Ngày đăng 30/11/2023 | 10:20 AM

Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2023

Lượt xem: 22  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2023

      PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ VIỆT NAM NĂM 2023

 

TS.Nguyễn Đức Hiển*

*Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

  

ĐÁNH GIÁ CHUNG CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ VIỆT NAM

Những kết quả đạt được thời gian qua

Cho đến thời điểm hiện nay, hầu hết các địa phương đã tích cực xây dựng và ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW (60/63 địa phương, còn 3 địa phương đã dự thảo và trình tỉnh/thành uỷ). Đánh giá chung, nội dung Chương trình/Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW của các địa phương đã thể hiện được nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng đến sự cần thiết phải đô thị hoá, phát triển đô thị nhanh và bền vững, coi đó là những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm; đã thể hiện cơ bản đầy đủ nhiệm vụ, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy và chính quyền địa phương đối với việc xây dựng và thực hiện chương trình phát triển đô thị, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển kinh tế khu vực đô thị; các giải pháp phát triển của địa phương thống nhất trong công tác chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức quán triệt sâu rộng các nội dung và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Chính phủ, các Bộ, ngành đã tập trung triển công tác nghiên cứu, xây dựng hệ thống văn bản QPPL, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, công cụ để quản lý công tác phát triển đô thị; trước mắt là ưu tiên, tập trung xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị. Đồng thời, đã tập trung triển khai công tác lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành Báo cáo rà soát, đề xuất xây dựng Luật điều chỉnh về quy hoạch đô thị và nông thôn, đang thực hiện triển khai lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đã tích cực tập trung xây dựng sửa đổi bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Việc làm trình Quốc hội.

Đảng đoàn Quốc hội đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời ban hành Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thịNghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Chính phủ cũng đã ban Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Thứ hai, nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Các ngành, các cấp đã từng bước thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch, có chuyển biến rõ nét, đã tăng cường sự kiểm soát thống nhất từ Trung ương đến địa phương; khắc phục từng bước những tồn tại về phát triển thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu kiểm soát dẫn đến phát triển thiếu đồng bộ giữa mở rộng không gian, dân số và chất lượng cuộc sống của dân cư đô thị, lãng phí tài nguyên đất đai và nguồn lực của xã hội, cụ thể:

+ Các địa phương đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch xây dựng, xây dựng Chương trình phát triển đô thị. Đến tháng 9/2023 có 49/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, các tỉnh còn lại đang lập hoặc chờ phê duyệt quy hoạch tỉnh để làm cơ sở lập; trên 150 đô thị lập Chương trình phát triển từng đô thị, Có 11 tỉnh đã phê duyệt khu vực phát triển đô thị tại 22 đô thị và các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị... tạo cơ sở thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật và tăng cường kiểm soát các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch.

Các công cụ quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị dần hoàn thiện

+ Việc đánh giá phân loại đô thị toàn diện hơn, bao gồm cả khu vực nội thị và ngoại thị, yêu cầu đánh giá phân loại đô thị cao hơn, đảm bảo theo các định hướng quy hoạch; nhiều địa phương đã định hướng xây dựng Chương trình phát triển đô thị và đánh giá, rà soát theo các tiêu chuẩn, tiêu chí loại đô thị để đề xuất các dự án, kế hoạch và giải pháp thực hiện hoàn thiện chất lượng đô thị. Do đó, chất lượng đô thị cũng dần được nâng cao.

+ Các công cụ quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị dần hoàn thiện. Tỷ lệ lập Quy hoạch chung đô thị đạt 100%; Quy hoạch phân khu tại đô thị đặc biệt và đô thị loại 1 ước tính khoảng đạt khoảng 79%, tại đô thị còn lại ước tính khoảng 55% so với đất xây dựng đô thị; Quy hoạch chi tiết tại đô thị đặc biệt và đô thị loại 1 ước tính khoảng 39%, các đô thị còn lại ước tính khoảng 23% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 99,8%. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương tổ chức lập, ban hành quy chế quản lý kiến trúc theo pháp luật về kiến trúc

Thứ ba, tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Công tác nâng cấp, phân loại đô thị đã có nhiều đổi mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và tính đồng bộ của các đô thị. Đến hết tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị ước đạt trên 42%.

Thứ tư, về đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020; Phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020; Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu; Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Chủ động tìm kiếm, thu hút các nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế để triển khai 03 dự án đầu tư nâng cấp, phát triển đô thị gồm: (i) Dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long; (ii) Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc; (iii) Dự án Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam. Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương và sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như Liên minh Châu Âu, AFD, WB, ADB, SECO...

Thứ năm, về xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị. Đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Thứ sáu, về phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị, về tăng trưởng kinh tế đô thị: đạt 12 -15% trung bình năm; kinh tế đô thị chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp -xây dựng, đóng góp gần 70% GDP của cả nước.

Kinh tế đô thị chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng

Một số hạn chế, tồn tại

Bên cạnh các kết quả đạt được trong triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW, thẳng thắn nhìn nhận là công tác triển khai thực hiện Nghị quyết vẫn còn một số hạn chế, tồn tại:

 Một số địa phương ban hành Nghị quyết, chương trình hành động còn chậm (13/63 địa phương, tỷ lệ 20,6% ban hành năm 2023 sau hơn 1 năm kể từ khi Nghị quyết 06 được ban hành, cá biệt có 3 địa phương chưa ban hành Nghị quyết hoặc chương trình hành động).

Kết quả thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị cũng còn những mặt tồn tại: chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.

Quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới.

Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn.

Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực.

Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập.

Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.

ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP  

Để công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đáp ứng yêu cầu đặt ra của Bộ Chính trị và nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TW, cần làm rõ một số nhiệm vụ như sau:

Một là, cần tiếp tục đổi mới tư duy thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững theo tinh thần của Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị. Quán triệt, nhận thức rõ đô thị hoá là tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới; gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy và chính quyền địa phương đối với việc xây dựng và thực hiện chương trình phát triển đô thị, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển kinh tế khu vực đô thị; nắm bắt được quy luật, nhận thức đúng và đầy đủ về đặc thù của đô thị để chủ động, sáng tạo các giải pháp phát triển của địa phương. Cần đặc biệt lưu ý về yêu cầu xây dựng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu nêu trong Nghị quyết 06.  

Hai là, chọn khâu đột phá quan trọng nhất để xây dựng và phát triển đô thị bền vững, đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị. Theo đó, quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững, với triết lý lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hoá, văn minh đô thị làm nền tảng. Quy hoạch đô thị cần bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch, gắn kết chặt chẽ quy hoạch đô thị với quy hoạch nông thôn; tiến hành phân định rõ các vùng trong nội dung quy hoạch đô thị và áp dụng các công cụ kiểm soát chặt chẽ quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, khuyến khích tạo việc làm tại chỗ để hạn chế di dân quá lớn vào các đô thị lớn; gắn đồng bộ quy hoạch đô thị với nguồn lực thực hiện.

Khuyến khích tạo việc làm tại chỗ để hạn chế di dân quá lớn vào các đô thị lớn

Ba là, đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; trong đó, trọng tâm là xây dựng Luật để quản lý phát triển đô thị bền vững và Luật điều chỉnh Quy hoạch đô thị và nông thôn. Căn cứ phân công tổ chức thực hiện nêu tại Nghị quyết 06-NQ/TW, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham mưu Đảng đoàn Quốc hội Đảng đoàn Quốc hội cần lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật để tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững theo tinh thần của Nghị quyết; tăng cường giám sát việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch và các chính sách phát triển đô thị; lãnh đạo ban hành nghị quyết thí điểm về các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội phù hợp với chủ trương, định hướng nêu tại Nghị quyết và thực tiễn, yêu cầu phát triển. Trong quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, cần lưu ý phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong hoàn thiện thể chế, chính sách về đô thị hóa và phát triển đô thị (lưu ý tạo sự đối thoại chính sách nhiều hơn giữa các địa phương).

Bốn là, để việc quản lý đô thị được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn, cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị. Trong đó, theo tinh thần của Nghị quyết 06, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các tỉnh ủy, thành ủy liên quan cần sớm chỉ đạo tổng kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách riêng, có tính đặc thù đối với một số địa phương để làm căn cứ sớm hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị. Tiếp tục hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước về đô thị từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước đầu mối về phát triển đô thị ở Trung ương và địa phương. Cần sớm có cơ chế và công cụ hoạt động nhằm tối ưu hóa hợp tác giữa các địa phương trong phát triển đô thị.

 Năm là, về huy động các nguồn lực cho phát triển đô thị, cần quán triệt quan điểm phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị để nuôi dưỡng và phát triển đô thị, trong đó quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Kiên quyết xóa bỏ mọi rào cản, vướng mắc để giải phóng các nguồn lực, nhất là từ đất đai cho phát triển đô thị và kinh tế khu vực đô thị; tạo mọi điều kiện và khuyến khích các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển đô thị. Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị, các địa phương cần dự kiến nguồn lực cho tổ chức thực hiện và có các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực. Đồng thời, cơ sở hạ tầng phải được tích hợp vào chính sách quản lý rủi ro tổng thể, bao gồm cả việc phòng ngừa. Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ, ngành và địa phương cần quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước tương xứng để bảo đảm thực hiện các mục tiêu của chính sách an sinh nhà ở theo yêu cầu nêu tại Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.

Sáu, thực hiện cấu trúc lại không gian phát triển kinh tế đô thị; nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng mật độ kinh tế và tính liên kết vùng, liên kết giữa các đô thị, liên kết giữa đô thị và nông thôn trong phát triển kinh tế đô thị; đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của các đô thị thông qua phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Tạo mọi điều kiện và khuyến khích các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển đô thị

Mỗi địa phương căn cứ vào lợi thế và định hướng phát triển để xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, chú trọng bám sát các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, đô thị đặc biệt và đô thị lớn cần chú trọng phát triển kinh tế dịch vụ, các ngành công nghiệp chế tạo tiên tiến và có tính chiến lược, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao; các đô thị nhỏ cần tập trung phát triển kinh tế gắn với chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp nông thôn và phát triển dịch vụ xã hội; khuyến khích phát triển các thị tứ, thị trấn nông - công nghiệp trên cơ sở các khu dân cư nông thôn hiện có trở thành các trung tâm dịch vụ, sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, chuyển giao công nghệ...; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tại các đô thị.

Việc hoàn thiện chính sách thuế, phí liên quan đến bất động sản cũng cần được quan tâm nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả; thực hiện phân quyền mạnh mẽ cho các chính quyền đô thị những khoản thu từ nhiều thuế, phí; thí điểm, tiến tới mở rộng phân cấp cho các thành phố trực thuộc Trung ương và các đô thị khác đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện được quyết định một số khoản thu đặc thù gắn với yêu cầu tăng cường trách nhiệm cung cấp dịch vụ đô thị.

Để góp phần đưa Nghị quyết 06-NQ/TW đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Xây dựng, các Bộ, ban ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp. Đặc biệt, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sự phối hợp, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa.

 

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 22  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...