Ngày đăng 29/11/2023 | 09:47 AM

Tăng cường chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị thông minh

Lượt xem: 22  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Tăng cường chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị thông minh

TĂNG CƯỜNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN

ĐÔ THỊ THÔNG MINH

 

Kim Liên

Ngày Đô thị Việt Nam (8/11) hàng năm được Thủ tướng Chính phủ công nhận từ năm 2008, trên cơ sở xem xét vai trò ý nghĩa của đô thị đối với sự phát triển chung của quốc gia, cũng như hưởng ứng Ngày Quy hoạch đô thị Thế giới và Ngày Đô thị hóa Thế giới, với mục tiêu thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia xây dựng và phát triển đô thị. 

Phát triển bền vững đô thị Việt Nam

Ngày 8/11 cũng là ngày hội lớn, ngày vui của các chính quyền đô thị, nhà quản lý, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến phát triển đô thị và của mọi người dân cùng gặp gỡ, chia sẻ những suy nghĩ, lan tỏa thông điệp, hành động để xây dựng ngôi nhà chung đô thị nhằm có được môi trường sống chất lượng, văn minh, hiện đại, hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị nói riêng và quốc gia nói chung. 

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%. Tuy nhiên, Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đã thẳng thắn nêu ra những bất cập trong phát triển đô thị, trở thành đề bài để tập trung giải quyết trong quá trình đô thị hóa thời gian tới như: Tỷ lệ đô thị hoá đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn.

Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.

Để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Nghị quyết 06-NQ/TW đặt ra, các cơ quan liên quan cần liên tục tổng kết thực tiễn trên cơ sở thực tế địa phương, đặc biệt trong bối cảnh phát triển và thay đổi nhanh chóng dưới sự tác động của dòng chảy cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0, những vấn đề rủi ro, thiên tai không báo trước. 

Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023” là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia cùng chia sẻ, trao đổi và xác định tầm nhìn, chiến lược dài hạn cho phát triển bền vững đô thị Việt Nam

Do vậy, cùng với sự kiện thường niên Ngày Đô thị Việt Nam, Diễn đàn Đô thị Việt Nam 2023 ngày 8/11 là cơ hội để các chính quyền đô thị các địa phương, nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, cộng đồng có liên quan đối thoại, chia sẻ, kết nối các tri thức, bài học, thực tiễn quan trọng để cùng có những đề xuất, định hướng, cách làm hay để hiện thực hóa những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết 06-NQ/TW và Nghị quyết 148 của Chính phủ về triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra để phát triển đô thị đất nước giai đoạn mới. 

Diễn đàn xoay quanh chủ đề chính là “Quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với một phiên toàn thể và tọa đàm, 03 hội thảo chuyên đề với các nội dung: Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững; Chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị; Phát triển đô thị thân thiện với môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã nêu rõ các định hướng hợp tác thúc đẩy phát triển đô thị Việt Nam, trong đó yêu cầu đối với chính quyền đô thị tại địa phương cần phát huy tính chủ động, bố trí nguồn lực, vật lực và nhân lực cho sự nghiệp phát triển đô thị tại địa phương, tập trung đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng đô thị song song với quá trình đô thị hóa. Phát huy nội lực và động lực đô thị của địa phương để đáp ứng với nhu cầu tăng trưởng và sự phát triển kinh tế xã hội.

Diễn đàn tập trung thảo luận, hoàn thiện các khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa các đô thị theo hướng xanh, bền vững. Phiên hội nghị toàn thể mở và đa chiều mang tới các xu hướng cập nhật về phát triển đô thị thông minh trên toàn quốc và trên thế giới, đồng thời hướng tới tháo gỡ các rào cản để tăng cường vai trò của tư nhân trong xây dựng đô thị thông minh và khuyến khích việc ứng dụng các sáng kiến, công nghệ hiện đại trong phát triển đô thị.

Chuyển đổi số quản lý quy hoạch và phát triển đô thị - cần được đặc biệt quan tâm

Cùng với sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, nhiều nước trên thế giới đã thành công khi xây dựng mô hình đô thị thông minh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ở Việt Nam, phát triển đô thị thông minh chính là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Về định hướng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018: Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 950) nhằm đóng góp vào việc triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia thông qua phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh. 

Phiên Hội thảo với Chủ đề: Chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị do Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị chủ trì

Chuỗi các phiên hội thảo chuyên sâu tại Diễn đàn đô thị Việt Nam nhằm tìm kiếm giải pháp cho những mối quan tâm hàng đầu của các nhà phát triển đô thị, phiên Hội thảo 2 với Chủ đề: Chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị do Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị chủ trì được đại biểu đặc biệt quan tâm, với các nội dung nổi bật như: Chuyển đổi số quản lý quy hoạch và phát triển đô thị ngành xây dựng tại địa phương do TS. KTS. Lưu Đức Minh - Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị tham luận; Giải pháp quản lý quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ - thống nhất phục vụ chính quyền số và đô thị thông minh do ông Lê Quang Phùng - Phó Giám đốc CTCP Công nghệ Thông tin Địa lý eK báo cáo; Tăng trưởng kinh tế và Net-zero cacbon trong phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam – Vai trò và cơ hội hợp tác quốc tế từ VKC do TS. Baik Nam Cheol – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị thông minh – KICTTS. Park, Jae Hyun – Giám đốc Ban Phát triển Hợp tác quốc tế - KICT trao đổi; Kết hợp BIM và GIS: Phương thức mới trong chuyển đổi số cho phát triển đô thị thông minh do lãnh đạo Công ty CP Công nghệ và Tư vấn CIC trình bày. Phần Tọa đàm rất sôi nổi với nội dung thảo luận về: Chuyển đổi số trong ngành xây dựng và quản lý phát triển đô thị, Các giải pháp kỹ thuật trong phát triển đô thị thông minh, hợp tác phát triển đô thị thông minh.

Chỉ số cấp tỉnh đánh giá mức độ chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đạt mức trung bình là 0,3 trên thang điểm tuyệt đối là 1. Trong 3 trụ cột nêu trên, trụ cột chính quyền số có chỉ số trung bình cao hơn so với trụ cột kinh tế số và xã hội số, do kế thừa những kết quả của tiến trình phát triển Chính phủ điện tử. 

Nghiên cứu và thực tiễn cho thấy, để phát triển và hình thành những đô thị thông minh trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số quản lý đô thị.

Tại Hội thảo, TS. Lưu Đức Minh - Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Giám đốc Dự án Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam – Hàn quốc về đô thị thông minh và Công nghệ xây dựng (VKC) đã có bài tham luận hữu ích về: “Chuyển đổi số quản lý quy hoạch và phát triển đô thị ngành xây dựng tại địa phương”. Bài tham luận khẳng định: Về định hướng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018: Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 950). Đề án đã nêu một số quan điểm và nguyên tắc về chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị là một nội dung quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác ... nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Lấy người dân làm trung tâm..., góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các Mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam.... Đảm bảo tính thống nhất, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng ICT hiện có dựa trên Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM, các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo khả năng tương tác, hoạt động đồng bộ của ĐTTM cũng như giữa các đô thị thông minh; sử dụng các chỉ số chính đánh giá về hiệu quả hoạt động (KPI) cho đô thị thông minh.

Ông Lưu Đức Minh - Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Giám đốc Dự án VKC khẳng định: Cần có những giải pháp, cách thức để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong phát triển đô thị

Ông Park Jae Huyn – Viện Kỹ thuật công nghệ xây dựng Hàn Quốc (KICT) – Giám đốc phía Hàn Quốc của Dự án Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam – Hàn quốc về đô thị thông minh và Công nghệ xây dựng (VKC) trao đổi: Việt Nam hiện nay cần có mô hình phát triển đô thị thông minh để tham khảo nhưng không thể có một mô hình chuẩn. Cần tập trung vào vấn đề quy hoạch đô thị và công nghệ số. Chúng ta cần có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, xây dựng đô thị nén để giảm thiểu chi phí vận hành đô thị. Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng để đem lại cuộc sống hạnh phúc cho người dân.

Thảo luận tại Hội thảo, các diễn giả đưa ra các đề xuất, kiến nghị như: Cần tiếp tục kiện toàn thể chế và hành lang pháp lý làm cơ sở để xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị nói riêng và chuyển đổi số lĩnh vực quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật nói chung; Quy định rõ vai trò, trách nhiệm xây dựng, cập nhật, tra cứu, khai thác, chia sẻ dữ liệu quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật áp dụng đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương…

Chuyển đổi số liên tục có những đổi mới, chúng ta cần hướng tới tìm phương thức, cách thức để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong phát triển đô thị. Trách nhiệm của chúng ta thoả mãn cách thức sinh hoạt của ng dân, đưa công nghệ số vào vận hành ngày một tốt hơn. Đặc biệt là thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số vào phát triển đô thị của nước ta hiện nay. Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch đô thị. Quy hoạch đô thị (QHC/ phân khu/ chi tiết) được lập, thẩm định trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị được số hóa; được hỗ trợ bởi các công cụ phân tích dữ liệu đa chỉ tiêu, công cụ dự báo, các phần mềm hỗ trợ ra quyết định quy hoạch. Các nội dung quy hoạch/ kế hoạch khác nhau được kết nối liên thông đồng bộ trong khi lập cũng như khi thực hiện quy hoạch. Các điều chỉnh QH/ kế hoạch được cập nhật đồng bộ lên quy hoạch chung đô thị đã được duyệt. Tra cứu, tìm hiểu thông tin quy hoạch đô thị thuận tiện hơn. Cần học tập kinh nghiệm của các quốc gia phát triển để vận dụng vào Việt Nam. Mỗi ngành đều có ứng dụng chuyển đổi số theo trục riêng của ngành đó. Những dữ liệu dùng chung sẽ được chia sẻ. Để phát triển bền vững, các nghiệp vụ quản lý nhà nước phải gắn với chuyển đổi số qua các phân hệ đi theo từng lĩnh vực chuyên ngành.

Tọa đàm về chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị

Trong phát triển đô thị, đặc biệt là quản lý đô thị, chúng ta đã sử dụng nhiều công nghệ, phương pháp để nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta vẫn gặp phải những “bệnh” về đô thị như ngập lụt, không đảm bảo điều kiến sống cho người dân… đòi hỏi trách nhiệm trong công tác quản lý cũng như phát triển đô thị làm sao cố gắng thỏa mãn tốt nhất đời sống sinh hoạt của người dân.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có cơ hội đưa công nghệ số tích hợp vào để nâng cao công cụ quản lý Nhà nước. Ban tổ chức mong rằng, qua hội thảo này sẽ tiếp tục nối dài các chuỗi, sự kiện để tìm hiểu tốt hơn, sâu hơn nhằm hỗ trợ lẫn nhau tìm ra phương thức để tổ chức quản lý phát triển đô thị một cách tốt nhất, trong đó thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý, kiểm soát phát triển đô thị hiện nay.

Nhằm phát triển đô thị bền vững, hiện có nhiều phương pháp tiếp cận và cách làm khác nhau. Chuyển đổi số đã được đề cập qua nhiều hội thảo, nhiều lần, nhiều năm nhưng không bao giờ cũ và liên tục đổi mới, giống như quá trình chuyển đổi số chúng ta đang vận hành. Mục tiêu hướng tới của hội thảo nhằm tìm phương thức, cách thức để nâng tầm công tác quản lý phát triển đô thị trong thời gian tới.

 

 

 

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 22  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...