Ngày đăng 30/11/2023 | 10:44 AM

Thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản

Lượt xem: 20  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản

 

THỰC HIỆN QUYẾT LIỆT CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP, BẤT ĐỘNG SẢN

 

Ths,KTS. Ngô Thanh Thảo

Email: ngothanhthaok6@gmail.com

Phát triển thị trường bất động sản (BĐS) an toàn, lành mạnh, bền vững được xem là một trong những quan điểm lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định quan điểm phát triển đồng bộ thị trường các nhân tố sản xuất như là một yếu tố quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu phát triển. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 "tiếp tục vận hành đồng bộ thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường BĐS, thị trường khoa học và công nghệ, thị trường tài chính... theo chuẩn mực của nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế”.

Thực trạng tình hình trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản

Thời gian qua, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai quyết liệt các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), BĐS hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Qua đó, tình hình thị trường TPDN từng bước đi vào ổn định, thị trường BĐS đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện hạ lãi suất điều hành, chỉ đạo các ngân hàng tiết kiệm chi phí, hạ lãi suất cho vay đối với tất cả các đối tượng doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực BĐS; triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.

Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp và tích cực đôn đốc các địa phương thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", thúc đẩy hoạt động hiệu quả các sàn giao dịch BĐS và tích cực xây dựng mô hình sàn giao dịch BĐS điện tử.

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong tổng dư nợ thị trường TPDN, TPDN của BĐS chiếm tỷ lệ khá cao. Năm 2021, BĐS chiếm đến 41% tổng dư nợ TPDN. Năm 2022, mặc dù tỷ lệ này có giảm xuống những vẫn chiếm 32% tổng dư nợ TPDN và đạt khoảng 419.000 tỷ đồng.

Giá trị TPDN BĐS đáo hạn cũng chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng dư nợ TPDN đáo hạn giai đoạn 2022-2026. Theo đó, tổng lượng TPDN đáo hạn trong giai đoạn 2022-2026 ước đạt 774,23 nghìn tỷ đồng, trong đó TPDN BĐS là 358,36 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,3 % tổng giá trị TPDN đến hạn.

Áp lực trái phiếu đến hạn thanh toán lớn, trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng, doanh thu và chất lượng lợi nhuận suy giảm… có thể dẫn đến số lượng doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về khả năng thanh toán gia tăng. Theo kết quả đánh giá của Fiin Group (2023), khả năng trả nợ của tất cả các DN BĐS trong giai đoạn 2018-2022 đều suy giảm. Điều này cũng dẫn đến khả năng huy động vốn trên thị trường trái phiếu gặp nhiều hạn chế và gia tăng các rủi ro tái cấp vốn của DN kinh doanh BĐS.

Thị trường TPDN, BĐS mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng; tăng trưởng tín dụng thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục khó khăn, nợ xấu có xu hướng gia tăng. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả, kịp thời, quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường TPDN, BĐS hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững, gắn với đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thị trường TPDN, BĐS mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng

Hoàn thiện khung pháp lý để thị trường TPDN phát triển bền vững

Cần sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan chức năng

 Trong bối cảnh thị trường BĐS phát triển chưa bền vững, sẽ có các rủi ro nhất định, kể cả đối với trái phiếu có tài sản đảm bảo. Nếu trường hợp thị trường có biến động xấu sẽ có tác động trực tiếp làm suy giảm giá trị tài sản đảm bảo là cổ phiếu của doanh nghiệp và tài sản đảm bảo là dự án hình thành từ vốn vay, rủi ro này xảy ra đối với cả các khoản vay tín dụng và khoản phát hành trái phiếu.

Mặc dù, hiện nay dư nợ TPDN, BĐS mới tương đương khoảng 18,6% so với dư nợ tín dụng BĐS của các ngân hàng thương mại, nhưng rủi ro có sự liên thông tác động qua lại giữa các thị trường cần phải được theo dõi chặt chẽ.

Do đó, khi thị trường có dấu hiệu phát triển nóng, Bộ Tài chính phải thường xuyên đánh giá việc triển khai các quy định về phát hành TPDN để báo cáo Chính phủ điều chỉnh khung pháp lý cho phù hợp tại cấp Luật và Nghị định, chủ động cung cấp thông tin chính thống về tình hình thị trường TPDN, cảnh báo nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành. 

Để vừa phát triển thị trường TPDN, vừa khuyến khích doanh nghiệp BĐS huy động vốn trái phiếu một cách minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định môi trường đầu tư, đảm bảo sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm tham gia hoạt động, đầu tư trên thị trường.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách từ cấp luật theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường TPDN, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Rà soát, sửa đổi các chính sách pháp luật liên quan

Tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế nhằm quản lý hoạt động phát hành TPDN vừa hỗ trợ thúc đẩy thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả, vừa đảm bảo hạn chế và kiểm soát được các rủi ro, bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư.

Đối với lĩnh vực BĐS, rà soát, sửa đổi các chính sách pháp luật liên quan gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh BĐS, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường.

Nghiên cứu bổ sung các quy định để nâng cao điều kiện về tài chính, hệ số an toàn tài chính, tương tự quy định đối với doanh nghiệp trong một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, chứng khoán… khi cấp phép đối với doanh nghiệp BĐS, cấp phép dự án đầu tư BĐS đảm bảo doanh nghiệp BĐS phải có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới ký Công điện 1177/CĐ-TTg ngày 23/11/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường TPDN, BĐS hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai mạnh mẽ điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh đầu tư công phục vụ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành TPDN. Theo dõi sát, đánh giá chính xác khả năng, phương án thanh toán của doanh nghiệp phát hành, nhất là các doanh nghiệp còn khó khăn và có thể có rủi ro về khả năng trả nợ để chủ động có biện pháp, giải pháp phù hợp theo thẩm quyền nhằm ổn định thị trường, yêu cầu doanh nghiệp ưu tiên nguồn lực thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ theo đúng quy định pháp luật hiện hành, có các giải pháp thiết thực, hiệu quả để củng cố, tăng cường và khôi phục niềm tin nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường TPDN phát triển an toàn, minh bạch, lành mạnh, bền vững.

Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành TPDN

 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, các Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2023, Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và quy định pháp luật, bám sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế và tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; điều hành các công cụ chính sách tiền tệ: tỷ giá, lãi suất, cung ứng tiền... nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đáp ứng cao nhất có thể nhu cầu vốn của nền kinh tế nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Theo dõi sát, chặt chẽ diễn biến thị trường BĐS, TPDN, tín dụng BĐS để có các giải pháp vừa đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, vừa góp phần giải quyết khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS, TPDN.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 bảo đảm khả thi, sát thực tế, tháo gỡ tối đa các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường BĐS công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh; đồng thời, chủ động xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật nêu trên ngay sau khi được Quốc hội thông qua, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với quy định của Luật.

Phát huy vai trò, trách nhiệm Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, chủ động, tích cực triển khai hoạt động Tổ Công tác quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, kịp thời hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để hoàn thiện pháp lý các dự án, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án BĐS, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn, có tính lan tỏa, tính khả thi khi tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc.

Chủ động đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính, hướng dẫn địa phương nâng cao nghiệp vụ, cắt giảm tối đa thời gian xử lý, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án BĐS, nhất là các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thủ tục thẩm định hồ sơ thiết kế, thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu. Chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có giải pháp kịp thời, hiệu quả tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức của thị trường BĐS.

Chủ động đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường BĐS, chủ động, kịp thời phản ứng chính sách hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền có chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả để thúc đẩy phát triển thị trường; Chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình các dự án, tiến độ triển khai, giải ngân vốn, các vướng mắc, khó khăn để kịp thời phối hợp với các Bộ, cơ quan hướng dẫn, giải quyết và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung xử lý, giải quyết, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cho các dự án BĐS, nhất là các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng,... trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án BĐS công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Kiên quyết không để tình trạng xử lý lòng vòng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án BĐS.

Đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, nông thôn làm cơ sở để triển khai các dự án BĐS hiệu quả, phù hợp, đồng bộ, hiện đại. Công bố công khai Danh mục dự án BĐS phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin, chủ động nghiên cứu, đăng ký tham gia đầu tư một cách công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh theo quy luật thị trường.

Như vậy, cần luôn đồng bộ, linh hoạt, chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định môi trường đầu tư, đảm bảo sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm tham gia hoạt động, đầu tư trên thị trường TPDN, BĐS nói riêng và thị trường BĐS nói chung. Tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường, tiếp tục theo dõi, yêu cầu các DN bố trí nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu BĐS, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ… Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư dài hạn (quỹ đầu tư) để tạo cầu đầu tư bền vững cho thị trường. Đồng thời, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến trái phiếu BĐS, làm trong sạch thị trường chứng khoán và thị trường TPDN. Kiểm soát các hoạt động phát hành trái phiếu BĐS một cách ồ ạt ra thị trường, buộc các DN phải cân nhắc thật cẩn trọng và xây dựng chiến lược an toàn. Để thị trường BĐS vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, phụ thuộc rất nhiều vào việc triển khai các chủ trương, văn bản đã được ban hành. 

Tài liệu tham khảo:

1.       Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn;

2.       Công điện 1177/CĐ-TTg ngày 23/11/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững

3.       Trần Đình Thiên, 2023, Kinh tế tư nhân Việt Nam triển vọng trong bối cảnh mới, Hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ nhất. Đà Nẵng, 21-22/3/2023.

 

Admin
Lượt xem: 20  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...