Ngày đăng 30/11/2023 | 10:54 AM

Đổi mới tư duy, tập trung hoàn thiện thể chế trong quản lý và phát triển đô thị

Lượt xem: 19  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Đổi mới tư duy, tập trung hoàn thiện thể chế trong quản lý và phát triển đô thị

ĐỔI MỚI TƯ DUY, TẬP TRUNG HOÀN THIỆN THỂ CHẾ TRONG QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ghi nhận chặng đường 20 năm với nhiều hoạt động nổi bật và có ý nghĩa quan trọng của Diễn đàn đối với sự nghiệp phát triển đô thị Việt Nam, khẳng định mạnh mẽ tính hiệu quả của Diễn đàn trong việc thực hiện các mục tiêu đã cam kết: “Thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, các nhà tài trợ nhằm đóng góp tích cực vào việc xây dựng và thực hiện các chính sách về quản lý và phát triển đô thị, thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và phát triển đô thị ở Việt Nam”.

Diễn đàn đô thị Việt Nam càng có ý nghĩa diễn ra trong bối cảnh các đô thị Việt Nam bước vào năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị. Qua đó, khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đồng thời định hướng chiến lược với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng cho phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới. Tạp chí Xây dựng và đô thị xin trích đăng nôi dung bài phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng – Nguyễn Thanh Nghị tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023

Ngày 08/11 là Ngày Đô thị Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ công nhận từ năm 2008, trên cơ sở xem xét vai trò ý nghĩa của đô thị đối với sự phát triển chung của quốc gia, cũng như hưởng ứng Ngày quy hoạch đô thị Thế giớiNgày đô thị hóa Thế giới, nhằm thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia xây dựng và phát triển đô thị. Từ đó đến nay, Hàng năm, ngày 08/11 đã trở thành ngày hội lớn, ngày vui của các Chính quyền đô thị, nhà quản lý, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến phát triển đô thị và của mọi người dân cùng gặp gỡ, chia sẻ những suy nghĩ, lan tỏa thông điệp, hành động để xây dựng ngôi nhà chung đô thị nhằm có được môi trường sống chất lượng, văn minh, hiện đại, hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị nói riêng và quốc gia nói chung.

Diễn đàn đô thị Việt Nam diễn ra trong bối cảnh các đô thị Việt Nam bước vào năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị. Qua đó, khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đồng thời định hướng chiến lược với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng cho phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới.

Về thành tựu trong phát triển đô thị Việt Nam sau 35 năm đổi mới, Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tổng kết: Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đến tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%.

Đô thị hóa là quá trình tất yếu, khách quan gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia

Để khắc phục các tồn tại trên và nhanh chóng đưa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, ngày 11/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam.

Theo đó, đến năm 2030: “Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế hóa chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại khu vực đô thị ở mức cao, đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy”.

Tầm nhìn đến năm 2045: được xác định “Tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và Châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Xây dựng được ít nhất 05 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện địa với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn”

Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã xác định 11 chỉ tiêu cụ thể về Hệ thống đô thị; hình thái đô thị và liên kết đô thị; tỷ lệ đô thị hóa; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thịcơ cấu kinh tế đô thị phấn đấu đạt được đến năm 2025 và năm 2030, trong đó, đã cụ thể hóa bằng 5 nhiệm vụ chủ yếu 33 nhiệm vụ cụ thể với 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách, đề án, văn bản quy phạm pháp luật do các bộ ngành và địa phương triển khai thực hiện và 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền đô thị xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và đô thị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra.

Để hiện thực hóa những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết 06-NQ/TW và Nghị quyết 148 của Chính phủ về triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra để phát triển đô thị đất nước giai đoạn mới, các chính quyền đô thị, nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, cộng đồng có liên quan đối thoại, chia sẻ, kết nối các tri thức, bài học, thực tiễn quan trọng để cùng có những đề xuất, định hướng, cách làm hay nhằm định hướng hợp tác thúc đẩy phát triển đô thị Việt Nam như sau:

- Đối với Chính quyền đô thị tại địa phương: Cần hết sức quan tâm, phát huy tính chủ động, bố trí nguồn lực, vật lực và nhân lực cho sự nghiệp phát triển đô thị tại địa phương, tập trung đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng đô thị song song với quá trình đô thị hóa. Phát huy nội lực và động lực đô thị của địa phương để đáp ứng với nhu cầu tăng trưởng và sự phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, các địa phương cần quyết liệt hơn, đảm bảo tiến độ của Chương trình hành động của địa phương thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW.

- Đối với cán bộ thực hiện công tác quản lý phát triển đô thị: Chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao năng lực hợp tác và phối hợp trong quá trình thực hiện công tác quản lý phát triển đô thị, đặc biệt là các chương trình, đề án phát triển đô thị trọng điểm.

- Đối với các tổ chức, cộng đồng dân cư: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm cộng đồng đối với sự phát triển đô thị. Chủ động có những đề xuất, tham vấn, đóng góp với các cơ quan có liên quan tại địa phương và trung ương.

Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới

Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định “Đô thị hóa là tất yếu, là động lực của phát triển đô thị”. Với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ở mức 42,6% hiện nay, chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển đô thị. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị tốt nhất trong thời gian tới, để đô thị thực sự phát huy vai trò mà Bộ Chính trị đã chỉ ra, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng sống của cộng đồng và gia tăng những giá trị thặng dư mới cho phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.Trong quá trình này, Bộ Xây dựng tiếp tục mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành Trung ương trong hoàn thiện thế chế có liên quan đến phát triển đô thị; hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện các Chương trình hành động phát triển đô thị.

 

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 19  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...