Ngày đăng 25/05/2021 | 11:39 AM

Phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức

Lượt xem: 678  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức

 

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TRONG THỜI KỲ

CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 – CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC


TS. Lê Hữu Toàn*

*Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

 

TÁC ĐỘNG CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 ĐẾN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CỦA VIỆT NAM

Hiện nay, trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam đang trong thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), vấn đề nguồn nhân lực được xem là khâu đột phá, phát triển nguồn nhân lực trở thành nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia. Với lợi thế đang trong thời kỳ dân số vàng, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay sẽ có những lợi thế riêng nhưng cũng có những thách thức đáng kể trong thời kỳ CMCN 4.0.

     Thực trạng nguồn nhân lực của Việt Nam

Việt Nam có quy mô dân số trên 96 triệu người, đứng thứ 14 thế giới, thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Theo Báo cáo Điều tra Lao động việc làm quý 4/2017 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam ước tính khoảng 55.1 triệu người, chiếm khoảng 57% tổng dân số. Như vậy, Việt Nam có nguồn nhân lực tương đối dồi dào, và đang trong thời kỳ dân số vàng. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi của Việt Nam trong thời kỳ CMCN 4.0. Với số lượng nhân lực đông, dồi dào thì chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo của Việt Nam cũng có thể được xem là thế mạnh trong quá trình CMCN 4.0.

Mặc dù nguồn nhân lực Việt Nam luôn được Nhà nước quan tâm sâu sắc bằng những định hướng phát triển, có thể kể đến như: Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020 (Quyết định số 597/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ); Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt nam thời kỳ 2011-2020 (Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ), tuy nhiên, tính cụ thể và hiệu quả thực thi những chủ trương, chính sách này vẫn chưa cao. Lực lượng lao động của Việt Nam tuy dồi dào nhưng chủ yếu là lao động tay nghề thấp, trong đó, số lao động làm các nghề giản đơn chiếm tỷ lệ cao nhất (37 - 40%), tỷ lệ lao động làm công việc chuyên môn kỹ thuật bậc cao chỉ dao động trong khoảng 6 - 7% (Xem bảng 2). CMCN 4.0 với những công nghệ mới được tạo ra, đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Điều này là thách thức rất lớn đối với nguồn nhân lực ở mỗi quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. 

Đổi mới giáo dục phổ thông  để chuẩn bị nguồn nhân lực cho CMCN 4.0 trong tương lai

Tác động của CMCN 4.0 đối với việc phát triển nguồn nhân lực

CMCN 4.0 trước tiên sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất và có thể tạo ra sự bất công lớn hơn, đặc biệt là gây ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa, điều này làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và lợi nhuận so với sức lao động.

Trong khi sự đổi mới công nghệ thường dẫn đến năng suất cao hơn và thịnh vượng hơn thì tốc độ thay đổi cũng sẽ tạo ra một áp lực lớn do sự dịch chuyển của nguồn lực lao động. Người lao động tại các nhà máy trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có những việc làm mới với các yêu cầu khác và trong một môi trường làm việc hay cách tổ chức không còn giống như hiện nay.

CMCN 4.0 cũng đặt ra những yêu cầu mới về kỹ năng của người lao động. Những kỹ năng của người lao động có thể được phân thành 3 nhóm: Một là các kỹ năng liên quan đến nhận thức; hai là các kỹ năng về thể chất; ba là các kỹ năng về xã hội.

Trong đó, các kỹ năng liên quan đến nhận thức bao gồm: Tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tự phê bình (self-reflection); khả năng sáng tạo tri thức, hay chiến lược học tập.

Các kỹ năng về thể chất bao gồm: Kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng về cuộc sống, kỹ năng số.

Các kỹ năng về xã hội bao gồm: Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ, ứng xử. Trong cuộc cách mạng sản xuất mới, khi tri thức tồn tại khắp nơi, xuất hiện trong mọi mặt của cuộc sống và hoạt động sản xuất, việc áp dụng những kiến thức chúng ta được học trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với bản thân những kiến thức đó.

Ngoài ra, khi hằng ngày hằng giờ đều có những thay đổi về mặt công nghệ, ảnh hưởng đến đời sống thì khả năng thích ứng và khả năng giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, sáng tạo là những chìa khóa để người lao động thành công trong thời đại mới.

Hơn nữa, xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu cũng yêu cầu người lao động có những kỹ năng mang tính toàn cầu hơn. Cụ thể, để cạnh tranh trong thời đại mới, người lao động cần sử dụng được nhiều hơn một ngôn ngữ, những kỹ năng xúc cảm cũng cần được phát triển để người lao động có thể làm việc trong môi trường đa quốc gia với các đồng nghiệp đến từ nhiều nơi trên thế giới.  

 

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức

 về tầm quan trọng của CMCN 4.0 đối với sự nghiệp phát triển của đất nước

Tác động về việc làm

Mỗi cuộc CMCN diễn ra đều dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu nguồn nhân lực, việc làm. Và cũng giống như ba cuộc CMCN trước đó, CMCN 4.0 có tiềm năng đem lại nhiều lợi ích cho người lao động thông qua việc tăng năng suất lao động dẫn tới tăng thu nhập, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới được ra đời giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, và đặc biệt là việc mở cửa thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm mới.

CMCN 4.0 với sự xuất hiện của công nghệ cao, máy móc thông minh, robot có trí tuệ nhân tạo... sẽ tác động làm thay đổi lớn đến thị trường lao động và việc làm trên nhiều góc độ khác nhau. Cung - cầu lao động, cơ cấu lao động, và bản chất việc làm đều sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những lĩnh vực dựa vào lao động thủ công, những ngành nghề gắn với quá trình tự động hóa sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, những lĩnh vực như dệt may, da giày, điện tử hay những lĩnh vực mà chúng ta sử dụng nhiều lao động sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, các thao tác như cắt, may thì máy móc đều có thể thay thế được. Công nghệ 4.0 có thể làm việc liên tục 24/24h, robot có thể thay thế đối với ngành lắp ráp điện tử, tư vấn, chăm sóc khách hàng sẽ được trả lời bằng robot tự động. Hay như trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ có robot nông nghiệp, người nông dân thay vì phải làm việc trên cánh đồng thì giờ đây sẽ trở thành những người quản lý ngay cánh đồng của mình. Như vậy, tác động của CMCN 4.0 đối với việc làm sẽ là sự dịch chuyển từ sản xuất thâm dụng lao động sang thâm dụng tri thức và thâm dụng công nghệ.

Theo dự báo của Liên hợp quốc, sẽ có khoảng 75% lao động trên thế giới có thể bị mất việc làm trong vài thập niên tới. Còn một nghiên cứu khác của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á đứng trước nguy cơ mất việc vì robot. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ CMCN 4.0. Cũng theo dự báo của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong tương lai, một số ngành nghề ở Việt Nam sẽ biến mất do tác động của cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, tích cực hơn, CMCN 4.0 sẽ tạo thêm ngành nghề, việc làm mới mà người máy hay robot không thể đáp ứng được, điều đó đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng, trình độ cao mới có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Theo dự báo, tới năm 2025, có tới 80% công việc sẽ là những công việc mới mà chưa từng có ở thời điểm hiện nay.

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC ĐÁP ỨNG CMCN 4.0 THEO CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA

Mở rộng, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo Đại học trong các ngành đào tạo phục vụ CMCN 4.0

Áp dụng các giải pháp sáng tạo để tăng nhanh số lượng và chất lượng các                                           chương trình đào tạo về công nghệ thông tin (CNTT), nhất là các chuyên ngành: An ninh mạng, Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, Chuỗi khối, Truyền thông và giải trí, Mô hình hóa (simulation), Tự động hóa, Điều khiển học…; điều chỉnh giáo trình và rút ngắn thời gian đào tạo của một số chương trình Đại học chuyên ngành kỹ thuật; tập trung đào tạo kỹ năng chuyên sâu kết hợp với thực hành, gắn với nhu cầu thị trường; xây dựng các chương trình đào tạo Cao đẳng, Đại học theo hướng đa ngành để đào tạo kỹ năng tổng hợp gồm kỹ thuật số - chế tạo - quản trị.

Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành, tăng kỹ năng tiếng Anh và kỹ năng giải quyết công việc thực tế.

 Điều chỉnh cách đánh giá các trường Đại học theo hướng bổ sung tiêu chí nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của giảng viên và sinh viên.

 Tăng đầu tư ngân sách và đổi mới cách thức quản lý đầu tư cho nghiên cứu phát triển trong trường Đại học theo hướng ưu tiên dự án có kết hợp giữa trường Đại học, Viện nghiên cứu và doanh nghiệp; công khai các kết quả nghiên cứu để tăng trách nhiệm giải trình của các bên liên quan.

Giao chỉ tiêu cụ thể về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục Đại học cho các trường Đại học công lập, gắn kết quả với khen thưởng và bổ nhiệm lãnh đạo trường Đại học.

Đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo Đại học, kết hợp với tăng cường giám sát cộng đồng và nâng cao trách nhiệm giải trình, tạo áp lực để các cơ sở đào tạo cạnh tranh, nâng cao chất lượng đào tạo; ưu tiên thực hiện với các ngành nghề kỹ thuật cần thiết cho CMCN 4.0.

Khuyến khích trường Đại học, Viện nghiên cứu thành lập hoặc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tạo động lực cho nghiên cứu trong trường Đại học, Viện nghiên cứu, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo. 

Tập trung xây dựng một số trung tâm đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0

Thành lập một số trung tâm đào tạo xuất sắc theo hình thức công lập hoặc nhà nước và tư nhân cùng đầu tư để đào tạo các chuyên gia trong một số ngành, lĩnh vực cốt lõi của CMCN 4.0, bao gồm Trí tuệ nhân tạo, Phân tích dữ liệu lớn, Chuỗi khối, Internet vạn vật, robot thông minh, v.v.

 Đầu tư nguồn lực nhà nước và kêu gọi các trường Đại học, Viện nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu thế giới đến hợp tác đào tạo, nghiên cứu với các trung tâm này.

Khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư hoặc đóng góp kinh phí xây dựng và hoạt động cho các trung tâm.

Mở rộng, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo nghề phục vụ CMCN 4.0 và hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho chuyển đổi công việc

 Xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng cần thiết trong mô hình kinh doanh mới cho người lao động với hình thức phù hợp để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sản xuất và việc làm; Nhà nước hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và người lao động tham gia các chương trình đào tạo này.

Tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo nghề liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở các ngành đào tạo cần thiết, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của CMCN 4.0.

Khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề liên kết với các doanh nghiệp tổ chức các chương trình đào tạo bổ sung kỹ năng, nâng cao kỹ năng cho người lao động, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi công nghệ; Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho người lao động có nhu cầu đào tạo kỹ năng mới để chuyển đổi công việc.

Rà soát, sửa đổi, cắt giảm các quy định về điều kiện thành lập cơ sở đào tạo ngoài công lập để khuyến khích và tạo thuận lợi cho tư nhân trong nước, nước ngoài tham gia đào tạo nghề nghiệp, thúc đẩy việc thành lập các cơ sở đào tạo nghề trong các lĩnh vực công nghệ 4.0, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng lao động có kỹ năng cần thiết cho CMCN 4.0.

 Trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo nghề, kết hợp với tăng cường giám sát cộng đồng và nâng cao trách nhiệm giải trình, tạo áp lực để các cơ sở đào tạo cạnh tranh, nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên thực hiện với các ngành nghề kỹ thuật cần thiết cho CMCN 4.0.

Đổi mới giáo dục phổ thông để chuẩn bị nguồn nhân lực cho CMCN 4.0 trong tương lai

Điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông theo hướng giảm thời lượng các môn học thuộc, nâng cao kỹ năng tiếng Anh và công nghệ thông tin, tăng thời lượng cho các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán (STEM). 

Đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng thực hành, nhất là về công nghệ thông tin và kỹ thuật chế tạo.

  Đưa nội dung đào tạo khởi nghiệp sáng tạo vào chương trình Trung học phổ thông để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong lớp trẻ.

  Xây dựng chương trình thực tập trong các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để học sinh trung học phổ thông tiếp cận sớm với công nghệ và mô hình kinh doanh của CMCN 4.0. Nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ số trong dân cư.

 Chính quyền các cấp bố trí ngân sách hỗ trợ các thành phần dân cư tham gia các chương trình đạo tạo kỹ năng số; tận dụng cơ sở vật chất của các trường phổ thông, cơ sở đào tạo nghề, điểm văn hóa cộng đồng để tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng số ngắn hạn cho người dân. 

Xây dựng các khóa học đại trà trực tuyến để đào tạo các các công nghệ số cho các đối tượng cho nhu cầu, cung cấp trên internet và các thiết bị di động với chi phí hợp lý.

Xây dựng mạng lưới nhân tài công nghệ

Phát triển các mạng lưới trí thức, nhân tài để tập hợp sức mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sử dụng các trí thức, nhân tài trong các dự án nghiên cứu phát triển và hoạt động thẩm định, đánh giá, lựa chọn các đề tài khoa học, các dự án nghiên cứu phát triển để Nhà nước đầu tư, tài trợ. 

 Xây dựng chính sách đột phá, thiết thực để thu hút các chuyên gia công nghệ người Việt và thế giới tham gia các hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam, kết nối họ với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các dự án nghiên cứu, và các doanh nghiệp công nghệ trong nước để khai thác sức mạnh tri thức của người Việt Nam và thế giới.

Đào tạo nhân lực quản lý nhà nước trong thời đại CMCN 4.0

 Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của CMCN 4.0 đối với sự nghiệp phát triển của đất nước; quán triệt tư duy quản lý mới trong trong bối cảnh công nghệ và mô hình kinh doanh thay đổi nhanh chóng dưới tác động của CMCN 4.0.

 Đào tạo, cung cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kỹ năng làm việc cần thiết để họ thực hiện nhiệm vụ trong môi trường số; đưa các nội dung về tư duy và kỹ năng số trở thành nội dung đào tạo bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cấp. 

Xây dựng mạng lưới chuyên gia công nghệ hàng đầu hỗ trợ phát triển công nghệ tiên tiến trong nước

 Tập hợp, liên kết các chuyên gia công nghệ hàng đầu người Việt và thế giới, kết nối họ với doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và cộng đồng công nghệ trong nước để hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong nước.

Phân bổ ngân sách cho các dự án hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước với các chuyên gia công nghệ tham gia mạng lưới; giao quyền lựa chọn dự án cho một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước; đơn giản hóa thủ tục, quy trình quyết định tài trợ để khuyến khích các chuyên gia tham gia các dự án này. 

Hàng năm tổ chức hoạt động gặp mặt, trao đổi chuyên môn và thu thập ý kiến chuyên gia về các chính sách phát triển công nghệ và kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

1. Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030

2. Osman Bayraktar, The Effects of Industry 40 on Human Resources Management,  https://www.researchgate.net/publication/329706763

3.Saqib Shamim, Shuang Cang, Hongnian Yu, Management approaches for Industry 40 A human resource management perspective, https://www.researchgate.net/publication/311251654

 

Tạp chí xây dựng và đô thị
Lượt xem: 678  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...