Ngày đăng 17/01/2024 | 03:49 PM

Giải pháp huy động nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Lượt xem: 42  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Giải pháp huy động nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

 

GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO CHO

PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH TẠI VIỆT NAM

 

                                                           Ths. Phạm Thị Thu Hiền*

                                                *Viện Kinh tế xây dựng và đô thị - Học viện AMC

Email : Hienphamgv@gmail.com

Ngày 01/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030 hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lấy TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh. Tháng 4/2018, tại Hội nghị cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 32 diễn ra tại Singapore, 3 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã gia nhập mạng lưới các đô thị thông minh Đông Nam Á (ASEAN Smart Cities Network). Phát triển đô thị thông minh đã và đang là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.

Tuy nhiên, để phát triển đô thị thông minh cần phải có sự đầu tư nguồn lực thích đáng vào những lĩnh vực cụ thể của đô thị. Hai trong số các nguồn lực cơ bản cho đầu tư phát triển đô thị thông minh là nguồn lực vốn và con người. Trong  phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến nguồn lực con người – nguồn nhân lực chất lượng cao, các giải pháp huy động nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, trên cơ sở thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao hiện tại.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – giải pháp góp phần phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

  1. Thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đầu tư phát triển đô thị thông minh

Nguồn nhân lực chất lượng cao là khái niệm chỉ người lao động có sức khỏe thể chất, tinh thần tốt; có trình độ tay nghề cao, khả năng lao động giỏi và kỹ năng chuyên môn tốt trong nghề; có những phẩm chất xã hội tốt đẹp, như tinh thần nhân văn, tập thể, hòa nhập, thích nghi làm việc trong môi trường đa văn hóa... Đối với đô thị thông minh, nguồn nhân lực cho phát triển đô thị thông minh là nguồn nhân lực chất lượng cao từ quản lý đến vận hành đô thị thông minh. Đặc biệt trong bối cảnh phát triển đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số thì cần thiết phải có nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể là những người làm công tác đào tạo về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; người chuyên nghiên cứu, quản lý, vận hành công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và công nghiệp; nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đội ngũ cán bộ, viên chức và nhân viên sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin,…

Theo nhận định của các chuyên gia, điểm mạnh đáng kể là nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ phần mềm nhưng hiện Việt Nam đang thiếu hụt một đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho quản lý, vận hành đô thị thông minh. Nhiều trường đại học đã triển khai các chương trình đào tạo gắn với quản lý đô thị, quy hoạch vùng, kiến trúc đô thị,… nhưng đa số các chương trình đào tạo này được thiết kế dưới góc độ quản lý về quy hoạch xây dựng đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan đô thị. Một số trường đại học đã và đang tổ chức các chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực đô thị nhưng lực lượng này chủ yếu đang làm việc và nghiên cứu về lĩnh vực xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao và khắt khe của thị trường lao động về quản lý đô thị thông minh và bền vững. Năm 2021, mới chỉ có trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh mở mới chương trình đào tạo cử nhân quản trị đô thị thông minh và bền vững; năm 2022, chương trình đào tạo này mới chính thức được tuyển sinh tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong bối cảnh phát triển đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số, cần thiết phải có nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng cả về số lượng và chất lượng

2. Giải pháp huy động nguồn nhân lực chất lượng cao cho đầu tư phát triển đô thị thông minh

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của một đô thị. Đô thị Việt Nam phát triển ngày càng lớn mạnh, đa dạng, và phức tạp, nhất là hướng tới những mục tiêu phát triển đô thị thông minh, bền vững, đòi hỏi phải huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu quản trị đô thị thông minh, bền vững, và nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Họ là những người vừa đóng vai trò là cư dân của đô thị thông minh, vừa là nguồn nhân lực tiên quyết cho sự vận hành của đô thị.

Đối với nguồn nhân lực quản trị đô thị thông minh và bền vững, Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích nhiều cơ sở đào tạo công và tư có đủ năng lực và đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao cho chương trình đào tạo các chuyên ngành về quản lý đô thị  để nhanh chóng có được một lực lượng quản lý đô thị theo hướng chính quyền số và phát triển đô thị thông minh. Hơn nữa, việc đào tạo nguồn lực không dừng lại ở khối cơ quan hành chính mà gắn đào tạo với nhu cầu phát sinh trong thực tiễn. Các thành phố nên tập trung đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập cho cán bộ, công chức về kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh thông tin để đáp ứng nhu cầu công việc. Qua quá trình đào tạo, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ có kỹ năng sử dụng, khai thác thành thạo các hệ thống thông tin tích hợp của thành phố thông minh.

Hướng đi đúng đắn và cũng là giải pháp hữu hiệu là đào tạo về quản trị đô thị thông minh và bền vững theo hướng tiếp cận liên ngành. Theo đó, chương trình đào tạo cử nhân quản trị đô thị thông minh và bền vững được xây dựng với các khối kiến thức trụ cột như: Nền tảng cho quản lý phát triển đô thị, các vấn đề quản lý đô thị, nền tảng công nghệ trong quản lý đô thị, công nghệ ứng dụng trong phát triển đô thị bền vững, các kỹ năng và thực hành quản lý phát triển đô thị… Tiếp sau đó là vấn đề vị trí việc làm phải gắn với nhu cầu nhân lực quản lý đô thị thông minh. Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân quản trị đô thị thông minh và bền vững có thể làm việc ở cả khối nhà nước, khối tư nhân và khối phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực quản trị đô thị, phát triển đô thị, công nghệ đô thị, quy hoạch đô thị, dịch vụ đô thị. Vị trí việc làm mà sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận như: Chuyên viên quản trị đô thị; Chuyên viên tư vấn dự án đô thị; Chuyên viên tư vấn thiết kế đô thị thông minh; Chuyên viên quản lý môi trường đô thị; Chuyên viên phân tích dữ liệu đô thị; Chuyên viên quy hoạch đô thị; Chuyên viên nghiên cứu đô thị thông minh và bền vững; Quản lý dự án xây dựng đô thị; Quản lý phát triển đô thị thông minh; Quản lý rủi ro đô thị.

Đào tạo về quản trị đô thị thông minh và bền vững theo hướng tiếp cận liên ngành

Đối với nguồn nhân lực công nghệ thông tin, cần có những giải pháp hiệu quả. Cụ thể là: 

- Nghiên cứu, xây dựng, ban hành sớm cơ chế ưu đãi, chế độ đặc thù nhằm thu hút các chuyên gia công nghệ giỏi; nghiên cứu, đề xuất việc áp dụng mức lương, phụ cấp hợp lý đối với đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin nhằm tạo động lực cho nhân lực chất lượng cao yên tâm và nỗ lực cống hiến. Cần nghiên cứu cơ chế đặc thù để tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho các vị trí then chốt trong các sở, ban, ngành của thành phố. Đặc biệt chú trọng đến đội ngũ công chức của Sở Thông tin và Truyền thông. Đây là đội ngũ cốt lõi phục vụ quản lý nhà nước khi phát triển đô thị thông minh.

- Thu hút nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao từ nước ngoài thông qua việc nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí và tạo thuận lợi về thủ tục xuất/nhập cảnh, visa, giấy phép lao động; phát triển các mạng lưới kết nối nhân tài, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài; đưa người lao động vào làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ngoài, sau đó trở về nước làm việc.

- Đẩy mạnh công tác tạo động lực thông qua cơ hội thăng tiến trong công việc. Mạnh dạn sử dụng, giao trọng trách, nhiệm vụ lớn và tạo điều kiện để nhân lực thử thách trong môi trường sáng tạo và đem sức lực, trí tuệ cống hiến cao nhất, tốt nhất, tương xứng với tài năng của mình. Những nhà khoa học có năng lực nổi bật về lãnh đạo nếu được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan, tổ chức sẽ không chỉ phát triển đơn vị và còn giúp ngành công nghệ thông tin phát triển lớn mạnh.

- Nhân lực công nghệ thông tin cần được ưu đãi đặc biệt về điều kiện làm việc (như phòng thí nghiệm, thư viện, internet, phương tiện đi lại,…), được đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm hiện đại hoặc được sử dụng miễn phí các phòng thí nghiệm trọng điểm.

- Ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước, huy động ngân sách của địa phương, huy động các nguồn lực xã hội để sớm thực hiện chính sách đãi ngộ dành cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Có thể nói, trong mọi lĩnh vực của quá trình phát triển đều cần đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Đối với đầu tư phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam thì nguồn nhân lực chất lượng cao từ quản trị đến vận hành đô thị thông minh đóng vai trò tiên quyết. Hơn bao giờ hết phải triển khai có hiệu quả các giải pháp huy động nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thực hiện thành công Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững, đồng thời đảm bảo mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045 theo đúng lộ trình đã định./.

Tài liệu tham khảo:

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

(2) Quyết định 950/QĐ – TTg ngày 01/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030.

(3) Cục thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (2021). Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, bài học cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

(4) Tạp chí Công thương điện tử (5/2023): Phát triển công nghệ số và nhân lực công nghệ thông tin phục vụ xây dựng đô thị thông minh của thành phố Hà Nội.

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 42  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...