lại nhiều lần với nhiều dự án khác nhau. Nhìn nhận, đánh giá và chủ động quản lý ảnh hưởng của rủi ro sẽ đảm bảo sự thành công của dự án xây dựng. Một số dự án đầu tư, từ khâu chuẩn bị đến thực hiện đầu tư đi vào sản xuất có thể xảy ra nhiều loại rủi ro khác nhau, do nguyên nhân chủ quan cũng có thể là do nguyên nhân khách quan. Việc tính toán khả năng tài chính của dự án chỉ đúng trong trường hợp dự án không bị ảnh hưởng bởi rủi ro. Vì vậy, việc đánh giá, phân tích, dự đoán các rủi ro có thể xảy ra là rất quan trọng nhằm tăng tính khả thi của phương án tính toán dự kiến cũng như chủ động có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại.

Rủi ro về cơ chế chính sách

Rủi ro này được xem là gồm tất cả những bất ổn về tài chính và chính sách của nơi hoặc địa điểm xây dựng dự án, bao gồm: các sắc thuế mới, hạn chế và chuyển tiền, quốc hữu hoá, tư hữu hoá hay các luật nghị quyết, nghị định và các chế tài khác có liên quan đến dòng tiền của dự án.

Rủi ro về tiến độ xây dựng

Đây là việc hoàn tất dự án không đúng thời hạn, không phù hợp với các tiêu chuẩn và thông số thực hiện. Loại rủi ro này nằm ngoài khả năng điều chỉnh, kiểm soát của ngân hàng.

Rủi ro thị trường, thu thập, thanh toán

Rủi ro này bao gồm: Thị trường không chấp nhận hoặc không đủ cầu đối với sản phẩm, dịch vụ đầu ra của dự án; do sức ép cạnh tranh, giá bán sản phẩm, dịch vụ không đủ để bù đắp lại các khoản chi phí của dự án.

Rủi ro về cung cấp

Rủi ro khi dự án không có được nguồn nguyên liệu (đầu vào) với số lượng, giá cả và chất lượng như dự kiến để vận hành dự án, tạo dòng tiền ổn định, đảm bảo khả năng trả nợ vốn vay để đầu tư.

Rủi ro về kỹ thuật, vận hành, bảo trì

Đây là những rủi ro về việc dự án không thể vận hành và bảo trì ở mức độ phù hợp với các yêu cầu thiết kế ban đầu.

Rủi ro về môi trường, xã hội

Rủi ro này thể hiện những tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường và người dân xung quanh.

Rủi ro về kinh tế vĩ mô

Những rủi ro phát sinh từ môi trường kinh tế vĩ mô, bao gồm tỷ giá hối đoái, lạm phát, lãi suất…

 

Hình 2: Những rủi ro trong dự án đầu tư xây dựng

3. Thực trạng vấn đề quản lý rủi ro trong lĩnh vực xây dựng

Chính sách pháp luật trong đầu tư xây dựng

Hệ thống các quy định pháp luật và chính sách về quản lý rủi ro trong đầu tư xây dựng vẫn còn thiếu, chưa sát với thực tiễn chưa được đồng bộ để tạo nên một hệ thống chặt chẽ, minh bạch nên gây khó khăn, nhầm lẫn cho các nhà đầu tư. Các quy định của các bộ, ngành có liên quan chồng chéo thậm chí không ăn khớp với nhau, sự phối hợp của các cơ quan có liên quan khi giải quyết một vấn đề liên ngành nào đó còn thiếu chặt chẽ gây khó khăn cho việc giải quyết và kéo dài thời gian thực hiện.

Nhận thức về quản lý rủi ro của nhà đầu tư

Nhận thức về tầm quan trọng của quản lý rủi ro của nhà đầu tư còn khác nhau, chưa đúng mực so với yêu cầu thực tế, việc thực hiện việc thu thập số liệu, phân tích đánh giá các yếu tố rủi ro còn mang tính hình thức xa vời thực tế chưa kịp thời. Đội ngũ quản lý rủi ro thiếu trình độ đôi khi làm việc quá lý thuyết, cảm quan thiếu kinh nghiệm thực tiễn do đó các biện pháp đối phó với rủi ro đưa ra có thể không phù hợp.

4. Một số biện pháp quản lý giảm thiểu rủi ro

Rủi ro về cơ chế chính sách:

- Khi thẩm định dự án, phải xem xét mức độ tuân thủ của dự án (theo hồ sơ dự án), để đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh các luật và quy định hiện hành có liên quan tới dự án.

- Cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư xây dựng cần đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp, gắn trách nhiệm, tạo sự chủ động cho các nhà đầu tư, bám sát cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.

- Các quy định mới cần được điều chỉnh, thay đổi theo hướng tăng thêm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư trong việc xác định, phê duyệt tổng mức đầu tư và của chủ đầu tư trong việc xác định, phê duyệt dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu.

Rủi ro về tiến độ xây dựng:

- Lựa chọn nhà thầu xây dựng uy tín, có năng lực tài chính tốt, minh bạch và kinh nghiệm triển khai dự án tương đương.

- Thực hiện nghiêm túc việc bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng, bảo lãnh chất lượng công trình sau khi đưa vào vận hành khai thác.

- Giám sát chặt chẽ trong quá trình xây dựng, đảm bảo đúng chất lượng theo các tiêu chuẩn hiện hành và tiến độ thi công đã đề ra.

- Hỗ trợ của cấp có thẩm quyền, dự phòng về tài chính trong trường hợp vượt dự toán.

- Quy định rõ trách nhiệm, vấn đề đền bù, giải toả mặt bằng.

- Hợp đồng giá cố định hoặc chìa khoá trao tay với sự phân chia rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi bên.

Rủi ro thị trường, thu thập, thanh toán:

- Nghiên cứu thị trường, thu thập dữ liệu, đánh giá phân tích thị trường, thị phần cẩn thận, khách quan, phản ánh sát với thực tế.

- Dự kiến cung cầu thận trọng, không nên có những dự báo quá lạc quan, phiến diện, một chiều, cần có thêm phương án dự phòng nếu gặp phải điều kiện bất lợi.

- Phân tích khả năng thanh toán, thiện ý, hành vi của người tiêu dùng

- Khả năng chuyển đổi linh hoạt của cơ cấu sản phẩm, dịch vụ đầu ra sao cho phù hợp với những thay đổi bất chợt.

Rủi ro về cung cấp

Trong quá trình xem xét dự án, cán bộ thẩm định phải nghiên cứu, đánh giá cẩn trọng các báo cáo về chất lượng, trữ lượng, tình trạng nguyên nhiên liệu vật

liệu đầu vào trong hồ sơ dự án, nhất là những yếu tố nguyên liệu liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, an ninh chính trị. Đưa ra những nhận định ngay từ ban đầu trong tính toán, xác định hiệu quả tài chính của dự án.

- Nghiên cứu sự cạnh tranh giữa các nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu giữa các vùng miền, đối tác cung ứng.

- Linh hoạt về thời gian và số lượng nguyên nhiên vật liệu mua vào.

- Những hợp đồng cung cấp nguyên nhiên vật liệu đầu vào dài hạn với nhà cung cấp có uy tín.

Rủi ro về kỹ thuật, vận hành, bảo trì

- Sử dụng công nghệ đã được kiểm chứng, từng được sử dụng ở một số những công trình trước đó.

- Bộ phận vận hành dự án phải được đào tạo tốt, có kinh nghiệm trong công việc được phụ trách.

- Có thể ký hợp đồng vận hành và bảo trì với những điều khoản khuyến khích và phạt vi phạm rõ ràng.

- Bảo hiểm các sự kiện bất khả kháng tự nhiên như lụt lội, động đất, chiến tranh…

- Kiểm soát ngân sách và kế hoạch vận hành.

- Quyền thay thế người vận hành do không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ.

Rủi ro về môi trường, xã hội

- Báo cáo đánh giá tác động của môi trường phải khách quan trung thực và toàn diện, được cấp có thẩm quyền chấp nhận bằng văn bản.

- Nên có sự tham gia của các bên liên quan như cơ quan quản lý môi trường và chính quyền địa phương, người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng từ khi bắt đầu triển khai dự án.

- Tuân thủ các quy định về luật bảo vệ môi trường.

Rủi ro về kinh tế vĩ mô

- Phân tích các điều kiện kinh tế vĩ mô cơ bản.

- Sử dụng các công cụ thị trường như hoán đổi và tự bảo hiểm.

- Bảo vệ trong các hợp đồng như chỉ số hoá, giá cả leo thang, bất khả kháng…

Hình 3: Đánh giá, phân tích, dự đoán các rủi ro có thể xảy ra là rất quan trọng nhằm tăng tính khả thi của phương án, chủ động có biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại

5. Kết luận

Tại Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác, các nghiên cứu về quản lý rủi ro chưa nhiều, mới chỉ tập trung trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, các dự án giao thông, một số dự án áp dụng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Như vậy, vẫn còn một khoảng trống rất lớn trong nghiên cứu quản lý rủi ro tại Việt Nam cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Hiện nay nhà nước vẫn thiếu hành lang pháp lý để quản lý cũng như xử lý các chủ thể vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, hệ thống luật còn nhiều kẽ hở nhiều đối tượng lợi dụng để làm trái các quy định, đầu cơ trục lợi gây hậu quả nghiêm trọng đến lợi ích của nhà nước cũng như ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Khi phê duyệt dự án các cơ quan có liên quan cần xem xét kỹ càng các yếu tố rủi ro của dự án, đồng thời cần phải áp dụng các biện pháp phòng tránh rủi ro phù hợp ngay từ bước thực hiện đầu tư dự án.

Tài liệu tham khảo:

 [1]. Nguyễn Thị Thúy, Quản lý rủi ro cho các dự án đầu tư phát triển đô thị tại hà nội, luận án tiến sĩ, ĐH Kiến trúc Hà Nội.

[2]. Hoàng Thị Hằng Nga, Quản lý rủi ro trong dự án đầu tư xây dựng, tạp chí khoa học Kiến trúc - xây dựng.

[3]. Nguyễn Hồng Thái và Thân Thanh Sơn, bào báo Kinh nghiệm quốc tế về quản lý rủi ro của hình thức PPP trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và bài học cho Việt Nam.

[4]. Trịnh Thùy Anh, luận án tiến sĩ “Nghiên cứu một số giải pháp quản lý rủi ro trong các dự án xây dựng công trình giao thông ở Việt Nam” đã nghiên cứu có tính khái quát cao cho tất cả các rủi ro qua 3 giai đoạn dự án giao thông, từ đó xây dựng một danh mục đầy đủ về các rủi ro dự án.

[5]. Nguyễn Văn Châu, luận án tiến sĩ Quản lý rủi ro kỹ thuật trong xây dựng công trình giao thông đường bộ tại Việt Nam, đã tổng quan rủi ro và QLRR trong dự án xây dựng nói chung và các vấn đề lý thuyết về QLRR.

[6]. Lê Anh Dũng, Bùi Mạnh Hùng, tài liệu chuyên khảo Quản lý rủi ro trong doanh nghiệp xây dựng đã tìm hiểu các rủi ro và QLRR trong hoạt động xây dựng của doanh nghiệp xây dựng.

[7]. Nguyễn Thị Thúy và Đinh Tuấn Hải, nghiên cứu về rủi ro, QLRR trong quá trình thực hiện các dự án xây dựng phát triển đô thị và đề xuất giải pháp QLRR nhằm quản lý dự án một cách hiệu quả.

 

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 581  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...