Ngày đăng 30/11/2023 | 10:28 AM

Các chính sách thúc đẩy quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam

Lượt xem: 18  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Các chính sách thúc đẩy quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam

CÁC CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ VIỆT NAM

 

TS.KTS. Trần Quốc Thái*

* Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng

1. Những kết quả đạt được

Sau 35 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa và công tác quản lý phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Những thành tự trong phát triển hệ thống đô thị có thể kể đến như sau:

- Tính đến tháng 10/2023, hệ thống đô thị nước ta đã có có tổng số 902 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV, 703 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,6% so với: Năm 1998 tổng số đô thị là 633 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa 24%; Năm 2008 tổng số đô thị là 740 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa 28%; Năm 2020 tổng số đô thị là 862  đô thị, tỷ lệ đô thị hóa 40%.

- Chất lượng đô thị từng bước được nâng cao theo hướng đồng bộ đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng.

- Đô thị hoá và phát triển đô thị đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn.

Sau 35 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa và công tác quản lý phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng

2. Quá trình đô thị hóa, quản lý phát triển đô thị còn những hạn chế như sau:

- Các đô thị trong hệ thống đô thị Việt Nam còn thiếu tính liên kết.

- Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị bị quá tải ở các đô thị lớn.

- Hệ thống các công trình hạ tầng xã hội còn thiếu, thấp hơn so với quy chuẩn, tiêu chuẩn.

- Phát triển mới mật độ thấp, chưa gắn kết với hệ thống hạ tầng đô thị. Các khu vực dân cư cũ trong đô thị còn chậm được cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển.

- Không gian công cộng đô thị có chất lượng cải tạo thấp, chưa góp phần đáp ứng nhu cầu đời sống của cư dân và tăng sức hút của đô thị.

- Khai thác không gian ngầm, công trình ngầm còn rất hạn chế.

- Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.

- Các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh về phát triển đô thị còn rời rạc, chủ yếu là các văn bản ở cấp dưới Luật.

3. Một số đề xuất chính sách quản lý phát triển đô thị

Đánh giá cao những kết quả đạt được của quá trình đô thị hóa, quản lý phát triển đô thị trong giai đoạn qua, và nhằm tiếp tục phát triển hệ thống đô thị quốc gia theo hướng bền vững, đồng thời khắc phục những vấn đề còn hạn chế, bất cập. Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó quan điểm chỉ đạo như sau: “Đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị

Phát triển đô thị là động lực phát triển của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và tích cực chủ động hội nhập hiệu quả

Nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, Cục Phát triển đô thị đã nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Xây dựng xây dựng 05 Chính sách trong quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam, cụ thể như sau:

Chính sách 1:  Về phân loại, quản lý phát triển hệ thống đô thị bền vững, đồng bộ về mạng lưới và phù hợp vùng miền.

- Quy định các tiêu chuẩn chất lượng sống tại đô thị.

- Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền.

- Bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền.

- Bảo đảm tính kết nối cao giữa các đô thị trực thuộc Trung ương, đô thị trung tâm cấp quốc gia với đô thị vùng và khu vực nông thôn.

Chính sách 2: Về quản lý phát triển mới, cải tạo chỉnh trang và tái phát triển đô thị hiện đại, xanh, thông minh, hướng tới phát triển bền vững.

Bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hoà giữa phát triển các đô thị mới với cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển đô thị, phát triển đô thị có quy hoạch, theo kế hoạch, theo định hướng hiện đại, đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai dịch bệnh.

Chính sách 3: Về quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý phát triển và cung cấp dịch vụ hạ tầng đô thị nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ hạ tầng xã hội và phát triển đa dạng không gian công cộng đô thị.

Chính sách 4: Về quản lý phát triển không gian ngầm đô thị

Thúc đẩy phát triển, khai thác sử dụng không gian ngầm đô thị hiệu quả, bền vững, góp phần đa dạng hóa không gian phát triển của đô thị.

Chính sách 5: Về tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị.

Chính sách trong quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam góp phần cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị

Đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa, thiết lập nền tảng để chuyển đổi sang mô hình quản lý phát triển đô thị dựa trên kết quả, nâng cao hiệu quả quản lý phát triển đô thị, quy định chuẩn hóa năng lực nghiệp vụ quản lý phát triển đô thị gắn với tăng cường phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm chính quyền địa phương và vai trò của cộng đồng trong quản lý phát triển đô thị.

Việc xây dựng các Chính sách thúc đẩy Quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam là một trong nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị giao tại  Nghị quyết 06-NQ/TW. Bộ Xây dựng đang tích cực nghiên cứu trình Chính phủ xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị với các Chính sách trọng tâm tập trung vào quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong giai đoạn tới đây.

 

 

 

 

 

 

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 18  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...