Ngày đăng 28/03/2021 | 09:29 AM

Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và nội dung kế thừa, lồng ghép trong quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Lượt xem: 342  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và nội dung kế thừa, lồng ghép trong quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU  LONG VÀ NỘI DUNG KẾ THỪA, LỒNG GHÉP TRONG QUY HOẠCH VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 

 

Ths. Trần Thu Hằng

 

        QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – MỤC TIÊU VÀ QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

       Theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050,  Quy hoạch Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

       Phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước.

       Phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, mang đặc thù của vùng ĐBSCL nhằm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng hạ

lưu sông Mêkông, đảm bảo an ninh quốc phòng.

 


   Quan điểm phát triển dựa trên sở bảo vệ, khai thác hợp tài nguyên sinh thái mạng lưới nước trong vùng ĐBSCL: Vùng ĐBSCL không chỉ là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp mà còn là vùng sinh thái quan trọng. Đất và nước là thuộc tính cốt lõi của ĐBSCL, tạo nên cấu trúc không  gian vùng. Quản lý tổng hợp nước có vai trò vô cùng quan trọng trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động thượng nguồn sông Mekong. Định hướng phát triển ĐBSCL thích ứng BĐKH phải dựa trên nền tảng sinh thái và nước. 

    Mạng lưới “Đô thị nông nghiệp” và nông thôn

    Tại vùng châu thổ trù phú này, mạng lưới đô thị phân tán đều khắp và lãnh thổ không có tầng bậc rõ rệt. Các đặc điểm của cả đô thị và nông thôn được kết hợp trong hình thái “đô thị nông nghiệp”, cũng như định cư theo tuyến là cơ sở cho các hoạt động nông nghiệp năng suất cao của vùng.

   Ý tưởng về mô hình phát triển và cấu trúc không gian Vùng

    Phát triển vùng ĐBSCL theo mô hình đa trung tâm với quy mô trung bình trên cơ sở các vùng sinh thái nông nghiệp đặc trưng, phù hợp với phân vùng phát triển kinh tế và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhằm hướng tới nền nông nghiệp đa dạng, có trình độ chuyên môn hóa cao dựa trên công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp. Cụ thể:

    Phát triển hệ thống đô thị trong vùng theo tầng bậc, làm cơ sở hình thành các trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

    Phát triển theo mô hình đô thị nén, hạn chế mở rộng, phát triển đô thị tập trung quy mô lớn và trên diện rộng; không hình thành các vùng đô thị hóa, các dải đô thị hóa liên tục tại các vùng ngập sâu, vùng giữa đồng bằng và vùng ven biển. Thiết lập không gian dành cho nước (trữ nước, điều tiết nước, thấm nước) theo tầng bậc địa hình trong phạm vi cấp vùng và đô thị.

     Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông thủy - bộ gắn liền với quản lý nước tích hợp và cân bằng đào đắp trong xây dựng, phát triển đô thị. Phát triển và bảo vệ các vùng sinh thái, cảnh quan tự nhiên đặc trưng gắn với chuyển đổi vùng sản xuất nông lâm nghiệp và bảo vệ tài nguyên nước trong vùng.

     Phát huy các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp và tầng bậc đô thị

Sáu tiểu vùng sinh thái nông nghiệp: Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, tiểu vùng dọc sông Tiền-sông Hậu, tiểu vùng Tây sông Hậu, tiểu vùng Bán đảo Cà Mau, tiểu vùng ven biển Đông là 6 phân vùng phát triển dựa trên mục tiêu trọng tâm phát triển nông nghiệp đa dạng và chuyên môn hóa cao, công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp theo thế mạnh của từng tiểu vùng.

Quy hoạch vùng ĐBSCL lựa chọn gắn kết phát triển kinh tế vùng với khai thác tiềm năng của 6 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp đặc thù. Mỗi tiểu vùng sẽ hình thành một trung tâm cho các nghiên cứu, kiến tạo và đổi mới các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng  của tiểu vùng, trong đó nhiều trung tâm này chính là thành phố, đô thị trung tâm tỉnh lỵ hiện hữu. Các đô thị này có vị trí chiến lược trong mỗi tiểu vùng, cũng như có kết nối với các tuyến giao thông thủy, bộ chính của vùng.

 


Các thành phố, đô thị trung tâm tỉnh, lỵ đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn kết chặt chẽ với các sản phẩm nông nghiệp mới của mỗi tiểu vùng.

    QUY HOẠCH THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

    Xác  định các khu vực  chịu tác động  ngập  lụt  đến  2050 (NBD+30cm), nghiêm trọng nhất là Đồng Tháp Mười, thứ hai là Tứ giác Long Xuyên.

    Xác định các khu vực chịu tác động xâm mặn đến 2050  (NBD+30cm): Toàn bộ vùng ven biển Đông, hầu hết bán đảo Cà Mau, dải ven biển Tây (hơn 24g/l).

    Phân vùng hình thái đô thị và nông thôn

    Quy hoạch vùng ĐBSCL đề xuất ba hình thái đô thị nông thôn và cảnh quan thích ứng với các điều kiện ngập, xâm mặn do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và tác động thượng nguồn sông Mekong.

     Vùng ngập sâu (phần lớn Đồng Tháp Mười và phần nhỏ Tứ giác Long Xuyên): Kiểm soát ngập trữ nước ngọt, hạn chế phát triển mở rộng đô thị, công trình nổi  hay trên cọc sẽ thích ứng với các điều kiện ngập nghiêm trọng trong tương lai.

    Vùng nước ngọt phù sa (giữa đồng bằng): Tăng chất lượng đô thị tại các khu vực đất cao cùng với cảnh quan sản xuất đa dạng, phát triển đô  thị nén.

    Vùng ven biển (ven biển Đông, biển Tây bán đảo Mau): Vùng ven biển năng động nhưng không mở rộng đô thị quy mô lớn; khôi phục rừng ngập mặn, mở rộng nuôi trồng thủy hải sản bền vững.

    Tầng bậc đô thị

   Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đề xuất tổ chức tầng bậc mạng lưới đô thị theo các hình thái đô thị nông thôn mới, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp và các thách thức BĐKH. Các đô thị trung tâm tiểu vùng sinh thái nông nghiệp có vị trí chiến lược gắn kết với trung tâm đổi mới và giao thông thủy bộ. Các đô thị trung tâm tỉnh lỵ được củng cố vai trò kinh tế xã hội trong mối quan hệ với các tiểu vùng sinh thái.

     Mạng lưới đô thị

     Xác định lại tầng bậc đô thị; Các đô thị được kết nối tốt thông qua mạng lưới đường bộ cùng với việc đề xuất hình thành cảng biển nước sâu tại biển Đông với chương trình lấn biển mới, năng lượng ạch.

    Các đô thị trung tâm tiểu vùng sinh thái nông nghiệp được lựa chọn với những điểm thuận lợi về giao thông thủy bộ, gắn bó chặt chẽ với cảnh quan tự nhiên, sinh thái, có tính đặc trưng cho từng tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, có thể kiến tạo các đô thị có bản sắc rất độc đáo, hấp dẫn du lịch.

Để thúc đẩy sự phát triển của các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, tại các đô thị trung tâm, hình thành các trung tâm đổi mới là trung tâm dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sản phẩm nông nghiệp-thủy sản, bảo tồn sinh thái. Các đô thị này không chỉ đa dạng, khác nhau về đặc trưng cảnh quan tự nhiên, sinh thái, bản sắc văn hóa, lịch sử phát triển mà còn đa dạng về hình thái đô thị và vị trí địa lý.

       Các đô thị trung tâm có sự hỗ trợ của các đô thị trong tiểu vùng ở các mặt khác nhau, tạo thành mạng lưới dịch vụ có tính liên kết trên toàn vùng để phát triển một nền nông nghiệp trình độ cao, thịnh vượng.

       Khuyến khích phát triển đô thị theo hướng phát triển đô thị nén, hạn chế mở rộng dàn trải, không hình thành vùng đô thị hóa, các dải đô thị hóa liên tục tại vùng  giữa đồng bằng (chiếm 54- 56% dân số đô thị toàn vùng) và hạn chế quy mô phát triển của các đô thị tại vùng ngập sâu (chiếm 8-9% dân số đô thị toàn vùng) và vùng ven biển (chiếm 36- 37% dân số đô thị toàn vùng).

Quy mô phát triển đô thị  vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện tự nhiên, sử dụng tài nguyên và đặc thù kinh  tế xã hội của vùng, dễ dàng có các giải pháp thích ứng với các tác động BĐKH nước biển dâng và tác động thượng nguồn sông Mekong.

       Thành phố Cần Thơ có quy mô dân số lớn nhất vùng nhưng được quy hoạch theo cấu trúc chuỗi các khu đô thị nén đan xen với các hành lang không gian xanh, nông nghiệp đô thị và nước.

    ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

    Phát triển nông thôn theo 6 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, hình thái sông nước và sản xuất nông nghiệp - thủy hải sản đặc thù. Tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm đảm bảo chất lượng sống và điều kiện sản xuất cho người dân. Bảo tồn các làng nghề truyền thống, các cộng đồng thiểu số, kết hợp phát triển du lịch.

   Hình thành các hình thái nông thôn thích ứng BĐKH, bảo tồn đa dạng văn hóa, lối sống sông nước: 

    Phát huy lối sống sông nước trong các hình thái dân cư nông thôn thích ứng BĐKH: Tại tiểu vùng ngập sâu, hình thành các cụm dân cư tập trung với hình thái nhà trên cọc; tại tiểu vùng giữa đồng bằng phát triển các khu dân cư tập trung theo hướng hiện đại hóa và tăng mật độ; tại tiểu vùng ven biển hình thành các khu dân cư tập trung theo hình thức các cụm công trình nổi gắn kết với cảnh quan rừng ngập mặn và không gian nuôi trồng thủy hải sản.

    Sự gắn kết giữa cảnh quan, đa dạng văn hóa và hình thái dân cư tạo nên bản sắc nông thôn.

    Xây dựng hình thái nhà ở và công trình thích ứng với lũ lụt, cải thiện không gian ở, không gian sinh hoạt cộng đồng truyền thống gắn với các không gian cảnh quan sản xuất đặc thù của địa phương tại khu dân cư vượt lũ;

    Hạ tầng nông thôn và cung ứng dịch vụ công

    Tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới; xây dựng hạ tầng nông thôn theo hướng kết hợp cải tạo hệ thống hạ tầng cũ với phát triển mới tại các điểm dân cư nông thôn gắn với mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sử dụng các biện pháp tự nhiên như trồng rừng, mở rộng không gian để trữ, điều tiết và thấm nước; tăng cường giao thông thủy; tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm đảm bảo chất lượng sống và điều kiện sản xuất cho người dân. Bảo tồn các làng nghề truyền thống, làng văn hóa, các cộng đồng thiểu số, kết hợp phát triển du lịch.

    Quản lý nước cho sản xuất và sinh hoạt

    Tổ chức trữ nước mưa sinh hoạt cho các quy mô cụm, tuyến và hộ gia đình theo cách thức truyền thống và sinh thái. Tái tạo lại nước ngầm và cân bằng sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt.

   Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

   Phát triển nền nông nghiệp đa dạng trên cơ sở định hướng của các tiểu vùng sinh thái, hướng tới các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao. Sinh kế nông thôn: Mô hình sản xuất nông nghiệp hộ gia đình Phát triển kinh tế hộ gia đình, cộng đồng nông thôn bền vững

    ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN VÙNG

       


   QUY HOẠCH  HẠ TẦNG VÙNG DƯỚI TÁC ĐỘNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

    Giao thông đối ngoại phát triển theo hướng mở

    Phát triển hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy để khai thác kinh tế biển và hợp tác phát triển với tiểu vùng sông Mê Kông. Phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics nhằm giảm giá thành vận chuyển, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế vùng. Giao thông theo trục dọc của vùng gồm 03 tuyến chính: Tuyến cao tốc Tp.HCM – Cần Thơ - Cà Mau; Tuyến đường Hồ Chí Minh đi từ Long An đến Rạch Sỏi; Tuyến QL 1 (Long An) qua QL.60 đến Tp. Cà Mau. Giao thông theo trục ngang của vùng gồm 02 tuyến chính: Tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; Tuyến quốc lộ Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc. Lựa chọn phát triển cảng biển nước sâu của vùng. Việc tập trung tái đầu tư vào các dự án giao thông thủy; xây dựng hạ tầng giao thông thủy,  hoạt động như một hệ thống hoàn chỉnh và tích hợp vẫn là một tiềm năng rất lớn của vùng. Tiềm năng này cần được khai thác tối đa, hiện đại hóa. Đường thủy vẫn là phương thức giao thông thích hợp nhất cho nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Hạ tầng quản lý nước không chỉ là cấp nước, điều tiết nước mà còn là trữ nước, bảo vệ tài nguyên nước. Hạ tầng nước và năng lượng có tác động to lớn sự phát triển bền vững của vùng

        Tổng công suất các nhà máy điện đến năm 2030 là khoảng 24.000MW, so với công suất điện yêu cầu của vùng đến năm 2030 chỉ khoảng 9.600 MW. Hơn 18.000 MW của 14 nhà máy nhiệt điện chạy than theo quy hoạch điện lực: Thách thức to lớn cho việc bảo vệ môi trường sinh thái, gia tăng ô nhiễm môi trường nước, không khí tại vùng ĐBSCL.

        Tóm lại, vùng ĐBSCL có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối, cần có các nghiên cứu, các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ nhằm phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của Vùng.


Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 342  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...