Ngày đăng 24/10/2023 | 02:37 PM

Đẩy nhanh công tác tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản

Lượt xem: 70  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Đẩy nhanh công tác tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản

ĐẨY NHANH CÔNG TÁC THÁO GỠ KHÓ KHĂN, THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

 

Kim Liên

 

Nhằm giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), trong quý II/2023 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành một số cơ chế chính sách, Công điện trong chỉ đạo với nhiều biện pháp giải quyết rất cụ thể và quyết liệt như: Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, Công điện số 194/CĐ-TTg, Công điện số 469/CT-TTg ngày 25/5/2023, Công điện số 470/CT-TTg ngày 26/5/2023, Công điện số 634/CĐ-TTg… Đồng thời, các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ về vấn đề này.

Với những chỉ đạo nêu trên cho thấy Chính phủ đã rất quyết liệt, kịp thời hành động trong bối cảnh khó khăn phát sinh, cần khẩn trương khơi thông, thúc đẩy tăng trưởng và giảm thiểu phát sinh những vấn đề xã hội để cùng vượt qua thách thức, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển đúng quy luật, hiệu quả, an toàn, lành mạnh và bền vững. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Tổ công tác, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành khẩn trương, tích cực triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao, cụ thể đã làm việc lần lượt với một số địa phương lớn như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, tỉnh Đồng Nai và một số doanh nghiệp BĐS để nghe báo cáo, nắm thông tin, tình hình cũng như rà soát đến từng dự án BĐS cụ thể, trao đổi, hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS. Qua đó, đã từng bước đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên, vẫn cần phải tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp hơn nữa, đặc biệt là địa phương và doanh nghiệp cần chủ động đề xuất giải pháp cụ thể cho từng dự án BĐS và tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào, cơ quan nào thì cấp đó, cơ quan đó phải giải quyết dứt điểm.  

Theo báo cáo, đánh giá của một số tổ chức kinh tế và địa phương thì lĩnh vực BĐS trong quý vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời còn nhiều khó khăn thách thức, cụ thể như: về thể chế, pháp lý của các dự án, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu,… và việc tổ chức, triển khai, thực thi của địa phương. Do vậy, trong thời gian tới các Bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục khẩn trương, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao, đề xuất giải pháp cụ thể hơn nữa nhằm nhanh chóng tháo gỡ những tồn tại và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cho thị trường BĐS.

TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN QÚY II/2023

Sự sụt giảm số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án BĐS được cấp phép, đang triển khai, đã hoàn thành trong Quý II/2023

Dự án phát triển nhà ở thương mại giảm so với cùng kỳ năm ngoái

Dự án hoàn thành: Có 07 dự án với 2.424 căn (852 căn hộ; 1.572 căn nhà ở riêng lẻ), số lượng dự án chỉ bằng khoảng 50% so với Quý I/2023 và bằng khoảng 29.17% so với Quý II/2022. Dự án đang triển khai xây dựng: Có 986 dự án với 413.539 căn. Dự án được cấp phép mới: Có 15 dự án với 3.239 căn, số lượng dự án chỉ bằng khoảng 88,24% so với Quý I/2023 và bằng khoảng  51,72% so với Quý II/2022, cụ thể:

 

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở

 

 Dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân đang được tích cực triển khai

Tính đến quý II/2023, cả nước 294 dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn. Hiện nay, các địa phương và chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", theo đó hiện có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng.

 Số lượng dự án BĐS, căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai

Theo tổng hợp số liệu của các địa phương có báo cáo cho thấy, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong Quý II/2023 như sau: Có 51 dự án với 6.205 căn, số lượng dự án chỉ bằng khoảng 98,08% so với Quý I/2023 và bằng khoảng 63,75% so với Quý II/2022, tỷ trọng số lượng loại BĐS đủ điều kiện bán chủ yếu là đất nền và nhà ở riêng lẻ trong dự án.

Có 12 dự án được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng với số lượng căn hộ cụ thể như sau: Nhà ở: 11.392 căn (bằng khoảng 59,84% so với Quý I/2023); Căn hộ du lịch: 437 căn (bằng khoảng 346,83% so với Quý I/2023); Văn phòng kết hợp lưu trú (officetel): 95 căn (Quý I/2023 là 0 căn).

Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng giảm

Theo khảo sát, lượng tìm mua BĐS toàn quốc tính đến hết quý II năm 2023 giảm khoảng 33% so với cùng kỳ năm trước, lượng tin đăng bán BĐS cũng giảm khoảng 44% (lượng quan tâm tìm mua đất nền giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2022). Tình hình giao dịch trong quý trầm lắng do niềm tin của người mua, nhà đầu tư bị ảnh hưởng và những khó khăn về hạn mức tín dụng, lãi suất vay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

 Giá giao dịch tăng giảm không đồng đều ở các địa phương

 Căn hộ chung cư tăng cao ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Trong Quý II/ 2023 giá giao dịch chung cư mới ở một số thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là có những khu vực tăng cao dù thị trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên giá giao dịch thứ cấp căn hộ chung cư tại một số địa phương lại có xu hướng giảm từ 2 ÷ 6% so với cùng kỳ năm trước và giảm nhiều ở một số địa phương như Đà Nẵng (giảm 5,8%), Đồng Nai (giảm 3,5%), Hải Phòng (giảm 3,1%). Phân khúc căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu gần như có không biến động và không có dự án mới. Giá sơ cấp trung bình của thị trường căn hộ chung cư đạt khoảng 47,5 triệu đồng/m2. Tại TP. Hà Nội, mặc dù giá căn hộ chung cư tại Hà Nội được cho là đang ở mức cao, tuy nhiên theo khảo sát thì trong quý II giá vẫn tiếp tục có xu hướng tăng so với quý trước. Mức giá tăng cao nhất là ở các dự án thuộc quận Tây Hồ và khu vực xung quanh, số lượng dự án chung cư mới mở bán ở khu vực này rất hiếm, đều có mức giá khoảng 80 triệu đến 100 triệu đồng/m2. Các dự án căn hộ trên đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Huyên, Võ Chí Công, Lạc Long Quân… đều tăng giá mạnh so với giá gốc và tăng khoảng 1% đến 3% so với quý trước.

Giá nhà ở riêng lẻ, đất nền trong dự án giảm

Trong quý II/2023, phân khúc BĐS nhà ở riêng lẻ, đất nền trong dự án được nhà đầu tư quan tâm chủ yếu mang tính chất đầu cơ và người mua không còn quan tâm như trước, nhiều nhà đầu tư đang gặp vấn đề về dòng tiền, sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn và chủ đầu tư ngưng hỗ trợ lãi suất cho vay, trong khi thị trường có tính thanh khoản giảm mạnh, dẫn đến nhiều giao dịch mang tính bán cắt lỗ ngày càng mạnh.

Giá bán của phân khúc BĐS biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý tiếp tục có xu hướng giảm khoảng 2% đến 5% so với quý trước và có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư của sản phẩm và hạ tầng khu vực trong thời gian tới.

Nguồn cung mới về văn phòng cho thuê trên địa bàn cả nước vẫn tiếp tục hạn chế

Văn phòng, mặt bằng thương mại có nhiều khó khăn

Trong Quý II năm 2023, theo nhận định của một số tổ chức nghiên cứu thị trường thì phân khúc BĐS văn phòng cho thuê đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, do tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo chậm lại và bối cảnh khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp dần quy mô, nguồn cầu hiện nay có xu hướng giảm do doanh thu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế, khách thuê tạm hoãn các quyết định thuê mới hoặc mở rộng mặt bằng và chỉ ký gia hạn hợp đồng thuê ngắn hạn. Nguồn cung mới về văn phòng cho thuê trên địa bàn cả nước vẫn tiếp tục hạn chế khi không có dự án tòa nhà văn phòng cho thuê mới nào được đưa ra thị trường.

Mặt bằng thương mại trong Quý II năm 2023 trên địa bàn cả nước không có dự án trung tâm thương mại, siêu thị lớn nào khai trương và đi vào hoạt động. Nguồn cung mới về mặt bằng thương mại vẫn tiếp tục hạn chế, nguồn cung chủ yếu được bổ sung thêm từ một số sàn thương mại của các toà nhà hỗn hợp tuy nhiên số lượng không nhiều.

Giá khách sạn, lưu trú, du lịch nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm

Giá bán BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên mức độ giảm không nhiều như thời điểm cuối năm trước do các chi phí vốn hiện nay vẫn ở mức cao, nhưng thanh khoản thị trường trầm lắng, gần như không ghi nhận phát sinh giao dịch.

Phân khúc liền kề, shophouse: mặt bằng giá bán sơ cấp không biến động so với quý trước và cùng kỳ năm trước, hiện tại vẫn dao động khoảng từ 6,1 đến 16,3 tỷ đồng/căn liền kề, shophouse tùy diện tích từng căn và từng khu vực. Phân khúc condotel cũng đang gặp tình trạng thanh khoản chững lại, hầu hết các dự án không ít phát sinh giao dịch, theo khảo sát của một số tổ chức thì lũy kế đến hết quý II năm 2023 có khoảng 700 căn tồn kho. Mặt bằng giá sơ cấp có xu hướng giảm 3% - 6% so với cùng kỳ năm trước.

Tồn kho BĐS tăng hơn so với cùng kỳ

Trong quý II năm 2023, mặc dù cũng có những tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, lãi suất ngân hàng đang trong xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án BĐS đang phải tạm dừng do vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý, đến điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng và biến động nguyên vật liệu… Ngoài ra, các dự án còn gặp khó về hạn chế vốn tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp. Do vậy, lượng tồn kho được đánh giá tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc BĐS nhà ở riêng lẻ, đất nền các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng, giá trị tồn kho BĐS hiện nay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương (có 17/63 tỉnh), lượng tồn kho BĐS trong quý II năm 2023 vào khoảng 16.688 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), trong đó: chung cư (1.714 căn); nhà ở riêng lẻ (7.4773 căn); đất nền (7.501 nền). Theo đó, có thể thấy tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc BĐS nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.

Tình hình cấp tín dụng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp đối với BĐS

Về tình hình cấp tín dụng

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31/5/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 925.796 tỷ đồng, cụ thể như sau:       

                                                                                     Đơn vị tính: tỷ đồng

STT

NỘI DUNG

 Đến 30/04/2023

 Đến 31/05/2023

I

Dư nợ tín dụng kinh doanh BĐS

905,940

925,796

1

Dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở 

253,442

252,792

2

Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng

38,312

37,535

3

Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất

52,610

53,564

4

Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng

40,634

45,169

5

Dư nợ tín dụng của các dự án nhà hàng, khách sạn

64,364

66,184

6

Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán, cho thuê

128,860

137,375

7

Dư nợ tín dụng đối với vay mua quyền sử dụng đất

64,514

63,176

8

Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh BĐS khác

263,204

270,001

II

Số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

25,183

25,730

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế vĩ mô và bám sát chỉ đạo của Chính phủ để điều hành linh hoạt, duy trì thanh khoản tốt, sẵn sàng nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng cấp tín dụng. Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì cơ cấu, tín dụng vào kinh doanh BĐS trong 5 tháng đầu năm tăng 14%.

Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng BĐS trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. Như vậy, tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư BĐS là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp.

Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Qua nắm bắt nhanh tình hình triển khai, các địa phương và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, theo đó hiện có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng (thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng). Hiện nay, có 15/63 Sở Xây dựng trên địa bàn cả nước đã rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh xem xét công bố danh mục tổng số 40 dự án với tổng mức đầu tư là 43.707,28 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 18.010,48 tỷ đồng.

Các địa phương và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng

Tình hình phát hành trái phiếu lĩnh vực BĐS có biến động đáng kể

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu doanh nghiệp đối với lĩnh vực BĐS nói riêng trong Quý II năm 2023 có sự biến động đáng kể vào tháng 6/2023 với 13 đợt phát hành riêng lẻ, tổng giá trị 8,170 tỷ đồng, mức lãi cao so với mặt bằng chung 12-14%, tăng mạnh so với tháng 5/2023, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành thành công với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng.

Tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong phần còn lại của năm 2023 là 195.090 tỷ đồng và nhóm BĐS dẫn đầu về giá trị đến hạn với 101.179 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 31.661 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy việc Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP[1] đã tạo ra tín hiệu tích cực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi cho phép các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với các nhà đầu tư thanh toán gốc, lãi bằng tài sản hợp pháp của công ty, gia hạn nợ thêm thời gian tối đa 2 năm. Tiếp sau đó, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 23/4/2023 cho phép các tổ chức tín dụng được mua ngay lại trái phiếu doanh nghiệp phát hành mà không cần chờ sau 1 năm và hỗ trợ giãn hạn nợ nhưng vẫn được giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn đang gặp khó khăn.

Nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS giảm

Tính đến ngày 20/06/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ, tăng 3 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 10,02 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn FDI đăng ký quý II năm 2023 đạt gần 8 tỷ USD, tăng gần 50% so với quý I năm 2023 (khoảng 5,4 tỷ USD).

Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, vốn FDI đầu tư vào các ngành nghề kinh tế đều giảm nhẹ, riêng BĐS ghi nhận giảm sút mạnh nhất, với tổng vốn đăng ký là 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước, mất vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng thu hút đầu tư (nguồn Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT).

Hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS

Theo thống kê mới nhất của một số tổ chức khảo sát đánh giá thì lĩnh vực BĐS vẫn có xu hướng giải thể tăng. Số doanh nghiệp đã giải thể tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới cũng giảm khoảng 61,4% so cùng kỳ năm trước. Hiện nay, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, có thể phân thành nhóm chính như: Nhóm khó khăn, vướng mắc về pháp lý, nhóm khó khăn, vướng mắc về tổ chức thực hiện, nhóm khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn.

Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư, tính thanh khoản thị trường BĐS thấp nên dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh BĐS thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp đang phải áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản, ngoài ra tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp BĐS buộc phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án, phải cắt giảm và điều chỉnh lại quy mô nhân sự từ đầu năm đến nay hoặc người lao động còn chủ động xin nghỉ việc, có nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm trên 60% nguồn lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay...

 MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

 Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung việc tiếp thu, giải trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, tiếp tục làm việc với một số địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ trong thời gian tới.

Bộ Tài nguyên và Môi trường: tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất theo trình tự thủ tục rút gọn để sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục xác định giá đất cụ thể áp dụng đối với trường hợp UBND cấp tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể. Đề xuất xử lý tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS thuộc lĩnh vực quản lý đối với những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên cơ sở bảo đảm sản xuất, kinh doanh, hiệu quả. Tiếp tục quyết liệt trong triển khai thực hiện việc chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: tập trung, khẩn trương rà soát, thống kê số lượng các dự án BĐS đang triển khai trên địa bàn; phân loại các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ thuộc thẩm quyền; tổng hợp các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội trong đó chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân của các vướng mắc gửi về Tổ công tác để tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở. Khẩn trương, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, theo đó giám sát việc triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” nhằm đảm bảo mục tiêu đã đề ra. Khẩn trương, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông, thủ tục hành chính điện tử cấp độ 4 để đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn trong giải quyết thủ tục triển khai liên quan đến dự án BĐS trên địa bàn.

Tài liệu tham khảo:

Bộ Xây dựng, Công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS Quý II/2023.



 

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 70  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...