Ngày đăng 17/01/2024 | 03:12 PM

Quy hoạch bố trí, phát triển dân cư nông thôn sau năm 2020 gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quá trình đô thị hoá

Lượt xem: 32  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Quy hoạch bố trí, phát triển dân cư nông thôn sau năm 2020 gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quá trình đô thị hoá

QUY HOẠCH BỐ TRÍ, PHÁT TRIỂN DÂN CƯ NÔNG THÔN SAU NĂM 2020 GẮN VỚI QUÁ TRÌNH TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA

 

Ths. KTS. Đàm Quang Tuấn*

* Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Viêt Nam

 

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới thực hiện Nghị quyết 26 Hội nghị lần 7 của Ban chấp hành Trung ương Khóa X, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới là công việc mang tính tiền đề, có tầm quan trọng trước mắt cũng như lâu dài đối với việc xây dựng nông thôn mới. Nó giúp hoạch định phát triển các không gian trên địa bàn xã một cách toàn diện, đáp ứng tốt các yêu cầu của Đảng và Chính phủ về xây dựng tam nông: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là việc xây dựng nông nghiệp, nông thôn, trong đó nông dân là chủ thể của quá trình xây dựng này.

Trong phát triển kinh tế, xã hội nông thôn Việt nam, quy hoạch phát triển nông thôn có nhiệm vụ to lớn và đóng một vai trò đáng kể. Nó góp phần trong việc tổ chức, hình thành môi trường cư trú, cho các hoạt động xã hội và cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trong khu vực nông thôn. Nó góp phần hình thành và phát triển sự liên kết hợp lý giữa môi trường sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và sản xuất nói chung với môi trường cư trú và các hoạt đông xã hội, giữa môi trường sản xuất với nhau trên cơ sở trọng tâm là tiềm năng và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Và trong một chừng mực nào đó, quy hoạch phát triển nông thôn đóng vai trò tổng hợp, khâu nối các không gian trong khu vực nông thôn (sản xuất, dân cư và các hoạt động xã hội) nhằm đạt được tính hiệu quả trong sản xuất, nâng cao thu nhập và môi trường sống của dân cư. Thông qua đó làm giảm sự cách biệt giữa các vùng, giữa đô thị và nông thôn, tạo điều kiện phát triển bền vững ở khu vực đô thị.

THÀNH TỰU VÀ THÁCH THỨC VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN

Trước hết chúng ta cần khái quát một số đặc điểm chính khu vực nông thôn liên quan đến quy hoạch bố trí, phát triển dân cư nông thôn. Khu vực nông thôn với khoảng 62% dân số và 75% diện tích đất đai của cả nước, trải dài từ Bắc xuống Nam trên 2000 km, với địa hình đa dạng và 54 dân tộc định cư sinh sống. Hiện nay, trên toàn quốc có 544 huyện, 8927 xã, khoảng 1000 trung tâm cụm xã, thị tứ, 634 đô thị loại V (615 đô thị được công nhận là thị trấn). Số lượng điểm dân cư nông thôn chưa có một thống kê chính xác, nhưng ước tính khoảng trên 50.000 điểm (nếu tính theo thôn, bản có khoảng 67.000 thôn, bản).

Hình loại điểm dân cư nông thôn rất đa dạng, nó có thể là thị tứ hay điểm dân cư trung tâm cụm xã, điểm dân cư trung tâm xã; có thể là điểm dân cư ở thuần tuý hoặc gắn kết với một khu sản xuất phi nông nghiệp; nó có thể là một làng, làng nghề, một thôn, bản hoặc bao gồm nhiều thôn, hay thậm chí là vài hộ gia đình. Về mặt phân bố, trong các vùng nông thôn có điều kiện kinh tế trung bình và phát triển, mật độ dân số trên địa bàn xã khá cao, thấp nhất cũng vào khoảng 400 người/km2, trung bình khoảng 700 -800 ngưòi/km2, khu vực cao lên đến trên 1500 người/km2. Dân cư trên địa bàn một xã thường được phân bố thành nhiều điểm dân cư, thường là 5 – 7 điểm dân cư, có xã có tới 10 điểm dân cư. Tình trạng này đã xé lẻ đồng ruộng trong xã thành các khu vực rất manh mún, không thuận lợi cho canh tác theo kiểu cơ giới hoá. Mặt khác sự phân bố thành nhiều điểm dân cư sẽ không có lợi cho việc đầu tư kết cấu hạ tầng và hình thành các điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất dịch vụ trong khu vực nông thôn. Trong các vùng nông thôn kém phát triển (vùng cần đầu tư của Nhà nước nhằm kích cầu và có nhiều giải pháp phát triển mang nặng tính xã hội), mật độ dân cư rất thấp, chủ yếu dưới 200 người/km2, dân cư phân bố rất phân tán, manh mún do địa bàn rộng lớn, thường hàng chục nghìn ha; do đặc điểm dân tộc ít người; do kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông rất kém phát triển. Tại các vùng này sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức, xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã, và hậu quả tất yếu sẽ rất khó khăn cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) nông nghiệp và nông thôn tại các khu vực này.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực nông thôn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Đảng và Nhà nước luôn luôn có sự quan tâm đúng mức trong công cuộc phát triển nông thôn qua các thời kỳ và đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt của nông thôn, đặc biệt là trong phát triển nông nghiệp. Từ chỗ lương thực sản xuất không đủ tiêu dùng đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực đứng thứ hai trên thế giới. Cùng với phát triển nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nông thôn cũng có bước chuyển biến mạnh, nhất là sau những năm 90. Việc thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn thực sự có đóng góp không nhỏ của công tác quy hoạch phát triển nông thôn qua các thời kỳ. Nó đã góp phần xây dựng nên hệ thống cơ sở vật chất phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong những năm 60, 70. Góp phần trong công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng thời kỳ chuyển đổi và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa từ những năm 80 đến nay, với các chương trình quy hoạch xã điểm, xã nghèo, vùng sâu vùng xa, chương trình quy hoạch trung tâm cụm xã, quy hoạch thị trấn, chương trình kết cấu hạ tầng nông thôn đến năm 2000, chiến lược cấp nước quốc gia đến năm 2010. Mặc dù vậy, nhìn một cách tổng quan việc từng bước sắp xếp, tổ chức lại không gian nông thôn theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trên thực tế còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vai trò quy hoạch xây dựng nông thôn còn bị xem nhẹ cả trong quan niệm, cách thức, nội dung lập quy hoạch và thực hiện xây dựng theo quy hoạch. Thực tế, trong thời kỳ này quy hoạch sản xuất nông nghiệp và quy hoạch thủy lợi được chú trọng nhiều. Trong xây dựng nông thôn thiếu sự hoạch định một cách tổng thể. đồng bộ và lâu dài. Chủ yếu đáp ứng yêu cầu trước mắt và xây dựng trên nền tảng sẵn có.

Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh

Tuy nhiên, ngoài các thành tựu xây dựng nông thôn mới đã đạt được trong 10 năm qua, một số tồn tại trong xây dựng nông thôn mới có liên quan đến quy hoạch bố trí, phát triển điểm dân cư nông thôn như:

 Về kinh tế nông nghiệp, nông thôn - Thiếu chiến lược bài bản để thúc đẩy kết nốt nông thôn – đô thị”. Chiến lược phát triển bao trùm, chiến lược đô thị hoá (ĐTH) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) chưa được thể chế hóa, vì thế chưa thể khắc phục tình trạng “mật độ, khoảng cách và sự chia cắt” đang làm gia tăng sự ngăn cách, sự chênh lệch giữa nông thôn – đô thị; phát triển nông nghiệp, nông thôn thiếu gắn bó với phát triển công nghiệp, khu kinh tế động lực, với đô thị hóa và toàn cầu hóa; chưa chuyển dịch mạnh nông nghiệp theo hướng kinh tế tổng hợp, kết nối với kinh tế phi nông nghiệp, dịch vụ, du lịch… Còn chậm chạp trong phát triển kinh tế hộ chuyển dịch lên quy mô lớn, trang trại, doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp còn ít, quy mô nhỏ, năng lực thấp. Chậm tháo gỡ những điểm nghẽn trong chính sách phát triển nông nghiệp như về tích tụ đất đai, thị trường lao đông, thị trường KHCN. Công nghiệp chế biến chưa đáp ứng nguồn cung lớn của sản xuất nông nghiệp. Công tác thị trường còn yếu, kém. Lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn (40%). Phát triển việc làm cho lao động nông thôn chưa bền vững, thiếu thông tin. Biến động nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn còn bất ổn.

Về cảnh quan, môi trường nông thôn - Tình trạng “đồng bằng hóa miền núi, đô thị hóa nông thôn, bê tông hóa làng quê” đang diễn ra bức xúc. Cảnh quan, kiến trúc nông thôn đang mất dần tính sinh thái, bản sắc văn hóa truyền thống, dần trở nên ngột ngạt. Tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn vẫn là sức ép lớn, gây ra những hệ lụy về môi trường, xã hội. Tình trạng ô nhiễm môi trường có xu hướng trầm trọng hơn. Xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn chưa căn cơ, thiếu quy hoạch, nguồn lực, giải pháp đồng bộ…

Qua tồn tại hạn chế trong 10 năm xây dựng NTM cho thấy công tác quy hoạch xây dựng NTM cần được nhìn nhận một cách đúng mức để thực sự đóng vai trò tiền đề cho công cuộc xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo. Công cuộc 10 năm xây dựng NTM, các đồ án quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới được xem là cơ sở tiền đề cho xây dựng Đề án xây dựng xã NTM để triển khai xây dựng trên toàn quốc. Qua thực tế triển khai cho thấy chất lượng các đồ án quy hoạch chung xây dựng xã NTM chưa cao, chủ yếu đáp ứng yêu cầu xây dựng trước mắt, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, nhiều nơi còn mang tính hình thức. Thực tế này do điều kiện thời gian triển khai quá gấp, kinh phí thấp và lực lượng lập đồ án quy hoạch thiếu cả về số lượng và chất lượng. Một thực tế nữa cho thấy nhiều mặt để đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn, gắn với đô thị hóa, CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn không thể chỉ giải quyết ở địa bàn xã, mà cần giải quyết một cách tổng thể, đồng bộ cả trên địa bàn cấp huyện và cấp xã. Đây là vấn đề cần xem xét trong định hướng quy hoạch bố trí, phát triển dân cư nông thôn cho giai đoạn sau năm 2020.

Việc xây dựng điểm dân cư nông thôn hiện nay chưa bám sát định hướng quy hoạch phát triển chung của xã nông thôn

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH BỐ TRÍ, PHÁT TRIỂN ĐIỂM DÂN CƯ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN SAU NĂM 2020 GẮN VỚI QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HOÁ

Trên cơ sở xem xét tổng quan các mặt như quá trình phát triển kinh tế, xã hội nông thôn Việt Nam và 10 năm xây dựng NTM theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7, quá trình đô thị hóa cho đến nay và các định hướng lớn của Đảng và Chính phủ liên quan chủ yếu đến quy hoạch bố trí, phát triển dân cư nông thôn giai đoạn sau năm 2020. Một số đề xuất cho việc định hướng quy hoạch bố trí, phát triển điểm dân cư nông thôn giai đoạn sau năm 2020 gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quá trình đô thị hóa như sau:

1. Quan điểm, nguyên tắc trong định hướng quy hoạch bố trí, phát triển điểm dân cư nông thôn giai đoạn sau năm 2020

Được triển khai trên cả 2 cấp độ. Đối với cấp huyện là Quy hoạch xây dựng vùng huyện. Đối với cấp xã là Quy hoạch chung xây dựng xã với yêu cầu chủ yếu là rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng xã đã được phê duyệt theo đúng yêu cầu, theo yêu cầu phát triển xã và phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt.

Đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với sự chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ và gắn với phát triển đô thị, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn với điều kiện tiện nghi giảm dần khoảng cách với cuộc sống đô thị.

Phù hợp với đặc điểm sinh thái, hình thái sinh hoạt, sản xuất của dân cư các vùng, miền. Đảm bảo định cư bền vững và phòng chống hiệu quả, giảm nhẹ tác động thiên tai.

Phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, phù hợp với từng giai đoạn phát triển đáp ứng yêu cầu hiệu quả, tiết kiệm trong đầu tư.

Kế thừa kết quả xây dựng nông thôn mới trong 10 năm giai đoạn 2010-2020. Khắc phục tồn tại hạn chế trong xây dựng nông thôn mới, kết hợp với các yêu cầu mới trong phát triển (biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế, khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0, ..) nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM theo chiều sâu trong giai đoạn tới.

2. Định hướng chung trong quy hoạch bố trí, phát triển điểm dân cư nông thôn giai đoạn sau năm 2020 gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quá trình đô thị hóa

 Đối với Quy hoạch xây dựng vùng huyện

Ngoài các nội dung định hướng chung cho quy hoạch xây dựng vùng huyện theo quy định, phải thể hiện rõ các nội dung định hướng sau:

-  Phải xác định được các tiểu vùng sản xuất trong huyện trên cơ sở các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn và sản xuất hàng hóa đặc thù khác. Trước mắt ưu tiên phát triển nông trại công nghệ cao tại khu vực có gắn kết xung quanh khu vực trung tâm tiểu vùng để có điều kiện thu hút, hỗ trợ phát triển lẫn nhau. Ưu tiên, tạo điều kiện cho người trong huyện đầu tư nông trại công nghệ cao.

-  Hình thành và xác định các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất cấp huyện gắn với các thị trấn, trung tâm tiểu vùng trong huyện, các cụm công nghiệp và các thị tứ (hiện có hoặc dự kiến hình thành trên địa bàn huyện) gắn kết thuận lợi với hệ thống hạ tầng khung, đảm bảo phục vụ cho tiểu vùng trong huyện nhằm phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, gắn với vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn trong tiểu vùng. Các điểm này có thể coi là các trung tâm nông thôn trên địa bàn huyện. Ngoài các điểm là thị trấn hiện có, các điểm hiện chưa là thị trấn sẽ phát triển thành đô thị nhỏ trong tương lai. Dân cư tối thiểu tại các điểm này trước mắt nên có 1000 người trở lên. Trong quá trình phát triển, đây là nơi tập trung dân cư phát triển mới của toàn huyện về định cư khi có nhu cầu phù hợp. Trường trung học phổ thông nên được bố trí tại các điểm này. Đối với khu vực miền núi, cần tiếp tục và từng bước xây dựng các trung tâm cụm xã. Các trung tâm cụm xã nhất thiết phải gắn với khu vực phát triển mạnh dân cư của các tiểu vùng trong huyện.

-  Xác định các điểm dân cư trên địa bàn huyện có tiềm năng phát triển để tập trung đầu tư, xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu bố trí dân cư mới phát triển hàng năm trên địa bàn xã. Trong phạm vi 1 xã số điểm dân cư có tiềm năng phát triển nên từ 2-5 điểm. Quy mô điểm dân cư có tiềm năng phát triển tối thiểu từ 100 hộ trở lên. Điểm dân cư có tiềm năng phát triển được phân bố gắn kết thuận tiện với địa bàn sản xuất. Điểm dân cư trung tâm xã, làng nghề truyền thống, làng nghề mới, có điều kiện phát triển kinh tế phi nông nghiệp khác thuộc các điểm dân cư có tiềm năng phát triển trên địa bàn huyện. Đối với khu vực miền núi, khu vực mật độ dân cư thấp dưới 150 người/km2, các cụm thôn bản trong khu vực có bán kính < 1km được coi là điểm dân cư có tiềm năng phát triển.

-  Xác định hạ tầng khung (giao thông, cấp nước tập trung, cấp điện, thoát nước và VSMT, thông tin liên lạc,...) đảm bảo liên kết thuận tiện giữa giữa các điểm trung tâm, các điểm dân cư có tiềm năng phát triển và với địa bàn sản xuất, đảm bảo điều kiện phục vụ tốt người dân như tại các đô thị nhỏ.

Phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, phù hợp với từng giai đoạn phát triển đáp ứng yêu cầu hiệu quả, tiết kiệm trong đầu tư

 Đối với quy hoạch chung xây dựng xã

- Rà soát cập nhật bổ sung cho phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt. Rà soát bổ sung, điều chỉnh các nội dung quy hoạch theo đúng yêu cầu phát triển xã, khắc phục những tồn tại hạn chế trong xây dựng NTM hiện nay, đặc biệt là các giải pháp nâng cao cảnh quan và môi trường.

- Phát triển các điểm dân cư trung tâm xã trở thành một trong các điểm dân cư có tiềm năng nhất của xã. Tối thiểu 50% số công trình công cộng cơ bản cấp xã được bố trí tại khu trung tâm xã, nhằm tạo bộ mặt cho xã và phục vụ tốt người dân trong xã.

- Dành quỹ đất cho dân cư phát triển mới hàng năm tại các điểm dân cư có tiềm năng phát triển.

- Phát triển xây dựng các điểm dân cư có tiềm năng phát triển như tại các đô thị nhỏ và cảnh quan, môi trường nông thôn bằng các giải pháp: Giữ mật độ xây dựng tối đa trong lô đất ở không quá 60%, tăng mật độ cây xanh, cải thiện điều kiện giao thông đáp ứng nhu cầu giao thông thuận tiện cho sinh hoạt và sản xuất của người dân trong thời gian 20 năm tới. Khoảng cách tối đa hộ dân tiếp cận đường xe ô tô con đi được là 150 m, tiếp cận bãi đỗ xe ô tô (nếu cần bố trí) là 500 m. Cung cấp điện sinh hoạt, điện chiếu sáng, cấp nước tập trung, thông tin liên lạc theo tiêu chuẩn cho đô thị nhỏ. Giải pháp tốt cho thu gom, xử lý tốt nước thải, thu gom rác thải theo điều kiện từng khu vực. Việc phát triển xây dựng các điểm dân cư có tiềm năng phát triển có thể coi là việc phát triển xây dựng các điểm dân cư kiểu mẫu trong khu vực nông thôn.

- Phát triển xây dựng hạ tầng đầu mối ngoài khu dân cư (bao gồm cả hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp) đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn và sinh hoạt người dân.

 

Quy hoạch bố trí, phát triển điểm cư dân nông thôn góp phần đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn với điều kiện tiện nghi giảm dần khoảng cách với cuộc sống đô thị

 Đối với khu vực ven đô

- Trong các đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện, xã khu vực ven đô phải định rõ tính chất (làng truyền thống cần bảo tồn, làng nghề, phát triển du lịch, …), các giải pháp (xây dựng chỉnh trang, cải tạo, xen cấy, ..), chỉ tiêu (lô đất ở, mật độ xây dựng, ...) định hướng cho phát triển không gian các loại hình điểm dân cư nông thôn khu vực ven đô trong phát triển chung đô thị.

- Trong quy hoạch chung xây dựng xã vùng ven đô phải xác định rõ lộ trình phát triển điểm dân cư nông thôn, cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật trong lộ trình xây dựng đô thị hoá trên địa bàn xã. Xác định các ngưỡng phát triển điểm dân cư nông thôn về dân số, số hộ, mật độ xây dựng... và các giải pháp không gian kiến trúc trong mối tương quan xây dựng đô thị hoá trên địa bàn xã. Đặc biệt là các không gian chuyển tiếp giữa khu vực xây dựng đô thị và xây dựng nông thôn.

- Trong quy hoạch chi tiết từng điểm dân cư nông thôn khu vực ven đô phải xác định được các giải pháp khống chế trong phát triển không gian kiến trúc trên cơ sở thực trạng xã hội điểm dân cư nông thôn (như mật độ xây dựng, tầng cao, diện tích lô đất, chiều rộng lô đất mặt tiền...).

- Quy hoạch xây dựng nông thôn khu vực ven đô phải sự đồng bộ về mạng lưới hạ tầng kỹ thuật theo các giai đoạn quy hoạch giữa xây dựng đô thị và xây dựng nông thôn, đặc biệt là mạng lưới giao thông.

- Quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn khu vực ven đô, áp dụng phải hướng tới các tiêu chuẩn xây dựng đô thị, trừ các loại hình điểm dân cư nông thôn mang chức năng đặc biệt.

- Đối với các làng nghề truyền thống, khu vực tiểu thủ công nghiệp, trang trại các giải pháp quy hoạch không gian kiến trúc, mạng lưới hạ tầng kỹ thuật phải hướng tới đảm bảo sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giữ gìn được bản sắc truyền thống.

- Trong xây dựng NTM trên địa bàn các xã khu vực ven đô cần xây dựng kế hoạch phát triển nhằm đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, phát triển phù hợp giữa trước mắt và lâu dài trong phát triển chung đô thị. Trong quy hoạch chung xây dựng xã khu vực ven đô cần có các giải pháp phát triển không gian, sử dụng đất của các khu vực có hoạch định các chức năng khác nhau theo các giai đoạn quy hoạch, làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch phát triển sau này.

- Các tiêu chí đạt chuẩn xây dựng NTM phải lồng ghép với việc đồng bộ trong xây dựng, khai thác hiệu quả tài nguyên trong các giai đoạn phát triển giữa xây dựng phát triển đô thị và xây dựng phát triển nông thôn. Điều này cũng phải được thể hiện trong các đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện, xã.

Đô thị hóa khu vực nông thôn là một xu thế phát triển bền vững, một mảng trong phát triển nông thôn nói riêng và phát triển đất nước nói chung cần phải được quan tâm. Đô thị hóa khu vực nông thôn và tái cơ cấu ngành nông nghiệp có một mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tạo điều kiện phát triển các động lực cho phát triển đô thị hóa khu vực nông thôn. Phát triển đô thị hóa khu vực nông thôn sẽ tác động mạnh đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Hai mặt này phát triển sẽ thúc đẩy kinh tế, xã hội khu vực nông thôn phát triển theo đúng kỳ vọng của tinh thần Nghị quyết 26 NQ/TW về nông nghệp, nông dân, nông thôn. Để thực hiện điều này, Quy hoạch XDNTM có vai trò quan trọng và cần triển khai, thực hiện nghiêm túc, làm cơ sở cho phát triển đô thị hóa và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 

 

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 32  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...