Ngày đăng 23/10/2023 | 02:47 PM

Tiếp cận đô thị sinh thái theo quy hoạch tại Hà Nội

Lượt xem: 70  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Tiếp cận đô thị sinh thái theo quy hoạch tại Hà Nội

TIẾP CẬN ĐÔ THỊ SINH THÁI THEO QUY HOẠCH TẠI HÀ NỘI

Ths. KTS. Đỗ Bình Minh*

*ĐH Kiến trúc Hà Nội

Email: minhdb@glopan.com.vn

 

 

Tóm tắt: Đô thị sinh thái (Eco-City) được xây dựng dựa trên triết lý ban đầu “xây dựng lại thành phố trong sự cân bằng với tự nhiên”. Đô thị sinh thái ngày càng phổ biến trên thế giới và có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Bài viết nêu lên sự đa dạng tiếp cận Đô thị sinh thái trên thế giới, chỉ ra những hướng tiếp cận phổ biến tại Việt Nam và những quốc gia có bối cảnh tương tự. Bài viết cũng phân tích cách tiếp cận Đô thị sinh thái theo quy hoạch tại Hà Nội. Từ đó, chỉ ra sự thích hợp trong cách tiếp cận Đô thị sinh thái theo quy hoạch tại Hà Nội, đồng thời nêu lên những cản trở mà cách tiếp cận này gặp phải để đến với thành công thực tiễn.

Từ khóa: đô thị sinh thái, tiếp cận, quy hoạch, đô thị, thích hợp

     1.    Đô thị sinh thái và các cách tiếp cận trên thế giới

Năm 1975, Richard Register và một số đồng nghiệp ở Berkeley, CA, thành lập phong trào “sinh thái đô thị” (urban ecology) một tổ chức phi lợi nhuận nhằm "xây dựng lại thành phố trong sự cân bằng với tự nhiên" mà họ gọi là Eco-city hay là các thành phố sinh thái – đô thị sinh thái. Với triết lý đó, Đô thị sinh thái không chỉ là một dạng phát triển đô thị mà còn là một xu hướng phát triển đô thị trên thế giới. Khái niệm đô thị sinh thái không ngừng được phát triển theo thời gian và từng hoàn cảnh cụ thể khác nhau trên thế giới, nó không dừng lại ở xây dựng không gian đô thị, môi trường đô thị mà còn hướng tới một xã hội hài hòa, lối sống bền vững của cộng đồng dân cư.

Đô thị sinh thái ngày càng phổ biến trên thế giới và có nhiều cách tiếp cận khác nhau

Cách tiếp cận cụ thể của đô thị sinh thái cũng được xây dựng và phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nước, quốc gia và khu vực. Có thể thấy rõ qua 10 nguyên tắc mà Urban Ecology đề xuất năm 1996, khi phong trào này chủ yếu ảnh hưởng đến khu vực Bắc Mỹ (Urban Ecology, 1996):

(1) Điều chỉnh lại các ưu tiên sử dụng đất để tạo ra các cộng đồng hỗn hợp nhỏ gọn, đa dạng, xanh, an toàn, dễ chịu, gần các nút giao thông và phương tiện vận tải khác;

(2) Điều chỉnh lại giao thông để ưu tiên cho đi bộ, xe đạp, xe điện, phương tiện công cộng, và nhấn mạnh "truy cập với sự gần gũi;

(3) Khôi phục lại môi trường đô thị bị xâm hại, đặc biệt là lạch, đường bờ biển, vùng giáp ranh và vùng đất ngập nước;

(4) Tạo nhà ở khang trang, giá cả phải chăng, an toàn, thuận tiện, kinh tế và cho mọi thành phần xã hội;

(5) Nuôi dưỡng công bằng xã hội và tạo ra cải thiện cơ hội cho phụ nữ, người da màu và người tàn tật;

(6) Hỗ trợ nông nghiệp địa phương, các dự án phủ xanh đô thị và làm vườn cộng đồng;

(7) Thúc đẩy tái chế, sáng tạo công nghệ phù hợp và bảo tồn tài nguyên trong khi giảm thiểu ô nhiễm và chất thải nguy hại;

(8) Làm việc với các doanh nghiệp để hỗ trợ hoạt động kinh tế sinh thái trong khi ngăn chặn ô nhiễm, chất thải, và việc sử dụng và sản xuất vật liệu nguy hại;

(9) Thúc đẩy lối sống đơn giản tự nguyện và không khuyến khích tiêu thụ quá mức của cải vật chất;

(10) Nâng cao nhận thức về môi trường địa phương và vùng sinh thái thông qua các nhà hoạt động và các dự án giáo dục qua đó nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề sinh thái bền vững.

Tuy nhiên, cùng với sự mở rộng ảnh hưởng xây dựng các Đô thị sinh thái trên thế giới, theo hoàn cảnh xã hội và môi trường luật pháp mà các cách tiếp cận Đô thị sinh thái trên thế giới cũng rất khác nhau. Trong khi ở Bắc Mỹ xây dựng đô thị sinh thái trở thành một phong trào xã hội mà hoạt động của nó tác động thay đổi môi trường và lối sống đô thị, thì ở các nước châu Á, nơi tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh thì cách tiếp cận đô thị sinh thái theo hướng xây dựng và mở rộng các đô thị sinh thái lại khá phổ biến.

Theo nghiên cứu thống kê toàn cầu của đại học Westminster, có 174 dự án đô thị sinh thái trên thế giới đang được thực thi. Các đô thị sinh thái được phát triển dựa trên các nền tảng rất khác nhau, có thể sắp xếp 3 nền tảng phát triển các đô thị sinh thái là:

         -                      Đô thị sinh thái phát triển mới (new development)

        -                      Đô thị sinh thái do mở rộng đô thị (expansion of urban area)

        -                      Đô thị sinh thái do phát triển cải tạo (Retro-fit development)

 

Bảng I: Thống kê các đô thị sinh thái trên thế giới

 

Châu Á & Úc

Châu Âu

Trung Đông & Châu Phi

Châu Mỹ

Tổng cộng

 Phát triển mới

15

2

4

6

27

Đô thị mở rộng

17

45

4

6

72

Cải tạo

37

23

2

13

75

Tổng cộng

69

70

10

25

174

 

Các phương thức tiếp cận đô thị sinh thái trên thế giới cũng rất đa dạng tùy theo môi trường phát triển và điều kiện cụ thể của các quốc gia. Sự khác biệt không chỉ do các điều kiện kinh tế, xã hội và lịch sử của địa phương, mà còn do các mục tiêu khác nhau của đô thị sinh thái ở mỗi nước, mỗi khu vực. Tuy nhiên, có thể phân loại các phương thức tiếp cận triển khai đô thị sinh thái thành 3 loại như sau:

- Đổi mới công nghệ (technological inovation): Đô thị sinh thái áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đô thị như: Thành phố thông minh để điều hành, quản trị thành phố; các tiến bộ về giao thông đô thị, nhằm giảm thiểu sử dụng xe hơi cá nhân trong đô thị tăng cường giao thông công cộng và xe đạp; tiến bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, môi trường trong đô thị; công nghệ năng lượng mới làm giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, giảm ảnh hưởng đến môi trường. Áp dụng các công nghệ hiện đại vào quản lý vận hành đô thị nhằm xây dựng đô thị sinh thái.

-Tích hợp quy hoạch/tầm nhìn phát triển bền vững (intergrated sustainability vision/planning):hình thức tìm kiếm mô hình quy hoạch đô thị sinh thái thông qua quá trình quy hoạch đô thị. Các mục tiêu xây dựng đô thị sinh thái được tích hợp trong quá trình quy hoạch đô thị tích hợp với tầm nhìn, chiến lược phát triển bền vững đô thị. Hình thức này mang lại diện mạo mới cho đô thị sinh thái rất phù hợp với các khu vực đô thị phát triển.

-Trao quyền/tham gia dân sự (Civic empowerment/involvement): Là giải pháp thúc đẩy sự tham gia của cộng động dân cư, trao quyền tự quyết cho cộng đồng dân cư nhằm hướng tới xây dựng các mục tiêu đô thị sinh thái dựa trên sự đồng thuận và tự nguyện của cộng đồng dân cư.

     2.    Bối cảnh và tiếp cận đô thị sinh thái tại Việt Nam và Hà Nội

Việt Nam đang trong quá trình tăng tốc đô thị hóa, các đô thị liên tục được mở rộng và xây dựng mới. Trong đó quá trình đô thị hóa làm tăng mật đô dân số ở đô thị đồng thời làm suy giảm môi trường sống trong những đô thị sẵn có. Đô thị sinh thái được kỳ vọng để hình thành các không gian đô thị mới có chất liệu thiên nhiên làm tăng chất lượng không gian sống đô thị. Mặt khác đô thị sinh thái cũng được coi là hình thức xây dựng đô thị làm giảm sự tác động của quá trình đô thị hóa đến môi trường sinh thái tự nhiên sẵn có góp phần làm đô thị hòa nhập mà không phá vỡ môi trường sinh thái vốn có.

Với đặc trưng trên, các dự án đô thị sinh thái ở Việt Nam đều là các dự án xây dựng đô thị mới hoặc dự án phát triển mở rộng các đô thị đang có. Do điều kiện hình thành nên các dự án xây dựng đô thị sinh thái ở Việt Nam tuân theo trình tự và hệ thống pháp luật về xây dựng và phát triển đô thị. Cụ thể: Đô thị sinh thái theo các bước: Quy hoạch xây dựng – Quản lý xây dựng và xây dựng đô thị sinh thái – Quản lý, vận hành Đô thị sinh thái. Các yếu tố hình thành nên đô thị sinh thái được tích hợp vào quá trình xây dựng đô thị và trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn quy hoạch; Lập dự án xây dựng và phát triển, quản lý xây dựng theo quy hoạch; giai đoạn quản lý vận hành đô thị.

 

Quy hoạch

 

Quản lý xây dựng theo quy hoạch

Xây dựng đô thị

 

Đô thị sinh thái

Quy hoạch vùng

Quy hoạch chung đô thị

Quy hoạch phân khu đô thị

Quy hoạch chi tiết đô thị

Quản lý xây dựng theo quy hoạch

Lập các dự án đầu tư xây dựng

Đầu tư xây dựng

Hoạt động đô thị sinh thái

Quản lý vận hành đô thị sinh thái

Hình 1: Tiếp cận đô thị sinh thái tại Việt nam

Với cách tiếp cận này, một số dự án đô thị sinh thái theo quy hoạch, đã có những đô thị sinh thái được xây dựng và triển khai, như đô thị sinh thái Ecopark tại Văn Giang, Hưng Yên. Tiếp cận đô thị sinh thái theo quy hoạch cũng phổ biến ở những nước đang phát triển trong quá trình bùng nổ đô thị hóa tương tự như Việt Nam và được nghiên cứu của Đại học Westminster xếp là một trong ba hướng tiếp cận đô thị sinh thái phổ biến trên thế giới.

Tại Hà Nội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định nền tảng sinh thái cho khu vực phía tây thành phố với chiến lược hành lang xanh.

Chiến lược hành lang xanh: Cấu trúc phát triển thủ đô Hà Nội xác định Hành lang xanh, chiếm 70% diện tích đất tự nhiên, gồm toàn bộ khu vực nông thôn Hà Nội. Hành lang xanh chạy dọc sông Đáy, sông Tích, vùng núi Ba Vì và Hương Tích, theo vành đai 4 vượt sông Hồng kết nối với khu vực quanh Đền Sóc. Chiến lược hành lang xanh là ý đồ tổng thể cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và nhu cầu phát triển hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững. Về mặt sinh thái, hành lang xanh là vùng bảo tồn hệ sinh thái “nông nghiệp - nông thôn – nông dân”, trong đó có các loại hình bảo tồn chính:

            -          Diện tích nông nghiệp (đất lúa năng suất cao, trồng hoa…)

            -          Đa dạng sinh học (vùng núi, vùng ngập thoát lũ…)

            -          Di sản văn hóa (Khu du lịch, công trình văn hóa tín ngưỡng..)

            -          Khu vực nông thôn (làng nông nghiệp, làng nghề,..)

Hình 2: Hành lang xanh thủ đô Hà Nội

Nguồn: Báo cáo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội[11]

Nằm trong khu vực hành lang xanh, các thị trấn Phúc Thọ, Quốc Oai và Chúc Sơn được xác định phát triển theo mô hình đô thị sinh thái và trở thành một thành phần trong chiến lược hành lang xanh. Các đô thị sinh thái đóng vai trò “trung tâm” trong chiến lược hành lang xanh. Như vậy, có thể thấy, mô hình phát triển đô thị sinh thái ở Hà Nội gắn liền với không gian sinh thái của khu vực hành lang xanh xung quanh. Các đô thị sinh thái gắn liền với mục tiêu cân bằng giữa bảo tồn và phát triển trong khu vực hành lang xanh.

 

Hình 3: Hệ thống các đô thị sinh thái trong chiến lược hành lang xanh


Như vậy, Các đô thị sinh thái tại Hà Nội bao gồm các thị trấn Phúc Thọ, Quốc Oai và Chúc Sơn được xác định theo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội. Cùng với 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái tại Hà Nội hình thành tổng thể phát triển đô thị phía tây thành phố. Các đô thị sinh thái tại Hà Nội gắn liền với chiến lược Hành lang

xanh của thành phố, có vai trò thúc đẩy sự phát triển khu vực vành đai xanh theo hướng bảo tồn hệ sinh thái nông nghiệp, đa dạng sinh học, các di sản văn hóa và khu vực nông thôn.

Triển khai định hướng về đô thị sinh thái của quy hoạch tổng thể thành phố, quy hoạch các đô thị sinh thái Phúc Thọ, Quốc Oai và Chúc Sơn đã được lập và phê duyệt. Trong đó, vai trò của tích hợp tầm nhìn/ quy hoạch đô thị sinh thái được xác định cụ thể ở các yếu tố:

           -          Cụ thể hóa vai trò sinh thái của đô thị đối với khu vực.

           -          Đề xuất mô hình không gian, sử dụng đất và hạ tầng cụ thể đô thị sinh thái dựa trên dự báo phát triển đô thị tại địa phương.

           -          Đề xuất các yếu tố, chỉ tiêu sinh thái theo quan điểm sinh thái của tác giả đồ án.

Các bước triển khai quy hoạch và xây dựng tiếp theo vẫn đang được chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện trong khuôn khổ hệ thống pháp luật và chính sách xây dựng, phát triển đô thị hiện hành.

     3.    Đặc điểm của tiếp cận đô thị sinh thái theo quy hoạch tại Hà Nội

Tiếp cận đô thị sinh thái theo quy hoạch ở Hà Nội theo hướng “tích hợp quy hoạch/ tầm nhìn phát triển bền vững” là một trong những phương thức triển khai thực hiện Đô thị sinh thái phổ biến trên thế giới. Tiếp cận này đã có thực tiễn ở các quốc gia có hoàn cảnh phát triển đô thị tương tự Việt Nam và ngay tại Việt Nam. Cần tiếp cận đô thị sinh thái theo quy hoạch phù hợp với môi trường pháp luật quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị hiện nay.

Cụ thể đối với thành phố Hà Nội, tiếp cận đô thị sinh thái theo quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể thủ đô. Quy hoạch, xây dựng và phát triển các đô thị sinh thái còn góp phần xây dựng gìn giữ hệ sinh thái chung của đô thị nói chung và chiến lược hành lang xanh nói riêng. Được xác định trong quy hoạch tổng thể đô thị, phát triển các đô thị sinh thái theo quy hoạch sẽ đặt trong chính sách phát triển đô thị chung của thành phố cùng với các nhóm đô thị vệ tinh khác.

Tiếp cận đô thị sinh thái theo quy hoạch là hướng tiếp cận thực tiễn và phù hợp

Tuy nhiên, tiếp cận đô thị sinh thái theo quy hoạch, trong đó các yếu tố sinh thái được tích hợp trong quá trình xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển đô thị cũng là hình thức tiếp cận từ trên xuống, khiến nó còn gặp nhiều trở ngại trong quá trình triển khai:

- Do quá trình tích hợp quy hoạch phải qua nhiều bước, nên các mục tiêu cụ thể đô thị sinh thái chậm đi vào thực tế. Cũng do phải trải qua nhiều bước tích hợp nên các mục tiêu sinh thái có thể bị sai lệch trong quá trình triển khai.

- Tiếp cận đô thị sinh thái theo quy hoạch phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống quản lý nhà nước về quy hoạch và xây dựng, trong khi các hệ thống pháp luật đều chưa chính thức hóa khái niệm “đô thị sinh thái”, cũng chưa được làm rõ bằng các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn chính thức.

- Do tiếp cận từ quy hoạch cấp cao, tiếp cận đô thị sinh thái theo quy hoạch tại Hà Nội được thực hiện chủ động từ chính quyền và các nhà chuyên môn quy hoạch. Sự tham gia của các bên khác như: Nhà phát triển dự án, nhà tài trợ, cộng đồng dân cư địa phương bị động và vào những thời điểm muộn hơn. Sự tham gia thiếu đầy đủ và chưa đúng thời điểm của các bên có thể khiến các mục tiêu sinh thái ban đầu không còn được duy trì trong các giai đoạn triển khai cụ thể về sau.

Tiếp cận đô thị sinh thái theo quy hoạch là hướng tiếp cận thực tiễn và phù hợp nhất với các đô thị sinh thái tại Hà Nội. Không chỉ phù hợp với hệ thống quy hoạch cũng như chính sách pháp luật hiện hành mà còn phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn phát triển đô thị khu vực Hà Nội. Tuy nhiên, việc thiếu các hệ thống chính sách và các quy định pháp luật về Đô thị sinh thái, cũng như thiếu cơ chế để các bên tham gia vào phát triển Đô thị sinh thái có thể cản trở cách tiếp cận này đi vào thành công thực tiễn.

Tài liệu tham khảo:

         [1].     Rechard Register (2006) – Ecocities: Rebuilding cities in balance with nature (revised edition) – New Society Publishers.

         [2].     Ecocities – A global survey – Simon joss – University of Westminster

        [3].     QHC Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

        [4].     Quy hoạch chung thị trấn sinh thái Phúc Thọ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

       [5].     Quy hoạch chung thị trấn sinh thái Quốc Oai, huyện Quốc Oai, huyệt Thạch Thất, TP Hà Nội đến năm 2030.

       [6].     Quy hoạch chung thị trấn sinh thái Chúc Sơn đến năm 2030.

      [7].     Triển khai quy hoạch xây dựng các thị trấn sinh thái tại Hà Nội: Thực tiễn và đề xuất các tiêu chí đô thị sinh thái theo định hướng phát triển bền vững Tạp chí Môi Trường Xây Dựng GS.TS. Đỗ Hậu

 

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 70  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...