Ngày đăng 15/05/2024 | 03:18 PM

Định hướng không gian chơi và các hoạt động chơi trẻ em trong đô thị hiện đại

Lượt xem: 65  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Định hướng không gian chơi và các hoạt động chơi trẻ em trong đô thị hiện đại

ĐỊNH HƯỚNG KHÔNG GIAN CHƠI VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CHƠI TRẺ EM TRONG ĐÔ THỊ HIỆN ĐẠI

 

Ths. Nguyễn Văn Minh*

*Khoa Công trình, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

Email: tieuly1802@gmail.com

Tóm tắt: Trẻ em cần được phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Nhưng trên thực tế, có sự mất cân bằng trong thế giới trẻ em Việt Nam. Không gian vui chơi thiếu thốn, đặc biệt ở các thành phố lớn. Các trò chơi hạn chế, thiếu tính hấp dẫn. Sân chơi cộng đồng là nơi các em có cơ hội giao lưu, tương tác với bạn bè, môi trường và phát triển theo đúng lứa tuổi. Bài báo đưa ra định hướng trong việc tối ưu hóa các thiết kế không gian đệm nhỏ, các không gian chơi trong đô thị để gia tăng sự chủ động kết nối và các hoạt động vận động thể chất của trẻ.

Từ khóa: Đô thị, không gian, quy hoạch, thiết kế, sân chơi, quảng trường

Abstract: Children need to be fully developed both physically and mentally. But in reality, there is an imbalance in the world of Vietnamese children. The lacking of Playing ground, especially in big cities and the games are limited there for children spend most of their time studying or entertaining themselves with mobile devices. The public playground is where children have the opportunity to interact with friends, the environment and develop according to their age. The article provides direction in optimizing the design of small publict spaces and urban play ground to increase children's active connection and physical activities.

Keywords: Urban, space, planning, design, playground, square.

1. Không gian giao tiếp – Vận động ngoài trời cho trẻ em

1.1. Không gian giao tiếp – vận động cho trẻ em

Hoạt động vui chơi không chỉ giúp các em thư giãn sau những giờ học, mà còn rèn luyện thể chất, phát triển trí tuệ và tăng cường nhiều kỹ năng khác như quan sát, giao tiếp, trao đổi thông tin, tìm ý tưởng, phối hợp nhóm, giải quyết vấn đề.

Không gian được đầu tư dành riêng cho việc hoạt động, chơi của trẻ như sân tập, phòng tập dành riêng cho một môn thể thao chuyên biệt.

Không gian công viên cây xanh, quản trường lớn hỗn hợp dành cho mọi lứa tuổi.

Các không gian công cộng trong tiểu khu ở, không gian của nhà văn hóa Phường.

Khoảng không gian vỉa hè, bãi trống, sân trước công trình nhà ở.

Hoạt động vui chơi giúp các em thư giãn sau những giờ học

1.2. Các hoạt động diễn ra trong các không gian ngoài trời

Các hoạt động ngoài trời của trẻ em tùy thuộc vào số lượng trẻ em cũng như không gian chúng được sử dụng để tham gia vào các hoạt động đó, hoạt động chơi có thể bao gồm nhiều trò chơi cá nhân, hoặc đội nhóm. Tuy nhiên, thực tế là tại nhiều khu vực, cả trong và ngoài đô thị, trẻ em đang thiếu sân chơi và nếu có thì phần lớn trong số đó chưa được thiết kế phù hợp với các em về thể chất cũng như về tâm lý. Vì vậy, việc nghiên cứu tâm lý, hành vi và thể lực cùng sở thích của trẻ em để tạo ra những sân chơi hấp dẫn và hiệu quả luôn cần thiết. Các hoạt động này còn phụ thuộc vào lứa tuổi của trẻ.

- Hoạt động chơi cá nhân.

- Hoạt động chơi theo nhóm nhỏ.

- Các hoạt động chơi theo nhóm lớn.

Các hoạt động chơi cá nhân của trẻ thường có thể là các hoạt động không thực sự cần thêm người tham gia vào, có thể độc lập một mình. Cá nhân trẻ chơi một mình thường sẽ ít khi diễn ra vì trẻ em là các cá thể muốn tham gia vào các hoạt động tập thể, đội nhóm, tuy nhiên trong các hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có thể tự chơi và sáng tạo ra các trò chơi khi một mình. Các hoạt động này không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các điều kiện tự nhiên theo mùa và quang cảnh môi trường, hầu như ít mang tính giải trí và thư giãn cho trẻ, cũng ít tăng sự sáng tạo, tương tác của trẻ.

Các hoạt động chơi theo nhóm nhỏ là các hoạt động mà trẻ em hình thành một nhóm chơi nhỏ, tối thiểu là từ hai trẻ, khi đó các hoạt động giữa chúng sẽ phong phú hơn, có tính sáng tạo nhiều hơn. Nếu có dụng cụ chơi, trẻ có thể chơi chung, ví dụ như đánh cờ, cầu lông, đuổi bắt. Các hoạt động này có thể cần không gian ở mức vừa phải, hoặc tối thiểu để trẻ có thể vận động hoặc tạo ra một không gian riêng cho việc chơi. Khi điều kiện tự nhiên tốt như nắng, gió, nhiệt độ môi trường ổn định thì trẻ có mong muốn và ham thích được tiếp xúc với tự nhiên nhiều hơn, tham gia các hoạt động ngoài trời không có mái che. Khi không gian ngoài trời không thuận lợi thì các hoạt động vui chơi có thể diễn ra nhỏ hẹp trong không gian có mái che, trong nhà.

Các hoạt động chơi theo nhóm lớn là các hoạt động mà số lượng trẻ lớn, có thể chia đội chia nhóm với số lượng đông. Các hoạt động chơi này cần đến không gian rộng lớn và có tính tổ chức, kỷ luật trong trò chơi. Khi trẻ tham gia vào hoạt động nhóm lớn thì nhiều hoạt động nối tiếp như kết thêm bạn, gia tăng thông tin khi trao đổi sẽ diễn ra nhiều hơn. Các hoạt động chơi trong nhóm chơi lớn sẽ tạo ra các mâu thuẫn và các bất đồng ý kiến, qua đó trẻ có thể học được cách giải quyết mâu thuẫn cũng như thỏa hiệp để có thể chơi chung. Các mối quan hệ chơi trong nhóm cũng dẫn tới kết nối sau khi chơi, các kết nối này sẽ được hình thành khăng khít hơn theo lứa tuổi và sở thích của trẻ, hình thành một cộng đồng tốt theo năm tháng. Các hoạt động nhóm lớn cũng yêu cầu về sự sáng tạo, kỷ luật nhiều hơn.

Việc nghiên cứu tâm lý, hành vi và thể lực cùng sở thích của trẻ em để tạo ra những sân chơi hấp dẫn, hiệu quả là cần thiết

1.3. Các tác động ảnh hưởng tới hoạt động chơi của trẻ em

Điều kiện tự nhiên có tác động rất lớn đến hoạt động ngoài trời của trẻ, từ hai hoặc nhiều hơn các điều kiện thời tiết tự nhiên kết hợp lại tạo ra ảnh hưởng tới hoạt động chơi của trẻ. Một không gian có điều kiện lý tưởng cho các hoạt động chơi của trẻ có thể không cần quá thuận lợi về mặt tự nhiên khí hậu, trẻ em có thể chơi dưới mưa, chơi khi trời nắng gắt, hoặc trong điều kiện lạnh, với nhiệt độ ở mức mà trẻ chịu đựng được. Nhưng điều kiện tự nhiên thuận lợi về mặt nắng, gió và nhiệt độ, cũng như bụi mịn ít là lý tưởng nhất cho trẻ tham gia vào hoạt động vui chơi theo nhóm hoặc cá nhân ở ngoài nhà.

Nắng quá gắt, gió quá lớn, hoặc trời mưa lớn, độ ẩm không khí cao làm giảm hứng thú bước ra khỏi không gian trong nhà và tham gia chơi của trẻ, khi này không gian chơi cần có mái che, cây xanh.

Các công trình, dụng cụ không thuộc về không gian chơi của trẻ cũng làm giảm hứng thú khi chơi của trẻ trong một số trò chơi. Không gian sân, vườn có diện tích nhỏ, hẹp cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng chơi cũng như số lượng trẻ tham gia các hoạt động chơi ngoài nhà của trẻ.

Bề mặt sân chơi cùng các vật liệu cần được lựa chọn để đảm bảo tính an toàn. Những sân chơi có bề mặt cứng, trẻ em ít các hoạt động nhanh, mạnh trên sân do sợ bị ngã đau, nhất là các em gái. Các bề mặt có thể gồ ghề, tuy nhiên, vật liệu nên là những loại mềm hoặc xốp như cát, sỏi nhỏ, đất ẩm, thảm cỏ. Bề mặt là nước cũng khuyến khích trẻ tham gia chơi, mực nước cần thấp, vì nếu mực nước lớn sẽ gây ra sự không an toàn.

2. Không gian dành cho hoạt động chơi của trẻ

Trong điều kiện môi trường được coi là lý tưởng cho các hoạt động chơi của trẻ ngoài trời thì khoảng không gian nhiều màu sắc, đa dạng về mặt cảnh quan, có diện tích lớn, có thể có mái hoặc cây xanh lớn phủ bóng.

Có thể khái quát và liệt kê đơn giản các hoạt động chơi ngoài nhà của trẻ theo quy mô không gian và số lượng thành viền trong nhóm chơi của trẻ.

2.1. Hoạt động cần không gian rộng và số lượng trẻ đông

Các trò chơi không cần dụng cụ chơi: Các hoạt động chơi không cần dụng cụ chơi tại không gian lớn thì thường ít khi diễn ra với các trẻ đơn lẻ một mình, thường sẽ diễn ra với các nhóm trẻ. Trẻ có thể tham gia các trò chơi dân gian như đuổi bắt, trồn tìm hoặc đánh trận giả. Các hoạt động này cần đến thể lực và ít tạo ra sáng tạo cũng như luật lệ cần tuân theo, có thể rèn luyện cho nhóm trẻ về mặt thể lực.

Các trò chơi cần dụng cụ chơi: Các hoạt động chơi tại không gian lớn cần đến dụng cụ chơi thì đa dạng. Trò chơi với bóng cần có những sân rộng như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ... Các hoạt động chơi như vậy cần được tổ chức tại các sân chơi, có luật chơi cụ thể. Với sự phát triển của đô thị như hiện nay thì gần như các sân chơi như vậy đều cần phải thuê, hoặc có sự quản lý, do vậy không thể phổ biến tại mỗi điểm dân cư.

Hoạt động chơi bóng rổ cần không gian rộng và số lượng trẻ đông

         2.2. Hoạt động cần không gian nhỏ, tiết kiệm với số lượng trẻ ít

Các hoạt động chơi không cần hoặc cần dụng cụ chơi tự tạo: Không gian vừa phải trong đô thị thường là các sân chung có diện tích nhỏ, do đó trẻ chơi trong các không gian này có thể chơi với nhóm từ 3 đến 5 trẻ, các trò chơi đơn giản như nhảy dây, chơi bi hoàn toàn có thể đáp ứng được. Trẻ có thể tận dụng các địa hình, địa vật xung quanh để chơi trốn tìm.

            Các hoạt động chơi cần dụng cụ chơi

Đối với nhóm trẻ trong không gian nhỏ, vừa phải thì các hoạt động chơi cần dụng cụ chơi cũng nhỏ, gọn theo trẻ. Trò chơi có liên quan đến trí tuệ thì trẻ chơi cờ tướng, cờ vua. Trò chơi vận động có thể đá cầu.

Hoạt động chơi bắn bi, chơi ô ăn quan hoạt động theo nhóm nhỏ, không gian nhỏ

3. Các giải pháp thiết kế không gian chơi cho trẻ

  Để tối đa các hoạt động chơi tích cực của trẻ em khi tham gia vào các hoạt động ngoài nhà thì các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch nên phát triển các giải pháp kiến trạo các không gian sân chơi, khoảng đệm ngoài trời nhằm tạo điều kiện thuân lợi để gia tăng một cách tự nhiên các hoạt động đó.

Các không gian

Yêu cầu dụng cụ chơi và thiết kế chò trơi

Không yêu cầu dụng cụ chơi

Không gian rộng lớn

Sân có diện tích lớn tư 200m2 -500m2. Đa dạng tầm nhìn. Xung quanh đường giao thông đi lại bằng các phương tiện có tốc độ chậm. Cạnh các bãi gửi xe tập trung nhưng không quá xa nơi cư trú, tạo điều kiện đi bộ.

Bóng đá yêu cầu sân bóng có lướil, vợt cầu lông, lưới, bóng rổ và rổ bóng.

Chạy, đuổi bắt

Không gian vừa phải

Sân có diện tích lớn từ 50m2 -150m2. Đa dạng tầm nhìn. Vị trí có bóng mát (mái che, cây xanh) nhưng vẫn đảm bảo ánh sáng.

Cầu, lưới cầu, dây nhảy.

Các thiết bị chơi đặt tại chỗ, cầu tụt, bập bênh, đu dây

Trốn tìm.

Không gian nhỏ

Sân, diện tích chơi nhỏ hơn 50m2 vỉa hè tĩnh, có góc quan sát tốt. Có điều kiện thuận lợi về bóng mát. Có tính riêng tư và an toàn tương đối. Có không gian chung đủ rộng để dễ dàng chuyển trạng thái ngồi sang hoạt động chơi

Bi nhỏ, cờ tướng, cờ vua, cờ dân gian, ô ăn quan.

 

Bảng 1: Các trò chơi tương ứng với diện tích không gian chơi

 

Vị trí sân chơi đô thị cũ đã hình thành

Vị trí thiết kế sân chơi

Các hoạt động chơi được khuyến khích

 

Các hoạt động chơi hạn chế

Sân chơi trong điểm quận

Sân nhà văn hóa quận, các sân chơi được quy hoạch, nhà thi đấu, có thể mở cửa ngoài các giờ hoạt động hành chính.

Bóng đá, bóng rổ, cầu lông... Các hoạt động theo nhóm lớn, các hoạt động thể thao có dụng cụ.

Không có các hoạt động hạn chế.

Sân chơi trong điểm phường

Sân nhà văn hóa phường, xã là vị trí có thể mở cửa ngoài các giờ hoạt động hành chính

Sân ngoài nhà trẻ em có thể chơi đuổi bắt, ô ăn quan, đánh bi, đá cầu

 

Các hoạt động chơi với dụng cụ như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ nếu sân có diện tích nhỏ.

Sân chơi trong chung cư, cụm chung cư

Sân chơi thiết kế riêng cho trẻ để đảm bảo hoạt động chơi tập trung, nhưng thường có diện tích nhỏ được quy hoạch tại một góc cảnh quan trong sân chung cư thay vì toàn bộ diện tích sân

Không gian sân chơi có thể đặt các thiết bị chơi bằng nhựa, kim loại như cầu trượt, rổ bóng, bập bênh

Các hoạt động chơi với dụng cụ như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ. Các hoạt động đi xe đạp, trượt pantin, sketchboard.

Sân chơi trong xóm ngõ

Diện tích nhỏ tại vị trí đất trống, vỉa hè rộng, có đặt cảnh báo di chuyển chậm và có quan sát đối với các vị trí trẻ thường xuyên chơi

Các hoạt động chơi cá nhân hoặc nhóm 2-3 trẻ như đánh cờ, ô ăn quan.

Các hoạt động cần thể lực và vận động quá nhanh như chạy, nhảy, các dụng cụ chơi như bóng, vợt

Vị trí sân chơi đô thị mới

Sân chơi được thiết kế quy hoạch tập trung

Các dụng cụ chơi đặt tại vị trí cố định: Cầu trượt, cây leo, bập bênh

 

Bảng 2: Các không gian công cộng có thể kết hợp tạo sân chơi cho trẻ trong đô thị cũ

4. Kết luận

Không gian chơi cho trẻ em tại đô thị là một phần chất lượng sống của cư dân đô thị, làm cho đô thị hiện đại đáng sống hơn, thân thiện hơn. Cần có định hướng tốt trong quy hoạch sân chơi trong thiết kế các không gian đô thị, các sân chơi nhỏ cho tới sân chơi công cộng có diện tích lớn để làm đa dạng sự liên kết, kết nối. Một đô thị đáng sống là nơi không chỉ đẹp, ngăn nắp và an toàn mà còn là nơi thúc đẩy cuộc sống cộng đồng từ thế hệ trẻ và tạo ra các trải nghiệm tối đa của mọi độ tuổi. Một thiết kế đô thị còn cần phải dựa trên các giác quan của con người. Tức không chỉ trải nghiệm mà còn là sự cảm nhận nhịp điệu cuộc sống giữa những công trình kiến trúc bằng tất cả giác quan. Những nhà hoạch định chính sách, kiến trúc sư hay các chuyên gia phải đưa trẻ em là một phần trung tâm của tư tưởng thiết kế cũng như xây dựng đô thị.

Tài liệu tham khảo:

[1] GS.TS. Jan Gehl - Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc - NXB Xây dựng, 2009.

[2] GS.TS. Đặng Thái Hoàng - Thiết kế đô thị có minh họa - NXB Xây dựng, 2011.

[3] Võ Đình Diệp, Việt Hà Nguyễn Ngọc Giả, Nguyễn Hà Cương – Kiến trúc nhỏ, tiểu phẩm tiểu cảnh, kiến trúc quảng trường thành phố - NXB Xây Dựng.       

[4] GS.TS. Nguyễn Thế Bá - Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị - NXB Xây dựng, 2011.

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 65  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...