Ngày đăng 27/03/2021 | 08:57 AM

Lan tỏa thông điệp phát triển công trình xanh

Lượt xem: 157  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Lan tỏa thông điệp phát triển công trình xanh

LAN TỎA THÔNG ĐIỆP PHÁT TRIỂN CÔNG TRÌNH XANH

 

Đình Hà

 

Theo dự báo, năm 2030 hơn 60% dân số thế giới sẽ sống trong đô thị và chính sự tăng trưởng này sẽ gây áp lực rất lớn lên hạ tầng, nhất là vấn đề cấp nước và rác thải. Để giảm áp lực hạ tầng, giảm khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính… nâng cao chất lượng sống của con người, tạo môi trường bền vững, trong lành thì việc hoạch đô thị theo xu hướng xanh, đặc biệt là các cao ốc xanh, các công trình xanh đang trở nên quan trọng của các quốc gia trên thế giới. Phát triển các công trình xanh là một cách hiệu quả để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

 Công trình xanh – sự lựa chọn cấp thiết

Có thể nói, các công trình xanh không chỉ là sự lựa chọn cấp thiết mà còn là cứu cánh hữu hiệu trong thời buổi khủng hoảng năng lượng hiện nay. Ngoài việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, các công trình xanh còn góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao...

 

 

Trên thế giới, việc phát triển các công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả góp phần vào giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ với quốc tế khi tham gia vào Nghị định thư Kyoto hay gần đây là Thỏa thuận Paris (COP21). Ở phạm vi quốc gia, các cam kết này đã và đang được hiện thưc hóa trong nhiều chính sách, có thể kể đến Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/9/2012 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg với quan điểm tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW đặt ra các mục tiêu cụ thể về giảm tiêu thụ năng lượng trong ngành Xây dựng… Vì vậy, phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng là một trong các giải pháp và là xu hướng tất yếu.

Thực tế những năm gần đây cho thấy các doanh nghiệp phát triển dự án có nhiều thay đổi trong tầm nhìn và định hướng phát triển, hướng tới cung cấp ra thị trường những công trình có nhiều yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng. Các dự án trình diễn của UNDP về ứng dụng các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được từ 25% - 67%/công trình, với chi phí gia tăng từ 0% - 3% tổng mức đầu tư/ công trình và thời gian hoàn vốn tối đa là 5 năm. Tuy nhiên, theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), đến cuối năm 2019, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 70, một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Việc hướng tới tổ chức Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam hàng năm vì thế sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

 

 

Vừa qua, Tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Sự kiện Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam năm 2020. Sự kiện được hỗ trợ bởi Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), dự kiến thu hút sự tham gia của gần 1000 đại biểu đến từ các Ban, Bộ ngành trung ương và địa phương, cơ quan, tổ chức, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các chủ dự án đầu tư xây dựng, chủ quản lý vận hành công trình, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối các sản phẩm, vật liệu, thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, các cơ quan nghiên cứu, các Trường Đại học và các đối tượng khác có liên quan.  

Mục đích của Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam nhằm tạo ra một diễn đàn chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về xây dựng cơ chế chính sách; các công nghệ, sản phẩm, thiết bị, vật liệu mới nhằm phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; thúc đẩy các dự án phát triển đô thị theo hướng giảm tác động đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Sự kiện cũng thể hiện sự hòa nhập với xu hướng chung của Việt Nam với thế giới cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường. Đây là bước khởi đầu đặt nền móng để Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam trở thành sự kiện thường niên của ngành Xây dựng.

Trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam năm 2020 có 04 Hội thảo chuyên đề; 01 phiên tham quan thực tế công trình xanh; 01 phiên tọa đàm chính sách; 01 phiên toàn thể, 01 triển lãm các công trình, vật liệu, thiết bị, công nghệ mới phục vụ việc chuyển đổi thị trường xây dựng Việt Nam theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Nội dung sự kiện tập trung vào các lĩnh vực then chốt từ tổng quan thị trường, xây dựng chính sách, quy hoạch, đến quá trình thiết kế, thi công, vận hành đô thị xanh, công trình xanh và công trình sử dụng năng lượng hiệu quả. Các diễn giả đến từ các Ban, Bộ ngành trung ương, các chuyên gia quốc tế và trong nước trong lĩnh vực xây dựng, thực thi chính sách, tư vấn thiết kế, đầu tư – xây dựng công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, đô thị xanh, các nhà cung cấp giải pháp về công nghệ, thiết bị, vật liệu hướng tới yếu tố xanh và phát triển bền vững.

 

 

Phát biểu bế mạc Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2020, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, Tuần lễ Công trình Xanh tại Việt Nam 2020 là sự kiện lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, với chuỗi các hoạt động, hội thảo chuyên đề, tọa đàm, thăm quan công trình xanh... đã thu hút hơn 1.000 lượt đại biểu từ các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, các cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học, các đơn vị tư vấn, thiết kế, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các chủ dự án, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, sản phẩm, thiết bị, vật liệu xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Chuỗi hoạt động của Tuần lễ đã lan tỏa mạnh mẽ thông điệp, sự cần thiết phải phát triển công trình xanh, đồng thời khẳng định sự ủng hộ, khuyến khích và đồng hành của Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành Trung ương, các địa phương với cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, đô thị xanh. Bên cạnh đó, Tuần lễ cũng giúp các chủ đầu tư, chủ dự án, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các dự án, công trình theo tiêu chuẩn công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, đô thị xanh, hướng đến mục tiêu tăng chất lượng, tiện nghi sử dụng, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường.

Các giải pháp thiết thực triển khai phát triển công trình xanh

Ở Việt Nam giai đoạn vừa qua, khu vực tư nhân trong lĩnh vực xây dựng là động lực chính thúc đẩy phát triển công trình xanh thông qua tích hợp các yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng trong thiết kế, xây dựng, nghiệm thu và vận hành tòa nhà. Nỗ lực này của ngành Xây dựng chỉ có thể thực hiện được với sự nâng cao năng lực và nhận thức của các chủ công trình, nhà phát triển xây dựng, những người vận hành công trình, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và của các cán bộ nghiệm thu công trình.

 

Nhận thức được tầm quan trọng của công trình xanh, nhiều tổ chức đã có những chương trình đẩy mạnh khuyến khích việc sử dụng nước hiệu quả trong các công trình xây dựng. Để các công trình xây dựng xanh hơn, yếu tố quan trọng cũng thuộc về ngành vật liệu xây dựng. Các sản phẩm của ngành phải từng bước đáp ứng được hai yêu cầu: tiêu tốn ít năng lượng hơn cho việc tạo ra nó và giúp tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của Bộ Xây dựng trong phát triển công trình xanh những năm qua, bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, UNDP rất tự hào về sự hợp tác với Bộ Xây dựng và khối tư nhân nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong các công trình cao tầng ở Việt Nam. Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” của Bộ Xây dựng và UNDP đã đưa ra 75 giải pháp được triển khai ở 22 công trình và mang lại tiềm năng tiết kiệm năng lượng từ 25 - 67%, tương đương giảm 11.547 tấn CO2 lượng phát thải khí nhà kính.

  Tại lễ bế mạc Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2020, Ban tổ chức đã trao Chứng nhận cho 9 công trình áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng của Dự án EECB, 7 dự án đáp ứng tiêu chí LOTUS Vàng và Bạc, 3 dự án đáp ứng tiêu chí chứng chỉ EDGE. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao giải cuộc thi Sinh viên Kiến trúc Xanh cho với 19 giải cho sinh viên các trường Đại học trong cả nước.

Như vậy, sau 3 ngày liên tiếp với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2020 đã kết thúc với những dư âm và dấu ấn đậm nét đọng lại trong mỗi đại biểu, khách tham quan, đại diện các Bộ ngành, doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước, quốc tế và với cả các em sinh viên các trường đại học. Có thể nói, Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2020 tuy đã khép lại, song những kết quả quan trọng của sự kiện sẽ mở ra một giai đoạn mới trong phát triển công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả ở Việt Nam, như niềm mong muốn đồng thời cũng là sự tin tưởng của bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam rằng trong thời gian tới Việt Nam sẽ có thêm nhiều công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm và cả khu đô thị xanh.

Chứng nhận EDGE:

EDGE (viết tắt của Excellence in Design for Greater Efficiencies), một sáng kiến của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, là một nền tảng trực tuyến 3 trong 1 bao gồm phần mềm ứng dụng miễn phí, một tiêu chuẩn công trình xanh quốc tế và hệ thống chứng nhận công trình xanh dành cho hơn 170 quốc gia. EDGE giúp xác định các giải pháp đầu tư xanh hiệu quả nhất nhằm mang lại nhiều lợi ích lâu dài.

Ba dự án đáp ứng tiêu chí chứng chỉ EDGE đã được trao chứng nhận:

-    Dự án The Terra An Hung của chủ đầu tư Văn Phú Invest đã đạt chứng nhận EDGE giai đoạn Preliminary Certification. Đây cũng là dự án đầu tiên của Văn Phú đạt chứng nhận xanh EDGE với hiệu quả năng lượng 24%, hiệu quả sử dụng nước 27% và giảm phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng vật liệu xây dựng tới 43%.

-    Dự án Ascott International, thành viên của Tập đoàn Capitaland từ Singapore. Theo cam kết của cả tập đoàn về phát triển bền vững, 100% các dự án bất động sản phát triển và vận hành bởi tập đoàn sẽ đạt chứng nhận xanh tới 2030.

-    Tiếp nối thành công của dự án Flamingo Đại Lải, chủ đầu tư Flamingo Group đã tiếp tục lộ trình xanh với dự án thứ hai đạt chứng nhận xanh với EDGE, đó là dự án Flamingo Cát Bà Resort. Dự án đã đạt chứng nhận EDGE ở giai đoạn Thiết kế Preliminary Certification, với mức hiệu quả năng lượng lên tới 29%, hiệu quả sử dụng nước tới 41% và giảm phát thải khí nhà kính từ sử dụng vật liệu tới 29%.

 


Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 157  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...