Ngày đăng 28/03/2021 | 02:50 PM

Nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo quản lý của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế

Lượt xem: 636  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo quản lý của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế

NÂNG CAO NĂNG LỰC CÁN BỘ LÃNH ĐẠO QUẢN LÝ 

CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU 

CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ VÀ HỘI NHẬP 

QUỐC TẾ


                                                                          

PGS. TS. Nguyễn Duy Bắc*

                                 *Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


 

BỐI CẢNH TÁC ĐỘNG ĐẾN NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ LÃNH ĐẠO QUẢN LÝ CỦA HỆ THÔNG CHÍNH TRỊ

1. Bối cảnh thế giới

 Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu, khách quan; vừa là quá trình hợp tác để phát triển, vừa là quá trình đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia. Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất trên thế giới đã thúc đẩy xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra nhanh chóng và lôi cuốn các quốc gia, dân tộc tham gia. Toàn cầu hóa có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hợp tác, trao đổi, buôn bán, giao lưu giữa các quốc gia, các nền văn minh, tạo cho các quốc gia khai thác được thế mạnh của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu… Tuy nhiên, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng tồn tại không ít mặt trái, đó là sự chi phối của các nước lớn, các nước tư bản phát triển đối với các nước nhỏ, các nước chậm phát triển; là sự xói mòn những giá trị văn hóa, thách thúc chủ quyền quốc gia dân tộc, làm cho những xung đột lợi ích ở nhiều khu vực trên thế giới diễn ra gay gắt…

Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế vừa tạo ra những điều kiện, cơ hội cho các nước phát triển, mặt khác cũng tạo ra không ít khó khăn, thách thức, đó là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, khai thác những mặt tích cực, vừa hạn chế những mặt tiêu cực để phát triển.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo quản lý phải hiểu biết về tình hình thế giới để thích nghi, khai thác cơ hội, ứng phó với những thách thức. Quá trình này đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý hiểu biết thấu đáo về các luật chơi quốc tế, những tổ chức và cam kết mà Việt Nam tham gia để từ đó góp phần xây dựng, đổi mới hoàn thiện thể chế trong nước. Điều này giúp Việt Nam không bị “lệch pha”, đồng thời biết tự bảo vệ mình thông qua các quy định, luật chơi quốc tế không cấm. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải “có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”, cần nâng cao về các kỹ năng, nhất là kỹ năng về đàm phán, thỏa thuận; ngoại ngữ, luật lệ lễ tân…

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo quản lý phải hiểu biết về

 tình hình thế giới để thích nghi, khai thác cơ hội, ứng phó với những thách thức

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ bùng nổ (công nghệ thông tin, viễn thông, mạng internet,…) và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ, sự hội tụ giữa thông tin, viễn thông và tin học là một xu hướng có tác động mạnh đến yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Công nghệ thông tin phát triển tạo điều kiện cho mọi người tổ chức sự liên lạc với xã hội; internet giúp mọi người tiếp cận lượng thông tin đồ sộ của nhân loại và mỗi quốc gia; sự xuất hiện môi trường mạng (ảo), việc trao đổi qua blog,… hình thành phương thức mới liên kết xã hội trong môi trường mạng xã hội đang đặt ra những vấn đề mới trong công tác lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ, những thay đổi về cách thức giao tiếp trên Internet cũng đặt con người và xã hội gặp nhiều nguy hiểm về an ninh, tài chính, sức khoẻ. Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong các lĩnh vực: Công nghệ gốc, công nghệ nguồn; chính sách và hạ tầng kỹ thuật số; quyền lực mềm, biên giới mềm, an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia... Các phương tiện truyền thông, mạng viễn thông, internet tạo thuận lợi cho giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, đồng thời cũng diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt để bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, an ninh quốc gia và những diễn biến phức tạp trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, đạo đức, lối sống trong nội bộ.

Những yếu tố cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Trên lĩnh vực công nghệ sinh học sẽ tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Lĩnh vực vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano. Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội lớn cho các nước đang phát triển nói chung, trong đó có nước ta có thể rút ngắn quá trình CNH, HĐH bằng cách “đi tắt, đón đầu”, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn. Đây là cơ hội để nước ta nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh của các ngành truyền thống cũng như việc tiếp cận thị trường thế giới trên nền tảng số/internet để tăng trưởng nhanh với giá trị gia tăng cao và bền vững. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ mang lại cơ hội cho nền kinh tế số, kinh tế tri thức, sản xuất và dịch vụ thông minh; các loại hình kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, tài chính, ngân hàng, logistic, robotics… thông minh hóa. Cách mạng công nghiệp 4.0 còn giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, quản lý mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng xã hội. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động truyền thống. Giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với những lao động văn phòng, lao động kỹ thuật giản đơn, lao động giá rẻ. Theo dự báo, 20-25 năm tới, sẽ có từ 70-75% những công việc đơn giản, thủ công sẽ bị thay thế, khiến hàng chục triệu lao động truyền thống có khả năng bị thất nghiệp. Những lao động thủ công trong các ngành dệt, may, lắp ráp, nông nghiệp truyền thống sẽ chịu tác động lớn nhất từ cuộc cách mạng lần này, đòi hỏi Nhà nước ta cần có sự chủ động ứng phó và kiểm soát tốt.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi các cán bộ lãnh đạo quản lý phải nâng cao trình độ về công nghệ thông tin, năng lực quản trị điều hành trong nền kinh tế số, trong điều kiện kết nối toàn cầu, trong xây dựng và vận hành chính phủ điện tử; nắm bắt và dự báo được những xu thế thay đổi của công nghệ… để từ đó định hướng, điều hành cho phù hợp.

 Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, quản lý,

mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

2. Bối cảnh trong nước

Ở trong nước, sự nghiệp đổi mới tiếp tục được đẩy mạnh, tình hình chính trị ổn định, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển mạnh mẽ, an ninh quốc phòng được tăng cường. Các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cơ bản hoàn thành đúng tiến độ; cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đạt một số kết quả tích cực, củng cố niềm tin của nhân dân và được quốc tế ghi nhận. Hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước không ngừng mở rộng, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Ngoại giao Việt Nam đạt nhiều thành tựu mới góp phần phát triển, mở rộng, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia, quan hệ đối tác toàn diện với 11 quốc gia, quan hệ đặc biệt với Lào, quan hệ hợp tác toàn diện với Cam-pu-chia, là thành viên không thường trực HĐBA LHQ, tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tại châu Phi. Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò tích cực, có trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về an ninh, gìn giữ hòa bình, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo…

Chúng ta đang đứng trước yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, kiên trì, kiên quyết giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đặc điểm lớn nhất là chúng ta đang trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội (xây dựng nền dân chủ XHCN và Nhà nước pháp quyền XHCN; đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ, giữa Nhà nước - thị trường - xã hội, giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế, giữa kế thừa, đổi mới và phát triển; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế). 

Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh lây lan nhanh và có nguy cơ bùng phát.

Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và áp dụng chiến tranh “phi quy ước” với những âm mưu, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc.

Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tiềm ẩn. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành và tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Đây là những cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng kích động biểu tình, khiếu kiện, đình công, bất tuân dân sự, gây bất ổn xã hội.

Tình hình thế giới, khu vực và trong nước nêu trên vừa là thời cơ, thuận lợi, vừa là những khó khăn, thách thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Phải làm cho Đảng ta trong sạch hơn, vững mạnh hơn, đoàn kết hơn, và nhân dân ngày càng tin cậy, yêu thương hơn. Có như vậy, mới giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân và xã hội.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự nghiệp đổi mới đất nước đang đặt ra những yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý

YÊU CẦU NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ LÃNH ĐẠO QUẢN LÝ

Sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và trong nước, bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự nghiệp đổi mới đất nước đang đặt ra những yêu cầu mới đối với nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý để đưa đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý ngang tầm với nhiệm vụ đang đặt ra.

Thứ nhất, năng lực về tư duy, sáng tạo: Khả năng phán đoán, phân tích đưa ra những dự báo chiến lược để từ đó định hướng, xây dựng chính sách phù hợp cho sự phát triển của đất nước, địa phương, tổ chức với tầm nhìn xa, đồng bộ, bao quát toàn hệ thống. Dự báo là một trong những khả năng đặc biệt quan trọng trong nhóm năng lực này. Nhà lãnh đạo, quản lý phải học tập, rèn luyện khả năng quan sát, phân tích để dự báo chuẩn xác về tiến trình vận động của sự vật, hiện tượng trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Tư duy chiến lược tốt là cơ sở quan trọng trong hành động để đề ra định hướng, chính sách đúng đắn, kịp thời mang lại hiệu quả cao.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi các nhà lãnh đạo quản lý không chỉ nắm vững tình hình trong nước mà còn hiểu biết sâu rộng về tình hình thế giới, am hiểu về luật pháp quốc tế, có ngoại ngữ, am hiểu công nghệ thông tin, có tư duy đổi mới, sáng tạo, ủng hộ các ý tưởng, sáng kiến mới, nắm bắt những công nghệ mới, cách thức quản trị hiện đại, nhạy bén với các sự kiện, nhạy cảm với các thông tin để ra quyết định trong mọi tình huống.

Thứ hai, nhóm năng lực tổ chức: Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi người lãnh đạo quản lý phải có khả năng lập kế hoạch định hướng sự phát triển trên cơ sở tầm nhìn chiến lược, thiết kế cơ cấu tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự, phân công, trao quyền, thiết lập các hệ thống, quy trình quản lý, giám sát trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, đánh giá việc thực thi, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chính đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Đây chính là năng lực điều hành, điều phối, gắn kết các bộ phận, đơn vị, cá nhân trong một tổng thể thống nhất, hướng tới mục tiêu chung.

Năng lực về quản trị: Nhất là quản trị hệ thống, quản trị dựa trên sức mạnh của công nghệ. Cuộc cách mạng 4.0 tác động đến chức năng của Nhà nước, chuyển từ quản lý và cung cấp các dịch vụ công sang chức năng định hướng, dẫn dắt sự phát triển xã hội, kiểm soát sự phát triển xã hội sao cho sự phát triển xã hội phù hợp với quy luật khách quan. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quan lý phải thay đổi về nhận thức, tư duy, cách thức trong lãnh đạo, điều hành cho phù hợp với bối cảnh mới. Sử dụng lợi thế của công nghệ thông tin, thành tựu mới của khoa học công nghệ hiện đại để tổng hợp, sử lý các thông tin làm cơ sở đưa ra quyết định; am hiểu về cách mạng 4.0, về công nghệ thông tin, có khả năng kết nối hệ thống, tương tác với các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp thông qua các công cụ công nghệ.

Thứ tư, nhóm năng lực khuyến khích, tạo động lực làm việc: Khả năng gây ảnh hưởng, truyền cảm hứng; khả năng thấu hiểu các nhu cầu, nguyện vọng để tạo động cơ thúc đẩy tất cả và từng thành viên nỗ lực hành động; khả năng xây dựng hình ảnh cơ quan công quyền, đội ngũ công chức, công bộc của dân, tạo dựng lòng tin vào uy tín, năng lực của nhà lãnh đạo quản lý để thu hút, quy tụ các lực lượng, các tài năng đóng góp sự phát triển đất nước, đại phương, cơ quan tổ chức.

(Còn tiếp kỳ sau)

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 636  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...