Ngày đăng 26/03/2021 | 09:13 AM

Quản lý quy hoạch xây dựng đô thị hướng tới mục tiêu phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Lượt xem: 400  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Quản lý quy hoạch xây dựng đô thị hướng tới mục tiêu phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐÔ THỊ HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH TẠI VIỆT NAM


TS. Hán Minh Cường*

 

Phát triển đô thị thông minh là mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước. Phát triển đô thị thông minh còn là chìa khoá giúp giải quyết các vấn đề đang tồn tại do quá trình đô thị hoá cũng như yêu cầu về phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh. Trong khi đó, quy hoạch xây dựng đô thị cũng là một nhiệm vụ bắt buộc, cần thực hiện trước tiên khi phát triển đô thị nhằm cụ thể hoá các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, bối cảnh và thực trạng phát triển đô thị hiện nay cho thấy công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng cần có những thay đổi, thích ứng kịp thời để có thể đáp ứng được các mục tiêu phát triển đô thị thông minh đã được cụ thể hoá trong các Đề án, Chương trình của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Trong phạm vi bài tham luận này, nhóm tác giả đưa ra những yêu cầu đối với công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị và một số giải pháp mang tính gợi mở, liên quan đến quy trình và nội dung thực hiện, quản lý quy hoạch nhằm hướng tới mục tiêu phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

ĐÔ THỊ THÔNG MINH VÀ QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐÔ THỊ

Khái niệm đô thị thông minh được xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ 21, đề cập tới việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc vận hành tòa nhà, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ đô thị, quản lý an ninh... Năm 2009, tập đoàn IBM đã đưa ra tầm nhìn về thành phố thông minh, về cách thức mà các thành phố trở nên thịnh vượng và phát triển bền vững. Sau đó, khái niệm này đã trở thành một xu hướng nổi bật trên khắp thế giới. Theo tầm nhìn mà IBM đã đề cập thì các thành phố cần trở nên “thông minh hơn” để giải quyết các thách thức và mối đe dọa cho sự phát triển bền vững từ các vấn đề kinh doanh, con người đến cơ sở hạ tầng như giao thông, năng lượng, cấp thoát nước...

Tại Việt Nam, gần đây khái niệm đô thị thông minh đã được làm rõ và cụ thể hóa tại một số văn bản quy phạm như: Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2050; Quyết định số 829/QĐ-BTTTT ngày 31/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông về Ban hành khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0). Theo khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh ban hành kèm theo Quyết định số 829/QĐ-BTTTT của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khái niệm Đô thị thông minh bền vững được hiểu là đô thị sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, phát huy hiệu quả các hoạt động và dịch vụ của đô thị, tăng khả năng cạnh tranh, trong khi vẫn bảo đảm đáp ứng các nhu cầu của hiện tại và tương lai đối với các khía cạnh về kinh tế, xã hội và môi trường.          Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS cho các tính năng tra cứu, phân tích thông tin không gian; dễ dàng truy cập, tra cứu và truy xuất thông tin quy hoạch

Để cụ thể hoá, giải quyết các vấn đề đang tồn tại và nhằm đạt được các mục tiêu phát triển đô thị thông minh, công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng cần đáp ứng được một số các yêu cầu chính: Cần xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh ở tất cả các loại quy hoạch hiện có cũng như dữ liệu nền, hiện trạng phục vụ công tác lập và quản lý quy hoạch, đảm bảo sự kết nối liên thông và thống nhất với các ngành liên quan. Ví dụ như dữ liệu về bản đồ với ngành tài nguyên và môi trường, dữ liệu về quy hoạch kết cấu hạ tầng với các ngành giao thông, thuỷ lợi…; Dữ liệu quy hoạch cần đảm bảo tính chính xác, liên tục được cập nhật, dễ dàng tra cứu, truy xuất sử dụng đối với tất cả các đối tượng sử dụng, trên các nền tảng hoạt động khác nhau; Công tác dự báo cần được luận chứng một cách chính xác thông qua việc đánh giá, nắm bắt đúng xu thế, bối cảnh phát triển; dự báo được xu thế phát triển công nghệ trong tương lai; phân tích và đánh giá chính xác tiềm năng và lợi thế của địa phương, khu vực nghiên cứu bằng các công cụ phân tích phù hợp…; Quy hoạch cần xác định các xung đột, mâu thuẫn giữa các ngành ngay trong quá trình lập quy hoạch và kiểm soát chặt chẽ khi có điều chỉnh hoặc triển khai các quy hoạch liên quan. Các công cụ quản lý ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS là một giải pháp tốt cần được nghiên cứu áp dụng để giải quyết vấn đề này; Sự tham gia của cộng đồng, ý kiến tham vấn của các bên cần được tiếp nhận và tham khảo ngay trong quá trình lập quy hoạch thông qua việc xin ý kiến theo một cách thức mới, trực tiếp và chính xác hơn; Cần xây dựng công cụ quản lý quy hoạch ứng dụng công nghệ thông tin để giúp phân tích, hỗ trợ cho việc ra quyết định trong quá trình quản lý, thực thi quy hoạch.

 ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH

Đổi mới phương pháp lập quy hoạch

Phương pháp lập quy hoạch theo cách thức truyền thống hiện nay bộc lộ nhiều bất cập chưa chú trọng đến những tiêu chí quan trọng đối với đô thị thông minh. Để giải quyết vấn đề trên, cần có những thay đổi trong cách tiếp cận và xây dựng đồ án quy hoạch.

Để đảm bảo tính chính xác trong việc phân tích, dự báo; xác định mâu thuẫn xung đột, lựa chọn phương án quy hoạch tối ưu,… cần có các công cụ và phương pháp hỗ trợ. Trong đó, các công cụ ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS, phương pháp phân tích đa chỉ tiêu AHP với lý thuyết tập mờ, số mờ có thể được xem là những lựa chọn phù hợp. Dưới đây là ví dụ minh hoạ cho việc lựa chọn đất đai xây dựng trong quy hoạch ứng dụng GIS và AHP.

Xây dựng phần mềm (ứng dụng) quản lý hỗ trợ công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng và chuẩn hóa hệ thống hiện có

Để giải quyết các yêu cầu đặt ra đối với việc phát triển đô thị thông minh, công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị cần có những thích ứng phù hợp và một trong những giải pháp cần thiết là xây dựng phần mềm (ứng dụng) để phục vụ công tác lập cũng như quản lý thực hiện quy hoạch. Phần mềm (ứng dụng) này cần có các đặc điểm tính năng: Có thể được sử dụng để hỗ trợ trong quá trình lập cũng như ở giải đoạn quản lý thực hiện quy hoạch; Khai thác và sử dụng được dữ liệu từ các định dạng và các nguồn khác nhau; Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS cho các tính năng tra cứu, phân tích thông tin không gian; dễ dàng truy cập, tra cứu và truy xuất thông tin quy hoạch; Có khả năng tích hợp (đặc biệt là dữ liệu không gian) giữa các loại quy hoạch, các cấp quy hoạch; Phát hiện, tổng hợp và phân tích các mâu thuẫn, xung đột giữa các ngành, lĩnh vực; Dễ dàng sử dụng được trên nhiều nền tảng khác nhau: Web, mobile…; Tích hợp các nghiệp vụ quản lý quy hoạch như: Quản lý hồ sơ quy hoạch, quản lý mốc giới, công bố quy hoạch… đồ án quy hoạch. Hiện nay khá nhiều Sở Xây dựng, phòng Quản lý đô thị tại các địa phương trên cả nước đã và đang sử dụng các phần mềm, ứng dụng quản lý quy hoạch. Tuy nhiên, các sản phẩm này hầu hết đều được xây dựng mà không có sự chuẩn hóa về mặt dữ liệu đầu vào tính năng đầu ra cũng như không có sự liên thông về dữ liệu giữa các ngành.

Nâng cao năng lực cán bộ quản lý

Những thay đổi về phương pháp quản lý quy hoạch đòi hỏi có những thích ứng kịp thời từ bộ máy tổ chức quản lý, trong đó đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý là nhiệm vụ quan trọng. Từ những thay đổi của phương pháp lập quy hoạch, sản phẩm quy hoạch được cụ thể hoá thành những hệ thống cơ sở dữ liệu quy hoạch ứng dụng GIS nên cán bộ quản lý cần được đào tạo các nghiệp vụ sử dụng, khai thác dữ liệu quy hoạch, để từ đó giám sát việc thực hiện quy hoạch cũng như biết cách phân tích để đưa ra các quyết định trong phạm vi chức năng của mình.

Nâng cao hiệu quả sự tham gia của cộng đồng

 Việc lấy ý kiến của cộng đồng trong quá trình lập quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong quá trình thực hiện, đánh giá đúng đặc điểm hiện trạng và các điều kiện đặc thù, nâng cao tính khả thi của đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, hiện nay việc tham vấn ý kiến cộng đồng còn mang nặng tính hình thức, người dân thường chỉ tham gia ý kiến ở giai đoạn cuối của quá trình lập quy hoạch. Vì vậy, việc tiếp thu ý kiến để thay đổi hoặc điều chỉnh phương án quy hoạch là rất hạn chế. Chính vì vậy, trong quá trình lập quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch, cần xây dựng cổng thông tin hoặc phần mềm công nghệ thông tin ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS để người dân dễ dàng tra cứu, cho ý kiến ở các giai đoạn khác nhau trong suốt quá trình lập quy hoạch.

 

 

Tạp chí Xây dựng và đô thị
Lượt xem: 400  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...